Văn hóa Huế | Homepage

“Nghe bông hoa giấy thì thầm tiếng xuân”

🕔07.Feb 2016
“Ta về nghe Huế trăm năm
Nghe bông hoa giấy thì thầm tiếng xuân”
Những ngày cuối năm, tôi vô tình bắt gặp được 2 câu thơ đó từ một người anh, tôi rạo rực đến với Thanh Tiên, đến với những bông hoa giấy vô tri vô giác đang “thì thầm tiếng xuân”.

Làng hoa giấy Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, cách thành phố Huế khoảng 10km, nằm dọc bờ nam Sông Hương gần ngã ba Sình. Làng có truyền thống làm hoa giấy hơn hơn 300 năm.

Ngày xưa, người làng Thanh Tiên chỉ làm bông giấy vào dịp cuối năm, một mùa đông Huế kéo dài với những cơn mưa kéo dài và cái lạnh thấu xương, buộc người dân trong làng tìm đến hoa giấy để kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn. Sản phẩm chủ yếu là những cành hoa giấy đủ màu sắc, dâng lên các trang thờ, am miếu dịp Tết… phục vụ nét văn hóa tâm linh của người Huế từ xưa đến nay.

Ngày nay, xã hội hiện đại hơn, nhiều sản phẩm hoa kẽm công nghiệp đẹp hơn, bắt mắt hơn chiếm thị trường của hoa giấy Thanh Tiên. Một vài năm trước, hoa giấy Thanh Tiên ít được người mua, mất thị trường khiến nhiều hộ làm hoa trong làng bỏ nghề. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, với xu hướng tìm về những giá trị văn hóa và sản phẩm thủ công… người dân Huế lại trở về với chọn lựa hoa giấy Thanh Tiên thay cho những sản phẩm hoa kẽm công nghiệp.

Đặc biệt, năm 2008, nghệ nhân Thân Văn Huy – một người con làng Thanh Tiên đã phục hồi thành công nghề làm hoa sen giấy, đưa sản phẩm của Thanh Tiên đến với nhiều người dân trong nước và du khách quốc tế. Hoa giấy Thanh Tiên đã từng bước lấy lại vị thế của mình.

Đến với làng Thanh Tiên vào một ngày cuối năm, Huế trở lạnh khiến những cánh đồng lúa trở nên hiu hắt. Đi ngang một ngôi chợ nhỏ, hình ảnh những chông hoa giấy nhấp nhô giữa đám người đông cho tôi thấy được không khí Tết đã cận kề.

Vào sâu trong làng, những người thợ vẫn miệt mài gia công những tờ giấy màu xanh đỏ để làm ra những cánh hoa với đủ kích thước… Tiếng đập búa vào những chiếc khuôn để làm ra những cánh hoa sen giấy khiến ngôi làng nhỏ trở nên rộn ràng.

Khác với những hộ làm hoa sen giấy quanh năm để phục vụ khách du lịch và đưa đi các tỉnh lân cận, gia đình chú Nguyễn Văn Hiến chỉ làm hoa giấy cắm trang thờ, công việc chỉ mang tính thời vụ, bắt đầu vào mùa đông và kết thúc khi Tết về.

Chú Hiến chia sẻ: “Hoa giấy này chỉ bán trong khoảng 10 ngày trước Tết, tuy nhiên công việc chuẩn bị những nguyên liệu lại bắt đầu từ tháng 10 âm lịch”. Những công việc chính được chú nhắc đến bao gồm: tìm mua thân cây lồ ô và chẻ lồ ô để làm cành hoa, tách ruột cây sắn để làm búp hoa… xong rồi dập khuôn những cánh hoa, sau nhún cánh hoa để tạo những đường gân sắc sảo… Khi mọi chuẩn bị xong xuôi, đến khoảng đầu tháng chạp thì mới bắt đầu ráp những bộ phận, cánh hoa lại với nhau lên cành lồ ô đã được chẻ và nhuộm màu sẵn.

Ngày xưa, nguyên liệu kết dính thường là bột lọc nấu chín, tuy nhiên ngày nay có cải tiến một chút, đó là sử dụng keo nến và súng bắt keo để tiết kiệm thời gian và sản phẩm được tinh tết hơn. Giấy màu được mua sẵn từ chợ với đủ cái loại màu sắc, bỏ qua công đoạn nhuộm màu như trước đây.

Cả làng Thanh Tiên bây giờ chỉ còn hơn chục hộ vẫn làm hoa giấy, số lượng đã giảm dần từ năm này sang năm khác. Mặc dù vậy, chú Hiến vẫn tươi cười nói với tôi rằng: “Chú không sợ cái nghề này mất đi, vì người dân Huế đã tìm lại với hoa giấy Thanh Tiên, con cái chú cũng được chú truyền nghề, chưa mất mô mà lo”.

Lên xe trở lại thành phố và không quên mua một vài cành hoa về cho mẹ thay lên trang thờ, trên đường lác đác những o, những mệ tay cũng cầm đôi ba cành bông giấy trở về nhà từ phiên chợ Tết. Tôi nhớ lại câu nói của chú Hiến về một tương lai của hoa giấy Thanh Tiên, những cành hoa vô tri vô giác ấy đã trải qua những khó khăn, những chọn lựa giữa sự hiện đại và truyền thống.

Cuối cùng, hoa giấy Thanh Tiên vẫn được nhiều người dân Huế chọn lựa. Họ vẫn thay những cành hoa trên trang thờ hàng năm, họ vẫn chọn những cành bông giấy Thanh Tiên như một sự tìm về với những giá trị truyền thống, kế thừa và phát huy văn hóa tâm linh có từ ngàn đời nay.

Diệp Phan
(Theo TRT)

 

Similar Articles

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Là đô thị di dản, "Thành phố xanh quốc gia", cố đô Huế có hệ

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Nạn vẽ bậy lên di tích Kỳ Đài trước Kinh thành Huế đã kéo dài

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Huế và hoàng mai

Huế và hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose