Văn hóa Huế | Homepage

Vua Minh Mạng cho sưu tầm thơ Lê Thánh Tông

🕔21.Jun 2016

Nguyễn Huy Khuyến

Di cảo thơ văn Lê Thánh Tông phần nhiều đã bị mất mát nhiều trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc thời phong kiến. Đến thời Nguyễn triều vua Minh Mạng, vị vua này cảm phục tài năng thơ phú của tiền nhân, lại có tâm sưu tầm sách cổ thư tịch nên Minh Mạng đã lưu tâm lệnh cho nhân dân sưu tập thơ văn liên quan đến Lê Thánh Tông. Chính điều đó mà ngày nay chúng ta còn có một vài tập thơ còn lại của Lê Thánh Tông, cũng nhờ vào vua Minh Mạng.

Có lần vua Minh Mạng đã nhận xét về thơ Lê Thánh Tông rằng: chỉ có Lê Thánh Tông trước thuật rất nhiều, một vài bài còn lại, người ta đọc lấy làm khoái trá, truyền tụng đến nay, nhưng tiếc là cũng tản mát, không thành tập thành quyển, lại không có bản in để lại. Do đó, Minh Mạng đã cho tìm mua thơ văn của Lê Thánh Tông. Vua dụ cho Nội các rằng : “Nước Việt ta mở nước bằng văn hiến, các bậc vua hiền đời đều có, duy Lê Thánh Tông thì không phải đời nào cũng có. Những phép hay chính tốt chép cả ở trong sử sách, lại còn khi rảnh việc thì lấy văn nghệ làm vui, trước tác rất nhiều, tiếng hay phong nhã vẫn còn văng vẳng bên tai mọi người. Trẫm nhớ đến cổ nhân rất lấy làm kính mến. Tuy đời đã xa, lời nói đã mất, văn chương tuy đã tản mát, nhưng ở trong rừng nho chăm học tất vẫn có người trân trọng giữ gìn. Nay Trẫm muốn tìm cho khắc in để lại lâu dài muôn đời bất hủ. Vậy ra lệnh cho quan Lễ bộ, tư hỏi Bắc Thành và các trấn Thanh, Nghệ, Ninh Bình phàm những nhà quan lại sĩ dân, ai còn giữ được những tập thơ văn ngự chế về đời Hồng Đức (1460-1497) đều đưa đến cho quan sao chép, thu góp lại để khắc in truyền khắp trong nước, để nêu cái tốt đẹp của tiền nhân, lưu một việc hay trong rừng văn nghệ”.

Mặc dù vậy, vua Minh Mạng cũng có những nhận xét rất riêng về thơ Lê Thánh Tông, có lần khi xem xong thơ vua Minh Mạng đã làm bài thơ rằng rằng:

Độc Hồng Đức thi tập hí đề

Cơ hạ ngu tình thả vịnh ngâm,

Hà quan đắc thất hữu vô thâm.

Ngô trù phi dĩ văn chương hiển,

Hồng Đức huynh hà khổ dụng tâm.

Lúc nhàn rỗi vui vẻ lại ngâm vịnh,

Làm bài thơ sau khi đọc Hồng Đức thi tập

Cớ gì phải bận tâm đến việc được, mất, có, không.

Chúng ta chẳng phải lấy văn chương để mà vinh hiển ở đời,

Hồng Đức anh sao lại vất vả dụng công như thế.

Khi làm xong vua Minh Mạng còn chú thích quan điểm của mình rất rõ ràng: “…Trẫm mới gia huệ lưu ý tìm mua những sáng tác đó để đóng thành vài bản tốt. Trong đó văn nghĩa cảm giác như  hai phần ba là đồ giả chưa thể toàn bích, thật khó để kiểm chứng. Ý thơ trong thơ  Lê Thánh Tông đa phần học cách làm thơ điêu luyện, gọt rũa của người đời Đường, từng chữ từng chữ đều dụng tâm. Như đức độ của ngài rực rỡ đến ngày nay, là nhờ vào chính sự chăng, hay nhờ vào văn chương chăng, có thể nhậ biết nếu không có áng văn chương ấy cũng đủ để khiến cho hậu thế ngưỡng mộ ngài, thì hà tất gì ngài phải dụng tâm như vậy. Thơ tôi không đủ lão luyện để theo kịp ngài, nhưng tôi muốn học theo chính sự của ngài, không muốn học theo thơ cú của ngài”.

Vua thường xem quốc sử, bảo Hà Quyền và Trương Đăng Quế rằng: “Các vua đời trước nước ta, như Lê Thánh Tông cũng có thể gọi là vua hiền, Trẫm vẫn hâm mộ. Văn chương cũng hay, tiếc rằng văn quá sự thực”. Nước ta, thơ của vua Lê Thánh Tông rất là thanh tao, xưa nay chẳng ai bì kịp, nhưng phần nhiều luyện từng chữ, gọt từng câu, chưa thoát khỏi phong vận người đời Đường.

Đến thời vua Thiệu Trị vua lại sai tiến văn thơ của vua Lê Thánh Tông, khi trước khoảng năm Minh Mệnh (năm thứ 12) tìm mua văn thơ của vua Lê Thánh Tông, sau được 1 quyển thơ 242 bài, (trong đó thơ Đường luật của vua Lê Thánh Tông 51 bài, thơ Nôm 128 bài, các quan phụng hoạ thơ luật Đường 34 bài, thơ Nôm 9 bài, trong đó thơ viếng của vua Lê Hiến Tông 2 bài, thơ các quan kính viếng 18 bài) cất ở viện Tập hiền, đến nay vua sai quan ở Quốc sử quán viết tinh tường, xem xét lại, tiến lên vua xem, quan Sử quán tâu nói bản cũ biên chép lẫn lộn, xin chọn đem thơ Đường luật của vua Lê Thánh Tông cả chú giải và thơ Nôm đóng thành 1 quyển, rồi lấy thơ viếng của vua Hiến Tông và vua Tương Dực đế chép ở sau, còn như thơ phụng hoạ của các quan và thơ Nôm, riêng làm 1 quyển, gián hoặc có chữ viết phải kính kiêng, thì chiểu theo nghĩa câu văn đổi dùng chữ khác, như gặp chữ vần ép, chữ dùng liền, kính viết 1 nửa bên cạnh, còn các khoản bỏ trống mọt rách, mất, nhầm, ngờ giống ở bản cũ đều để khuyết nghi như cũ, viết xong dâng lên, vua y cho.

Mặc dù, vua Minh Mạng không theo Lê Thánh Tông về cách làm thơ gọt rũa công phu dụng tâm, tuy nhiên những quyết định tìm mua, sưu tập những sáng tác thơ văn Lê Thánh Tông chúng ta không thể phủ nhận công lao này.

 

 

Nguyễn Huy Khuyến

Khoa Quốc Tế học – Đại học Đà Lạt

 

Similar Articles

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Nhẹ nhàng và tỉ mỉ, Trần Thị Thanh Tuyền, cô gái đam mê Calligraphy (thư

Hội Hòa Lạc ở Huế

Hội Hòa Lạc ở Huế

Trong xu thế tác động ảnh hưởng của văn minh phương Tây hồi đầu thế

Đại thi hào Nguyễn Du với Huế

Đại thi hào Nguyễn Du với Huế

1. Không phải đến tận năm 1805, ở tuổi 41, được triều đình nhà Nguyễn

Tam Khanh – Những vần thơ từ trong khuê các

Tam Khanh – Những vần thơ từ trong khuê các

Vẻ đẹp của nữ sỹ ngày xưa Trong xã hội Nho giáo ngày trước, nếu ở

Tết về nhớ bài tới

Tết về nhớ bài tới

Nhìn bài tới là nhớ tết quê. Bởi những tết năm cũ ở quê tôi

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose