Văn hóa Huế | Homepage

Đi tìm cái chưa biết

🕔14.Apr 2017

Có khi sản phẩm du lịch không cần phải to tát mà là những gì gần gũi với đời sống. Nó là cái chúng ta chưa biết, chưa gặp, chưa một lần đặt chân đến…

Với hơn 22.000 ha, Tam Giang – Cầu Hai là hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Ngoài giá trị kinh tế, hệ đầm phá này chứa đựng một tiềm năng phát triển du lịch rất lớn. Đó là cảnh đẹp của thiên nhiên, là một đời sống hết sức phong phú của cư dân sông nước.

Với nghề nghiệp của mình, tôi đã nhiều lần đi về trên vùng đầm phá này. Cũng có nhiều đêm ở lại và biết được nhiều điều lạ lẫm và thú vị.

Chỉ cái chuyện làm nghề của ngư dân cũng gây cho ta một sự “tò mò” thích thú. Vì nó quá độc đáo, nếu không tận mắt chứng kiến thì không thể hình dung được. Như là chuyện bắt lươn. Lươn là loài sống được cả trong môi trường nước ngọt và lợ, chúng sống trong các hang ngách, dưới các lớp đất bùn với độ sâu khoảng 10 đến 20cm. Nắm bắt được những đặc tính trên, những cư dân của vùng sông nước, với trí thông minh và tài sáng tạo của mình đã khai sinh ra cái nghề cào lươn. Dụng cụ là một cán tre dài khoảng từ 2 đến 2,5m, trên đầu cán tre được gắn một lưới cào bằng kim loại có ngạnh như lưỡi câu. Với mực nước sâu có khi đến ngực, thế mà họ bắt được mới tài.

Hay là nghề đi tủ. Cái nghề này cũng rất lạ. Dụng cụ chỉ là một tấm lưới nhỏ có chức năng như một cái đó đặt ở nơi cố định. Và một dụng cụ khác để bủa cá là sợi dây thừng to và dài. Dụng cụ này chỉ để đánh được duy nhất cá bống. Hiểu được đặc tính cá bống sống và di chuyển ở tầng đáy nên khi đặt lưới xong, ngư dân cho chiếc thuyền chạy một hình vòng cung, vừa chạy vừa thả dây giống như nghề bủa lưới trên biển. Cứ thế, chiếc dây thả sát đáy khép dần. Cá bống thấy nguy hiểm, cố chạy để tránh chiếc dây và dồn vào cái đó đã đặt sẵn. Từ trước đến giờ, tôi chưa thấy một cách đánh bắt thủy sản nào nó lạ như thế.

Rồi những chợ nổi trên đầm phá hình thành vào lúc bình minh để buôn bán thủy sản đánh bắt được vào mỗi ngày với nhịp sống hết sức sinh động. Có tiếp xúc với ngư dân đầm phá mới thấy độ chân chất và phóng khoáng của họ. Gắn mình với lênh đênh sóng nước, dường như với họ mọi việc đều đơn giản. Đơn giản đến độ khoáng đạt. Có lẽ ít có bộ phận dân cư nào có phẩm chất này…

Đến một nơi vừa được ngắm nhìn những điều lạ lẫm, vừa hiểu được đời sống có tính khác biệt của một cộng đồng, vừa được thưởng thức những món tươi ngon của đầm phá trong  không gian sông nước, nếu nói về du lịch, có lẽ những điều này quả là độc đáo.

Chỉ tiếc rằng, tiềm năng này chưa được khai thác nhiều.

Được biết có một sản phẩm du lịch cộng đồng ở đầm phá đưa vào khai thác nhiều năm nay, nhưng có vẻ như chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Không phải bản thân nó thiếu sức hấp dẫn mà chính do cách thức tổ chức không đúng về thời điểm không gian và thời gian. Ở một nơi, mọi hoạt động nghề nghiệp của ngư dân diễn ra vào ban đêm đến rạng sáng, thì chúng ta lại đưa khách đi từ sáng trở về trưa. Du khách muốn trải nghiệm đổ nò thì phải chuẩn bị trước, phải “diễn”…

Thử hình dung, khi mình đến một nơi nào đó, sau khi được tham quan lăng tẩm, chùa chiền – nghĩa là đến với sự cổ kính, trang nghiêm, tĩnh lặng – rồi về đầm phá để thấy một vùng sóng nước mênh mông, biết được những nghề đánh bắt thủy sản hết sức độc đáo như đã nói; biết thêm về đời sống của một cộng đồng dân cư… và tất nhiên, được thưởng thức những đặc sản tươi ngon của đầm phá, nghĩa là đến với sự “chuyển động”, tôi tin những điều này sẽ gây được hứng thú cho du khách.

Hơn ai hết, những người làm du lịch chuyên nghiệp là những người rất nhạy cảm và am tường về những sản phẩm du lịch mới. Họ thường xuyên tiếp xúc với khách; họ hiểu từng đối tượng khách hàng thích những sản phẩm du lịch gì; họ hiểu được những xu hướng du lịch và đưa ra những sản phẩm phù hợp. Bởi vậy, những gì vừa nêu chỉ là những cảm nhận cá nhân với mong muốn góp thêm một góc nhìn. Có khi sản phẩm du lịch không cần phải to tát mà là những gì gần gũi với đời sống. Nó là cái chúng ta chưa biết, chưa gặp, chưa một lần đặt chân đến… chứ không hẳn là cái đơn giản hay hiện đại. Phải chăng du lịch là thế?!

Nguyên Lê
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Nạn vẽ bậy lên di tích Kỳ Đài trước Kinh thành Huế đã kéo dài

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Huế và hoàng mai

Huế và hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose