Văn hóa Huế | Homepage

Người Huế chơi sách

🕔30.Sep 2018

Chơi sách theo tác giả, như trong ảnh này là Dan Brown và Haruki Murakami, cũng là một cách chơi sách của người Huế. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Giống là bởi người chơi sách cũng phải bỏ tiền mua sách, cũng đọc những cuốn sách mình mua và cũng phải tổ chức không gian để bảo quản và trưng bày sách như những người muốn lập tủ sách gia đình hay thư viện tại gia. Khác là những người chơi sách là những nhà sưu tầm sách. Họ coi sách như hiện vật trong những sưu tập sách, được tập hợp theo một chủ đề nào đó. Họ bỏ thời gian, công sức và tiền bạc để săn đuổi một bản sách mà họ thích, với niềm đam mê bất tận và giá mua không lường trước. Họ sẵn sàng trao đổi với bạn chơi những bản sách quý hiếm họ sở đắc, để lấy một bản sách khác, không quý hiếm bằng, nhưng lại đang thiếu trong sưu tập của mình. Người đọc sách thường chỉ mua một ấn bản của một tựa sách để đọc và lưu trữ. Còn người chơi sách thì thường sưu tập tất cả những bản sách được in nhiều lần của một tựa sách. Họ cũng sẵn sàng “xới tung” tất cả các hiệu sách, các chiếu sách cũ ở vỉa hè, các tủ sách gia đình… để mua bán, trao đổi một bản sách của một tác giả, một chủ đề, một thể loại nào đó mà họ đang thiếu. Đó mới là một người chơi sách thứ thiệt.

Từ những năm 30 của thế kỷ trước, ở Huế đã có những nhà in kiêm nhà xuất bản tiếng tăm, như: Đắc Lập, Anh Minh, Viễn Đệ, Phúc Sinh, Phúc Long, Tiếng Dân… Tùy theo tôn chỉ và mục đích kinh doanh, những nhà in này xuất bản các dòng sách riêng: sách giáo khoa, sách văn chương, sách khoa học, nhạc phẩm, báo chí… Về sau, những ấn phẩm của các nhà in này trở thành đối tượng săn lùng của những người chơi sách ở Huế.

Người chơi sách, ngoài việc đầu tư tiền bạc, thời gian và công sức, còn phải nhờ duyên thì mới “tậu” được những cuốn sách quý. Nhiều người bỏ nhiều công sức để theo đuổi một cuốn sách mà họ đang còn thiếu bằng việc săn tìm ở các tiệm sách; liên hệ những người chơi sách khác để mua bán, đổi chác; thậm chí vào TP. Hồ Chí Minh hay ra Hà Nội – là những trung tâm mua bán sách cũ nổi tiếng ở Việt Nam hiện nay để tìm mua, nhưng không thành công. Thế nhưng, vào một ngày đẹp trời, khi tình cờ đi ngang qua một chiếu sách cũ ở vỉa hè đường Nguyễn Thái Học hay đường Hai Bà Trưng, họ bắt gặp cuốn sách họ đang tìm và mua được với giá phải chăng. Đó chính là duyên và cũng là niềm vui mà những người chơi sách có được.

Có nhiều trường phái chơi sách ở Huế. Có người chơi sách theo chủ đề văn chương, lịch sử, văn hóa, khoa học thường thức, âm nhạc… Có người chơi sách theo tác giả, theo nhà xuất bản, theo thể loại như: Trinh thám, viễn tưởng, phiêu lưu mạo hiểm, ngôn tình… Có người chỉ sưu tầm những bản sách được xuất bản trước năm 1975 ở cả hai miền Nam – Bắc. Có người chỉ chuyên tâm sưu tầm sách Huế, là những cuốn sách viết về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, phong tục tập quán, con người xứ Huế. Có người đặt ra tiêu chí sưu tầm là sách phải đẹp, lạ và toàn vẹn, không mất bìa, mất trang, mất chữ và không chấp nhận sách giả, sách in lậu. Có người chuyên săn lùng những cuốn sách có thủ bút, chữ ký của tác giả; hoặc có lời đề tặng của tác giả hay của người mua sách cho độc giả và bằng hữu của mình. Những cuốn sách này thường là sách cũ, vì một nguyên nhân nào đó mà xuất hiện trong các tiệm sách cũ, hay trong các vựa ve chai, lại trở thành nguồn sưu tầm đầy cảm hứng cho những người chơi sách.

Sưu tầm sách xưa viết về Huế là sở thích của nhiều người. Ảnh: Trần Nguyễn Khánh Phong

 

Ở Huế trước đây có Nhà sách Cảo Thơm với hai cửa hàng ở đường Lý Thường Kiệt và Lê Duẩn, chuyên mua bán những cuốn sách cũ có giá trị. Sau này có Nhà sách Hoàng Thổ ở đường Hùng Vương là địa chỉ được giới chơi sách cũ, không chỉ là người Huế, mà có cả khách trong Nam ngoài Bắc, thường ghé đến. Tuy nhiên, các chiếu sách cũ bày bán ở vỉa hè các đường: Nguyễn Thái Học, Hai Bà Trưng, Nguyễn Trường Tộ và các vựa mua bán sách báo cũ ở phía sau chợ Đông Ba là những nơi mà dân chơi sách thường xuyên tìm đến. Bởi lẽ, nhiều khi trong những cuốn sách mua theo ký lô đó, lại có những tác phẩm quý hiếm, cực kỳ giá trị, mà những người có duyên với sách đã may mắn sở đắc.

Có bốn nguồn cung cấp sách cho những người chơi sách ở Huế: Sách mới từ các hiệu sách đương đại; sách cũ từ các tiệm chuyên mua bán sách cũ và từ các chiếu sách cũ ở hè phố; sách trao đổi trực tiếp giữa những người cùng chơi sách với nhau ở Huế; và sách mua bán đổi chác từ các diễn đàn sách cũ, sách xưa trên internet, trên mạng xã hội. Những nguồn sách và các phương thức trao đổi này đã góp phần làm cho thú chơi sách ở Huế thêm phần sôi động, hấp dẫn.

Trước đây, người chơi sách ở Huế thường là những bậc thức giả lớn tuổi. Họ cũng là những người mê đọc sách, kiến văn quảng bác, thông hiểu kim cổ. Từ nhu cầu đọc sách và mua sách mới sinh ra thú chơi sách và sưu tầm sách. Chẳng hạn như ông N.H.N., nhà ở đường Đặng Thái Thân, là một người rất chịu khó mua sách và chơi sách từ trước năm 1975 đến nay. Ông mua sách không giới hạn chủ đề hay thể loại, đặc biệt là ông luôn mua hai bản cho một tựa sách, với lý do “một bản để đọc, còn một bản để lưu”. Tủ sách của ông là một trong những tủ sách tư nhân có tiếng ở Huế hiện nay.

Những năm gần đây, trong giới chơi sách ở Huế xuất hiện nhiều người trẻ, với những sưu tập sách rất đáng nể như: Đ.M.Đ với sưu tập sách khoảng 14.000 cuốn đủ thể loại…

Họ chính là những người đã kế thừa xuất sắc thú chơi bác học này từ các bậc tiền bối, nuôi dưỡng niềm đam mê đối với sách, và quan trọng là giữ cho xứ Huế những tủ sách đồ sộ, phong phú và giá trị, để trao truyền cho các thế hệ tương lai.

Trân Huyền
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Huế và hoàng mai

Huế và hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu

Đặc sản của Huế

Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Ngay từ những ngày đầu tìm đất lập làng, người Việt nói chung, người Việt

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Trả lời cho câu hỏi này của tôi, nhiều chủ vườn có nhãn ở Kim

Người “giữ hồn” bánh đúc mật xứ Huế

Bánh đúc mật là thức quà quê hương bình dị gắn liền với tuổi của

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose