Văn hóa Huế | Homepage

Trịnh rất riêng ở Huế

🕔22.Jun 2016

Những năm 90 của thế kỷ trước, xóm tôi chỉ là một xóm lao động nhỏ trong hoàng thành. Sớm sớm, trước khi đi làm, nhà thím Nga và chú Phong mở chiếc cát-sét cũ những tình khúc của Trịnh. “Diễm xưa”, “Ca dao mẹ”, “Ngủ đi con”, “Mưa hồng”… vang lên trong ánh bình minh. Nó quen thuộc đến độ, nếu sáng nào không được nghe, thì như sáng đó, cứ như ăn bún mà quên không cho thêm miếng ớt.

Tôi còn nhớ, xóm tôi nghèo, nhưng hát nhạc Trịnh rất hay. Mỗi dịp tụ họp, các cô các chú hát “Lệ đá”, “Đời cho ta là thế”… như rót bầu tâm trạng. Hay mỗi dịp tết đến xuân về, bên bếp lửa nồi bánh chưng, cả xóm quây quần hát vang “Nối vòng tay lớn”, “Ở trọ”… như gắn chặt tình thân giữa đời với người, giữa người với người. Họ hát không hay như Khánh Ly, Tuấn Ngọc, nhưng họ hát bằng tất cả tình yêu bình dị, rất gần gũi và ấm áp. Nhờ đó mà thế hệ chúng tôi, đứa nào cũng yêu Trịnh theo cách của xóm.

Ngày được tin ông mất, tôi chỉ là cô nữ sinh, đang học lớp 10 và tôi đã yêu, quý, nghe nhạc của ông như tuổi trẻ bây giờ mê phim Hàn . Thời ấy phương tiện thông tin đại chúng không phổ biến như bây giờ, nên thông tin ông mất tôi chỉ nghe loáng thoáng trên radio. Khi tôi bảo với mẹ: “nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã mất rồi. Mẹ tôi cùng với các dì tiểu thương trong chợ đón đọc từng trang báo viết về ông.

Nhà tôi qua trường, phải băng qua con đường phía sau lưng Đại Nội. Trên con đường ấy, sáng nào ông chủ quán cà fe Phượng cũng mở những tình khúc của Trịnh Công Sơn. Vì quán nhỏ, nằm ngay cổng sau của Trường đại học Nghệ thuật Huế, nên nhiều lúc thấy các anh sinh viên nghệ thuật, ôm giá vẽ, ngồi ngẩn ngơ nhìn phượng thay lá. Thỉnh thoảng những chiếc lá xoáy tròn theo làn gió nhẹ, rơi thật khẽ, vươn trên tóc các cô nữ sinh tan trường, tôi mới hiểu hết ẩn ý “đường phượng bay mù không lối vào, hàng cây lá xanh gần với nhau….” trong tình khúc “Mưa hồng” của ông.

Nếu ai một lần đến Huế, được đắm mình trong không gian lãng đãng chiều hôm, được nhâm nhi ly cà phê bên bờ sông Hương, được nghe những tình khúc của ông, được ngước mắt nhìn trời hẳn rất tự hào vì được hít thở bầu không khí mà mấy mươi năm về trước Trịnh Công Sơn từng thở.

Hay một lần được chứng kiến, các bác xe ôm ở chợ Đông Ba, ôm đàn hát nhạc Trịnh, thì mới thấy hết tình yêu của người Huế dành cho ông. Họ hát bằng tất cả con tim, bởi nhạc Trịnh đã nói thay những phận người.

Chiều qua trên công viên Thương Bạc, nhìn người nghệ sĩ chơi đàn, hát nhạc Trịnh giữa lòng thành phố, mà thu hút đến lạ. Ánh mắt của những cô bán hàng rong, những chị bán hàng lưu niệm dõi theo người nghệ sĩ, miệng nhẩm “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ. Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao….” mới thấy Trịnh rất riêng ở Huế.

Nhiều người Huế rất tự hào khi ông từng tâm sự: “Trong lời bài hát của mình không có một từ nào về các địa danh của Huế, nhưng toàn bộ âm nhạc của mình chính là Huế đấy, Huế của kiếp người…”. Nhưng ông sẽ tự hào hơn, khi thấy Huế yêu ông bình dị đến vậy!

Thùy Dương
(Theo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)

Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu

Nhớ những chuyến xe lam

Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng Facebook về những chiếc xe lam - một thời

Trong bóng dáng mệ quê

Trong bóng dáng mệ quê

Những ngày này Huế mưa, nhớ mạ thiệt nhiều, mà đi chợ càng nhớ hơn,

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose