Văn hóa Huế | Homepage

Tết quê

🕔11.Feb 2019
1. Mấy nhóc nhà tôi hỏi: “ Tết quê có vui hơn tết phố không ba?”. Thôi thì trả lời cho con: “ Thì được về quê ngày Tết là vui rồi mấy đứa!”…

Lại nhớ cái Tết ấu thơ không chỉ lao xao áo mới mà có cả một hội chợ ở sân Đình làng với biết bao trò vui không quên được. Hội chợ mở cửa vào chiều mồng một Tết không phải để bán mua mà để vui chơi có thưởng. Tiếng loa vang lên giọng của chú cán bộ văn hóa xã: “ a lô, a lô vui xuân có thưởng ai cũng có quà, Tết đến mọi nhà, thêm quà thêm Tết…”. Mà không biết hồi đó mấy chú, mấy bác nghĩ ra nhiều trò chơi hay lạ. Đó là trò chuột chạy vô hang. Trò chơi  là một cái hộc gỗ với mười hai lỗ đánh số thứ tự để bán vé. Sau đó thả chú chuột chạy vô lỗ số nào thì số  đó trúng thưởng. Có điều, chú chuột cứ nhắm hai góc mà chui vô. Chơi được mấy vòng, có người gây với chú bán vé: “ Rứa mi bán vé số 1 với số 12 cho mấy đứa họ hàng nhà nội nhà ngoại mi trúng hoài rứa à, tau không thèm chơi nữa!”. Chú bán vé cũng không vừa: “ Thì con chuột chạy phải tui chạy mô, chú không chơi thì thôi, người khác chơi chơ chi mà ồn ào làm mất vui rứa hè…”.

Qua trò chơi cầm que nhang đốt pháo. Que nhang được cột vô đầu cái cần như cần câu cá, cầm vô là rung rinh, rung rinh không đứng một chỗ được. Viên pháo được bỏ xa tầm tay phải với tay hết cỡ mới tới. Đếm 10 tiếng mà không đốt được pháo là thua. Trò ni coi qua thấy dễ nhưng lại rất khó ăn. Đôi khi que nhang gần chạm pháo thì hết giờ. Tôi nhớ có một chú tay dài như tay vượn vô chơi, đốt pháo nổ tạch, tạch liên hồi. Rứa là chú bán vé tới nói nhỏ: “ Thôi eng chơi chừng nớ đủ rồi, để mấy đứa con nít chơi với chơ…”.

Nhưng vui nhất có lẽ là trơi trò đôi vòng cổ vịt. Một bầy vịt cỏ được ví sáo mùng vô một góc. Người mua 5 vòng bằng tre 100 đồng để đôi cổ vịt. Đôi vô cổ con mô là được phần con đó. Trò ni cũng khó, bởi vì khi đôi thì bầy vịt chạy tán loạn nên vòng chỉ rớt xuống đất. Nhưng may may rủi rủi răng đó cũng có mấy vòng lọt vô cổ vịt trong tiếng reo hò của người chơi với người xem chen lẫn với tiếng kêu của bầy vịt “ cạp, cạp, cạp…” thiệt vui tai.

Riêng lũ con nít chúng tôi chỉ tham gia trò “bịt mắt đập lon”. Trò này dụng cụ chơi là cái lon sữa bò treo lủng lẳng trên cành cây, ai bịt mắt cầm đùi đập trúng thì thưởng. Chú bán vé là người xóm tôi, nên nói: “ Tau bịt cho mi hở mắt mà thấy, gắng đập trúng lon mà nhận quà nghe con!”. Rứa là tôi đập trúng và nhận ngay một chai rượu “ Hương hoa mật ong” Hà Nội.

Tôi ôm chai rượu lui sau sân đình có  lùm cây mù u coi mấy mệ, mấy ôn đang đánh bài Chòi với tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã mỗi khi có người tới bài. Coi một chập thấy cũng đã cạn trò vui, tôi rủ mấy đứa trong xóm mở chai rượu ra uống thử ra răng. Ba bốn thằng cầm chai rượu mà núc thấy ngọt quá, thơm quá rứa mà người lớn nói rượu khó uống lắm. Chai rượu vừa cạn thì thằng mô cũng thấy cái đình làng nghiêng nghiêng, thấy người mô mà đông ri, thấy bầy vịt kêu chi mà inh ỏi rứa…Chiều tối, thì thấy mình đã nằm trên giường. Mạ nói: “ Hư quá con ơi, Tết nhứt bày đặt uống rượu, đứa mô bày trò ni?”. Tôi thưa thiệt với mạ là không ai bày cả, tại thấy rượu nó thơm quá nên đứa mô cũng ưa uống cho vui, dại quá nên rứa…Đó cũng là cái Tết đầu tiên tôi biết thần tửu là chi….

2. Tết năm ngoái, chiều mồng 2  ghé nhà người bạn từ Sài Gòn về quê ăn Tết.Vừa rẽ xe vô lối xóm thấy bạn đang ngồi quây quần trước sân họ. Rứa là được dịp hắn gọi luôn cho tôi: “ Thôi mi ghé vô ngồi mâm với bà con trong họ tau chút đã…” Trước đây, họ tộc của bạn không có lệ cúng đầu năm. Gần đây, bác trưởng họ cũng là ông già thằng bạn có sáng kiến cúng đầu năm cũng là cúng đất họ; trước là thành kính với tổ tiên, sau là để con cháu về quê ngày Tết đông đúc  và vui hơn. Mâm cỗ đơn sơ nhưng rộn rã tiếng nói cười. Vui nhất vẫn là bác trưởng họ  vì con cháu  tề tựu năm sau đã đông hơn năm trước; mà chỉ có ngày Tết mới đông đủ sum vầy như rứa thôi. Với người xa quê, về quê ngày Tết là được tưới tắm và có khi là thuốc thang nữa cho tâm hồn mỗi người sau một năm trường đường đời gió bụi bon chen. Rứa thôi! Tôi biết riêng với bạn đang sống xa quê về Tết rứa là đã đong đầy rồi…

Có một anh bạn người miền Nam về quê vợ đón Tết nói với tôi: “ Miền Trung mình sao mà cúng kỵ nhiều quá. Tui về ăn tết thấy nhà bà xã cúng đến 5, 6 lễ, ngày nào cũng cúng…”. Tôi  cười giải thích với bạn: “ Đất lề quê thói là vậy đó!”. Rồi lại nghĩ, Tết ở quê mà không có những lễ cúng cấp thì có còn hương vị tết cổ truyền dân tộc  không? Những câu chào hỏi chúc mừng nhau trên đường ngày đầu năm mới đang thưa thớt dần. Người làng đến thăm nhau trong ba ngày Tết cũng vội vã lắm. May mà có những lễ cúng Tết từ  cúng Tết nhà, Tết vườn, cúng chuồng, cúng xóm, cúng âm hồn rồi cúng đưa, cúng đầu năm. Nhớ những năm chưa có điện, những đêm Tết đi chơi trong làng, thấy trước sân nhà ai cũng có một mâm cúng đèn nhang nghi ngút thấy ấm áp làm sao! Những lễ nghi truyền thống bao đời của làng quê đã níu lại cho Tết quê bao yêu thương, gần gũi…

Phi Tân

 

Similar Articles

Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)

Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu

Nhớ những chuyến xe lam

Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng Facebook về những chiếc xe lam - một thời

Trong bóng dáng mệ quê

Trong bóng dáng mệ quê

Những ngày này Huế mưa, nhớ mạ thiệt nhiều, mà đi chợ càng nhớ hơn,

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose