Nguyễn Du với Phú Xuân
Thật khó xác định chính xác thời gian Nguyễn Du ở Phú Xuân, nhưng trước khi ra làm quan dưới triều Gia Long, Nguyễn Du chỉ đến Phú Xuân một lần vào năm 1793, khi nhà thơ vào thăm người anh là Nguyễn Nễ đang coi văn thư ở Cơ mật viện, điều này chúng ta biết được từ bài thơ của Nguyễn Nễ nhan đề “Tống Tố Như đệ tự Phú Xuân kinh Bắc thành hoàn” (Tiễn em trai Tố Như từ Phú Xuân trở về Bắc).
Khi mới ra làm quan dưới triều Gia Long, có khả năng Nguyễn Du cũng chưa có dịp vào Phú Xuân. Gia phả dòng họ ghi: “Khi Gia Long ra Nghệ An, ông đón xe yết kiến và được đem thủ hạ đi theo ra Bắc”. Nguyễn Du được nhà vua rất ưu ái, bổ ngay làm tri huyện Phù Dung (Khoái Châu) và chỉ ba tháng sau được tăng chức Tri phủ Thường Tín ngay trong năm 1802 và cuối năm 1803, ông còn được cử đi tiếp sứ nhà Thanh ở trấn Nam Quan, nghĩa là ông chỉ ở các tỉnh miền bắc và cực bắc, rất xa Phú Xuân.
Năm 1804, khi đang làm Tri phủ Thường Tín, Nguyễn Du cáo bệnh về quê mấy tháng, rồi sau đó được điều vào Phú Xuân, để đầu năm 1805 thăng “Đông các học sĩ”. Nguyễn Du gắn bó với Phú Xuân kể từ cái mốc này.
Trong thơ chữ Hán, Nguyễn Du nói khá rõ con đường từ quê nhà vào Phú Xuân làm quan. Mặc dù bài thơ không ghi ngày tháng, nhưng rất nhiều khả năng chuyện này xẩy ra vào năm 1804, sau thời gian cáo bệnh nghỉ ở quê nhà. Chuyến đi này thật vất vả, buổi sáng khởi hành thật sớm, qua núi Phượng Hoàng còn màn đêm mịt mùng, nghỉ lại nơi hoang dã cùng bác tiều phu… Từ núi Phượng Hoàng của quê nhà, không biết đi bao ngày mới đến Thùy Liên của Quảng Bình, cỏ hoang mang sương sớm quật vào mặt, cho người thêm hốc hác. Một điều đáng nói là lúc này Nguyễn Du rất nhớ nhà, gặp một người bạn vào chầu vua rồi được vua cho về, ông chỉ mong thầm mình được như thế! Nhưng rồi ông cũng tới Phú Xuân và giữ chức Đông các học sĩ như ta đã biết. Như vậy Nguyễn Du ở Phú Xuân từ cuối năm 1804 hoặc đầu năm 1805 cho đến khi tạ thế tháng 9 năm 1820. Nhưng trong khoảng ấy, ông có những thời gian xa Phú Xuân như sau: 8 tháng xin tạm nghỉ về quê năm 1808. Ba năm làm Cai bạ Quảng Bình từ 1809 – 1813; 14 tháng đi sứ từ 2/1813 đến 4/1814; Về quê nghỉ 4 tháng từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1814. Tính ra tổng thời gian ông ở Phú xuân chừng 10 năm. Trong 10 năm đó ông được thăng chức ba lần: Đông các học sĩ (1805), Cần chánh điện học sĩ (1813) và Hữu Tham tri bộ Lễ (1815). Thế nhưng Nguyễn Du vẫn cho mình không có dáng công hầu, luôn buồn nhớ quê, chỉ muốn về:
Đỗ vũ nhất thanh xuân khứ hĩ
Hồn hề, quy lai, bi cố hương
(Ngẫu thư công quán bích - Cuốc kêu, xuân đã hết rồi/ Quê xa buồn nhớ, hồn ơi, hãy về).
Có khi gặp một ẩn sĩ sống an nhàn, ông cũng muốn bỏ quan về sống đời thường:
Ngã dục quải quan tòng thử thệ
Dữ ông thọ tuế lạc cầm tôn
(Tặng nhân - Ta mong treo mũ từ quan/ Tuổi già vui thú rượu đàn cùng ông).
Trong ông việc có khi bị bề trên quở trách, bọn thuộc hạ thấy vậy cũng vênh vang coi thường, ông chán nản nghĩ đến cái chết với điều an ủi là con cái đông, mình có chết cũng không sao!
Không biết thời ấy với các chức quan như ông được hưởng tiền lương thế nào, nhưng gia đình ông sống cảnh nghèo khó, đàn con đói ăn mặt xanh như rau, còn ông sống cô đơn trong bệnh tật:
Thập khẩu đền cơ Hoành Lĩnh bắc
Nhất thân ngọa bệnh đế thành đông
(Ngẫu đề - Mười con kêu đói non Hồng/ Một thân nằm bệnh phía đông đế thành)…
Nhiều thắng cảnh của Phú Xuân đã đi vào thơ ông và có những câu thơ tuyệt tác như tả cảnh chùa Thiên Thai:
Cổ tự thu mai hoàng diệp lý
Tiên triều tăng lão bạch vân trung
(Vọng Thiên Thai tự - Vàng thu chùa cổ lá vùi/ Vị sự triều trước già đời trong mây).
Nhưng trong thơ ông, cảnh đẹp của Phú Xuân thường gắn với nỗi buồn quá vãng, nỗi buồn vì nghĩ về quê nhà:
Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu
Vãng sự bi thanh trủng
Tân thu đáo bạch đầu
Hữu thân đồ dịch dịch
Vô bệnh cố câu câu
Hồi thủ Lam Giang phố
Nhàn tâm tạ bạch âu.
(Thu chí)
Dịch thơ:
Hương giang trăng một mảnh
Kim cổ gợi bao sầu
Chuyện cũ buồn xanh mộ
Thu mới đến bạc đầu
Có thân nên vất vả
Không bệnh, lưng uốn câu
Bãi sông Lam, ngoái lại
Lòng nhàn thẹn chim âu.
Ngày 16 tháng 9 năm 1820, ông mất ở Phú Xuân. Theo nhà thơ Thanh Tịnh, vua Minh Mạng đã làm đôi câu đối:
Nhất đại tài hoa, vi sứ, vi quan sinh bất thiểm
Bách niên sự nghiệp, tại gia, tại quốc tử do vinh
(Một đời tài hoa, đi sứ, làm quan sống chẳng thẹn
Trăm năm sự nghiệp, trong nhà, ngoài nước chết còn vinh)
Nhà thơ Thanh Tịnh còn lưu ý rằng, phía dưới câu đối có đề mấy chữ “Minh Mạng hoàng đế trang tặng”, và nhấn mạnh “trang tặng” chứ không phải “ban tặng”, để nói nhà vua yêu quý và tôn trọng Đại thi hào đến mức nào!
Bốn năm sau, năm 1824, con cháu vào đưa hài cốt ông về cải táng trong vườn nhà ở Tiên Điền. Thế là ông vĩnh viễn xa Phú Xuân, còn các tác phẩm của ông, đặc biệt là Truyện Kiều thì còn lưu lại Phú Xuân dưới nhiều dạng, được gọi là “bản Kinh” mà giới sưu tầm văn bản vẫn quen dùng.
Cùng với Hà Tĩnh, Thăng Long, Thái Bình…, Phú Xuân gắn bó mật thiết với Đại thi hào Nguyễn Du. Giá như tổ chức được cuộc hội thảo “Nguyễn Du với Phú Xuân” thì tin rằng sẽ thu góp được thêm nhiều tư liệu mới!
Vương Trọng
(Theo Tạp chí Sông Hương)
Similar Articles
Những điệu hò tạo dựng nên tâm hồn của người Huế
Với vị thế địa văn hóa và địa chính trị đặc biệt, xứ Huế không
Bay bổng với nghệ thuật calligraphy
Nhẹ nhàng và tỉ mỉ, Trần Thị Thanh Tuyền, cô gái đam mê Calligraphy (thư
Tam Khanh – Những vần thơ từ trong khuê các
Vẻ đẹp của nữ sỹ ngày xưa Trong xã hội Nho giáo ngày trước, nếu ở