Từ Festival Huế đến Huế Festival
Festival Huế đã trở thành sự kiện văn hóa – du lịch có quy mô quốc gia và quốc tế. Đó là sự nỗ lực lớn của tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm phát huy tiềm năng văn hóa, du lịch của địa phương.
Một tiết mục nghệ thuật tại đêm bế mạc Festival Huế 2016
Tên gọi và khu trú ở địa giới hành chính
Năm 2012, có nhà nghiên cứu đề xuất ý kiến thay từ “Festival” bằng một từ tiếng Việt là “Lễ hội văn hóa” với lý do bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. “Festival” theo tiếng Anh có nghĩa là: Ngày hội, hội diễn, đại hội liên hoan…Thực tế qua 9 lần tổ chức, Festival Huế có hai hình thức được trình diễn: từ các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế; tái dựng lễ hội văn hóa (Lễ Tế Giao, Lễ hội Áo dài, Lễ hội “Truyền lô – Vinh quy bái tổ”…). Thuật ngữ “Festival” đã trở nên quen thuộc đối với du khách cả nước, vả lại trong thời kỳ hội nhập quốc tế, thiết nghĩ không nhất thiết thay bằng “lễ hội văn hóa”.
Festival Huế có nghĩa là festival được tổ chức ở Huế. Huế trong Festival Huế là đơn vị hành chính, là thành phố Huế rộng hơn 70km2 hiện nay chứ không phải Huế là danh xưng của vùng văn hóa Huế, xứ Huế. Nói điều này nhằm xác định quy mô, địa bàn festival, không để các hoạt động Festival Huế dàn trải ở nhiều nơi trên địa bàn toàn tỉnh, từ Thuận An đến A Lưới, từ Lăng Cô đến Phong Điền…
Một tiết mục nghệ thuật tại đêm bế mạc Festival Huế 2016
Khu trú các hoạt động Festival Huế, đúng với tên gọi, chủ yếu diễn ra ở thành phố Huế để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức và du khách; chất lượng chương trình cũng được nâng lên. Các hoạt động nghệ thuật chủ yếu diễn ra ở Đại Nội Huế vào ban đêm kết hợp với tham quan kinh thành Huế. Địa bàn gọn lại, quy mô vừa phải, phù hợp với điều kiện các thiết chế văn hóa và trình độ tổ chức, kinh phí thực hiện… Không lấy mục tiêu mời nhiều đoàn nghệ thuật thế giới càng nhiều càng tốt. Riêng nhiệm vụ nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho đồng bào vùng xa, vùng sâu nhân dịp Festival Huế tổ chức thì đã có các chương trình khác, như: mời các đoàn nghệ thuật về phục vụ, chiếu phim, triển lãm…
Hai loại chương trình và không cần chủ đề
Chúng ta thường nghe các nhà tổ chức Festival Huế nói đã có công nghệ tổ chức festival của riêng mình. Theo công nghệ này, Festival Huế có 3 loại chương trình: 1. Chương trình nghệ thuật chất lượng cao, có bán vé, gọi tắt là chương trình IN; 2. Chương trình cộng đồng (gọi tắt là chương trình OFF) được tổ chức trải rộng trên địa bàn TP. Huế và các huyện, không bán vé; 3. Chương trình hưởng ứng Festival Huế, do các tổ chức, cá nhân có kinh phí tự nguyện tổ chức, như: Lễ hội bia, các hoạt động triển lãm, hội chợ, chương trình ca nhạc…
Với tinh thần tinh gọn, không dàn trải, chúng tôi nghĩ Festival Huế chỉ nên có hai loại chương trình và cũng bỏ cách gọi chương trình IN và OFF, cụ thể:
1. Chương trình festival: Gồm các chương trình nghệ thuật chất lượng cao trong nước, quốc tế và các lễ hội do Ban Tổ chức Festival Huế tổ chức (như: Lễ hội Nam Giao, Lễ hội Áo dài…)
2. Chương trình hưởng ứng festival: Nội dung và cách gọi loại chương trình này giữ nguyên như cũ.
Cả hai loại chương trình này được diễn ra chủ yếu ở địa bàn TP. Huế: Không gian Đại Nội và hai bờ sông Hương; tùy theo mỗi chương trình nghệ thuật, lễ hội hoặc hoạt động cụ thể mà có bán vé hoặc không.
Chủ đề cho mỗi kỳ tổ chứcFestival Huế
Qua 9 lần tổ chức, chúng ta thấy có các chủ đề: “Huế – Thành phố của nghệ thuật sống” (2000); “Khám phá nghệ thuật sống của Cố đô Huế” (2002); “700 năm Thuận Hoá – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế” (2006); “ Nơi gặp gỡ các thành phố lịch sử” (2012); “710 năm Thuận Hoá – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế (2016) và “Di sản văn hoá với hội nhập và phát triển” (2004, 2008, 2010, 2014).
Như vậy, có 2 festival có chủ đề gần giống nhau (2000, 2002), 2 festival có chung một chủ đề (2006, 2016); còn “Di sản văn hoá với hội nhập và phát triển” theo chúng tôi đó không phải là chủ đề, mà là định hướng, phương châm của Festival Huế. Còn một số Festival Huế có chủ đề như đã nêu thì những chủ đề rất khó thực hiện, như: “710 năm Thuận Hoá – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế”, như “Khám phá nghệ thuật sống của Cố đô Huế”. Festival Huế là festival tổng hợp, nơi trình diễn các lễ hội và chương trình nghệ thuật của trong nước và quốc tế. Do đó việc chọn chủ đề cho mỗi kỳ festival sẽ khó đạt yêu cầu khi thực hiện. Không nhất thiết phải có chủ đề cho mỗi lần Festival Huế
Về hai chữ “đặc trưng”
Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trong một số nghị quyết, diễn đàn và báo chí ở Thừa Thiên Huế, chúng ta vẫn thường nghe có hai định hướng song song tồn tại. Đó là “Xây dựng Huế thành thành phố Festival của Việt Nam” và “Xây dựng Huế thành thành phố đặc trưng của Việt Nam” (chúng tôi nhấn mạnh từ “đặc trưng).
Vậy theo định hướng nào? Đặc trưng là cái gì riêng có của sự vật, hiện tượng. Thế nào “đặc trưng”, nội hàm của “đặc trưng Việt Nam” là gì thì chưa thấy được làm rõ và cũng rất khó để thống nhất.
Nước ta có hàng trăm đoàn nghệ thuật, hơn 250 lễ hội truyền thống được ghi vào lịch, 54 dân tộc anh em với nền văn hoá phong phú, độc đáo. Festival Huế đã trình diễn một số nghệ thuật như: Cồng chiêng Tây Nguyên, Trống Võ Bình Định, Nhã nhạc cung đình Việt Nam, Tuồng, Ca Huế, Ca trù… Vậy loại hình nghệ thuật, lễ hội văn hoá truyền thống và hiện đại nào mang “đặc trưng của Việt Nam” để được trình diễn ở
Festival Huế. Rồi tỷ lệ tối thiểu là bao nhiêu, yêu cầu chất lượng như thế nào… trong tổng thể nội dung của mỗi kỳ Festival Huế. Ngược lại, có cảm tưởng mời được càng nhiều đoàn nghệ thuật quốc tế thì cho đó là tiêu chí quan trọng để đánh giá thành công của Festival Huế. (Festival Huế 2014 có đến 66 đoàn nghệ sĩ của 37 quốc gia).
Chúng tôi nghĩ định hướng “Xây dựng Huế thành thành phố Festival của Việt Nam” là phù hợp, không có từ “đặc trưng”. Với “ngoại diên” rộng thì nội hàm cũng lớn hơn, và do đó cũng dễ thực hiện hơn. Nó cũng tương tự như không nhất thiết xác định chủ đề cho mỗi kỳ Festival Huế như đã nói ở trên. Với 9 lần tổ chức Festival Huế và 6 lần tổ chức Festival nghề truyền thống Huế các năm lẻ từ năm 2005 đến năm 2015, Thừa Thiên Huế đang phấn đấu xây dựng Huế thành thành phố festival của Việt Nam. Nói một cách ngắn gọn là từ Festival Huế đi đến Huế Festival. Dĩ nhiên là còn phải phấn đấu rất nhiều, kiên trì 30-4 0 năm Huế mới có thể trở thành thành phố festival.
Thay đổi bộ máy tổ chức Festival
Mục đích của Festival Huế là biến tài nguyên văn hoá, tài nguyên du lịch thành sản phẩm du lịch phục vụ cho công chúng. Ta vẫn ví du lịch là ngành “công nghiệp không khói”. Như vậy Festival Huế phải lấy hiệu quả về kinh tế – xã hội để phấn đấu. Các kỳ Festival Huế đã tạo ra thị trường du lịch và hướng tới thị trường du lịch này ngày càng sinh lợi về kinh tế. Trong thời kỳ đầu, chính quyền tỉnh, các ban, ngành liên quan ở T.W và địa phương đã đầu tư về cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hoá phục vụ cho Festival Huế và một phần kinh phí để tổ chức Festival Huế. Tuy nhiên, nguồn kinh phí từ ngân sách tổ chức Festival Huế sẽ ít dần, tiến tới không còn bao cấp nữa.
Để đạt được mục tiêu đó, bộ máy tổ chức Festival Huế cần có sự thay đổi. Trước hết tách chức năng kinh doanh dịch vụ di tích Cố đô Huế ra khỏi Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế để thành lập công ty dịch vụ du lịch; Trung tâm BTDTCĐ Huế chỉ làm nhiệm vụ “bảo tồn” như tên gọi. Phần “phát huy” di tích – tức là kinh doanh dịch vụ du lịch ở các điểm di tích của Cố đô Huế do công ty đảm nhiệm. Công ty có tên Công ty Festival Huế đặt theo thương hiệu Festival Huế, thực hiện chức năng tổ chức, kinh doanh các kỳ Festival Huế và các di tích Cố đô Huế.
Trung tâm Festival Huế hiện nay, một thiết chế đặc biệt, thực hiện chức năng là cơ quan đầu mối của ban tổ chức Festival Huế được giải thể. Việc chuyển nhiệm vụ Trung tâm Festival Huế sang Công ty Festival Huế là chuyển cơ chế từ đơn vị sự nghiệp có thu một khâu trung gian, sang kinh doanh du lịch, dịch vụ. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Ban Tổ chức Festival Huế, Công ty
Festival Huế tổ chức, quảng bá, tìm tài trợ mời Hội đồng nghệ thuật, đạo diễn, tác giả, diễn viên…; đồng thời làm việc với các đoàn nghệ thuật, địa phương, đơn vị… để xây dựng chương trình và điều hành Festival Huế có sự phối hợp chặt chẽ với Trung tâm BTDTCĐ Huế.
Minh Khiêm
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)
Similar Articles
Áo dài ơi, cảm ơn họa sĩ Cát Tường
Ai đã đọc tập sách Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày