Văn hóa Huế | Homepage

Đăng đàn cung, quốc thiều triều Nguyễn

🕔06.Jan 2016

Nhã nhạc Cung đình Huế gồm có Đại nhạc và Tiểu nhạc. Đăng đàn cung (cần phân biệt với hai điệu Đăng đàn đơn và Đăng đàn kép) còn gọi là Ngũ Lôi, một bài bản thuộc Đại nhạc.

Nhã nhạc của Cung đình Huế thời kỳ suy thoái thì một bộ phận đã được các nhạc sĩ, nghệ nhân, nghệ sĩ dung nạp vài bản của ca Huế, một loại hình nghệ thuật ca nhạc truyền thống bác học xuất phát từ các dinh phủ của các ông hoàng, bà chúa, quan lại… Sự “chuyển nhập” nhuần nhuyễn đó đã góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị của âm nhạc cung đình, nhất là mở rộng đối tượng phục vụ của mình, mà trong đó điển hình có điệu Đăng đàn cung (Ngũ Lôi).

Âm nhạc điệu Đăng đàn cung có tính rộn ràng mà trang nghiêm, hùng tráng, khúc thức ngắn gọn, dễ nhớ, do đó dễ diễn tấu, dễ hát và có thể hát tập thể.

Điều đặc biệt rất có ý nghĩa là Đăng đàn cung được chọn làm quốc thiều, quốc ca của triều Nguyễn. Một tài liệu cho biết, vua Gia Long khi lên ngôi đã rất có ý thức về đặt tên nước, quốc thiều. Theo lệnh vua, bản Đăng đàn cung đã ra đời trong thời Gia Long. GSTS Trần Văn Khê (1921-2015) viết: “Thường thường ngày xưa bản này tấu lên khi nhà vua xuất hiện hoặc là có một lễ rước hay lễ đưa. Bài này có thể coi như là một quốc ca nước Việt Nam thời kỳ quân chủ”. Có điều GS TS Trần Văn Khê không nói rõ “ngày xưa” là triều nào. (Tài liệu do nhạc sĩ Bùi Ngọc Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc – Học viện Âm nhạc Huế cung cấp).

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân có ông nội là Nguyễn Đắc Tiêu (1879-1962) là đội trưởng đội Nhạc chánh Nam triều, thường gọi là Đội Tiêu, phục vụ qua bốn đời vua: Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại. Qua lời kể của ông nội, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết: Dưới triều Khải Định có cuộc gặp gỡ giữa ba vua của các nước Đông Dương. Vua Khải Định có hỏi triều thần: Nước họ đều có Quốc thiều, sao nước ta không có? Triều thần tâu lên, và bản Đăng đàn cung được lấy làm Quốc thiều Nam triều. Ngày 19/3/1945, vua Bảo Đại giải tán Nội các Phạm Quỳnh. Ngày 19/4/1945 Nội các Trần Trọng Kim ra đời. Trần Trọng Kim viết trong hồi ký của mình: “Bài quốc ca thì từ trước đến nay vẫn dùng bài “Đăng đàn”, là bài ca rất cổ, mà âm điệu nghe nghiêm trang. Chúng tôi nghĩ, trước khi có bài nào hay hơn và có nghĩa lý hơn thì hãy cứ dùng bài ấy”. Trước đó, Việt Nam tân báo ra số 15 ngày 11/4/1945 cho biết có buổi hòa nhạc được tổ chức tại sân Sở Tuyên truyền (Huế), bài Đăng đàn ở vị trí số 1 trong danh mục các bản nhạc được trình diễn. Cũng theo Việt Nam tân báo, ngày 3/5 Âm lịch nhằm ngày 12/6/1945 có Đạo dụ số 52 năm Bảo Đại thứ 20 về Quốc hiệu, Quốc kỳ và Quốc ca, trong đó Quốc ca là bài “Đăng đàn”. Sau đây là lời điệu Đăng đàn cung, Quốc ca triều Nguyễn đã có từ trước thời Bảo Đại mà chính phủ Trần Trọng Kim tiếp tục sử dụng:

Kìa núi vàng bể bạc! Có sách trời định phần
Một dòng ta, gầy non sông vững chặt
Đã ba ngàn mấy trăm năm. Bắc Nam cùng một
Nhà con Hồng cháu Lạc. Văn minh đào tạo
Màu gấm hoa càng đượm
Rạng vẻ dòng giống Tiên Long. Ấy công gầy dựng
Từ xưa đã khó nhọc
Nhớ ơn dày nặng. Lòng trung kiên đã sẵn
Cố thương nhau, thương nhau một niềm
Nguyện nhà Việt muôn đời thạnh trị.

Bài này phần lời viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Khi bản nhạc được ký âm theo lối phương Tây thì phần lời cũng chuyển thành chữ quốc ngữ.

Năm 1942, nhạc sĩ Lê Hữu Mục ở Hà Nội đã soạn lại nhạc, đặt lời ca mới cho Đăng đàn cung, lấy tên gọi là “Tiếng gọi non sông” hoặc “Hồn Việt Nam” và gọi đó là Quốc ca Việt Nam để phổ biến cho dân chúng; tuy nhiên, ở miền Trung ít ai biết. Chúng ta còn biết hai ông vua Khải Định và Bảo Đại đều rất chuộng lối sống phương Tây. Trên lĩnh vực âm nhạc, từ thời Khải Định, ông đã cho người học đàn phương Tây, đưa nhạc cụ như kèn đồng, vi-ô- lông vào dàn nhạc cung đình. Từ đó, việc triều đình cho chỉnh biên Đăng đàn cung cũng là điều dễ hiểu. Năm 1929, nhạc trưởng Tòa Khâm phái ông Trần Như Tú qua Nam triều để nghiên cứu và ký âm nhạc của triều đình Huế để cùng sáng tác ra một bản Quốc thiều Việt Nam đánh bằng nhạc khí phương Tây để tham dự hội chợ thuộc địa Paris 1931 (…) và chuẩn bị đón vua Bảo Đại ở Pháp về nước 1932. Chúng ta hiểu đó là bản Đăng đàn cung “Kìa núi vàng…” là Quốc thiều. (Tài liệu của nhạc sĩ Bùi Ngọc Phúc). Từ những dẫn liệu trên, ta có thể hiểu hơn bản Đăng đàn cung tồn tại đến hôm nay (2015) là bản “nguyên thủy”. Qua từng thời kỳ, bản “nguyên thủy” được tôn vinh là bản nhạc có tính “Quốc thiều”, hoặc chỉnh biên để nó trở thành “Quốc thiều”, rồi đặt lời thành “Quốc ca” triều Nguyễn. Đây còn có thể là một ví dụ sinh động về bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị của bài bản nhạc cổ.

Như vậy, Đăng đàn cung là bản nhạc có vị trí đặc biệt trong âm nhạc cung đình triều Nguyễn. Nó vinh dự là bản nhạc “mang tính chất Quốc thiều”, hoặc “Quốc thiều” rồi Quốc ca. Về phần lời để trở thành quốc ca, qua các thời kỳ có thay đổi và ngay phần nhạc cũng có cải biên tuy vẫn trên cơ sở “hồn cốt” của điệu Đăng đàn cung.

Minh Khiêm
(Theo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Huế và hoàng mai

Huế và hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Nhẹ nhàng và tỉ mỉ, Trần Thị Thanh Tuyền, cô gái đam mê Calligraphy (thư

Đặc sản của Huế

Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức

Phủ Tuy An Quận công, nơi lưu giữ ký ức đô thị di sản Huế

Phủ Tuy An Quận công, nơi lưu giữ ký ức đô thị di sản Huế

Toàn cảnh phủ Tuy An Quận công Bộ đồ trà sứ ký kiểu thời Nguyễn vẽ

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Ngay từ những ngày đầu tìm đất lập làng, người Việt nói chung, người Việt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose