Văn hóa Huế | Homepage

Túi giấy

🕔02.Apr 2017

Tiệm vẫn cũ, người cũng cũ nữa. Những xấp vải đủ sắc màu vẫn lặng lẽ mà lao xao mời mọc. Vậy mà không hiểu vì sao tôi vẫn có một cảm giác là lạ.

Có những chi tiết chừng như không mấy ai để ý, thậm chí có người hờ hững nhưng lại mang đến một cảm giác thật dễ chịu. Khi trở lại lần sau, tôi đã nói với chủ tiệm điều đó. Chị chỉ cười khi bảo, không phải chạy theo trào lưu đâu mà bản thân chị cũng thấy có trách nhiệm trong việc chia sẻ với khách hàng của mình ý thức sống xanh, cho dù chênh lệch về giá thì túi giấy có cao hơn túi ni lông một chút trên tổng giá trị và túi ni lông lại bền hơn trong sử dụng. “Nhưng quả thật tôi thấy cần phải thay đổi ý thức trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi người một chút, mỗi thứ một chút, chỉ số chất lượng sống sẽ được cải thiện”…

Không phải là tất cả, nhưng tôi cũng nhận thấy rất nhiều người đã chọn cách thay đổi trong việc sử dụng công cụ chứa đựng những thứ đơn giản hàng ngày, được lựa chọn tùy theo chất lượng và độ nặng nhẹ của đồ vật bên trong mà quy định chất liệu. Chẳng hạn như chiếc túi giấy có vẻ dai hơn để đựng vài món đồ sứ của Canstudio mà con gái mang về sau chuyến dạo phố đi bộ; vài món mỹ phẩm nằm gọn trong chiếc túi giấy nhỏ xinh với tên shop ở một địa chỉ trên đường Mai Thúc Loan; những gói cà phê gọn gẽ trong lớp giấy màu ngà bọc ngoài lớp giấy bạc phía trong bạn gửi ra từ Daklak. Những chiếc bánh hamburger còn nóng hổi trong lớp giấy vàng ngà bé con vừa mua. Hôm rồi qua chợ, tôi cũng được người bán trao cho đôi dép vừa mua trong một chiếc túi giấy…

Không phải là tất cả, song đã thấy có nhiều sự thay đổi được cài đặt trong thói quen mua sắm hàng ngày. Điều dễ chịu khác mà tôi có là cách mà mọi người xem đó như là một thái độ cần phải có và bắt đầu được bình thường đối với cuộc sống. Nói một cách khác đi, đó cũng là việc lựa chọn thái độ ứng xử văn hóa cho cuộc sống, dẫu nó chưa nhiều và chưa đồng đều. Cũng hôm rồi, người bán hàng bên chợ nói với tôi về ngưng trệ trong câu chuyện về rác ở Lộc Thủy (Phú Lộc). Chị bảo, nếu mỗi người ý thức thêm một chút, dùng chất liệu có thể tự tiêu hủy tốt hơn một chút trong cuộc sống thường ngày sẽ góp được phần mình vào việc giảm ảnh hưởng đến môi trường và những hệ lụy sau đó. Tôi đã không trả lời và cũng biết mình không thể trả lời được câu hỏi kèm theo là khi nào và đến bao giờ thì những điều này mới được đưa vào thực hiện dựa trên những hướng dẫn, sau đó là chế tài của nhà nước để hỗ trợ cho những giải pháp đồng thời khác. Điều mà tôi có thể là nếu ai cũng làm được như chị, Huế của mình sẽ thật sự là thành phố văn hóa xanh.

Vẫn cứ ước làm sao, những chiếc bao giấy, túi giấy nhẹ bẫng và còn ít ỏi kia rồi sẽ trở thành số đông mỗi ngày.

Nguyễn An Lê
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Kim Long có gái mỹ miều

Kim Long có gái mỹ miều

Đất Huế một thời đế đô, giai nhân dập dìu tụ hội đã đành. Mãi

Những khoảng Huế xanh

Những khoảng Huế xanh

Rong ruổi trên những con đường xứ Huế thật chậm mới nhận ra màu xanh

Phước Tích – Những vết dấu thời gian

Phước Tích – Những vết dấu thời gian

Thiên nhiên ưu đãi cho xứ Huế nhiều thắng cảnh nên thơ và những con

Xin đi từ thơ ấu

Xin đi từ thơ ấu

Ấn tượng sâu đậm nhất của tôi thời thơ ấu đọng lại bây giờ là

Ngao bung – “bung là ăn”

Ngao bung – “bung là ăn”

Lâu lắm mới gặp bạn ở quê lên thành phố chơi. Bạn nằng nặc đòi

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose