Văn hóa Huế | Homepage

Tìm hiểu lịch sử nghề khắc – in sách Hán Nôm của Việt Nam thời phong kiến

🕔23.Apr 2016

Nguyễn Huy Khuyến

 Khi chưa có kỹ thuật khắc ván gỗ để in sách thì người ta chỉ biết nhân bản bằng phương pháp chép tay. Cho dù bộ sách dày hay mỏng đều được chép tay nhân bản, vì vậy muốn nhân bao nhiêu bản là bấy nhiêu lần chép. Phương pháp này vừa mất thời gian vừa xảy ra tình trạng tam sao thất bản, dẫn đến sai lệch  khá nhiều. Đặc biệt là với những sách học, sách nghiên cứu, sách lịch sử…muốn nhân bản để tham khảo hay làm tư liệu việc chép lại vừa mất thời gian vừa không chính xác.

Khắc ván cũng gần với kỹ thuật in hiện đại, đã tạo ra số lượng lớn thư tịch. Trước hết, người ta cưa ván ra thành từng tấm, đem chữ cần in viết lại trên giấy mỏng, rồi dán ngược lên trên tấm ván đó, sau căn cứ vào mỗi nét bút của chữ, dùng dao khắc từng nét một, sao cho mỗi nét bút của chữ nổi lên trên ván. Văn tự có nét nổi lên đó gọi là “dương văn”,  nếu chữ lõm xuống gọi là “âm văn”, ván khắc in thường là ván “dương văn”.

H.Oger trong cuốn sách Kỹ thuật của người An Nam cho biết nghề khắc in của nước ta như sau:  ‘‘Một người giỏi thi pháp viết bản văn lên tờ giấy bản xứ. Đây là loại giấy trong suốt, như ta đã biết. Các tờ giấy này sau đó được giao cho thợ khắc gỗ. Người thợ này dán chúng lên một tấm gỗ rất cứng gọi là  gỗ thị. Loại gỗ cứng này không bị côn trùng làm hỏng. Nó rất  ăn mực nên chữ in lên đó rất rõ nét, đẹp. Một ít dầu bôi trên tấm gỗ làm hiện ra các nét chữ chưa rõ. Đến đây, người thợ khắc bắt đầu công việc của mình: loại bỏ các phần trắng. Sau đó, bản khắc được giao cho thợ in. Phần lớn các xưởng in được đặt trong chùa. Nhờ  đó, chúng có lợi thế là không phải trả tiền thuê địa điểm và có thể tập trung những đồ nghề cồng kềnh mà không phải lo lắng gì. Phụ nữ được huy động in các sách rẻ tiền. Đàn ông in các sách kinh điển, đắt tiền, rất đẹp được dùng trong các tu viện Phật giáo….’’.[3, tr 232]

Sau khi in xong, toàn bộ những bộ ván in sẽ được cất giữ tại kho tàng bản, mục đích là để lưu lại bộ ván này để khi cần nhân bản người ta có thể in tiếp, hoặc có thể sửa chữa, tái bản sách. Giả dụ theo thời gian mà ván in có mục, có hỏng thì người ta chỉ cần bổ sung chính tấm ván in đó mà không cần thay mới toàn bộ các ván in. Điều này làm giảm chi phí và tiết kiệm đáng kể thời gian.

Nghề in của ta có từ khá sớm. Có thuyết cho rằng, đất Luy Lâu xưa là một trung tâm Phật giáo lớn, suốt từ thế kỷ I đến thế kỷ III đã khắc in kinh Phật. Có thể đây là nơi in sách sớm nhất trong lịch sử ngành in nước ta. Sau này các thời Lý – Trần đều nói đến việc in sách. Nhưng do sự phũ phàng của thời tiết, khí hậu, sự hủy hoại của chiến tranh, sự tàn phá có ý thức của các thế lực xâm lược, sách in ở nước ta bị mất mát nhiều. Điều biết được chính xác chỉ là nghề làm ra các ván in và các bộ sách in ra từ ván in mộc bản này. Theo tác giả Hoa Bằng, nghề in của Đại Việt không muộn hơn thế kỉ XI, đến thế kỉ XV tương đối phát triển, vào thế kỉ XVIII nghề này được phổ biến rộng rãi và đạt đỉnh cao vào thế kỉ XIX.

Theo các nhà nghiên cứu thời Lý – Trần, nước Việt đã có nghề khắc ván in và in sách từ mộc bản. Có điều việc này chưa được phổ biến rộng rãi, mà mới chỉ lưu hành ở các chùa. Thời Lý đã xuất hiện sự ghi chép về việc nước ta có nghề khắc ván in. Đó là việc nhà sư Tín Học ở Chùa Quán đỉnh, núi Không Lộ,  người châu Minh, phủ Thiên đức, họ Tô, chuyên nghề khắc kinh. Việc này được ghi trong sách Thiền uyển tập anh. Điều đó chứng tỏ rằng, nghề khắc ván in đã được lưu hành và có những người biết việc khắc ván in.

Hay trong lời tựa Trích diễm thi tập Hoàng Đức Lương đã nhận xét rằng: “Sách vở về đời Lý – Trần, loại được truyền bá rộng rãi, phần nhiều chỉ là sách chép về nhà Phật. [Như thế] có phải là sùng Nho không sâu sắc bằng lòng sùng Phật đâu! Chỉ vì đạo Phật không bị cấm đoán, nên bao nhiêu trước tác nhà Phật đều được đem khắc bản gỗ để truyền lại. Còn thơ văn thì nếu chưa được trộm phép thánh chỉ, tất chưa dám cho ban hành. Đó là lý do thứ tư khiến cho thi ca không được lưu lại hết ở trên đời”[4, tr 18].

Như vậy, ban đầu những kinh sách đã được in rộng rãi trong các nhà chùa như là một công việc nhân bản để truyền rộng ra thời kỳ này. Còn sách vở liên quan đến văn chương thi phú thì vẫn bị cấm đoán. Thời kỳ này, các tuyển tập thơ văn vẫn chưa được in để lưu hành do chưa có sự đồng ý của vua.

Thời Hồ (1400 – 1407) kỹ thuật in ấn tương đối phát triển, Hồ Quý Ly đã cho in các tiền giấy “Thông bảo hội sao”, trên đó có vẽ những hình khá phức tạp như cỏ tảo, sông nước, đám mây, con rùa, con lân, chim phượng và rồng. Theo Đại Việt sử kí toàn thư, quyển VIII, trang 289: “Mùa hạ, tháng 4, bắt đầu phát [tiền giấy] Thông bảo hội sao. In xong, ra lệnh cho người đến đổi, cứ 1 quan tiền đồng đổi lấy 1 quan 2 tiền giấy.  Thể thức [tiền giấy]: tờ 10 đồng vẽ rồng, tờ 30 đồng vẽ sóng, tờ 1 tiền vẽ mây, tờ 2 tiền vẽ rùa, tờ 3 tiền vẽ lân, tờ 5 tiền vẽ phượng, tờ 1 quan vẽ rồng. Kẻ làm tiền giả bị tội chết, ruộng đất, tài sản tịch thu.”

Tuy nhiên đến tháng 8 năm Kỷ mão (1399), tên cướp Nguyễn Nhữ Cái trốn vào núi Thiết Sơn làm giả tiền giấy tiêu dùng. Sự kiện này đánh dấu kĩ thuật in ấn không còn bị phụ thuộc bởi nhà nước phong kiến quản lý nữa mà tư nhân cũng có thể in được.

Lương Như Hộc (tự là Tường Phủ, người làng Hồng Liễu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, đỗ Thám hoa năm 1442) đi sứ nhà Minh tương truyền có học được nghề khắc gỗ in sách, về sau dạy cho dân làng. Sau này nhiều người ở các nơi khác cũng biết đến nghề ván in và in kinh sách. Những thợ chuyên nghiệp này được gọi là “tử nhân”.[1, tr 54]

Trong giai đoạn này, nghề khắc gỗ ở Việt Nam còn gắn với việc nhà nước phong kiến yêu cầu khắc in những bộ quốc sử đồ sộ. Để hoàn thành được những bộ thư tịch như vậy là rất tốn kém về công sức, tiền của. Công việc chỉ đạo biên soạn, khắc in những bộ quốc sử cần phải có đội ngũ giám sát chặt chẽ. Những người này được tuyển trạch kĩ càng và phải có uy tín, có tài học rộng được vua – chúa tín nhiệm. Trung thư giám là nơi coi sóc các công việc vụ thể trong các khâu của kỹ thuật khắc ván in. Trách nhiệm làm ra khuôn in được trao cho các viên thư ký nội các (Thị nội thư tả). Sau đó khuôn in này còn được kiểm tra qua bốn cấp nữa rồi mới chuyển cho từng thợ khắc ở hai xã Hồng Lục và Liễu Tràng.

Nói như Cung Khắc Lược, khắc ván in là cả một nghề tinh xảo, vốn được gợi mở tương truyền từ ông tổ nghề là Lương Như Hộc. Kỹ nghệ khắc ván in của các phường hội Hồng – Liễu không thua kém so với những tay tử nhân (thợ khắc ván) của Trung Quốc, nhưng thực chất của vấn đề không chỉ dừng ở chữ nghĩa, kiến thức học vấn mà còn ở trình độ thẩm mỹ và nhất là ở lý tưởng thẩm mỹ.

Thời Nguyễn (1802 – 1945) nghề khắc ván in,  in sách phát triển rực rỡ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Việc khắc in những bộ quốc sử đồ sộ, nổi tiếng đã chứng minh cho điều đó, có bộ gồm tới mấy trăm quyển như Đại Nam thục lục, Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Sách in gồm nhiều thể loại còn giữ được đến nay phần lớn thuộc giai đoạn này.

Cơ quan được chỉ định biên soạn khắc in là Quốc sử quán được thành lập dưới triều Hoàng đế Minh Mệnh. Sách Đại Nam thực lục cho biết: “Vua dụ bầy tôi rằng: nhà nước ta mở mang đến nay, các Thánh nối nhau 200 năm. Kịp Thế Tổ Cao Hoàng đế ta trung hưng thống nhất đất nước, trong khoảng ấy, sự tích công nghiệp nếu không có sử sách thì lấy gì để dạy bảo lâu dài về sau. Trẫm muốn lập sử quán, sai các nho thần biên soạn Quốc sử thực lục để nêu công đức về kiến, đốc, cơ, cần làm phép cho đời sau cũng chẳng là phải sao ”[6, tr 66]. Năm Minh Mạng thứ nhất (1821) Quốc sử quán được dựng xong để biên soạn quốc sử. Năm Tự Đức thứ 2 (1849), dựng thêm Tàng bản đường ở phía sau sử quán để chứa ván in mộc bản.

Dưới triều Nguyễn còn có những cơ sở chuyên lưu trữ những bộ cổ thư, những bộ ván khắc chữ Hán Nôm có giá trị. Tiêu biểu cho những thư viện tư nhân này là thư viện Long Cương ở Nghệ An do Cao Xuân Dục đứng đầu, hay Liễu Văn đường ở Hà Nội tàng bản bộ sách nổi tiếng của vua Tự Đức Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, Quan Văn đường, Thư viện gia đình Lê Nguyên Trung: có bài ký soạn năm Bính Ngọ (1846) đời Thiệu Trị cho biết sách ở thư viện tư nhân này được xếp thành 7 loại khác nhau gồm Kinh, Thư, Sử, Tử, Tập, Cử nghệ, Tạp trứ…Qua đây có thể nhận xét rằng nghề in rất được coi trọng. Hiện nay số ván in mộc bản còn lại ở nước ta đa phần là của triều Nguyễn để lại. Dưới đây là phần thống kê tên bộ sách và nơi tàng bản của những bộ ván khắc Ván in mộc bản  qua khảo sát kho Ván in mộc bản triều Nguyễn lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV ( Đà Lạt)

dưới triều Nguyễn ở kinh thành Huế do nhà nước trực tiếp quản lý lên đến con số hàng chục đầu sách với số lượng mỗi bộ sách từ 1000 – 10.000 trang.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Hoa Bằng (1970), Kỹ thuật ấn loát của ta thời xưa, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 133, Hà Nội.
  2. Lâm Giang (2004), Lịch sử thư tịch Việt Nam, Nxb.Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  3. A.L.Fedorin, Những cứ liệu mới về việc chép sử Việt Nam, tập 3, bản dịch của nhiều tác giả, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  4. Viện Văn học (1978), Thơ văn Lý Trần, tập 1, trang 18, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  5. Mai Hồng, Nguyễn Hữu Mùi (1989), Tìm hiểu nghề in của ta qua kho sách Hán Nôm, Tạp chí Hán Nôm, số 1, Hà Nội.
  6. Quốc sử quán triều Nguyễn, bản dịch của Viện sử học (2004) Đại Nam thực lục, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  7. Lê Quốc Việt – Cung Khắc Lược (1998), Nghề in và đồ họa sách thời Nguyễn, Thông báo Hán Nôm học, Hà Nội.

Similar Articles

Tình báo trong chiến dịch đánh Phú Xuân của Chúa Trịnh Sâm

Tình báo trong chiến dịch đánh Phú Xuân của Chúa Trịnh Sâm

Trong chiến dịch tiến đánh Phú Xuân năm Giáp Ngọ 1774, Chúa Trịnh Sâm và

Huyền Trân – nàng công chúa mở mang bờ cõi và nghi án “tư thông”

Huyền Trân – nàng công chúa mở mang bờ cõi và nghi án “tư thông”

Công chúa Huyền Trân là người có đóng góp lớn trong việc mở mang lãnh

Bản đồ lãnh thổ Việt Nam từ thời Hùng Vương đến nay

Bản đồ lãnh thổ Việt Nam từ thời Hùng Vương đến nay

Xưa nay, nói đến quá trình mở rộng lãnh thổ của Việt Nam, người ta

Vụ án Lệ Chi Viên, những điều cần nhìn lại

Vụ án Lệ Chi Viên, những điều cần nhìn lại

Những gì sắp trình bày ở đây không phải là hoàn toàn mới, bởi trước

Ngô Thì Nhậm, một số vấn đề cần xét lại

Ngô Thì Nhậm, một số vấn đề cần xét lại

“Ngô Thì Nhậm là nhà văn hoá lớn bậc nhất của thế kỷ 18, thế

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose