Văn hóa Huế | Homepage

Mùa câu nhái

🕔10.Jul 2018

Ở quê hết mùa dặm lúa thì đến mùa nhổ lạc (đậu phụng), người lớn tất bật hết ruộng sâu đến đồng cạn còn lũ trẻ vẫn nhởn nhơ, mơ tưởng những chuyến câu nhái về chiều!

Câu nhái giờ ít đứa trẻ biết hoặc dù có biết chúng cũng chẳng màng đến bởi chuyện học hành, chơi và nhất là cái ăn giờ đây không thiếu như lứa chúng tôi ngày xưa. Hè về mẹ đi chợ mua cho chục con vịt vàng ươm nuôi lấy vốn đi học, thế là phải “tăng gia sản xuất”, vỗ béo để đàn vịt nặng cân. Chiều chiều trời mát, cả đám trẻ gọi nhau í ới, trên tay là bộ đồ nghề câu nhái  nào cần câu, nào vợt rồng rắn kéo nhau lên bãi bồi ven sông nơi đám đậu phộng mới nhổ còn thơm mùi ngai ngái.

Câu nhái vô cùng đơn giản, cần câu là một đoạn tre ngắn, đầu buộc sợi dây cước, cũng chẳng cần lưỡi câu, cục chì và cách móc mồi phức tạp như câu cá. Mồi câu nhái cũng “tự phát” khi vồ được con châu chấu, con nhái bé tí mới thoát kiếp nòng nọc khi thì hạt đậu phụng còn tươi hay thậm chí cả một bông cỏ đuôi phụng buộc thật chặt thế là xong.

maxresdefault[1]Ảnh: Internet

Thong thả mà câu, mỗi đứa đứng một góc ruộng hay xếp hàng ngang mà nhấp nhấp, để con mồi “nhảy múa” thế là các chú nhái lớn cứ tưởng nhái con kia trêu ngơi, lại đang đói, cứ thế cú đớp của chú nhái kia nuốt cả mồi câu vào bao tử, lũ trẻ thấy sợi dây cước căn lên lập tức kéo cần, chú nhái xanh béo múp ham mồi vẫn không chịu nhả, người câu cứ vậy mà thả vào vợt.

Phút chốc lại có đứa reo lên, vui mừng khoe với bạn con nhái vừa câu. Đứa thạo nghề câu nhái cứ lựa chỗ ruộng khô nước hay bãi đất trống không có cỏ cứ đứng nơi ấy mà nhấp mồi, nhái tự động ra vì những chỗ ấy trống trải nhái không sợ bị rắn ăn thịt lại đang đói thấy mồi là đớp ngay. Lại nhắc đến chuyện rắn, có đứa thấy cần câu nặng trĩu cứ tưởng trúng ếch, cả bọn hè nhau xúm lại ai ngờ khi giật cần ếch đâu không thấy mà là một con rắn, thế là cả lũ vứt hết đồ nghề ù té chạy.

Lũ trẻ chúng tôi ngày ấy mê câu nhái đến độ người nhà phải đi tìm. Thế mà, chúng tôi vẫn đam mê và háo hức với thành quả lao động nên thường trốn đi câu nhái. Thường thì một buổi chiều, chúng tôi câu ít cũng được nửa cân nhái. Có người làm món nhái chiên xù, nhái băm nấu cháo, nấu canh chua… Nhưng món ngon nhất vẫn là nhái nấu cháo với lá ném, bởi giữ được vị ngon, ngọt từ thịt nhái tươi, cộng với lá ném khử mùi thơm phức khó cưỡng. Nhà tôi lúc nhiều quá thường để dành cho vịt ăn. Có hôm câu được nhiều vịt ăn không hết phải nhốt vào thùng gánh nước để vịt ăn dần.

Hết ba tháng hè, lũ vịt cũng đến lúc bán, con nào con nấy béo tròn, o mua vịt cứ khen vịt béo không tiếc trả thêm ít tiền cho đứa học trò có thêm tiền mua sách vở, áo quần. Chiều nay tôi lại về quê, cũng trong con gió đồng Bàu mát lạnh, lúa cũng vừa dặm xong, đậu phụng đang mùa thu hoạch mà không thấy đứa trẻ con nào tay cần, tay vợt như xưa! Bỗng chốc lại nhớ da diết những chiều trốn nhà đi câu nhái!

Hoàng Anh
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)

Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu

Nhớ những chuyến xe lam

Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng Facebook về những chiếc xe lam - một thời

Trong bóng dáng mệ quê

Trong bóng dáng mệ quê

Những ngày này Huế mưa, nhớ mạ thiệt nhiều, mà đi chợ càng nhớ hơn,

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose