Văn hóa Huế | Homepage

Mưa mùa gặt

🕔03.Sep 2018

Sáng nay, ngang qua cánh đồng nhìn những chân ruộng vừa gặt, gốc còn tươi rói, lộ rõ những đường cắt của hai bánh xe gặt đập liên hợp lại nhớ về những ngày xưa, lúc còn theo ba mẹ ra đồng gặt lúa chạy mưa, chạy lũ.

Làng tôi nằm ven phá, trước là cánh đồng lúa mênh mông nên gần như nhà nào cũng làm ruộng. Vì thế mà lũ trẻ thế hệ 8X đời đầu như chúng tôi đứa nào cũng biết gặt lúa, trồng rau, chăn trâu, cắt cỏ.

Thời đó chưa có máy gặt đập tiện lợi như bây giờ nên đến mùa gặt, từ người già đến trẻ con ai cũng có công việc riêng. Lũ trẻ con mới học hết lớp 5 như chúng tôi cũng theo ba mẹ ra đồng gặt lúa. Nhà tôi làm gần 2 mẫu ruộng (mỗi mẫu 10 sào, 1 sào 500m2, tương đương khoảng 1ha-PV) nhưng chưa có chủ trương dồn điền đổi thửa nên mỗi chân ruộng cách nhau khá xa. Người ta chia phù hợp để nhà nào cũng có lô ở vùng cao, lô ở vùng sâu… Thế nên những chân ruộng sâu thường là nỗi lo lắng của nông dân khi mùa gặt tháng bảy âm lịch thường hay có những cơn mưa dông bất chợt, có khi cũng gặp lũ mà nhà nào chưa kịp gặt coi như mất trắng. Nếu có vớt vát được chút nào đó thì lúa cũng đã lên mầm.

Có khi, lúa chưa được chín nhưng ngó trời âm u là ba mẹ tôi dậy sớm bới theo cơm, nước uống và vài củ khoai, sắn để ăn bữa lỡ mà gặt đến lúc nào xong mới thôi. Có hôm một “soi” ruộng hơn 3 sào nhưng ba mẹ tôi nhờ mãi không tìm được người gặt giúp nên phải gặt hai ngày liên tục cùng với sự trợ giúp đắc lực của chị em tôi. Thời đó, chúng tôi được giao nhiệm vụ gặt quanh 4 góc chân ruộng vì phần đó khá mất công. Chị em tôi không thể gặt theo từng hàng thẳng theo chiều rộng vừa sải tay như bố mẹ nên được giao nhiệm vụ gặt hai đầu ruộng để đoạn đường nối từ bên này qua bên kia chân ruộng ngắn lại. Chúng tôi cũng được giao luôn nhiệm vụ ôm từng bó lúa để ba tôi bó thành từng bó và gánh lên bờ. Nếu đường bờ to thì đưa xe vận tải đến chân ruộng kéo về nhà, bờ hẹp thì phải gánh vào đường cái lớn mới chất lên xe được. Tôi còn nhỏ nên được ba bó cho từng bó lúa nhỏ vừa sức. Mẹ gánh bó to hơn một chút còn bó to nhất thuộc về ba. Cứ thế cả nhà tôi hoàn thành hết mùa gặt này sang mùa gặt khác.

Gặt lúa ngoài đồng sợ mưa đã đành, lúc phơi lúa cũng sợ mưa không kém. Đang chăn trâu ngoài đồng nghe sấm chớp chuẩn bị mưa dông là những đứa trẻ chăn trâu “ba chân bốn cẳng” chạy về nhà phụ xúc lúa, có khi không xúc kịp thì cào thành đống rồi dùng bạt, ni lông đậy lại cho khỏi ướt. Có hôm cào không kịp phải chịu ướt để hôm sau phơi lại. Nhà nào sân nhỏ, neo người thì lúa mọc mầm như giá đỗ, chỉ có thể xay làm thức ăn cho lợn.

Cái thời nghèo khó nên tất cả những thứ từ cây lúa đều được sử dụng. Rơm được phơi để dự trữ làm chất đốt cũng là thức ăn của trâu bò mùa mưa giá rét khi đồng ruộng lúa đã xanh một màu và độn cát phía sau nhà trơ trụi cỏ. Gốc rạ mà người dân quê tôi thường gọi là cột tót cũng được bứt về phơi khô để nấu cơm hoặc đốt đi làm tro bón ruộng. Vỏ trấu sau khi xay lúa cũng được tận dụng làm chất đốt. Thế nên, người nông dân cứ luôn chân luôn tay, hết cào, trang lúa (vật dụng bằng gỗ được bào mỏng có tay cầm) rồi trở rơm chờ khô chất thành đống để xây cây rơm, có nơi còn gọi là độn rơm. Cứ thế, hết việc này đến việc khác, họ luôn lấy công làm lãi. Ngày mùa chỉ kết thúc khi “rơm khô, lúa khén”.

Bây giờ ở quê, người ta cũng không còn gặt bằng tay nữa vì đã có máy gặt đập liên hợp, rơm cũng không ai lấy họ vứt tại đồng rồi đợi khô đốt đồng làm phân bón. Cách này tuy lợi công phơi phóng nhưng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và ảnh hưởng đến chất đất. Lúa cũng có thể bán tươi tại ruộng, chỉ một số gia đình đem về phơi để được giá hơn hoặc chỉ để xay gạo ăn dần… Ngày mùa bây giờ không nhiều lo âu như xưa. Đó là điều đáng mừng với người nông dân.

Giờ ba đã không còn, mẹ thôi không làm ruộng nữa, chị em tôi lên phố học và ở lại làm việc, thế nhưng, mỗi khi đi qua những cánh đồng đang gặt mà gặp mưa dông, tôi lại bâng khuâng nhớ những ngày xưa cũ khi ba gồng gánh đôi lúa nặng trĩu trên vai, mẹ lùa vội sân thóc đang phơi dở, chị em tôi cuống cuồng xóc rơm, đậy lúa…

Hồng Tâm
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose