Văn hóa Huế | Homepage

Ngắm hoàng hôn trên phá Tam Giang

🕔12.Sep 2017

Tham gia tour du lịch “Hoàng hôn trên phá Tam Giang”, du khách được trải nghiệm các hoạt động thú vị và mới lạ như đánh bắt thủy sản cùng ngư dân địa phương, vui chơi giải trí dưới nước và thưởng thức các món ăn đặc sản vùng đầm phá Tam Giang.

Ngắm hoàng hôn ở phá Tam Giang

“Hoàng hôn trên phá Tam Giang” là tour du lịch cộng đồng mới khai trương đầu tháng 8 do Công ty cổ phần Truyền thông quảng cáo và Dịch vụ du lịch Đại Bàng (Eagle Tourist) phối hợp cùng cộng đồng dân cư thôn Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) thực hiện. Điểm đến nằm ngay giữa lòng đầm phá Tam Giang, trải dài trên khoảng 1.000m² mặt nước. Chị Trần Thị Ái Thi, nhân viên điều hành tour Eagle Tourist cho biết: “Hiện nay, các dòng du lịch sinh thái, cộng đồng phát triển mạnh. Việc xây dựng điểm ngắm hoàng hôn trên đầm phá, khu vui chơi sông nước, trải nghiệm cuộc sống, sản xuất của ngư dân thôn Ngư Mỹ Thạnh đáp ứng phần nào nhu cầu khách đến tham quan và lưu trú tại địa phương”.

Trước đó, tour dừng chân tại Hợp tác xã Mây tre đan Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền). Du khách có thể vừa xem những sản phẩm mây tre đan độc đáo vừa trải nghiệm các công đoạn để biến tre, nứa… thành những sản phẩm nghệ thuật (đèn lồng, vật dụng gia đình) qua bàn tay khéo léo của những nghệ nhân. Chị Trần Thị Phượng, công tác tại Trường ĐH Nông lâm Huế chia sẻ: “Mặc dù tôi cũng là người Huế nhưng vẫn thấy thích thú với những trải nghiệm của tour du lịch này. Tôi dẫn con gái cùng đi và là lần đầu tiên được đến thăm nơi sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, cháu rất thích thú khi được quan sát trực tiếp”.

Tiếp đó, du khách tham quan nhà trưng bày Ngư Mỹ Thạnh xem 100 mẫu thủy – hải sản, nghe người dân địa phương kể về sự trù phú của vùng đầm phá, những “đặc sản tiến vua” của nơi đây. Rời nhà trưng bày, đoàn lên thuyền tiếp tục đến với bãi đẻ Vũng Mệ  – nơi các loài cá đến đây sinh sản, các hoạt động đánh bắt cá bị cấm hoàn toàn trong diện tích 40ha mặt nước, du khách có thể hiểu hơn cách mà người dân địa phương ở nơi đây bảo về nguồn lợi thủy sản của mình.

Tiếp tục lênh đênh sông nước đến khu vực nò sáo –  những “ma trận” đánh bắt cá, tôm được sắp xếp hết sức công phu hiện ra. Du khách được trải nghiệm đổ nò (thu hoạch hải sản đầm phá) cùng người dân địa phương. Anh Đặng Minh Duy, du khách đến từ Đà Nẵng trầm trồ: “Tour du lịch hết sức thú vị. Điều làm tôi thích nhất là nét nguyên sơ, đậm chất tự nhiên của nơi đây, được xem ngư dân đổ nò với những rá đầy cá, tôm”.

Nhà chồ nằm giữa vùng đầm phá rộng lớn, Epark Tam Giang Lagoon có những công trình tiện ích cơ bản, như: khu tắm mát, khu vui chơi thông qua các dụng cụ được chuẩn bị sẵn, hệ thống phòng thay y phục được xây dựng hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên. Bên cạnh ngắm cảnh sắc Tam Giang, du khách có thể bơi lội cùng phao bơi trên hệ thống đầm phá, vui đùa cùng làn nước mát, thử cảm giác một lần làm ngư dân với trò chơi lạ lẫm – đạp trìa, nếu khéo léo có thể mang từ 2- 5kg trìa về làm quà.

Trong tour du lịch, người dân với vai trò là hướng dẫn viên giới thiệu những nét văn hóa, tập quán sinh hoạt của địa phương với du khách và đón khách lưu trú dịch vụ homestay nếu có yêu cầu. Ông Nguyễn Nhân (thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) cho biết: “Bà con của thôn đánh bắt để đưa các mẫu sinh vật của đầm phá vào nhà trưng bày. Tôi cùng các ngư dân khác giới thiệu với khách những điểm đặc trưng của đầm phá; dừng tại các khu vực để đổ nò, cá tôm thu được dành tặng khách; biểu diễn tung chài lúc hoàng hôn; hướng dẫn khách đạp trìa; giữ an toàn khi khách tắm ở phá. Công việc gắn bó với sông nước là niềm yêu thích của ngư dân chúng tôi, lại đem đến nguồn thu nhập ổn định”.

Vì lý do bảo vệ môi trường, ở Epark – Tam Giang Lagoon không phục vụ tiệc, tầm 6 giờ tối, đoàn di chuyển về nhà hàng Cồn Tộc để thưởng thức đặc sản vùng đầm phá.

Ông Hà Binh, cán bộ Văn hóa xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền cho hay: “Từ năm 2010, ở Ngư Mỹ Thạnh đã bắt đầu các dịch vụ du lịch cộng đồng, tuy nhiên vẫn còn khá lu mờ. Đến tháng 8/2017 này, tour du lịch “Hoàng hôn trên phá Tam Giang” là một điểm nhấn cho du lịch phá, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân, đồng thời tạo thêm sức hấp dẫn cho du lịch địa phương”.

Phước Ly
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Chiều chiều, chay xe lên Kim Long ngắm dòng Hương xinh đẹp, tạt vào quán

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Theo ghi chép cửa Leopold Cadiere, đường đến lăng mộ Gia Long buộc phải đi

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose