Tết xưa
Trong những hình ảnh về ngày Tết mà tôi còn giữ được thời thơ ấu, thì Tết đối với tôi là Tết Bà, mà tôi gọi là Tết Mệ Nội chứ không phải Tết Mạ. Bởi vì mỗi khi Tết đến, cả đại gia đình chúng tôi đều kéo nhau lên nhà Từ đường “ăn Tết”, có nghĩa quây quần chung quanh vị phu nhân trưởng tộc của dòng họ là bà nội tôi.
Mỗi năm cứ vào cữ 20 Tết – gọi là hai mươi làm tốt-, trước ngày đưa ông Táo về trời, là lúc lũ trẻ con chúng tôi dưới phố được gửi lên vườn nhà Từ Đường họ, tọa lạc gần chùa Linh Mụ, ở với bà nội và giúp Bà thay ba mạ bận công việc chưa lên sớm được, chuẩn bị ngày Tết. Các anh con bác từ dưới Ô Hồ lên, chúng tôi từ Hàng Đường, các anh bên An Cựu, các chị bên Nguyệt Biều, chợ Thông, Kim Long đều lũ lượt kéo nhau đến với Bà ở dốc đồi Hà Khê.
Còn nhớ hình ảnh bà đứng đó, dưới hiên từ đường, trước cửa bàng khoa, đón từng đứa cháu. Bà mặc bộ áo ngắn, quần rộng vải bông, màu trắng ngà vào mùa đông, bộ áo lụa vào mùa hè, dáng gầy, tóc bạc, gương mặc thanh thoát. Bà đứng mà đếm từng đứa, mãi cho đủ số các cháu được ba mạ gửi lên, mới trở vào nhà. Khu vườn bỗng rộn tiếng cười nói giòn giã của lũ trẻ làm cho gương mặt của bà tươi hẳn lên. Anh em chúng tôi khoảng hơn mười mấy đứa, đều là con bác con chú con cô ruột, người lớn nhất hơn người trẻ nhất khoảng mươi tuổi, nhiều đứa xấp xỉ tuổi nhau, nên gặp nhau là vui nhộn. Có người bị ba mạ biểu lên, có đứa thích lên vườn mệ, đứa thích trong số đó có tôi, người không thích là các anh con trai, ở dưới phố vui hơn, lên vườn thì hơi chán, ngoại trừ trèo cây hái trái hay ra vườn lùng thơm mít chín trong những ngày hè, nhưng tháng chạp thì chán nhất, chẳng có quả nào ngoài những trái hồng khô hắt hiu trong gió, cây lão mai đang mơ hoa ngày mồng một Tết. Rực rỡ duy nhất chỉ có cây hải đường đang khoe sắc thắm với những cánh hoa hồng tươi, mà hải đường với lũ con trai thì chỉ lượm hoa rơi dùng để đá kiện, cho đến khi hoa tơi tả, rồi cũng chán. Tay chân các anh dài ngoằng, thừa thãi nếu không có trò chơi hay việc làm. Cả bọn chỉ trông đến Tết nên mới hào hứng kéo nhau lên Bà. Cho nên đối với Bà tôi, bắt đầu từ ngày 20 Tết là thời gian bận rộn nhất của bà. Phải “thống lĩnh ba quân”, nói theo tuồng hát Phàn Lê Huê mà bà hay dẫn tôi đi coi hát bội ở phủ bà chúa ở Ngự Viên,… từ ngoài vườn vào trong bếp. Ba quân đây trước ngày ông Táo là anh chị em chúng tôi, còn những ngày từ 22 Tết là phần mứt bánh nấu nướng nhộn nhịp của các bà dâu nội trợ. Từ trong ra ngoài đâu đâu cũng có tiếng khuyên tiếng bảo của bà, để chuẩn bị một cái Tết cổ truyền của dòng họ.
Sau khi cho chúng tôi ăn chè đậu ván bà đã làm sẵn để dành, ấy là lúc phân công. Trước hết là chùi đồ đồng, các bộ tam sự, ngũ sự ở các bàn thờ, việc đó dành cho các anh con trai. Buổi sáng bà đã nhắc mụ Nậy nhớ hái khế chua, múc tro và trấu để sẵn chờ các anh lên. Thế là các anh mỗi người một thứ, chu môi, thè lưỡi hì hục đánh bóng các lư, chân đèn, mâm đồng, bình hoa, quả bồng. Mà các anh vừa làm vừa sai mấy đứa nhỏ như tôi, đứa thì múc nước, đứa thì đưa khế, đứa thì múc trấu… Náo nhiệt cả một góc vườn. Bà tôi vừa nhai trầu vừa thủng thỉnh đi quanh xem các cháu làm, vừa nói: “Tết nhứt- điều quan trọng trước hết là bàn thờ tổ tiên, rồi mới đến nhà cửa. Bàn thờ thì phải trong bóng, tươm tất, sạch sẽ, ông bà mới phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, gia đình ăn nên làm ra, việc chùi rửa các đồ thờ cúng phải nhờ con trai, nối dòng nối dõi, ấy là báo hiếu cho tổ tiên, các con nên làm cho giỏi. Còn mấy đứa con gái thì làm việc khác”.
Bà tôi hay hóm hỉnh làm thơ, đổi luôn những câu thơ gia huấn “trai thì đọc sách ngâm thơ“ ra “trai thì đánh bóng lư đồng“ để tặng các đứa cháu trai, quay qua các chị, bà cũng ngâm “gái thì soạn chén dĩa bồng đơm cơm“ rồi dẫn các chị vào trong đông phòng, nơi bà cất giữ rương chén bát kiểu xưa thường dùng trong những ngày cúng kỵ, lễ lượt, Tết nhứt trong gia đình. Bà bảo các chị nhẹ tay bê các tô,chén dĩa đem ra bàn để rửa sạch và lau chùi. Sau em trai tôi, tôi là đứa cháu gái bé nhất nên bà không cho đụng đến các đồ kiểu quý của gia đình. Nhưng tôi lại học được nhiều khi lắng nghe bà đưa từng chén từng dĩa lên bình phẩm và định chức vụ của chúng cho các món ăn. Chén bát tiên nội phủ nhỏ dành để múc chè, chén kiểu mai hạc dùng cho xúp hay cơm, các dĩa ngoạn ngọc quý phái hay tô kiểu vẽ các sự tích Lã vọng ngồi câu cá hoặc ngư tiều canh mục… dùng để đựng các món bát bửu nước, dĩa rồng phượng và mai hạc cỡ nhỏ để đơm xôi hay sắp các món xào nấu. Vừa bày vẽ cho chúng tôi, bà vừa kể các sự tích được minh họa trên đó. Giọng kể của bà có sức thu hút đưa tôi vào ngay dòng sông hay rặng núi của thời xa xưa mà lại gần gũi, như kề bên, như thử chúng chính là sông Hương và rặng núi Kim Phụng, khung trời mà tâm hồn tôi đang thân thiết tẩm gội và hít thở từng giây phút của tuổi thơ. Chúng thân thiết đến nỗi ngay cả khi bình vỡ chén tan, người đã thành cát bụi, không gian ấy chỉ cần một gợi nhớ là đã gây cảm giác thân thuộc như hơi thở của bà.
Trong các anh chị em, tôi thích nghe bà kể chuyện nên hay níu áo bà và được gần bà nhất trong ba ngày Tết. Sau khi giao việc cho các anh các chị, bà thường nắm tay tôi đi quanh. Xuống bếp dặn các bác các cô chuẩn bị lá dong, lá chuối, lá dứa,thái thịt, vút đậu, lột hành, tiêu muối nước mắm. “Con heo ụt ịt đòi hành đòi tiêu” bà dặn dò nêm, nếm mắm muối đều phải thấu biết tính chất từng loại thực phẩm, theo kinh nghiệm ngày xưa, “xưa làm nay bắt chước”. Bà ấn định khổ bánh và dặn dò cân lượng.
Chuẩn bị Tết, nhà bếp là nơi rộn ràng nhất. Nấu bánh chưng bánh tét, làm mứt, làm bánh, nấu cỗ cúng. Bà biết tài khéo từng người mà giao việc. Dưới sự chỉ bảo của bà các bác các chị đều cố gắng trổ tài làm khéo. Cô tôi từng được khen ngợi có tài tỉa gọt các thứ củ thành những bông hoa hay con thú để làm dưa món dùng cho bánh chưng và bánh tét. Vào dịp Tết dĩa dưa món của cô bày trên bàn là một tác phẩm đẹp mắt đến thèm và thương: một bản hòa ca sắc màu của đủ loại hoa và thú vật đáng yêu, tôi thích nhất những búp hoa ngọc lan bằng đu đủ, những nụ hồng xinh, những hoa cúc sang quý, những cánh bướm vàng, những chú ngọc thỏ trắng muốt, ăn vào giòn tan và ăn luôn cả khoái cảm thẩm mỹ như âm vang một cung đàn chuồi sâu vào bên trong. Cô khéo tay thế ấy mà bà vẫn bảo còn thua các nàng cung nữ trong cung, các bà có nhiều ngày giờ làm khéo từng ngón tỉa tuyệt hảo để được vua khen thưởng.
Bác tôi khéo nhất với các món bánh ít đen và ít trắng. Bà tôi bảo ngày Tết là ngày linh diệu của trời đất giao hòa, cho nên hai thứ bánh ấy không thể thiếu, chúng biểu hiệu âm dương hòa hợp, bà giao cho con dâu cả làm thứ bánh ấy như ủy thác một nhiệm vụ lớn lao gánh vác gia nương.
Trong vườn đã có khóm lá gai trồng sẵn, lá chuối thì bốn bề phủ phê, lá dừa bốn mùa chải gió. Vườn Huế là một kho lưu trữ sinh thái cho bếp Huế, có thể cung cấp các loại rau sạch không những cho bữa ăn thường ngày mà cho cả những tiệc tùng, từ ngọn rau răm cho đến trái vả, từ ngọn tần ô cho đến lá dứa lá dừa. Tất cả đều nhờ bà tôi ngày ngày thầm lặng chăm chút khu vườn, đem cây cỏ khắp nơi về vun bón như lẽ sống của chính bà, để cho con cháu về sau thiếu chi cũng chạy ra vườn, được hưởng lộc mà không hay.
Cứ theo truyền thống gia đình, ăn Tết là một trong những dịp bánh trái được làm nhiều nhất. Bánh ít đen làm bằng bột nếp và lá gai quết nhuyễn, bánh ít trắng cũng bằng bột nếp và nhân thập cẩm. Bánh nậm bằng bột gạo, bánh phu thê bằng bột sắn, bánh phục linh bằng bột bình tinh, bánh đậu xanh, bánh sen tán, bánh bó, bánh măng, bánh dừa mận, bánh vả. Còn mứt thì có mứt hạt sen, mứt gừng mứt cam quất, mứt bí đao, mứt me, mứt dừa, mứt khoai, mứt cam, mứt thơm, mứt khế, hồng ngâm. Bánh hấp thì gói bằng lá chuối, lá dong hoặc lá dừa, bánh khô thì gói bằng giấy ngũ sắc. Bà tôi bảo “học ăn học nói học gói học mở” cho nên mỗi cái bánh đều phải được gói đẹp tận tình. Thế là lũ nhỏ chúng tôi được bà dạy cho cách gói bánh, bẻ khuôn. Bánh ít trắng được gói bằng lá chuối đã hơ mềm, hình nóc chùa, hay hình lục giác – à tôi nhớ bánh này vậy mà gói không dễ, nơi hai đầu lá chuối phải xếp li, bánh ít đen cũng bằng lá chuối hình cái bàn nhỏ vì bánh được vo tròn. Gói bánh quan trọng là cách bẻ góc để tạo hình. Vui nhất là khi làm “hộc” (khuôn) cho bánh phu thê (chúng tôi gọi là su sê) bằng lá dừa, một cái bánh có hai khuôn, khuôn trên và khuôn dưới, khuôn dưới đựng bột bánh được hấp chín, khuôn trên bằng lá dừa tươi là nắp bánh, lắp vào nhau thành một cặp nên gọi là phu thê, đó là một trong những loại bánh vừa ngon vừa đẹp nhất, hồn nhiên mà quý phái của bếp Việt Nam. Mà sao cái bánh nào được bà tôi chỉ dẫn cũng lại vừa ngon- ồ vì chúng tôi vừa gói vừa được thử bánh chăng- mà vừa đẹp – vì cái nào xấu là bị lủm ngay – nên bánh nào cũng về nhất – để cả lũ trẻ con cùng cười hớn hở vì đứa mô cũng về nhất cả! Hãy nhìn xem cái bánh sen tua đẹp chừng nào, hay bánh phục linh bằng bột bình tinh ướp hoa bưởi thơm lừng trong cổ khi được cắn vào, những chiếc bánh mà bà tôi khổ công nắm tay từng đứa chỉ vẽ cho cách xếp góc, bẻ góc sao cho tua giấy tung ra muôn màu, sao cho bánh được vuông vức mai khôi. Vô hình chung, đây là những giờ học thủ công mỹ thuật hồn nhiên, nhưng lại thẩm thấu sâu xa vào tâm hồn thơ dại của chúng tôi hơn lúc nào. Về sau giữa những cơn trầm kha nắng mưa gay gắt của cuộc đời, thoảng khi nhớ về những ngày ấy, mới nhận ra mình đã một lần ở trong thế giới thần tiên.
Thần tiên ấy là nắng xuân đang vừa được mặt trời hé mở dịu dàng, là ánh đèn dầu vàng chiếu đủ những mái tóc xanh bên đầu bạc, là xanh đỏ tím vàng trắng hòa quyện thiên nhiên với bàn tay con người, những ngón tay nhỏ đan xen với lá, với bột, với giấy, với hương thơm tinh khiết của hoa và gió vừa đượm nồng. Giấc ngủ của chúng tôi thường đến bất ngờ giữa lòng bà, mẹ anh hay chị với giấc mơ cổ tích mà bà vừa làm vừa chỉ bảo vừa kể chuyện hay ngâm thơ. Giấc ngủ được ru bằng tiếng của bà xen lẫn tiếng chày khuya, tiếng lá, bằng hương thơm của những chiếc bánh và mứt gừng đang riu đường trên chảo. Tôi yêu những câu chuyện của bà nhất là chuyện Trạng Cóc hay Nàng Cóc. Nàng cóc trở nên một thiếu nữ yêu kiều, sau khi đi thi công ngôn hạnh được về nhất, công ngôn hạnh vẹn toàn thì dung mới được bộc lộ, dung ấy là sắc đẹp làm người vẹn toàn công ngôn hạnh, mà công là làm bánh đẹp cho những ngày Tết ấy như trong mơ.
Hết phần bánh trái, quay sang sửa soạn lễ lượt trong ba ngày Tết, thì đứng đầu là – y phục tươm tất. Hình như đối với những đứa bé,- và đối với bà tôi, ngày Tết chỉ là Tết khi được có áo mới. Cho nên bà căn dặn con dâu và con gái nhớ đừng quên may áo mới cho tất cả những thành viên trong gia đình. Ngày trước, dịp Tết là dịp cho mọi người thay áo mới, xuân thu nhị kỳ, chứ không phải như bây giờ, thời trang thay đổi như chong chóng, các bà các cô đổi áo mới liên tục. Về đêm giữa mơ và tỉnh, còn nghe bà căn dặn mẹ qua tấm mùng, về màu sắc áo mùa xuân. Đó là thời áo dài thường được mặc đôi, hai chiếc nhất là vào dịp Tết trời còn se lạnh, gọi là áo cặp, trong một chiếc áo dài vải lụa nhẹ, ngoài áo dài vải lụa the hay gấm, vào dịp cưới hỏi, sinh nhật và dịp Tết, quần thì nên chọn thứ vải lụa đi với áo gấm, áo nhung, hoặc áo lụa, đừng ham lòe loẹt, sặc sỡ. Áo cặp ngày Tết bà thường dạy phải tinh nhạy chọn màu, trong màu hồng nhạt ngoài màu xanh biển, trong màu xanh rêu ngoài màu san hô, trong đỏ ngoài the nâu, tím thì đi với xanh lục hoặc vàng mơ, đừng có sặc sỡ như màu hát bội hay cải lương, đều là cách phối màu áo tế nhị của người xưa. Bà còn căn dặn trẻ con thì may áo bằng vải lụa dày hay vải phin, quần rộng để chạy nhảy cho dễ, đừng theo mốt thời nay may áo bằng vải ni-lông mặc bịt bùng. Nghe bà căn dặn mẹ may áo cho con, thì tôi đã mơ một chiếc áo mới ngày mồng một Tết sẽ được xúng xính với các anh chị vào mừng tuổi bà. Lời bà biết bao cẩn trọng và tin yêu cho mọi người, hình như càng về sau, mình mới hiểu được hết ý nghĩa của nếp nhân sinh từ chiếc áo, cái bánh, miếng mứt ngày Tết.
Chuyện Tết với bà tôi hầu như vô tận. Hết chỉ dẫn điều này đến điều khác, lắm khi như chuyện thần tiên, lắm khi như một giấc mơ. Đối với đứa trẻ lên 8 tuổi thì những ngày trước Tết quả là dài vô tận, khi lẽo đẽo theo bà. Cho đến khi một sáng ngày cuối năm, mụ Nậy đun nồi nước trong vườn um khói, trước khi bếp được dùng để nấu bánh chưng bánh tét. Lu nước mưa bên cạnh sóng sánh hoa mộc hoa bưởi trong vườn, mùi chanh bốc thơm phức. Ấy là lúc sửa soạn cho bà tôi tắm tất niên.
Cuộc tắm Tất Niên của bà được xem là dấu mốc chấm dứt công việc tề gia nội trợ của năm cũ, thảnh thơi bước vào năm mới với con người mới. Chị tôi được bà cho phép kỳ lưng, còn tôi được phân công dội nước cho bà tắm, tôi xin được làm việc dội nước cho bà. Mới biết bà tôi mặc 5 lớp áo cụt suốt mùa đông, túi này chồng lên túi khác đều có chức vụ riêng như ví cất tiền, ví cau trầu, ví khăn mặt!!! Lần đầu tiên tôi được chiêm ngưỡng bà tôi, gầy khẳng khiu, chân ốm tong, tay dài như hai những nhánh lão mai trước sân nhà, ngón tay muốt dài, ngực bà không còn căng, khác với mẹ và chị, nhưng hơi ấm từ lồng ngực vẫn tuôn ngào ngạt thơm mùi sữa. Bà tôi vốn người mảnh mai từ thuở còn thiếu nữ và vẫn giữ cốt cách ấy trong suốt đời người.
Ôi bà tôi gầy và mỏng manh trong gió đông… Tưởng chừng giấc mơ thần tiên đêm ba mươi đã bay đi với chiếc áo, và tôi nghe chừng như mình sắp òa khóc, yêu bà, thương bà nhăn nheo gầy guộc đến quên cả chiếc áo mới đang mơ.
Thế rồi, trong khói sương mồng một Tết, khi mẹ tôi mặc cho chiếc áo mới và bồng tôi ra ngoài mừng tuổi bà, tôi còn ngái ngủ với giấc mơ chưa trọn. Bàn thờ gia tiên bừng trong ánh sáp, chiếu sáng choang những lư đồng đang nghi ngút trầm hương, những quả bồng bánh rực rỡ đủ màu, những khay mứt thơm lừng mùi Tết. Mọi người trong gia đình đang chỉnh tề khăn áo, lũ trẻ chúng tôi được sắp hàng thứ tự để quì lạy chúc Tết, mừng tuổi bà.
Và tôi thấy, với đôi mắt mở to, bên cành mai rực rỡ vừa đơm bông, bà tôi ngồi cạnh hập tộ, vẻ thanh thoát đẹp như tiên trong cặp áo lục điều… một nhành mai cốt cách đẹp nhất thế gian!
Thái Kim Lan
(Theo Tạp chí Sông Hương)
Similar Articles
Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)
Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu