Văn hóa Huế | Homepage

Giấc mơ Tam Giang…

🕔09.Jul 2017

Không chỉ có khách quốc tế, khách từ các nơi đến, mà ngay cả khách địa phương cũng là một tiềm năng không hề nhỏ.

Nhịp sống Tam Giang. Ảnh: Văn Đình Huy

Tiếc!

Sáng cuối tuần, chạy tới quán cà phê quen thuộc. Không phải ghiền cà phê mà để gặp mấy người bạn thân kháo chuyện cho đỡ thèm. Chuyện đông chuyện tây, cuối cùng xoay qua chủ đề du lịch. Cũng dễ hiểu thôi, bởi trong nhóm bạn mà chúng tôi vẫn thường gặp cuối tuần, quá nửa là dân làm du lịch. Trong số họ, có người vừa dẫn khách thăm Thái Lan về.

Bàn chuyện tiềm năng du lịch của Huế, nhân nhắc đến Tam Giang, người này buột miệng: “Tôi mới đưa khách đi Thái về, bên đó người ta làm chợ nổi trên mấy con kênh đào. Vậy mà khách nườm nượp. Phá Tam Giang mình ngon như thế, nhưng lại vắng. Tiếc!”.

 Một số DN đã bắt đầu kinh doanh dịch vụ ăn uống trên vùng đầm phá. Ảnh: DT

Mà tiếc là đúng. Tam Giang – Cầu Hai là hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á với diện tích lên đến 22.000 ha, kéo dài gần 70 cây số qua các huyện Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà và huyện Phú Lộc. Các loài thủy sản của đầm phá Tam Giang – Cầu Hai cũng thuộc hàng phong phú, ngon và quý bậc nhất. Cảnh sắc cũng tuyệt vời bất hủ trong thơ, nhạc. Vậy mà, sau rất nhiều năm, Tam Giang – Cầu Hai vẫn cơ bản “ngủ”. Nói cơ bản là bởi, thời gian qua cũng đã có một số doanh nghiệp đầu tư dịch vụ ăn uống, tổ chức một số tour, song lượng khách, nhất là sức lan tỏa thương hiệu – sòng phẳng mà nói – là chưa tương xứng với sức vóc của khu đầm phá báu vật này. Chính vì vậy, qua về Thái Lan nhiều lần, thấy họ so với ta chẳng là gì thế mà “lượm bạc” quá trời trời, bạn tôi cứ tiếc hùi hụi.

Phải tổ chức lại thôi. Nhưng bằng cách nào? Cả nhóm ngồi “vẽ” thử và rồi thấy cũng không phải là quá viển vông đến mức không thể thực hiện được. Cái quan trọng nhất là tài nguyên – cụ thể ở đây là đầm phá – thì Huế có rồi. Câu chuyện còn lại là phải làm như thế nào?

Phá Tam Giang. Ảnh: Phạm Bá Thịnh

Phải đi, mới đến

Trước hết cần có người cầm trịch. Cái này có thể giao trách nhiệm cho “ông” du lịch thay mặt tỉnh để điều hành. Tiếp đó là chọn doanh nghiệp để liên kết. Phải là những doanh nghiệp có tiềm lực, đặc biệt là phải có nhiệt huyết, có thao thức và yêu thương thật sự với Tam Giang, với du lịch Huế. Khởi đầu, hãy xây dựng một tour thật là “chất” để chào hàng và khai thác. Chiều, đón khách từ một bến cố định tại sông Hương, đưa khách du ngoạn trên những con thuyền lịch sự, yên tĩnh và an toàn về hạ lưu con sông huyền thoại của Huế. Đến đập Thảo Long thì dừng cho khách lên bờ chụp ảnh, ngắm cảnh và nghe giới thiệu về con đập. Sau đó sang phía hạ lưu con đập, có thuyền chờ sẵn để đi tiếp ra phá. Khách sẽ được tận thấy, được trải nghiệm làm ngư dân; được thả hồn phiêu lãng trên hoàng hôn sóng nước để tận hưởng cái kỳ vĩ, cái yên bình và quyến rũ của Tam Giang. Rồi ngay trên thuyền, khách sẽ được thưởng thức các loại thủy sản tươi ngon nhất của vùng Tam Giang – Cầu Hai với chất lượng và thái độ phục vụ chuyên nghiệp. Hoặc tùy nhu cầu, có thể tấp thuyền vào bến, ghé lên khu ẩm thực đã được quy hoạch, xây dựng lịch sự với “view” tuyệt đẹp ngay bên bờ phá. Tại đây, những sản vật tươi ngon, đặc trưng của vùng đầm phá với giá cả hợp lý, niêm yết rõ ràng, công khai luôn sẵn sàng cho khách tùy nghi chọn lựa. Thích gì chọn nấy, mua bao nhiêu tùy nhu cầu, xong chế biến, thưởng thức tại chỗ. Thích nữa thì có thể mua để mang về. Vòng lên, nếu có nhu cầu (đặt trước), khách sẽ được thưởng thức chương trình ca Huế thật đặc sắc, thật “rin”. Xong chương trình ca Huế cũng là lúc thuyền về đến bến cũ.

Một buổi chiều và một đêm bềnh bồng với sông Hương và sóng nước Tam Giang như thế, tin là sẽ làm hài lòng cả những du khách khó tính nhất.

Một tour thật chất lượng như vậy cho thời kỳ khởi động. Tin rằng sức tỏa lan sẽ không phải đợi lâu. Và sẽ không chỉ có khách quốc tế, khách từ các nơi đến, mà ngay cả khách địa phương cũng là một tiềm năng không hề nhỏ. Cứ như vậy một thời gian, khi lượng khách tăng thì tour cũng sẽ mở rộng dần, nâng cấp dần. Những tour khác “cò con, lặt vặt”, không làm tỏa sáng mà đôi lúc còn làm hỏng thương hiệu Tam Giang thì loại bỏ hoặc sẽ tự loại dần. Tất nhiên, vấn đề bảo vệ môi trường cho đầm phá, vấn đề gắn kết, cải thiện sinh kế cho cư dân với tour Tam Giang – Cầu Hai cũng là câu chuyện cần phải tính toán ngay từ đầu để không bị động.

“Mấy con kênh đào mà người Thái làm được, Tam Giang – Cầu Hai tuyệt vời như thế mà không khai thác được là vô lý!”- Phàn nàn của bạn cứ làm tôi ức chế thao thức mãi. Ước chi những người làm du lịch của Huế ta cũng cùng tâm trạng như thế. Hay là họ cũng đang thao thức mà mình không hay biết nhỉ? Nếu vậy thì hãy bắt tay làm việc thôi. Phải đi mới đến, còn nếu ngồi mà nói mãi, chắc chắn sẽ không có bất kỳ một kết quả gì tốt đẹp nào.

Hiền An
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Nạn vẽ bậy lên di tích Kỳ Đài trước Kinh thành Huế đã kéo dài

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose