Văn hóa Huế | Homepage

Một vài phát hiện từ các hiện vật Chăm Pa núi Linh Thái

🕔04.Dec 2016

Sau bao nỗ lực của tỉnh và các ngành hữu quan, những hiện vật Chăm pa có giá trị văn hóa – lịch sử từ khu phế tích đền tháp núi Linh Thái (Vinh Hiền – Phú Lộc) được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh.

Đây là những cổ vật Chăm pa tiêu biểu, cùng với bệ thờ Vân Trạch Hòa đã được công nhận là bảo vật quốc gia, tạo nên điểm nhấn cho trưng bày, phục vụ du khách đến bảo tàng tham quan và nghiên cứu.

Lỗ đục ở chóp tháp – Ảnh tư liệu

Các hiện vật được nhắc đến là chóp và đế chóp tháp Chăm pa. Có thể cả hai hiện vật này là một phần của cấu trúc chóp tháp Chăm chồng lên nhau bởi phần đế và phần chóp tháp có cấu trúc đồng dạng và kích thước tương đồng. Chóp tháp chạm khắc hình búp sen – mô típ thường thấy trong các công trình điêu khắc Chăm pa. Điểm khác biệt giữa chóp tháp núi Linh Thái so với một số chóp tháp Chăm pa khác là ở 2/3 chóp tháp có đục 4 lổ tròn ở 4 hướng, đường kính 4cm, sâu 5cm.

Tuy nhiên, điều mà những nhà nghiên cứu băn khoăn là mặt trên của đế chóp tháp và mặt dưới chân của chóp tháp đều đục lõm hình vuông mỗi cạnh 37cm, sâu 13cm. Như vậy giữa hai hiện vật này phải có một hiện vật trung gian kết nối, mà hai đầu nhất định phải là hình trụ vuông.

Một số tác giả người Pháp như H. Parmentier, L. Cadieres… từ đầu thế kỷ 20 khi đến Việt Nam, trong các công trình khảo cứu về văn hóa có nói đến tháp Linh Thái và đề cập đến các hiện vật còn lại xung quanh khu đền tháp này. Trong tác phẩm “Inventaire desriptif des mouuments cams de I’Annam” xuất bản năm 1918, có nhắc đến hai hiện vật đế chóp tháp và chóp tháp ở núi Linh Thái mà H. Parmentier gọi là “hai bộ phận nóc tháp…”. Sau này một số tác giả người Việt cũng nghiên cứu về tháp núi Linh Thái như Lê Đình Phụng, Trần Kỳ Phương, Trần Bá Việt, Lê Duy Sơn…

Tài liệu sớm nhất đề cập đến tháp núi Linh Thái là tác phẩm Ô Châu cận lục của tác giả Dương Văn An năm 1555 “tháp cao chót vót trên đỉnh Quy Sơn…”. Quy Sơn đến đời vua Minh Mạng năm 1836 đổi thành Linh Thái Sơn và tên gọi này được dùng cho đến ngày nay.

Đế chóp tháp

Chóp tháp ở núi Linh Thái được chế tác từ sa thạch – một loại đá cứng dùng phổ biến trong các công trình kiến trúc điêu khắc Chăm. Chóp tháp chế tác theo hình thức đục dọc theo phiến đá tạo thành các đường gờ có hình quả khế và được chạm khắc 8 múi cách đều nhau, gồm 4 cánh lớn và 4 cánh nhỏ, nên người dân địa phương vẫn thường gọi là “chóp tháp hình múi khế”. Thực chất đây là hình của một búp sen cách điệu, phía dưới phần đế là 8 cánh sen đang nở ra, hai phần này úp vào nhau tạo thành một chỉnh thể thống nhất. Chỉ tiếc rằng bộ phận (hiện vật) trung gian kết nối giữa phần đế và chóp tháp hiện nay chưa tìm thấy, có thể bị vùi lấp đâu đó quanh khu phế tích đền tháp này hoặc cũng có thể qua sự tác động của con người, qua những đợt tu sửa, chỉnh trang của người Việt đã được đưa đi nơi khác…

Qua những hiện vật còn lại ở khu phế tích đền tháp núi Linh Thái, bằng phương pháp so sánh quy chiếu với một số hiện vật Chăm pa đang được trưng bày ở các Bảo tàng Chăm. Có thể thấy chóp tháp núi Linh Thái thuộc vào phong cách điêu khắc tháp Mẫm – Bình Định, có niên đại từ thế kỷ 11 cho đến cuối thế kỷ 13.

Về ý nghĩa của chóp tháp, theo quan niệm của Ấn Độ giáo, chóp tháp tượng trưng cho đỉnh núi Mêru – nơi ngự trị của các thần linh. Riêng về phần đỉnh chóp tháp gọi là Kailasa, được xem là một ngọn núi thiêng ở dãy Himalaya, là nơi linh thiêng nhất chỉ dành cho thần Shiva ngự trị, vị thần tối cao trong Ấn Độ giáo. Chính vì vậy, khi chạm khắc phần đỉnh chóp tháp người ta đặc biệt chú trọng và thường dát lên đó những kim loại quý như vàng, bạc… vừa tăng thêm tính thẩm mỹ, đồng thời thể hiện sự tôn kính đối với đấng tối cao Shiva.

Ngoài ra, điểm đặc biệt ở chóp tháp núi Linh Thái so với một số chóp tháp khác là trên 2/3 chóp tháp có đục 4 lổ ở 4 hướng. Đã có nhiều ý kiến khác nhau về công dụng cũng như ý nghĩa của những lỗ đục này. Qua nghiên cứu, những lỗ này có thể dùng để gắn chặt bao kim loại lên đỉnh chóp tháp và đính vào đó những kim loại quý vừa tăng giá trị thẩm mỹ, đồng thời thể hiện sự uy nghiêm của công trình kiến trúc tôn giáo và bày tỏ sự tôn kính đối với thần linh.

Ngọc Kiêm
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Không dễ để trở thành đô thị di sản

Không dễ để trở thành đô thị di sản

Thương hiệu “đô thị di sản” mang lại danh dự, uy tín và cả cơ

Áo dài ơi, cảm ơn họa sĩ Cát Tường

Ai đã đọc tập sách Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày

Festival bốn mùa

Festival bốn mùa

Một đề án tổ chức Festival bốn mùa cho Huế đang được soạn thảo và

Giữ chút gì rất Huế

Giữ chút gì rất Huế

Ca Huế từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần của người dân xứ

Tìm về vốn cổ

Tìm về vốn cổ

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống Huế một

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose