Văn hóa Huế | Homepage

Hổ Quyền – Đấu trường sinh tử vang bóng một thời

🕔10.Jun 2017

Xét về mặt nghệ thuật kiến trúc, đấu trường Hổ Quyền không có nhiều điểm nổi bật nhưng về giá trị văn hóa lịch sử thì đây là công trình có một không hai của một triều đại mà không nơi nào có được.

Từ TP. Huế men theo con đường Bùi Thị Xuân về phía Tây khoảng 5km du khách dễ dàng tìm đến cụm di tích Hổ Quyền – Điện Voi Ré tại thôn Trường Đá, phường Thủy Biều, TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế). Đây là công trình nằm trong quần thể di tích Cố đô Huế, là một đấu trường độc đáo mà không hề có ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.

Đấu trường độc đáo

Từ thời chúa Nguyễn vào Nam khai hoang lập ấp, đã từng có các ghi chép về  những trận đấu “vô tiền khoáng hậu” giữa voi và hổ là hai con vật tượng trưng cho sức mạnh của núi rừng. Những cuộc đấu như vậy được tổ chức không chỉ mang tính chất giải trí, mua vui cho vua quan và binh lính mà còn để huấn luyện nên những con voi thiện chiến phục vụ vào mục đích quân sự, thể hiện sức mạnh của đương triều.

Hổ Quyền – Đấu trường sinh tử vang bóng một thời - ảnh 1

Đấu trường Hổ Quyền, nơi diễn ra những trận quyết chiến giữa voi và hổ.

Theo sử sách cũ ghi chép lại, khi chưa có các trường đấu cho voi và hổ, các trận đấu này thường được tổ chức tại cồn Dã Viên (nay thuộc TP. Huế). Vào năm 1829, khi vua Minh Mạng cùng các quan đang ngự giá xem một trận tử chiến giữa voi và hổ được tổ chức tại đây thì con hổ bất ngờ bơi về phía thuyền rồng. Nhà vua phải dùng sào để đẩy hổ ra xa, quan quân kịp thời giết con hổ ngay trên sông nên nhà vua mới thoát nạn.

Sau sự việc này, thấy việc tổ chức các trận đấu giữa voi và hổ ở cồn Dã Viên không an toàn nên năm 1830 vua Minh Mạng quyết định chọn một vùng đất tại chân đồi Long Thọ cách không xa kinh thành Huế để xây dựng một trường đấu kiên cố dành cho những trận tử chiến giữa voi và hổ. Địa điểm đó nay chính là đấu trường Hổ Quyền bây giờ.

Hổ Quyền là một công trình được xây dựng bằng gạch vồ, đá thanh và vôi vữa tốt. Xét về cấu trúc, Hổ Quyền có nét tựa đấu trường La Mã khi có hình vành khăn nằm lộ thiên với hai vòng tường thành trong và ngoài. Vòng thành trong cao 5,9m; vòng thành ngoài cao 4,75m, nghiêng một góc khoảng 10-15 độ tạo thế vững chãi kiểu chân đê. Chu vi tường ngoài 145m, đường kính lòng chảo Hổ Quyền là 44m với thiết kế vững chắc để đảm bảo an toàn cho mọi người khi xem các trận đấu.

Hổ Quyền – Đấu trường sinh tử vang bóng một thời - ảnh 2

5 chuồng cọp được xây dựng ngay trong lòng đấu trường nằm đối diện với khán đài phía Bắc.

Khán đài nơi vua ngồi được đặt ở phía Bắc và được xây cao hơn các vị trí xung quanh và có một không gian tương đối rộng. Bên trái khán đài là hệ thống bậc cấp đi lên với 24 bậc dành cho vua quan và quốc thích đại thần. Bên phải là hệ thống bậc cấp khác dành cho các quan và binh lính.

Từ khán đài nhìn về phía đối diện là 5 chuồng cọp được xây dựng ngay trong lòng đấu trường với hệ thống cửa gỗ được đóng mở bằng cách kéo dây nối từ trên xuống. Sân đấu là thảm cỏ hình tròn.

Ngoài hệ thống tường thành còn có một cửa cao 8 thước, rộng 7 tấc được làm bằng đá thanh, phía trên cửa có ghi “Hổ Quyền” là nơi voi được đưa vào trường đấu.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Huế, đấu trường Hổ Quyền là công trình có kiến trúc độc nhất vô nhị không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới dù về quy mô, nó không thể sánh bằng đấu trường nổi tiếng Colosseum của Italia.

Những cuộc chiến không cân sức

Theo các ghi chép, trận đấu cuối cùng tại Hổ Quyền giữa voi và hổ được tổ chức vào năm 1904 dưới thời vua Thành Thái. Cũng như những trận quyết đấu khác, nghi thức tổ chức cũng được làm rất trang trọng. Ngày đấu, người dân đặt hương án, lễ vật. Xung quanh bày nghi trượng, cắm cờ dựng lọng.

Đúng giờ Ngọ, vua cùng tùy tùng ngự thuyền đến bến đò Long Thọ để vào trường đấu. Đi trước là lính Ngự lâm quân, thị vệ cầm cờ Tam tài, cờ Ngũ hành, cờ Nhị thập bát tú, gươm tuốt trần. Theo sau là đội nhạc cung đình. Suốt đoạn đường này người ta phải trải chiếu hoa để đón vua, hai bên đường lính áo đỏ cầm khí giới nghiêm trang, các quan trong triều quỳ cung kính nghênh đón.

Dưới thời nhà Nguyễn, theo quan niệm voi là loài vật đại diện cho cái thiện, cho sức mạnh của nhà vua. Hổ đại diện cho cái ác, cho quần thần, binh lính và dân chúng. Ác thì không thể thắng được thiện, cũng như vua là bậc thượng tôn đầy sức mạnh cho nên trong mọi trận quyết chiến, voi bao giờ cũng phải là con vật giành chiến thắng.

Để đảm bảo điều này luôn xảy ra, trước mỗi trận đấu hổ đã bị cắt trụi các móng vuốt và bẻ hết răng nhọn. Hổ thường bị bỏ đói để giảm đi sức mạnh còn voi luôn được chăm sóc đầy đủ, được huấn luyện và luôn có tượng binh bảo vệ phòng khi thất thế. Trận đấu giữa voi và hổ vì vậy thường diễn ra không cân sức và kết thúc lúc nào cũng bằng cái chết dành cho hổ.

Hổ Quyền – Đấu trường sinh tử vang bóng một thời - ảnh 4

Cửa thành được làm bằng đá thanh, phía trên cửa có ghi “Hổ Quyền” là nơi voi chiến được đưa vào trường đấu.

Theo sử sách, những trận đấu đầu tiên giữa voi và hổ được chúa Nguyễn Hoàng tổ chức từ thời gian đầu mới vào đặt dinh tại Ái Tử (nay thuộc tỉnh Quảng Trị). Hoạt động này về sau vẫn được các vua nhà Nguyễn duy trì và tổ chức đều đặn mỗi năm một lần vào các ngày lễ nhằm tế thần.

Từ nhu cầu ban đầu để rèn luyện tượng binh, một binh chủng rất lợi hại của quân đội Đàng Trong. Càng về sau các trận đấu được tổ chức nhằm mục đích khích lệ tinh thần thượng võ, phục vụ nhu cầu giải trí cho vua quan và người dân ở Cố đô Huế nhiều hơn.

Với những giá trị kiến trúc, lịch sử văn hóa của mình, năm 1998, Hổ Quyền đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 2009/1998 QĐ/BVHTT.

Theo thời gian, di tích Hổ Quyền vẫn còn khá nguyên vẹn. Tiếng tăm về đấu trường vang bóng một thời đã thu hút sự tò mò của rất đông du khách trong và ngoài nước. Hiện nay, công trình này đang được trùng tu để có thể phục vụ nhu cầu tham quan tìm hiểu của của mọi người trong thời gian tới.

Thế Trung – Đức Hoàng
(Theo Tổ quốc)

 

Similar Articles

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Chiều chiều, chay xe lên Kim Long ngắm dòng Hương xinh đẹp, tạt vào quán

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Theo ghi chép cửa Leopold Cadiere, đường đến lăng mộ Gia Long buộc phải đi

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose