Văn hóa Huế | Homepage

Ký ức mồng Năm

🕔16.Jun 2019

Ở làng mình đúng là sau Tết thì vui nhất là tết mồng 5 coi như nhà mô cũng có thịt vịt, chè kê để ăn.

Hồi nhỏ mình vẫn hay nghe thằng Thịnh “Pháp” đọc câu vè: “Mồng Năm ngày Tết ăn chơi-  Ba thằng chự vịt mang tơi lè kè”. Thời đó, gia đình ông bà ngoại của Thịnh hoàn cảnh khó khăn nên hình như học xong lớp 5, thằng Thịnh bỏ học và chăn trâu cho hợp tác xã. Thằng Thịnh hay đọc câu vè ni vì theo hắn thì chăn trâu sướng hơn chăn vịt; mồng 5 ngày tết có thể nhốt trâu trong chuồng cho ăn cỏ và đi chơi còn mấy người chăn vịt thì phải túc trực canh vịt ngoài đồng bất kể trời mưa nắng hay dịp lễ tết; bởi vì vịt đàn chạy lung tung sợ phá ruộng lúa rồi sợ mất vịt.

Ở làng mình đúng là sau Tết thì vui nhất là tết mồng 5 coi như nhà mô cũng có thịt vịt, chè kê để ăn. Bà nội mình thường trưa mồng 5 xắt mấy trái chanh trộn với đường đen cho mấy anh em mình ăn vào đúng giờ Ngọ để được sáng mắt và cả sáng dạ. Ở làng mình cũng có tục hái lá mồng 5. Vui nhất là sáng sớm mấy đứa con nít theo mấy mệ, mấy o lên độn tìm hái các loại lá như vằng, bông bạc, bò… về trộn chung với nhau phơi nấu nước uống dần.

Sáng mồng 5, mẹ đong 10 lon nếp thơm rồi nói: “Con xách lên đi tết cho ôn Bụi!”. Mình ngạc nhiên: “Vì răng lại đi tết cho ôn Bụi mẹ?”, mẹ cười: “Thì ôn đã chích lễ cho con hồi mùa hè đó!”. Năm đó xóm Kế của mình  rất vui khi có thêm một gia đình mới tới định cư đó là gia đình ôn Bụi. Ôn Bụi đi tập kết ngoài Bắc từ năm 1954, làm công nhân nông trường Cờ Đỏ ở Nghệ An, không biết răng hòa bình hơn 10 năm sau ôn mới trở về quê sinh sống. Nhà ôn có đến 10 đứa con, trong đó có Cúc sau này là bạn học của mình.

Ôn Bụi về làng sinh sống và dựng ngay cái quán ở ngã ba xóm vừa bán quán, vừa gò hàn, sửa xe đạp… Cái quán đó cũng là nơi tụ tập của lũ trẻ con  trong xóm vừa coi ôn hành nghề, vừa bày mấy trò chơi nghịch phá. Nói chung thì ôn Bụi biết nhiều nghề, nhưng cũng không phải là một người giỏi nghề. Ví như ôn gò xong cái xoong nhôm, múc nước thử thấy nước chảy ra ngoài là ông lấy mấy ngọn rau khoai bết vô nước hết chảy liền. Còn sửa xe đạp ôn chỉ rành mấy cái đơn giản như vá ruột, sửa con cốc, thay phanh… còn hư hỏng phức tạp thì ôn chịu. Nhưng mần chi thì mần, sáng mở mắt là ôn phải có vô bụng vài ly rượu đế. Ôn uống không nhiều nhưng đều, mắt lim dim và cười rất hiền, ai nói chi cũng mặc.

Tính ôn hiền rứa nên mấy đứa con nít xóm mình tha hồ cầm đồ nghề của ôn phá phách. Những ngày đầu hè, đi dang nắng nên mình đổ bệnh sốt ly bì mấy ngày, uống thuốc mấy cũng không khỏi. Ôn Bụi chạy xuống nói thằng cu đau cái chi ôn chích lễ cho khỏi liền. Ôn chích lễ đúng là thần diệu, cầm cái kim nhỏ ôn lễ từ đầu đến chân chỉ hơi đau như kiến cắn; chích buổi sáng thì buổi chiều mình đã vùng dậy khỏi giường… Chuyện là vậy nên mẹ nói phải đi tết cho ôn Bụi. Tôi và thằng em lon ton xách bao nếp thơm lên đi tết nhà ôn Bụi. Gặp trước cổng nhà là ôn từ chối ngay tắp lự: “Nhà bây bày đặt, xóm giềng mà tết với nhứt làm chi, mang về đi rồi trưa tau ghé nhà làm cốc rượu!”…

Sáng ni đi làm ngang qua chợ Bến Ngự đã nghe tiếng vịt kêu “cạp cạp, cạp cạp…” vui tai. Lại nhớ cái dáng liêu xiêu hiền lành của ôn Bụi đi trên đường xóm trưa mồng năm, nhớ hình ảnh của thằng Thịnh ngày Tết Đoan Ngọ năm nao đổ cỏ cho trâu ăn mà miệng cười khoái chí đọc câu vè: “Mồng Năm ngày Tết ăn chơi – Ba thằng chự vịt mang tơi lè kè”.

Phi Tân
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)

Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu

Nhớ những chuyến xe lam

Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng Facebook về những chiếc xe lam - một thời

Trong bóng dáng mệ quê

Trong bóng dáng mệ quê

Những ngày này Huế mưa, nhớ mạ thiệt nhiều, mà đi chợ càng nhớ hơn,

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose