Văn hóa Huế | Homepage

Độc nhất vô nhị nghề đi tủ của ngư dân làng Chuồn

🕔01.Jul 2017

Đi tủ là một nghề đánh bắt cá truyền thống lâu đời của ngư dân làng An Truyền (làng Chuồn), xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế.. Đây là hình thức đặc biệt và độc đáo so với những nghề đánh bắt khác.
Gọi là nghề đi tủ bởi dụng cụ được ngư dân nơi đây dùng để đánh bắt cá là một tấm lưới có hình chữ nhật, khi được giăng ra trông nó như một cái tủ chúng ta thường làm vật dụng để đựng đồ đạc.

Ngư dân chuẩn bị ra khơi từ lúc tờ mờ sáng.

Loại cá ngư dân đánh bắt chủ yếu là cá thệ, một trong những đặc sản của đầm phá Tam Giang với giá trị dinh dưỡng cao, mùi vị vô cùng thơm ngon.

4h sáng khi tất cả mọi người còn đang trong giấc ngủ say thì các ngư dân ở đây đã chuẩn bị lên đường đi tủ.

Anh Khuê, 1 trong 2 ngư dân cho chúng tôi đi theo nhắc nhở lên tòng (phương tiện để đi tủ) cẩn thận tránh bị trượt chân bởi lớp rêu xanh dày đặc phủ kín lên bề mặt của chiếc tòng.

Phải rất vất vả, ngư dân mới đặt được lưới tủ.

Hơn 1 giờ đồng hồ di chuyển lênh đênh trên mặt nước, cuối cùng chúng tôi cũng đã đến được địa điểm mà ngư dân gọi là Đông Am.

Anh Khuê cho biết: “Tuy phải đi xa mất nhiều thời gian nhưng bù lại được cá nhiều, cá to hơn. Dân gian vẫn nói “Đông Am cá tủ ầm ầm, rổ 5 rổ 7 âm thầm mang theo”, đó là một trong những câu thơ hàm ý nơi đây có rất nhiều cá”.

Cẩn trọng, tỉ mĩ trong việc thả và kéo dây tủ.

“Nghề đi tủ phải được tiến hành ở những bãi nước trống, có độ sâu khoảng 2m. Theo thời gian, diện tích của những bãi nước trống ngày càng thu hẹp dần, thay vào đó là những hệ thống nò sáo dày đặc. Để có thể tiếp tục nghề này thì chúng tôi phải đi xa hơn, nhiều khi còn phải chạy về đến Vinh Hiền (huyện Phú Lộc), Sịa (huyện Quảng Điền) để đánh bắt.

 Lúc được mùa cá, may ra anh em chúng tôi mới kiếm được từ 500.000 – 700.000 đồng/người, còn những ngày thường thì khoảng vài trăm, có lúc “tủ hèn” (giăng tủ mà bắt được ít cá – PV) chỉ được mấy chục ngàn, đủ tiền xăng dầu”, anh Khuê cho hay.
Thành quả của mẻ đầu tiên.

Với đặc tính sống và di chuyển ở tầng đáy của loài cá thệ, chúng đặc biệt nhạy cảm với các loại âm thanh, tiếng động. Khi có tiếng động, chúng bơi thụt lùi, rồi ẩn nấp trong các đám rong rêu, có lẽ cái nghề đi tủ sinh ra chỉ để đánh bắt riêng mỗi loài cá này.

Theo quan sát của PV, khi giăng tủ, ngư dân phải rất vất vả lặn sâu xuống dưới nước thì mới đặt tủ được, khi đã đặt xong tủ, họ bắt đầu điều khiển chiếc tòng chạy theo hướng một hình vòng cung, vừa chạy vừa thả dây.

Thu gom thành quả sau chuyến ra khơi đầy vất vả.

Cứ thế, sợi dây thừng được thả sát xuống tầng đáy và dần thu hẹp lại. Như một phản xạ có tính bản năng, chúng thụt lùi để lẩn trốn sợi dây. Nhưng chúng không thể ngờ được rằng, chiếc lưới tủ đã được đặt sẵn để đợi chúng còn nguy hiểm hơn gấp trăm ngàn lần.

Được biết, một mẻ giăng tủ như thế kéo dài khoảng 20 phút. Mỗi ngày, ngư dân giăng tủ từ 15 – 18 mẻ, tùy theo sức lực của mình. Tuy vất vả và khó nhọc nhưng họ cũng đủ sống qua ngày.

15h30 cùng ngày, khi khoang tòng đã đầy ắp cá, cũng là lúc ngư dân đã thấm mệt, họ bắt đầu thu gom tủ cùng các vật dụng khác lại để quay trở về sau một chuyến ra khơi đầy nắng và gió.

Ông Đoàn Rô, Trưởng thôn An Truyền cho biết: “Nghề đi tủ đã có từ đời ông cha truyền lại, nghề này rất vất vả bấp bênh, chỉ đi được vào mùa nắng còn mùa mưa thì nghỉ ở nhà, đa số thời gian ngư dân phải ở dưới nước và ngoài trời nắng”.

Công Định
(Theo Người đưa tin)

Similar Articles

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose