Văn hóa Huế | Homepage

Chơi bài, văn hóa & lễ hội

🕔08.Apr 2018

Nếu bộ bài tây, là sản phẩm của người Âu Mỹ thì bộ bài tới là của miền Trung Trung bộ. Bộ bài tây được dùng phổ biến hơn nhiều, thế nhưng nó chưa và sẽ không bao giờ được vinh danh là di sản văn hóa thế giới.

Ngay từ thuở mới đi học, tôi đã tiếp xúc với bộ bài tới bằng trò chơi bài tới, bài kẻ vào dịp Tết. Một bộ bài tới với 30 cặp quân bài, với  những tên gọi, như ầm, như quăn, như nọc đượng… nghe thật  kỳ dị và hình vẽ trên quân bài cũng càng lạ lùng hơn, gợi về một thế giới bí hiểm. Có nhà nghiên cứu nhận xét, tên gọi và hình ảnh các quân bài tới phảng phất đâu đây một chút không khí Chàm hay Phù Nam và những hình ảnh, đường nét, kiểu thức rất Tây Nguyên, có khi lại gợi dậy một chút xa xăm phi thực, mù mờ của bùa chú, hay của một cuộc sống hoang dã bên ngoài cõi đời.

Trở lại với bài chòi, tôi nghĩ đó không phải là hình thức chơi bài thuần túy như ta vẫn thường gặp. Khi dân làng Thanh Thủy Chánh (Hương Thủy) vào ngày Tết dựng chòi bên bờ sông Như Ý, nơi có cây cầu ngói bắc qua để chơi, hay như gần đây là hội bài chòi không thể thiếu tại “Chợ quê ngày hội” tại các kỳ Festival Huế thì điều ai cũng hiểu, bài chòi đã trở thành sinh hoạt lễ hội. Tại các casino thời hiện đại, ta vẫn thường nhìn thấy hình ảnh người chia bài là những chàng trai, cô gái trẻ đẹp. Chơi bài chòi (cả bài ghế) cũng được người phục vụ mang bài đến tận chòi (ghế). Tuy nhiên, cũng là đánh bài, nhưng đánh bài chòi không cốt ăn thua mà chỉ để giải trí, cốt để nghe hô bài chòi. Có nhận xét, đó là một loại sinh hoạt văn nghệ rất đặc biệt, đậm đà tính chất dân tộc, tựa như một buổi hội diễn văn nghệ quần chúng ngày nay và tuy có khác nhưng ít nhiều cũng mang hơi hướng một buổi trình diễn hát bộ hay chèo tuồng nơi hương thôn ngày trước.

Hãy nghe, “Không ngon cũng bánh lá gai/ Dù anh có dại cũng trai học trò”; “Đi mô cắp tráp đi hoài/ Cử nhân không phải, tú tài cũng không”; “Vai mang bị bạc kè kè/ Nói bậy nói bạ nẫu nghe ầm ầm” hay “Ra đi mẹ đã dặn rồi, khi mô có gánh nước thì nhớ súc ghè cả con quăn”… Đó là những câu hò của những người rao bài về các quân bài. Nội dung chất phác và dung dị và điệu hò cũng hết sức gần gũi, từ những câu ca xưa để lại hay có thể là tự phóng tác, sáng tại tại chỗ. Nhiều lần về Thủy Thanh trong “Chợ quê ngày hội” tại các kỳ Festival Huế, tôi đã bị hấp dẫn bởi không gian xưa và những câu hò thân thương kia.

Được đắm mình trong không khí lễ hội, đầy lạc thú từ những điệu hò dí dỏm và cả niềm hy vọng thắng cuộc trong thử vận hên xui là những gì mà người Huế và cả miền Trung Trung bộ gửi gắm qua hội bài chòi. Nó lạ, đặc sắc, chưa tìm thấy và tôi nghĩ, đó cũng là lý do vì sao bài chòi được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Festival Huế 2018 đang tới gần. Cũng như bao người, tôi lại nhớ về hội bài chòi, nơi “Chợ quê ngày hội”.

Đan Duy
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Huế và hoàng mai

Huế và hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Đặc sản của Huế

Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân

Màu tết ở Đông Ba

Màu tết ở Đông Ba

Tết Nguyên đán đã đến gần. Những ngày này, cùng với tiết trời hửng nắng

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose