Văn hóa Huế | Homepage

Về Huế

🕔16.Jul 2015

Mẹ già như chuối bà hương
Như xôi nếp một như đường mía lau
Chiều chiều xách rổ hái rau
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chìu

(Hò ru em)

Ngày Mẹ mất: 18-9 Nhâm Thân,1992.

 

Mỗi lần nghĩ đến Huế, tôi không biết mình đang về với Huế hay Huế đang về trong tôi.

Những con nhà Huế khác, thường nhớ Huế với nguồn tình cảm miên man, sụt sùi và sướt mướt, nhưng Huế riêng tôi vừa là quê mẹ đi để mà nhớ, vừa là di lụy trong suốt cả một đời.  Khi tôi đi giữa Huế thì khơi vơi như đang lạc giữa quê người; khi tôi đi giữa xứ người lại ngỡ ngàng như đang xăm xăm bước vô Thành Nội. Khi tôi cố quên Huế thì Huế lại hiển hiện trong tôi, dịu dàng như một bà mẹ hiền và bâng khuâng như người tình cũ cười ngậm ngùi vì chợt nhớ về dĩ vãng. Khi tôi nhớ Huế thì Huế chỉ còn là một bóng dáng êm đềm mất hút rất xa xăm.

 

Nếu không có năm 1975, có lẽ suốt đời tôi sẽ không biết rõ Huế đã về trong tôi tự bao giờ, một cách âm thầm nhưng tự nhiên và mãnh liệt như nỗi đau khi nửa đêm ở Mỹ, nghe điện thoại báo tin mẹ mình vừa mất ở quê hương. Không có năm 1975, tôi sẽ không bao giờ Về Huế. Dù tôi có vào tận Sài Gòn thì cũng mới chỉ là Ra Huế. Có ra Hà Nội thì rồi cũng Vô Huế. Có về làng với mẹ thì cũng sẽ Qua Huế. Và, có xuống tận biển Thuận An thì cũng sẽ Lên Huế mà thôi. Còn với người khách lạ viễn phương thì cũng chỉ Tới Huế là cùng.

 

Năm 1992, tôi Về Huế sau 10 năm xa cách.

Hình như trong tình cảm Việt Nam, mỗi mười năm là một đơn vị thời gian đo lường sự thử thách, lòng chung thủy, sức gắn bó, cách nhìn đời, lối suy nghĩ của một người bình thường trong tình đời, tình người, tình yêu, tình bạn và tình cố xứ xa xăm. “Mười năm không gặp tưởng chừng như đã…” Có khi đã tan tác như mười năm của Vũ Hoàng Chương:

Tay gõ vào bia mười ngón rập
Mười năm theo máu hận trào rơi
Học làm Trang Tử thiêu cơ nghiệp
Khúc Cổ bồn ca gõ hát chơi

 ***

– Thưa quý ông, quý bà! Tôi là trưởng phi công Chang. Trong vòng 15 phút nữa, máy bay sẽ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, Việt Nam. Thời tiết hôm nay là 90 độ F, gió Tây Nam 25 dặm mỗi giờ…

Sau thông báo của viên hoa tiêu điều khiển chiếc máy bay Philippines Air Lines, tôi bỗng choàng sực tỉnh: Trời ơi! tôi đang về Việt Nam, tôi đang về Huế! Đã 10 năm Huế sống trong tôi nhưng chỉ lãng đãng và mơ hồ như một cơn mộng du thôi. Chừ dưới cánh máy bay là quê hương tôi, là Việt Nam, là Huế đó. Tôi soát xét lại giấy tờ. Cái thẻ thông hành mới toanh tôi vừa xin tháng trước, sau khi được chấp nhận và tuyên thệ vào quốc tịch Mỹ, hiện rõ nét như một thoáng tự tin cay đắng: Nationality/ Nationalité: United States of America – Quốc Tịch: Hoa Kỳ. Tôi kêu lên nho nhỏ: “Mẹ ơi!” Và bỗng dưng muốn được ôm mẹ mình oà lên khóc. Tôi sợ phải nhìn lại bóng mình trong đó. Thằng con xứ Huế một thuở hào khí ngất trời sao ba mươi năm sau lại biến thành công dân nước Mỹ vì quê hương và lịch sử đã sang trang. Tôi đã cố nán lại suốt mười năm không vào quốc tịch Mỹ. Nhưng bên kia có tiếng gọi của mẹ già, bên nầy có bàn tay âu lo níu kéo của gia đình và trách nhiệm. Tôi phải chọn lựa: “Muốn về Huế thăm mạ, anh phải vô quốc tịch Mỹ trước đã em mới dám để anh đi. Lỡ họ có bắt anh lại, em còn dựa vào chính phủ Mỹ để tranh đấu cho anh qua”. Quê hương ơi! Tha thứ cho tôi. Lòng chung thủy đành cúi đầu để sống. Tôi muốn sống trọn vẹn cho quê hương, nhưng cũng phải sống cho tôi và sống cho những cuộc đời khác nữa. Khi giữa những  người anh em đã hết tin nhau thì lý thắng tình,  cái đầu lạnh lùng sẽ mọc trên trái tim nồng cháy.

 

Làm sao quên được khi lần đầu tiên trong đời tôi lái chiếc xe Lam chở khách Huế – Bao Vinh vào mùa Đông năm 1977. Xe vừa qua khỏi ngoẹo Sông Đào là xẹp bánh. Tôi ướt đẩm trong cơn mưa héo úa mùa Đông và cái lạnh tím môi của Huế để cố thay vỏ xe trong lúc hành khách sợ ướt rút mình co cụm nhau trong chiếc xe nhỏ bé. Bỗng một thanh niên với khuôn mặt có vẻ rám nắng phong trần nhảy xuống xe, cầm tay tôi lại, nói với giọng đầy xót xa:

– Thầy!  Thầy ơi!  Răng thầy tội rứa?

 

Vừa nói, người thanh niên vừa giành lấy cần bẩy trên tay tôi để thay giúp vỏ xe. Sau đó, tôi tìm hiểu thêm và biết đây là Thắng, người học trò cũ trường Nguyễn Tri Phương đã nghỉ học đi thanh niên xung phong mới về thăm nhà. Tôi không dám nhìn thẳng vào mặt Thắng vì sợ bắt gặp ánh mắt thương hại, trong khi Huế đã dạy tôi rằng, hãy thương mến hay thương yêu, đừng thương hại. Nếu tình huống nầy xẩy ra bất cứ ở đâu ngoài Huế, có lẽ tôi sẽ thấy bình thường. Nhưng cái xứ Huế quê mẹ của tôi không phải là đất dung thân cho những đứa con bị đời xé toang rách nát, phải cúi mặt gục đầu.  Tôi bị đuổi dạy ra khỏi trường Đồng Khánh vào mùa tựu trường năm 1977 chỉ vì muốn yêu mình và quê hương theo cách riêng của mình, không chịu dễ dãi hòa vào đám đông.  Khi cầm quyết định thải hồi trên tay, đôi mắt thương hại nhìn tôi gần như muốn khóc đầu tiên trên sân trường phượng đỏ là đôi mắt của anh Châu Trọng Ngô.  Từ ấy, tôi không dám nhìn Huế, không dám nhìn bạn bè phường trên xóm dưới. Hai đứa cãi nhau là cãi lộn; hai đứa gây nhau là gây bậy, không có cãi đúng, không có gây phải.  Cả hai đều đáng tội đánh đòn, quỳ xơ mít, không cần giải thích lôi thôi. Huế của tôi là thế đó. Huế kỳ cục.  Huế dạy cho tôi dám nhìn thẳng nhưng đừng nhìn ai khi sa cơ thất thế cho đến khi vươn lên trong cô đơn và tự đứng vững trên đôi chân cứng cáp của chính mình.  Huế đài các.  Huế bắt tôi phải ray rức vì không được làm thầy với đồng lương giáo sư đệ nhị cấp 75 đồng mỗi tháng hơn là lái xe Lam kiếm được cả mấy trăm bạc một ngày hay buôn bán ở chợ trời kiếm bạc ngàn mỗi lần “trúng mánh”.  Sài Gòn, Hoa Thịnh Đốn, Nữu Ước, Ba Lê và có lẽ cả Hà Nội nữa, không hiểu nổi và sẽ chế nhạo cái lý tưởng lãng đãng khói sương và thiếu thực tế của Huế.

 

Huế ơi! Huế khó khăn như một bà già trầu. Huế thích nghe chuyện Đi Chùa Hương của thiên hạ, nhưng lại không thích con gái của mình mới 15 tuổi đã “lưng đeo giải yếm đào, quần lĩnh áo the mới…” như cô bé đi chùa Hương trong Truyện Ngày Xưa của Nguyễn Nhược Pháp.

Huế cũng khó khăn như một ông già nệ cổ, thích con mình thà đậu tú tài mà về làm thuê còn hơn là lên hàng phú ông mà đánh vần xuôi chưa được, vần ngược chưa  xong.

Huế lãng mạn bão liệt như sóng ngầm, nước xoáy. Huế trân quí chị Hoàng Thị Kim Cúc, người yêu đầu đời của Hàn Mặc Tử, một nàng thơ, một giáo sư độc thân suốt đời của trường Đồng Khánh. Cứ yêu một người. Im lặng. Chịu đựng. Nhắm mắt xuôi tay, ra đi trong cô đơn như người yêu của mình. Huế cười nửa miệng kiêu bạc với Jacqueline Kennedy, một đệ nhất phu nhân tiếng tăm lừng lẫy, lại đi tái giá với vua tiền Onassis.

Huế ơi! Huế không công bằng chút nào hết!

Tôi đang trở về với mảnh đất “không công bằng” đó.

Huế đối với những người con của Huế cũng giống như Việt Nam đối với những người con Việt Nam. Đất nước, quê hương không phải chỉ là hoàng thành, là lăng tẩm, là thái miếu, là núi rừng hay danh lam thắng cảnh.  Đất nước trước hết là mẹ già ngồi chờ con trên bộ phản kê bên khung cửa của căn nhà lá đơn sơ. Tổ quốc là người cha già lưng còng tóc bạc ngồi trông con mòn mỏi từng giờ. Tôi có niềm thâm tín rằng, những người nói yêu tổ quốc mà không yêu cha mẹ, chẳng lưu luyến với hàng tre, phố chợ, cổng làng thường là những người mắc bệnh ngụy tín, nghĩa là tưởng lầm mình bỗng dưng do tự nhiên sinh ra, vươn vai Phù Đổng mà khôn lớn.  Rồi từng bước, từng ngày biến ảo tưởng của mình thành sự thật. Họ không có được niềm hạnh phúc vô biên và trẻ thơ được ngủ say trong tiếng ru “à, ơi” của mẹ; hay đã quên đi giọt sữa đầu đời như quên đi phải có một ngọn thác trên nguồn cho dòng sông quê hương lớn dậy.

Huế đối với tôi là Bà Mẹ Quê của tôi. Mẹ tôi tuổi 90, da mồi tóc bạc, là Huế, là một phần linh hồn tổ quốc của tôi. Tôi chưa có đủ bản lãnh tình cảm để tưởng tượng ra rằng, ngày tôi về quê không có Mẹ.

 

Chiếc máy bay lượn vòng, xuống thấp, xé rừng mây trắng như bông để vào vùng trời Việt Nam. Từ sau khung cửa hẹp, bờ biển quê hương cong cong, nước xanh viền cát trắng hiện rõ dần. Xa tít mù dưới kia là sông núi ruộng đồng của nước tôi. Những con đường mòn mang đầy tình tự và những mái nhà tranh ấp ủ thương yêu… Tôi nghe như có tiếng thổn thức đâu đây của cậu bé An Di thuở Tâm Hồn Cao Thượng của Edmond De Amicis và Hà Mai Anh: “An Di ơi! Bây giờ con còn bé, con chưa hiểu thế nào là lòng yêu nước. Rồi ra con sẽ biết.  Khi con du lịch ở xứ xa về, một buổi sáng đứng tựa bao lơn tàu, thấy dãy núi xanh của xứ con lờ mờ hiện ra. Bấy giờ con sẽ thấy trào lệ cảm ở lòng con dâng lên và miệng con sẽ thốt ra những tiếng kêu mừng rỡ… “. Tôi cảm thấy mình như cậu bé An Di, không phải một cậu bé An Di đi du lịch xa mới về, mà là một cậu bé đã bỏ quê hương mà đi từ mười năm trước, ngỡ là mình đã lạc chính mình như Đông Trình ngồi lại trên quê hương mà vẫn lạc. “Nửa đời lạc phố lạc nhà. Lạc sông lạc núi lạc ta lạc mình…”

Tiếng vỗ tay của những kẻ tha hương về cố xứ nổi lên khi bánh máy bay vừa chạm xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Đã nhiều lần đi trên chiếc Boeing 727, bánh chạm đất từ Huế vào Sài Gòn hồi trước năm 1975, tôi chưa bao giờ có được một phần ngàn cái cảm giác nao nức như bây giờ.

 ***

Sài Gòn tháng 12 nhiều nắng quá. Tôi cố thản nhiên mà vẫn run. Rời máy bay, đi bộ tới chiếc xe buýt đang chờ, thật tình tôi muốn ôm hôn mặt đất nhưng lại sợ giống mấy ông hề chính trị nên mắt chỉ nhìn quanh và chân vẫn tiếp bước cùng với đoàn lưu dân trở lại quê nhà. Quang cảnh phi trường Tân Sơn Nhất vẫn không có gì đổi khác so với 20 năm về trước. Vẫn là những con đường xe đi nhỏ hẹp xù xì lô nhô đá sỏi. Vẫn là những bãi cỏ hoang, khô vàng phất phơ trong nắng gió. Vẫn là những cái lô cốt đổ mái lỗ chỗ dấu đạn bom. Nếu không có những người cán bộ hải quan đội mũ cát két vải vàng, viền đỏ thẳng băng như cắt bằng gỗ thì có lẽ tôi đã quên mất hơn mười lăm năm tôi mới trở lại nơi nầy.

Tôi lại đi lang bạt giữa đường phố Sài Gòn như những chiều bát phố ngày xưa. Một cảm giác “thuộc về” làm tôi thoáng ngỡ ngàng và cảm thấy lòng mình ấm lại. Tôi thuộc về vùng đất nầy và vùng đất nầy cũng thuộc về tôi như cụm rau muống thuộc về cái ao và cái ao thuộc về cụm rau muống, trôi sông lạc chợ về đâu cũng vẫn không quên ngoái về chân trời cũ. Nơi đó có những khuôn mặt má hóp thân quen; nơi có tiếng nói thô thiển hay bóng bẩy đến cỡ nào tôi cũng hiểu được; nơi không ai nhìn tôi như một người xa lạ; nơi có những bác phu xe già cũng khật khà nói chuyện vui tai.

Đã bao năm rồi tôi mất cái cảm giác “thuộc về” khi bước đi dửng dưng giữa những thành phố nguy nga, đồ sộ, tân kỳ của nước người. Cho dù sống mười năm hay vĩnh viễn một đời cũng khó mà thuộc về một đất nước nào khác trọn vẹn như ở trên chính quê hương đất nước của tôi.

Đi qua nhà thờ Đức Bà, nghe tiếng chim sẻ thật thân quen tôi bỗng bật cười khi nhớ bé Quan Thư có lần hỏi: “Con chim sẻ của Mỹ có hiểu được tiếng kêu của con chim sẻ Việt Nam không ba hè?”.  Bên trời Cali ngày đó tôi ngậm ngùi yên lặng, nhưng nếu giữa trời Sài Gòn hôm nay tôi cũng sẽ ngậm ngùi trả lời rằng, những con chim sẻ chắc sẽ hiểu nhau vì tiếng nói của nó là tín hiệu. Chỉ có tiếng nói của con người là nhiều khi khó hiểu nhất vì nó không chỉ đơn thuần tín hiệu mà còn là vũ khí của tình cảm và tư duy. “Khi vui tiếng nói cũng vui. Khi buồn ca xướng à ơi cũng buồn.”. Khi thù hận,  ngôn ngữ trở thành tiếng rít của cuồng phong làm kinh động bầu trời âm thanh nguồn cội của con người từ buổi nguyên sơ. Ngôn ngữ mà vắng bóng tâm tình và yêu thương thì rất dễ thành tiếng gào, tiếng rú. Bé ơi! Con cứ nói tiếng nói của quê hương bằng những lời phát ra từ trái tim nhân ái và trong sáng của con đi. Nếu không bây giờ thì mai kia, mốt nọ các bác, các chú, các cô, các dì, các anh, các chị quanh con sẽ gật đầu nhận hiểu.

Cũng chiều nắng như thế nầy mà khi đi giữa đại lộ số 5th của Nữu Ước tôi thấy mình nghèo xơ rơ và lạc loài như kẻ không nhà, ngực đè nặng vì bị bao vây bởi những tòa nhà chọc trời cao ngút mắt. Sự giàu sang, hoa lệ vẫn là của họ. Chiều nay đi giữa đường phố Lê Lợi, Sài Gòn, tôi lại cảm thấy không giàu mà cũng chẳng nghèo nhưng thanh thản như đang đi vào khu vườn cũ nhà hương hỏa của tổ tiên mình để lại, không nguy nga tráng lệ thì cũng của mình.

Lượng người và xe hai bánh trên đường phố Sài Gòn cuồn cuộn khắp các con đường lớn phức tạp như những giòng nước lũ đầu mùa mưa. có lẽ không có thành phố lớn nào trên thế giới xe và người lại cặp kè, chạm nhau gần gũi đến mức có thể “thiến” mất giò của nhau lúc nào không hay. Sài Gòn thời nào cũng dễ dãi, cởi mở một cách đáng yêu như bản chất xuề xòa và nhân hậu của người dân miền Nam. Bởi vậy, người phương xa tới ở thường dễ bị “Sài Gòn hóa”. Trong lúc đó Hà Nội kỷ cương và sâu kín, Huế thâm trầm mà bão liệt, nhưng cả hai đều không đủ chất men để “Hà Nội hóa” hay “Huế hóa” con người – những con người Việt Nam bình thường -“khi nên tay kiếm tay cờ, không nên thì cũng chẳng nhờ cậy ai”. Bởi vậy, giống Hà Nội mà mọc ở đất Sài Gòn năm 1954 đã thành những cây đại thụ sum sê cành lá rất nhanh. Sau năm 1975, đã có hơn một triệu người từ Bắc vào Nam. Không biết bao nhiêu trong số đó đã “Sài Gòn hóa”.  Sự đổi đời, nếu có, thì cũng tự nhiên như chim sơn ca thích hót giữa đồng quê xanh. Nếu Hà Nội mang dáng dấp của một ngọn núi thì Huế mang dáng dấp của một con sông và Sài Gòn là hiện thân của một con đường cái quan. Một con đường đời êm ả: “Sài-Gòn dễ ở khó về, trai đi có vợ gái về có con”

Sài Gòn với những chiếc xe lộng lẫy, trị giá hơn cả một đời tiền lương của một nhà giáo bình thường, chạy vi vu bên cạnh những người đói rách, lây lất kiếm ăn vỉa hè, xó chợ đã phản ánh sự tương phản và vô tình của kiếp người, của những thành phố kỹ nghệ và thương mãi lớn trên thế giới. Paris, Chicago, New York, Houston, San Francisco, Los Angeles… cũng thế. Cũng những dãy xe Roll Royce, Mercedes… lộng lẫy giá hàng trăm nghìn đô-la chen bánh với những cỗ xe bò-ệt cho không chẳng ai buồn lấy. Cũng lây lất đây đó trên những ngã ba, ngã tư đường cái vẫn có người đứng trong nắng, mồ hôi nhễ nhại với tấm bảng giấy bìa nhàu nát có ghi hàng chữ: “Hungry! Need Work for Food”- Đói! Cần làm việc kiếm thức ăn. Chỉ khác một điều là ở Mỹ tuổi vị thành niên mà thất học và kêu đói thì không chấp nhận được vì toàn xã hội đã đồng thuận đi làm, cong lưng đóng thuế để nuôi bất cứ đứa trẻ nào cha mẹ thiếu khả năng hay không nơi nương tựa được ăn học đầy đủ cho đến khi trưởng thành. Những em bé mồ côi trở thành những chuyên gia ưu tú, những công dân ngoại hạng là chuyện bình thường như sinh họat hàng ngày trên đất Mỹ. Trong những tiếng kêu quặn lòng của Việt Nam trong thế kỷ nầy vẫn còn man mác tiếng rao, tiếng mời, tiếng xin nhỏ nhắn, dễ thương nhưng ẩn chứa một chút gì xót xa của các em bé bán vé số, đánh giày, bán hàng rong trên các nẻo đường đất nước. Tôi thương mến Sài Gòn như một người tình cũ nhưng ra đường lại không dám nhìn thẳng vào đôi mắt của Sài Gòn vì nỗi khổ của các em bé lang thang còn miên trường, dằng dặc. Tôi lẩm bẩm, lẩm bẩm… ước chi, ước chi…! Hình như những nàng tiên Sài Gòn cũng lãng đãng trong những đám bụi mù thành phố đâu đây, nhưng đôi tay đã buông chiếc đũa thần có mang điều ước để ôm tay lái của “Hồn Đã Mộng Mơ – Honda Dream!”

***

Mười lăm năm, dài bằng cả thời gian luân lạc của Thúy Kiều, tôi mới trở lại con đường bộ xuyên Việt của quê hương. Lần chót tôi đi trên con đường nầy vào mùa Đông năm 1977 là một xã viên dự bị của hợp tác xã xe Lam Huế vào Hạnh Thông Tây mua vỏ xe cho anh em tài xế xe Lam trên các tuyến đường của Huế. Lần nầy tôi trở lại con đường nầy là một đứa con xa quê về thăm mẹ.

Quốc lộ số Một là con đường xương sống nối liền ba miền Trung, Nam, Bắc. Cả đất nước chỉ có một con đường như mỗi người chỉ có một mẹ. Quốc lộ 1 như người mẹ già bao năm rồi không gặp, dù cho mẹ có phôi pha và tiều tụy đến mức độ nào thì vẫn không ai thay thế được mẹ. Trong ký ức và kỷ niệm của mỗi người Việt, Quốc lộ 1 không phải chỉ là một con đường mà còn là mảnh không gian và giòng thời gian mang dấu vết của bao nhiêu vui buồn lẫn lộn: Thành công, thất bại, chạy loạn, chuyển quân, lạc lối, tìm nhau, tương phùng, vĩnh biệt… cũng đều đi trên con đường ốm o, gầy mòn quặn mình từ Nam chí Bắc đó. Mỗi đọan đường có riêng nỗi đau hay niềm hạnh phúc của từng chặng, từng miền nối liền nhau bằng những cây cầu có hơn một lần gãy đổ. Tôi về lại trên con đường đó với cảm giác ấp ủ thương yêu như được sờ lên từng đốt xương, thớ thịt trên cánh tay khẳng khiu của mẹ già.

Chiếc “mini van Mazda” 12 chỗ ngồi của Nhật mang anh chị Hồi, người thân và tôi từ Sài Gòn ra Huế vào một buổi sáng tháng Chạp. Mùa Đông Sài Gòn nóng như mùa Hè của Huế. Càng xa Sài Gòn về Trung, thời tiết càng dịu lại. Chiếc xe đi quá chậm. Chậm không phải vì tôi đã quen với tốc độ bạt gió ở Mỹ, nhưng chậm là vì tôi đang trên đường về với mẹ. Lòng tôi thì đang di chuyển với tốc độ nôn nao và chớp mắt của tình thương, mà xe thì bò theo tốc độ của tay lái và dặm đường nên tốc độ vật lý chậm như con kiến đang bò so với tốc độ tâm lý lập loè như ánh chớp. Đồng hoang và núi biển hai bên đường vẫn sừng sững hay uốn mình lặng lẽ nhưng có riêng vẻ đẹp kỳ bí của đất trời Đông Phương huyền diệu. Những chuyến xe Bắc Nam chở đầy người và hàng hóa xuôi ngược  trên con đường lở lói ổ gà. Được đi trên đường quê hương, tôi thấy lòng mình trải rộng ra với tầm mắt xa ngút ngàn trên núi rừng sông biển. Đến chiều, xe dừng lại để khách ăm cơm chiều tại một quán ăn ven bờ biển Đại Lãnh. Hoàng hôn trên bờ Đại Lãnh đẹp đến lặng người. Vẻ đẹp thiên nhiên chưa có bàn tay và kỹ thuật con người khai phá có một vẻ thu hút riêng đầy bí ẩn  của trinh nguyên. Tôi hít căng buồng phổi mùi đại dương, mùi rong rêu và đá cát trong gió mặn chiều hôm.

Người tài xế trẻ tuổi có vẻ mệt mỏi và đề nghị ở lại đây qua đêm vì anh ta bị cảm sốt bất thình lình. Những người khác trên xe im lặng vì không có sự lựa chọn nào khác, riêng tôi thì ngỏ ý tình nguyện lái xe. Không ai phản đối nhưng cũng chẳng có ai tỏ ý yên lòng. Nhìn anh tài xế vẻ mặt đăm chiêu ngờ ngợ, tôi cười, trấn an:

– Tôi lái xe hơn 10 năm rồi. Anh cứ yên tâm đi, để tôi lái cho.

 

Lái xe trên đường Việt Nam khó khăn và nguy hiểm hơn lái xe trên xa lộ của Mỹ nhiều. Đường ổ gà chi chít buộc người lái xe phải thay đổi tốc độ liên tục. Đường nhỏ, không có lằn phân ranh xuôi ngược nên cảm gíác những xe ngược chiều sẵn sàng chồm lên mình thật “ớn lạnh”. Có những đọan đường hai bên là làng xóm. Bà con mình coi con đường quốc lộ như sân sau để phơi rơm, phơi đủ thứ. Các em bé chạy đuổi nhau trên đường như ở công viên. Người già, em bé, trâu bò, súc vật lững thững băng qua đường bất cứ lúc nào tùy thích. Chân thắng và còi xe là phương tiện an toàn duy nhất của người tài xế. Ban đêm phải bật đèn “pha, cốt” liên tục. Rất nhiều xe hơi ngược chiều chỉ có một đèn đằng trước nên nên rất dễ lầm với xe hai bánh để tránh hay nhường đường cho thích hợp. Thế nhưng nhờ trời, tôi cũng “sống sót” trên tay lái suốt gần một đêm, một ngày.

Tôi ghé Đà Nẵng để thăm anh Thiện, chị Hằng và các cháu. Tôi về không báo trước nên anh Thiện ngỡ ngàng ôm tôi bằng một tay nắm chặt như sợ biến mất, một tay sờ quanh từ dầu đến vai mà cứ hỏi sững sờ:

– Đây là thiệt hay mơ?

***

Xe vượt đèo Hải Vân đẹp hơn cả tranh sơn thủy.  Tôi đếm lần từ Lăng Cô, Nước Ngọt, Thừa Lưu, Cầu Hai, Truồi, Nong, Phú Bài, Dạ Lê, An Cựu để qua cầu Trường Tiền, rẽ qua phía chợ Đông Ba mà ra tới Huế.

Vẫn trên con đưòng quốc lộ 1 từ Huế ra An Hòa, Triều Tây, Quán Rớ, rồi tới cột trụ cây số 9 rẽ về làng tôi, làng Liễu Hạ nằm bên cạnh con sông Bồ nhỏ nhắn xinh xinh uốn khúc từ Trường Sơn về Nam Hải.

Tháng Chạp, cuối mùa Đông, những con đường quê quanh Huế nằm lặng trong bùn. Con đường “Nhứt” dẫn vào làng tôi cũng lênh láng bùn đất và lầy lội trong mưa phùn. Ngày xưa đi học trường xã tôi phải lội qua con đường nầy ngày hai buổi. Mơ ước lớn nhất của tôi thời đó là ước gì có được cái áo mưa để thay cho cái tơi chằm bằng lá ngắn quá đầu gối. Đuôi lá tơi vấy bùn trở thành xù xì và sắc nhọn như lưỡi dao cứa vào bắp chân lâu ngày thành ghẻ lở.

Tôi cởi đôi giày không phải vì tiếc đôi giày Macyõs sẽ bị vấy bùn mà vì muốn đôi chân trần của mình được lội lại trong bùn đất của làng tôi. Bùn mát lạnh như bàn tay của mẹ đặt lên trán con trong những lần nóng sốt. Tôi lập lại động tác bấm mấy đầu ngón chân để bấu vào đất cho khỏi trợt. Lâu lắm rồi chân không dính đất nhưng những lỗ chân lông trên đầu tôi vẫn bạc dấu phèn. Tôi nghe mưa lâm thâm chảy dầm trên má lẫn với giòng nước ấm làm mặn môi mình.

Đây rồi. Tôi lại về ngôi nhà cũ. Bước vào ngõ có hai hàng chè tàu già bằng tuổi chiến tranh, hoà bình và chia cách của một đời góp lại. Tôi cảm thấy một niềm hạnh phúc tràn trề khi biết mình còn mẹ để “nói rất khẽ con đã về với mẹ”. Tôi sẽ có hơi ấm của mẹ mà danh tướng Phạm Ngũ Lão ngày xưa khi về chỉ ước mơ đổi tất cả để có được một lần gặp mẹ, nhưng mẹ già đã “mắt lóa chờ con khép chặt rồi”:

Này khôi, này giáp, này đao mã
Này hốt, đai, hia, mảnh ấn hầu
Tất cả mẹ ơi ! Đây: Tất cả!
Làm sao đổi được tấm tình sâu
Làm sao đổi được một lần thôi
Manh áo nghìn xưa ủ chút hơi
Khi uống say trong bầu vú mẹ
Cả nguồn sống ấy mẹ hiền ơi!…

(Trần Huyền Trân)

Mẹ tôi vẫn ngồi đó, trên chiếc giường gỗ kiền kiền còn vết cháy xém trong vụ Tây đốt nhà cả làng hơn 40 năm về trước. Tôi nhảy chân sáo lên thềm nhà xi măng mát lạnh. Người rất đông nhưng hình như tôi không thấy ai cả, chỉ thấy mẹ tôi ngồi lặng lẽ bên khung cửa sổ chếch ánh đèn dầu. Tôi nhào tới mẹ, nhưng bỗng chững lại như ngọn sóng trào tung vào núi đá. Hình ảnh tiểu thuyết ngày gặp mẹ mơ hồ trong tôi là sự mừng mừng, tủi tủi của đứa con xa xứ trở về, rúng động trong tiếng kêu quặn lòng đầm đìa nước mắt đã không xảy ra. Mẹ tôi vẫn ngồi im lặng, đôi mắt mờ đục nhìn đâu rất xa và đậu trên khuôn mặt tôi, sáng lên, rỡ ràng, câm nín. Tôi nhẹ nhàng cầm tay mẹ. Cườm tay xương xẩu chỉ còn da bọc xương. Tôi có thể nghe cả nhịp tim mẹ đập rộn ràng qua những đường gân tay của mẹ nằm trong tay tôi. Tôi không cảm thấy một khoảng cách nào giữa mẹ và tôi sau mười năm xa cách:

– Mạ, con về đây nì!

Đó là tất cả những gì tôi có thể nói với mẹ. Mẹ tôi hỏi, giọng bình thản như thể tôi mới trở về sau buổi chiều tan học ở trường làng:

– Con về rồi à?

Rồi như nhớ ra điều gì, mẹ tôi gọi chị tôi:

– Thuyền ơi! Lấy cá kho ruốc lên cho em ăn cơm con!

Tôi nghe có tiếng cười khúc khích của bà con và lời nhận xét:

– Mụ lẫn rồi!

Tôi áp má mình lên bàn tay khô khan của mẹ. Mẹ tôi có thể đã lẫn giữa cuộc đời trần thế nầy, nhưng với tôi thì không. Giòng suối thương yêu của mẹ đã chảy xuống đời tôi trong bao năm. Giòng suối không bao giờ khô cạn nhưng những lớp rong rêu, hoa đá phù vân đã mòn nhẵn, chỉ còn cái lõi tinh anh và giòng nước cứ luân lưu kết thành một kỳ quan vĩ đại nhất: đó chính là trái tim của mẹ.

Ngồi hơ chung cái lồng ấp với mẹ trên chiếc giường nằm nguyên một góc nhưng già hơn tuổi đời tôi, hình như mẹ và tôi đều không thấy gần gũi hơn bao nhiêu so với khi mẹ còn phương Đông, tôi ở phương Đoài, xa lắm!

Trong hai trời riêng tư, có một cõi chung là tình thương không biên cương của mẹ.

Mỗi buổi sáng, mỗi buổi tối, mỗi buổi chiều, trước giờ đi ngủ, mẹ đều có tôi trong tim khi mẹ lâm râm cầu khấn Phật, Trời cho thằng con trai út chân cứng đá mềm. Tôi cũng có mẹ trong cùng thẳm đáy lòng mình vào mỗi sáng, mỗi chiều trên biển tím Hải Nam sâu hơn 30 sải nước với sóng cuồng, gió giật, trong trại cấm Chimawan mỏi mòn, giữa núi rừng Bataan hiu hắt, trên những bước đường lưu lạc nơi đất Mỹ xa xôi… tôi ít khi quên cầu nguyện cho mẹ mình ở lại quê nhà thân tâm an lạc, còn sống cho đến lúc tôi trở về với mẹ. Mười năm xa mẹ nhưng ngày nào tôi cũng gặp mẹ trong tâm niệm của mình. Mười năm xa tôi nhưng trong lòng mẹ, tôi vẫn được che chở bằng lời nguyện cầu không rời nửa bước. Cái xa không gian chỉ là thước tấc, nhưng cái gần tâm lý đã làm cho trăng rơi trên tóc, nắng đậu trên vai, cho con chiên gần giáo chủ và cho những đứa con Việt Nam xa quê được cận kề bên mẹ.

Ngày trở về, tôi đếm lùi thời gian gần mẹ:  Bốn tuần, ba tuần, hai tuần, một tuần… rồi vài hôm nữa – con sẽ xa mạ, bỏ mạ mà đi rồi mạ ơi!

Cho đến khi máy bay tách vùng trời Huế, bỏ lại đàng sau khuôn mặt buồn hiu hắt của mẹ già không còn đếm thời gian bằng tuổi, những đôi mắt trông vời đẫm ướt, những đồng khô cỏ cháy dưới chân đèo, vút lên mây và bay về phía biển, tôi mới thấy hết niềm đau của hội ngộ và chia ly. Tôi linh cảm gặp mẹ lần nầy là vĩnh biệt, tự nhiên cái khóc oà đến, sướt mướt và dễ dàng như trẻ thơ. Máy bay nội địa ngày mồng một Tết vắng như chuyến đò ngang khuya khoắt, tôi không che dấu nỗi xúc động dâng trào cho đến khi cô chiêu đãi viên hàng không người Việt đứng đó, dường như ái ngại, đưa xấp giấy mịn lau nước mắt, nói nhỏ nhẹ bên tai tôi:

– Thưa ông, tôi xin lỗi! Tôi nghĩ là ông đang cần cái nầy.

Tôi gượng cười:

– Xin cám ơn cô. Không ai có lỗi hết. Chỉ có số phận chua cay có lỗi với con người lương thiện mà thôi.

Cô chiêu đãi viên không chắc đã hiểu ý tôi, nhưng cũng cười nụ lấy lòng:

– Tôi cũng nghĩ vậy.

Rồi cô ta quay đi.

Máy bay vẫn bay trên vùng trời quê hương, hướng về Nam, nhưng sao tôi nghe như sau tầng mây thấp dưới kia có tiếng gió gào và sóng giật; có tiếng vỗ cánh thật buồn như thanh âm tan tác của bầy chim xa xứ, xôn xao trở về, rồi lặng lẽ ra đi!

***

Đêm đầu tiên từ làng lên Huế ở lại, tôi ngủ nơi căn nhà cũ của chị Quyến ở đường Ô Hồ gần trường Nguyễn Du. Năm giờ sáng tôi ngỡ ngàng mở mắt với một cảm giác bàng hoàng tức thời vì bị đánh thức dậy bởi tiếng loa phát thanh đầu đường. Sự sợ hãi của một ngày lây lất tranh sống vất vả đã nằm trong vô thức. Từ nhạc đệm đến tiếng người xướng ngôn vẫn giống y hệt như cũ làm tôi quên mất mình đã xa tiếng loa sớm tối hơn 10 năm. Nhìn đứa cháu gái đang chong đèn học bài một mình, tôi cảm thấy xót xa và hỏi cháu:

– Tiếng loa ồn dữ rứa làm sao cháu tập trung học bài cho được?

Cháu trả lời dễ dãi:

– Dạ, lâu ngày con quen rồi. Mấy bữa loa hư con lại thấy vắng quá học không vô đó, thưa cậu.

Cháu làm tôi nhớ bé Na ở Mỹ vừa học vừa đeo headphone nghe nhạc bị la hoài mà vẫn chứng nào tật ấy. Phút đó tôi tự hỏi sự thanh tịnh ở ngay chính trong tâm mình hay từ ngoại cảnh? Tôi lại mắc bệnh bao đồng nên cứ mãi băn khoăn cho những người trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cảm thấy đời vui. Họ là những người đã ngồi trong tâm bão mà tôi thì vẫn còn cỡi gió lang thang.

 

Tôi lại đèo xe Honda với Đoàn Phạm Túy Linh đi lêu têu như ngày xưa hai thằng trốn học rủ nhau ra quán cà-phê. Nhóm bạn cũ đầu tiên không hẹn mà gặp trong quán cóc đằng sau Mô Ranh là những thằng nghệ sĩ Huế lang thang, cái lang thang đầy xót xa của những đứa có tài phải chịu “chung thân bất mãn”. Hình như một nghệ sĩ “Huế rặt” phải mang kiếp Sâm Thương: sao Hôm là con người và sao Mai là tác phẩm. Ngày nghệ sĩ tự mãn với chính mình và tác phẩm của mình thì trái đất sẽ ngừng quay và đêm ngày là một. Lúc đó, nghệ sĩ hay tác phẩm, một trong hai phải ra đi và con đường sáng tạo chỉ còn là một dãi thiên hà của ảo ảnh.

Giữa cuộc trần ai tân khổ nầy, dễ chi gặp lại đưọc những thằng khánh kiệt mà khẩu khí vẫn hào sãng như dân triệu phú mới ra lò. Những đứa con ruột hay con tinh thần của xứ Huế đã chọn làm người chân thật, nên vẫn làm văn nghệ như làm thơ trên đá, suốt một đời trung thực với chính mình. Tôi ngó quanh. Những đứa bạn nghèo xơ xác quanh cái bàn nhậu lỏng chỏng diã trống, chai không cũng là những tay kiện tướng đã từng sáng tác văn thơ làm rung rinh dư luận, nay đang “ngoảnh mặt lại cửu hoàn coi cũng nhỏ” với lối nói chuyện bạc mạng kỳ hồ một cách thoải mái.

Thời gian thì có hạn mà bạn bè thì ở khắp phố phường ngõ ngách nên tôi phải chọn những đứa bạn thân và nghèo nhất để khỏi bị “xét nét”, cái xét nét của Huế thường rất cay co như một ngọn roi tình cảm. Linh và tôi ghé nhà Phan Hữu Lượng, thằng họa sĩ nổi tiếng về tranh chưa bằng nổi tiếng về giọng hát tuyệt vời. Dáng Lượng vẫn mảnh khảnh và cái gịọng vẫn ấm và đùa vui như nắng mới:

– Mụ cô mi, thằng Đoàn! Mi là thằng gà chết. Hơn mười năm mới vác xác về thăm.

Cái thằng dám cả gan chạy bổ ra khỏi túp nhà tranh muôn năm của hắn để đón một tên Việt Kiều có giấy chứng nhận như tôi bằng một câu chưởi hết sức thân thương “thiếu lập trường quan điểm” đầy Huế rặt như vậy. Hai đứa ôm nhau thật chặt, rồi nó buông tôi ra, nhìn từ đầu tới chân và nhận xét:

– Mi có khác chi mô nà! Ngó không giống Việt Kiều chi cả.

Tôi xách tai nó cười khoái chí:

– Việt Kiều cái con khỉ! Tao qua Mỹ mười năm xuôi ngược, chen chân vô xã hội Mỹ cực như làm cu li chứ có phải qua làm tổng thống Mỹ mô mà huy hoàng với thay đổi.

Lý Văn Nghiên nghe nói lên chức ông ngoại rồi mà vẫn còn hỏi tò te như cậu ấm mới lớn:

– Nì, tao hỏi thiệt chớ ở Mỹ mi cũng ăn mặc giống “người thường” kiểu ni thôi à? Tụi Việt Kiều về đây nhuộm tóc, dắt chó, ôm mèo, ăn bận le lói giống như Michael Jackson; ra phố, vào tiệm có cả bầy trẻ đánh giày, ăn mày theo sau xin đô la lẻ.

Tôi không biết nói gì hơn là nhăn răng cười trừ. Có tiếng đứa nào đó, nghe rất quen, bình luận trước khi chuyển qua đề tài ca hát:

– Cái thằng! Việt Kiều “dỗm” như hắn mà tao lại khoái.

Tôi rất ngạc nhiên là đa số dân nhà giáo Huế trở thành nghệ sĩ, dịch lý sĩ và hầu như một số có “phép lạ” là sắm được xe Honda với đồng lương giáo sư đệ nhị cấp 55 ngàn (gần bằng 5 đô la) mỗi tháng và chiều chiều cũng rủ nhau nhâm nhi ra gì với núi sông, trong khi giá một chai bia Huda sản xuất tại Huế giá 5 ngàn và một gói thuốc thơm giá 10 ngàn đồng.

Chiều 23 tháng chạp, anh em rủ nhau làm đám giỗ Lê Hữu Nam, người bạn cùng nghề đã ngã gục trên bục giảng. Tôi là người khách không được mời đến muộn nên đã bị đám bạn bè đồng nghiệp quỷ sứ, toàn là “thày giáo – tháo giày” từ các trường Quốc Học, Đồng Khánh, Nguyễn Tri Phương, Thành Nội, Gia Hội… “cụng” lăn quay. Tôi đã lẹ chân dọt qua Mỹ nên đành mất đi một cơ hội làm nghệ sĩ thời thế như Chạy, Triệt, Hiệp… Tụi nó dạy Lý – Hóa, tiếng Tây, tiếng Mỹ mà còn làm thơ và đặt nhạc vi vu mỗi đứa cả mấy trăm bài huống chi là thứ dạy văn – đã văng – như tôi. Nghe tụi nó làm thơ, phổ nhạc hát lên, ngâm tràn chao ơi là mượt mà, hưng phấn. Tôi như hụt hẫng vì bị lạc giữa mê cung của vần điệu và âm thanh. Tôi bày tỏ sự ngạc nhiên sao mười mấy năm, ngày lại ngày sống cuộc đời dạy học giữa những bức tường vôi đơn điệu mà những rung cảm xôn xao, những ân tình diệu vợi, những mộng mơ hừng hực cuối trời vẫn không bị phôi pha. Trần Duy Tích đã “trả lời” một cách láu cá bằng cách ngâm lên bằng giọng ngâm gần “tri thiên mệnh”, nhưng lại có dáng dấp lãng tử thu hút lạ lùng, mấy câu thơ “Tạm biệt Huế” của Thu Bồn:

nhịp cầu cong và con đường thẳng
một đời anh đi mãi chẳng về đâu
con sông giùng giằng con sông không chảy
sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu.

Tôi lại đi kiếm hai thằng bạn thân nhất đã làm anh em “kết nghĩa vườn đào”. Tôi, tánh tình xốc nổi nhất nên được cho làm Trương Phi. Đoàn Tuyền Châu mềm dẻo và mưu lược được cho làm Quan Công và Trần Kiên Nhẫn rất chững chạc, trầm tĩnh được làm Lưu Bị. Ba chục năm trước, ba anh em Lưu Quan Trương chúng tôi đã trải qua bao nhiêu tháng ngày nóng lạnh trong cơn sốt triền miên của thời cuộc và trong những cơn bão táp dật dờ của đất nước. Tức cười nhất thời đó là hiền như Đoàn Tuyền Châu thì cho ra tập thơ Chuyển Mình bốc lửa, còn vỡ bờ như tôi lại làm tập thơ Hương Từ Bi đoan thục như lời kinh. Phút đầu tiên xe vừa ngừng lại nhà Ngoại ở Thành Nội Huế thì Đoàn Tuyền Châu đã đứng đó đợi tôi tự bao giờ. Tôi bày tỏ sự ngạc nhiên vì sao Châu biết tôi về thì anh chàng đã nói tỉnh bơ và chậm rãi:

– Mình biết phút nầy đã 6 năm rồi!

Tôi ôm Châu bồi hồi xúc động. Thằng “Châu gồng” ngày xưa giờ chỉ còn là da bọc xương theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nó chỉ còn lại dấu vết chưa phai là vầng trán rộng mênh mông và đôi mắt sâu vẫn chứa chan tình cảm. Châu bây giờ lặng lẽ rút vào bóng tối, âm thầm nghiên cứu dịch lý và chấm số tử vi. Con phượng hoàng ngày xưa chưa gãy cánh nhưng nó không nhìn thấy hướng đi giữa bầu trời đổi mới, nên đành nấp bóng giữa hang sâu trong chính tâm hồn của nó. Tôi và Châu lại đi tìm “Lưu Bị”. Chúng tôi gặp nó đang ngồi làm thuê tô xi măng trên nóc nhà của khu nhà mới trước Dòng Chúa Cứu Thế. Thấy mặt tôi, nó mừng quá, cười rạng rỡ, tay nắm cáy bay huơ huơ chào và nói vọng từ trên nóc nhà vang xuống:

– Đợi 5 phút, tau xuống liền. Tao phải ráng tô hết mảng xi măng ni cho khỏi chết đã.

Một lát nó bươn bả nhảy xuống. Cái mặt nó còn trắng trẻo và sáng sủa quá để làm một anh thợ nề chuyên nghiệp. Tôi hỏi:

– Nghe nói mấy năm rồi mi toàn lên voi xuống chó. Chừ leo lên tận nóc nhà người ta mà ngồi là đang lên chó hay xuống voi rứa hè?

Nhẫn cười hóm hỉnh:

– Thì tại quan nhất thời, dân vạn đại mà. Lên voi để bợ đít voi, chi bằng xuống chó mà coi đằng đầu.

Ba đứa lại kéo nhau vào quán cháo gà của thằng Diệm tại An Cựu. Chủ quán gặp bạn cũ khoái quá, giao hàng quán lại cho vợ con, nhập bọn đấu láo cho đến khi say ngây ngây “trăng tàn trên hè phố” mới chia tay.

 

Về Huế, được đi lại trên những con đường phố cũ, tôi nghe thân thương như bàn chân tôi và đất đá giữa đường cũng còn nhớ nhau mà trò chuyện. Trên khuôn mặt những người cũ thêm nét phong trần và có chút già đi, nhưng với tình cảm thì sự đứt đoạn của thời gian chẳng làm phai đi cái giao tình của Huế.

Thêm vài ba khách sạn mới, thêm năm ba sàn nhảy về đêm, thêm những con đường thay tên đổi chủ cũng chẳng làm cho Huế trẻ hơn hay già đi như từng phiến gạch trên thành. Huế vẫn nghèo như cái nghèo thanh bạch của “ông già Bến Ngự” Phan Bội Châu ngày xưa. Âm thầm, đạm bạc, đơn sơ trong lòng thuyền nhỏ bé mà vẫn nghe hết cả tiếng đời xao động ngoài kia.

Cảnh Huế, người Huế và tình cảm Huế thường bị phủ rong rêu và lắng xuống bề sâu nên trên bề mặt vẫn thấy trôi chảy trong dáng điệu trầm trầm, chầm chậm như nước sông Hương. Dòng sông đó vốn hiền nhưng vẫn có những năm mưa nguồn rung chuyển cả dải Trường Sơn; nước lũ sông Hương cuốn phăng cả núi Bằng Lãng; cuồng lưu xoáy sạch cả cửa Thuận An, cửa Tư Hiền, đổ phăng ra biển Đông với cả sức mạnh đại dương vũ bão và tiếng hải triều trầm hùng vang xa hàng trăm dặm. Nước sông Hương suốt bốn mùa sâu thăm thẳm. Núi Kim Phụng vững chãi như bắp vai Từ Hải, núi Vạn Niên cây xanh nước biếc, núi Truồi “ai đắp mà cao”, núi Bạch Mã sừng sững quanh năm mây phủ… trấn thủ một cõi trên dãy trường Sơn cao chất ngất, rộng ngút ngàn bao quanh phía tây của Huế làm điểm khởi phát cho thượng nguồn sông Hương.

Bởi thế, trong cái yên nghỉ thâm cung của Huế, muôn đời vẫn có sự âm ỉ dâng trào. Chắc Huế sẽ không ngủ yên khi đất nước còn thao thức…

Tôi về Huế như đã nhiều lần về vùng Trung Mỹ. Tôi yêu tổ quốc Việt Nam thiêng liêng đã sinh tôi ra, nuôi tôi lớn; nhưng cũng trân trọng và biết ơn đất nước Hoa Kỳ đã dang tay ra đón và cưu mang tôi trong bước đường mệt mỏi, khốn cùng. Thế nhưng tình mẹ ruột thường dễ chạnh lòng, tội nghiệp và đậm đà hơn mẹ nuôi, như quê mẹ của tôi đã gắn bó một đời không có gì thay thế được. Vậy mà cuối cùng, vì cuộc sống, tôi cũng phải từ giã mẹ ruột để về với mẹ nuôi. Xa mẹ, tôi đau buồn lắm, nhưng về với mẹ, làng cũ đã mất dáng xưa như cuộc đời của chính mẹ. Cánh tay mòn mỏi của mẹ không ấp ủ nổi đàn con nên mẹ đành nuốt nước mắt vẫy tay cho tôi đi. Một đời mẹ hy sinh chấp nhận ở lại bên kia trời lận đận để cho con được sung sướng; cho bên ướt mẹ nằm,  bên ráo con lăn!

Huế ơi! Tôi không tin ra đi là hết, là xa mãi quê nghèo để xây dựng một cuộc đời mới nơi đất nầy mà quên đi tình cố xứ xa xăm bên kia. Tổ quốc tôi đã bao năm như mẹ hiền quen chịu đựng, sá chi những cuộc can qua của Tàu, của Tây, của Nhật… trên chuyến tàu lịch sử vè muộn, trễ tràng.

Những lớp sóng hưng phế cũng chỉ là những lớp bụi phù du. Tôi tin là những đứa con của Huế, những đàn con Việt Nam vẫn là những con ngoan, vẫn tha thiết một đời vươn lên thắp sáng tương lai Quê Cha và giữ thơm Quê Mẹ .

Trần Kiêm Đoàn

Similar Articles

Ơi những chuyến đò Cồn

Ơi những chuyến đò Cồn

Cồn Hến, địa danh từng được ví là con rồng xanh nằm chầu và bảo

Chùa trong mỗi người

Chùa trong mỗi người

1. Mẹ ốm. Một ngày trước khi lên bàn mổ, mẹ rủ tôi lên chùa.

Khúc serenata sông Hương

Khúc serenata sông Hương

Chiều chiều, tôi hay thơ thẩn ra sông. Qua hai ngã tư đến công viên

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose