Văn hóa Huế | Homepage

Tục thờ cúng linh thú ở Huế

🕔23.Sep 2017

Du khách đến Huế, đi tắm biển, nghỉ dưỡng ở bãi biển Thuận An, mỗi khi ngang qua hai làng Phổ Đông, Phổ Trung bên QL49, không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến khung cảnh thành kính cúng bái “chó đá” của dân làng.

Linh thiêng, thần bí.

Làng Phổ Đông từ khi có Thần cẩu trấn hướng, được cho là có nhiều người thi cử đỗ đạt

Làng Phổ Đông từ khi có Thần cẩu trấn hướng, được cho là có nhiều người thi cử đỗ đạt

Theo sự hướng dẫn của các bác tài xế xe bus “Hoàng Đức” lộ trình Huế- Thuận An, tôi đi xe máy hơn 5km, theo quốc lộ 49 về hướng biển Thuận An thì đến hai làng Phổ Trung và Phổ Đông (nay thuộc xã Phú Thượng, Phú Vang, Thừa Thiên – Huế).

Theo ông Trần Ký, 74 tuổi, nguyên cán bộ Ngân hàng Agribank chợ Mai (Phú Vang) thì tục gọi là làng Năm Phổ, gồm có 5 làng ghép lại (Phổ Đông, Nam Thượng, Phổ Trung, Tây Trì Nhơn và La Ỷ). Nhưng khi vào sổ địa bạ, người Pháp viết không dấu (Nam Pho) nên từ đó mới gọi là Nam Phổ.

Đất làng khá rộng, kéo dài từ chợ Gia Lạc (nay là chợ Mai) về đến làng Dương Nỗ. Đa số dân làng sống bằng nghề nông, làm vườn, nhiều nhà vườn rộng đến 1-1,5 ha, trước đây trồng cau trái ngon nổi tiếng (cau Nam Phổ, trầu Chợ Dinh).

Hỏi thêm ông Trần Ký thì trong cả 5 làng chỉ có hai làng Phổ Trung và Phổ Đông có miếu thờ Thần cẩu. Nguyên nhân hai làng này thờ Thần cẩu một phần do địa thế xét theo phong thủy. Bác Võ Văn Minh, 74 tuổi ở làng Phổ Đông giải thích:

“Theo lời người xưa kể lại, ngày ấy, do cái điện thờ Đức Thánh mẫu linh thiêng bên làng Phú Khê đối diện, trấn hướng “khoa cử”, nên trong làng không có người nào thi cử đỗ đạt dù học giỏi. Ấm ức, các bô lão trong làng mời thầy địa lý từ Nghệ An vào xem xét, họ khuyến cáo làng phải thỉnh ngài “Thiên Cẩu” về lập miếu thờ, quay về hướng chánh Tây, để phá thế “chiếu” của làng bên”.

Cụ Bùi Sa, ngoài 76 tuổi, nói: “Thực hư câu chuyện đó như thế nào không ai rõ, các vị tiền bối hầu hết qua đời, nhưng đến các thế hệ sau 1935 trở đi đều học hành, thi cử đỗ đạt trong và ngoài nước, tiêu biểu như GS Võ Yến ở Pháp”.

 Dân làng Phổ Trung thờ hắc cẩu (dáng Thần cẩu chồm về hướng bãi tha ma bên kia sông).

Đi xuống 2km, đến làng Phổ Trung, tôi gặp ông Võ Văn Mừng, người “thủ từ”, thường xuyên nhang khói miếu Thần cẩu, ông kể cho nghe truyền thuyết về việc thờ cúng đã trải qua hơn trăm năm:

“Xưa kia, dân làng rất nghèo, nhà cửa phần lớn đều bằng tranh tre, nứa lá, rất ít nhà ngói của phú hộ. Trong làng thường xảy ra hỏa hoạn, đôi khi cháy trụi cả xóm mà không biết lý do. Một hôm, ngôi nhà nhỏ của một cụ ông hành nghề chài lưới bỗng dưng bốc cháy, cả nhà hô hoán, đánh phèng la cầu cứu, dân làng vội vàng kéo đến chữa cháy, kỳ lạ làm sao càng phun nước lửa càng bốc cháy ngùn ngụt. Bỗng dưng có con chó đen tuyền ở đâu hiện ra, nó sủa chừng nào lửa tắt ngúm chừng ấy. Hôm đó vị Trưởng làng biết có điềm kỳ lạ, vội mời một thầy pháp về làm lễ, sau khi cúng bái đồng cốt phán rằng: “Dân làng Phổ Trung hiền lành, cần cù nhưng cuộc sống vất vả, cực khổ, lại hay bị cô hồn uổng tử ở nghĩa địa bên kia sông sang quấy phá. Thần thánh cảm thương nên phái “linh cẩu” xuống trần giúp đỡ những lúc ngặt nghèo, lâm nạn. Vì vậy dân làng phải lập miếu thờ Thần cẩu để được che chở, tai qua nạn khỏi”. Từ đó, miếu thờ Thần cẩu đã tồn tại hàng trăm năm.

Tin tưởng, tôn sùng

Theo cuốn sách Croyances et pratique religieuses des Vietnamiens II (Đức tin và thực hành tôn giáo của người Việt) do học giả linh mục người Pháp Lesopold Cadiere biên soạn năm 1918, ở trang 132-133 ghi chép rằng: Làng Nam Phổ Đông trên đường từ Huế về biển Thuận An có thờ hai con chó đá, một con để chắn hướng đòn ngang của ngôi đình làng Phú Khê gần đó, con kia để chắn hướng một con đường chạy qua bãi tha ma.

Miếu thờ Thần Cẩu trên có khắc ba chữ Hán được dịch là “Thiên Cẩu Thần”. Ông Mừng kể cho tôi nghe câu chuyện được ông nội kể lại: “Dân làng Phổ Trung lập miếu thờ Thần cẩu hướng mắt nhìn sang sang bãi tha ma phía Tây, với dáng ngồi khoan thai, cao quý đầy uy nghiêm, miếu nằm ngay vị trí thoáng đãng, quay ra đường lớn. Trải qua trăm năm, mặc cho những đổi dời, tượng ngài và miếu thờ vẫn uy nghi, hoành tráng”.

Năm 1962 Ngô Đình Cẩn (em trai Tổng thống chế độ Sài Gòn Ngô Đình Diệm – cố vấn Trung phần lúc bấy giờ) nhìn thấy bức tượng Thần cẩu bằng đá quý liền sai lính đến đập miếu và cướp đi. Sau đó dân làng Phổ Trung góp tiền trùng tu miếu và thuê ông thợ điêu khắc tên M. làm lại tượng Thần cẩu.

Đến khi công trình hoàn tất, dân làng nổi giận vì Thần cẩu chỉ là viên đá được tạo hình sơ sài, cẩu thả. Vài ngày sau, khi vợ con ông thợ đi chợ ngang qua miếu thờ, liền bị một hòn đá lớn từ đâu lăn tới đụng vào khiến hai người, mẹ cụt tay, con gãy chân. Tối hôm ấy, khi ông thợ đang ngủ mơ thấy một con Thần cẩu lởn vởn quanh người, rồi phán: “Ngươi vì lòng tham mà bớt xén tiền của bà con, nên ta phạt vợ con ngươi không còn lành lặn”. Ông thợ tỉnh dậy, sợ hãi làm lại một bức tượng mới, giữ đến ngày nay.

Thần cẩu trong hai ngôi miếu thờ ở làng Phổ Đông, Phổ Trung hết sức sinh động, là hình tượng con chó màu vàng, màu đen dáng ngồi nghiêm trang, tai dựng, mắt nhìn thẳng về phía trước. Bức tượng được làm bằng đá, kích thước như thật, tư thế ngồi, phía trước có bát nhang, cỗ bàn hương khói quanh năm.

Ông Hoàng Phi, Trưởng làng cho biết: “Không phải ngẫu nhiên mà dân làng lại tin tưởng vào sự linh thiêng của Thần cẩu như vậy. Những câu chuyện mạo phạm, khinh nhờn thì gieo nhân nào gặp quả ấy, bị trừng phạt thích đáng đã được truyền tụng đến tận ngày nay”.

Tục thờ Thần cẩu (tượng chó đá) không phải là hiếm có ở Việt Nam. Ở miền Bắc các gia đình còn thờ linh cẩu như vị thần “trấn trạch”. Đối với dân làng Phổ Đông và Phổ Trung, họ luôn luôn ghi nhớ những ngày mười bốn, rằm, ba mươi, mùng một hàng tháng và các ngày tết, lo dâng cúng các lễ vật như con gà, dĩa xôi, cau trầu, rượu và hoa quả.

Bốn năm một lần dân làng họp lại bầu một “ông Từ”, để chăm lo việc hương khói, vệ sinh, giữ gìn ngôi miếu. Nếu có dịp đến Huế, bạn nên dành thời gian về Nam Phổ viếng miếu thờ Thần cẩu và thưởng thức món bánh canh đặc sản lừng danh đất thần kinh.

Bình phong phong thủy án ngữ trước đình làng Phổ Đông.

Hào Vũ
(Theo Giáo dục & Thời đại)

Similar Articles

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Nạn vẽ bậy lên di tích Kỳ Đài trước Kinh thành Huế đã kéo dài

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose