Văn hóa Huế | Homepage

Ngọ Môn – Biểu tượng kiến trúc cung đình Huế

🕔22.Dec 2019
Ngọ Môn là hình ảnh gắn liền với đất cố đô Huế, mặc nhiên là như vậy. Đó là một kiến trúc đặc sắc có giá trị trên nhiều phương diện. Cùng với cầu Trường Tiền, Kỳ Đài, tháp chùa Thiên Mụ, Ngọ Môn là hình ảnh tiêu biểu nhất của thành phố Huế, của quần thể di tích cố đô Huế – di sản văn hóa thế giới.

Ngọ Môn

Là cổng chính phía nam của Hoàng Thành Huế, cũng được coi là bộ mặt của Hoàng Thành và vương triều phong kiến. Ngọ Môn được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng – vua thứ hai của nhà Nguyễn. Trải qua gần 180 năm với những tác động của thời gian, thiên nhiên – khí hậu miền Trung khắc nghiệt, và cả khói lửa chiến tranh; nhưng Ngọ Môn vẫn tồn tại và đứng vững tới ngày hôm nay để trở thành một biểu tượng của xứ Huế.

Năm 1833, trong công cuộc quy hoạch xây dựng, nâng cấp tổng thể Hoàng cung triều Nguyễn, vua Minh Mạng đã cho xây dựng Ngọ Môn – cổng chính phía nam Hoàng Thành. Tại vị trí này trước kia có kiến trúc Nam Khuyết Đài, được xây dựng dưới thời Gia Long; trên đài có điện Càn Nguyên, hai bên có hai cửa là Tả Đoan Môn và Hữu Đoan Môn. Tất cả các kiến trúc này đã bị triệt giải để xây dựng Ngọ Môn.

Ngọ Môn nhìn từ phía đông – nam.

Về tính chất, Ngọ Môn là cổng chính của Hoàng Thành, cũng là hướng chính – phía nam trên phương diện Dịch học. Theo Kinh Dịch, vua luôn ngồi quay mặt về hướng nam để trị thiên hạ (hướng nam được hiểu rộng là từ đông nam đến tây nam). Chính vì vậy, toàn bộ Kinh Thành, Hoàng Thành được quy hoạch xây dựng theo nguyên tắc “tọa càn hướng tốn” (tây bắc – đông nam). Hướng này cũng được coi như hướng bắc – nam. Ngọ Môn nằm ở phía nam so với vị trí trung tâm là ngai vàng ở điện Thái Hòa trong Hoàng Thành.

Về quy mô, Ngọ Môn cũng là cổng thành lớn nhất trong 4 cổng Hoàng Thành. Căn cứ trên la kinh (la bàn) của địa lý phong thủy Đông phương, thì phía nam thuộc hướng “ngọ” trên trục “tý – ngọ” (bắc – nam). Cái tên Ngọ Môn xuất phát từ đó, mang ý nghĩa về không gian, phương hướng; chứ không phải nghĩa về thời gian.

Là cổng chính nhưng Ngọ Môn không được sử dụng nhiều vì mang tính nghi thức rất cao. Xưa kia cổng thường đóng kín, chỉ mở trong những dịp đặc biệt như khi vua ra vào Hoàng Thành có đoàn ngự giá, hay trong những dịp tiếp đón sứ thần ngoại quốc quan trọng của Hoàng Cung.

Về mặt công năng, Ngọ Môn không chỉ là cổng Hoàng Thành, mà còn là một lễ đài hướng về quảng trường rộng lớn phía trước từ lớp tường Hoàng Thành tới lớp tường Kinh Thành – nơi thẳng trục có kiến trúc quan trọng khác là Kỳ Đài nằm ngay trong tường của Kinh Thành. Lễ đài và quảng trường này là nơi cử hành các cuộc lễ lớn của triều đình như lễ Truyền lô (xướng danh các sĩ tử thi đỗ tiến sĩ), lễ Ban sóc (Phát lịch), lễ Duyệt binh…

Ngọ Môn cũng là địa điểm lịch sử – nơi diễn ra lễ thoái vị của vua Bảo Đại – vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam, vào ngày 30.8.1945.

Về mặt kiến trúc và cấu trúc, Ngọ Môn là một phức hệ, có thể chia ra làm hai phần chính: phần nền đài ở phía dưới và phần Lầu Ngũ Phụng ở phía trên nền đài. Tuy tính chất và vật liệu xây dựng rất khác nhau nhưng hai thành phần này lại được thiết kế ăn khớp, hài hòa với nhau, trở thành một tổng thể thống nhất.
Hệ thống nền đài Ngọ Môn

Được xây bằng gạch vồ và đá Thanh, kết hợp kim loại (đồng). Nền đài có mặt bằng hình chữ U vuông góc, lòng hướng ra ngoài Hoàng Thành; chiều dài đáy 57,77m; chiều dài cánh là 27,06m; chiều cao chung gần 5m; diện tích chiếm đất hơn 1.560m2.

Ở phần giữa nền đài có 3 cửa đi song song nhau: Ngọ Môn ở giữa dành cho vua, hai bên là Tả Giáp Môn và Hữu Giáp Môn dành cho các quan văn võ trong đoàn ngự đạo. Đây là phần được xây dựng bằng đá. Ở trong lòng cánh chữ U mỗi bên có một cửa chạy xuyên qua lòng đài như đường hầm, lối ra – vào bên ngoài vuông góc với đường Dũng đạo (trục chính).

Hai lối này gọi là Tả Dịch Môn và Hữu Dịch Môn, dành cho quân lính và voi ngựa theo hầu. Hai cổng này được xây theo lối cuốn vòm và đỉnh cổng có hình cung; còn ba cổng ở giữa lại được thiết kế và xây dựng vuông – thẳng với sự tham gia của các thanh đồng chịu lực ở phía trên cổng. Phía trong Ngọ Môn (phía Hoàng Thành) có hệ thống thang lộ thiên ở hai bên để đi lên trên nền đài. Xung quanh mặt trên nền đài được bao bởi hệ thống lan can trang trí bằng gạch hoa đúc rỗng tráng men ngũ sắc.

Ngọ Môn nhìn từ Kỳ Đài trong lễ mừng thọ 40 tuổi (Tứ Tuần Đại Khánh) của vua Khải Ðịnh – năm 1924 (ảnh tư liệu).

Đám rước tế lễ Đàn Nam Giao đi qua Ngọ Môn – năm 1935 (ảnh tư liệu).

Hai chữ “Ngọ Môn” trên cửa giữa phía trước.

Ô cửa tròn trang trí hình chữ “Thọ” ở mặt đứng nền đài Ngọ Môn phía trước.

Lầu Ngũ Phụng

Là hệ thống kiến trúc đặt phía trên nền đài. Lầu có mặt bằng hình chữ U tương ứng với mặt bằng nền đài, gồm hai tầng lầu, hai tầng mái.

Lầu được dựng trên nền cao 1,14m xây trên đài, có các bậc cấp từ nền đài lên nền lầu. Khung của lầu Ngũ Phụng được làm bằng gỗ lim. Toàn bộ tòa lầu có 100 cây cột, mỗi bên 50 (nếu chia đôi theo trục), trong đó có 48 cây cột xuyên suốt 2 tầng. Hệ thống mái tầng dưới chạy vòng quanh suốt để che mưa nắng tất cả phần hồi lang.

Hệ thống mái tầng trên phức tạp hơn, được chia làm 9 bộ mái, trong đó phần mái ở giữa cao hơn 8 bộ còn lại. Bộ mái giữa cùng với phần mái tương ứng ở hệ thống mái dưới được lợp ngói hoàng lưu ly – là nơi vua ngự; các phần mái khác được lợp ngói Thanh lưu ly.

Các bờ nóc, bờ quyết, hồi mái được trang trí bằng nhiều chi tiết hoa văn tinh xảo. Ở tầng lầu dưới, hai bên để trống lộ cột; hai lầu này có tên là Tả Dực Lâu và Hữu Dực Lâu. Phần lầu giữa lợp ngói hoàng lưu ly được lắp hệ thống cửa gỗ kính phía trước, các phía còn lại thưng vách gỗ. Đây là chỗ ngự của vua khi dự lễ.

Ở tầng lầu trên, phía trước chính giữa là hệ thống cửa thượng song hạ bản, xung quanh và phía sau nong ván, trên đó trổ nhiều cửa sổ với hình dáng rất phong phú và đa dạng như hình tròn, hình quạt, hình khánh… Một hệ thống lan can chạy suốt bên ngoài lớp cửa này. Từ tầng lầu dưới lên lầu trên phải đi bằng thang gỗ. Nhưng thực tế lầu trên ít có chức năng sử dụng, mà mang tính chất tạo dáng thẩm mỹ cho công trình nhiều hơn. Mặt bằng của Lầu Ngũ Phụng tương ứng với hệ thống nền đài hình chữ U, tạo nên một tổng thể thống nhất, hài hòa cân đối.

Kiến trúc sư, nhà quy hoạch đô thị Nguyễn Trọng Huấn, một người con xứ Huế, có nhiều tâm huyết với mảnh đất cố đô, và cũng là người dày công nghiên cứu lịch sử – văn hóa – kiến trúc Huế; đã viết về Ngọ Môn như sau: “Nhiều người thường so sánh Ngọ Môn của kinh thành Huế với Thiên An Môn ở Bắc Kinh và có ý chê rằng Ngọ Môn quá nhỏ (!?). Xin nhớ cho sự chênh lệch về dân số và đất đai, Thiên An Môn là công trình nghi lễ của một quốc gia thời đó với ít nhất từ 300 đến 500 triệu dân, trong khi đó, dân số Việt chỉ khoảng trên năm triệu người, khoảng cách ít nhất là 60 đến 100 lần.

Tuy nhiên, xét về phương diện nghệ thuật, một Ngọ Môn với lầu Ngũ Phụng ở kinh thành Huế giá trị nghệ thuật không thua kém, nếu không nói là hơn hẳn Thiên An Môn về tính nhân văn. Cùng một công năng, nhưng Ngọ Môn thân thiết, gần gũi hơn, hấp dẫn hơn, quyến rũ hơn. Thiên An Môn là một khối kiến trúc chắc nịch, khô khốc, hoàn toàn không có cây xanh, kích thước khủng bố, ngay từ màu sắc, tạo ấn tượng khống chế của quyền lực thiên tử đối với thần dân, bằng một tỷ lệ phi nhân tính.

Trong khi Ngọ Môn với ngói lưu ly, Lầu Ngũ Phụng, vút bay như một cánh chim, thơ thới, nhẹ nhàng, hòa vào thiên nhiên, đầy chất thơ”.

Ngọ Môn là biểu tượng của kỹ thuật và trình độ xây dựng thời bấy giờ. Với khả năng sử dụng và phối hợp nhuần nhuyễn các loại vật liệu bản địa; những người thợ, những nghệ nhân đã làm nên một công trình bền vững hàng thế kỷ. Ngọ Môn cũng là biểu tượng của nghệ thuật kiến trúc – điêu khắc đậm tính bản địa và bản sắc dân tộc; tiêu biểu cho kiến trúc triều Nguyễn ở Huế nói riêng và kiến trúc truyền thống Việt Nam nói chung.

Đó là một kiệt tác, một đỉnh cao của kiến trúc Cung đình Huế; từng là biểu tượng của một kinh thành vàng son và vương triều phong kiến. Nhưng vượt lên cả yếu tố chính trị và thời cuộc, Ngọ Môn trở thành biểu tượng của Huế, mãi là hình ảnh đẹp không phai của miền cố đô thơ mộng.

Hữu Dực Lâu nhìn từ phía Tả Dực Lâu.

Bậc thềm Lầu Ngũ Phụng.

Nội thất tầng dưới lầu Ngũ Phụng, khu vực trung tâm.

Nội thất tầng dưới Hữu Dực Lâu. Tầng dưới Tả/Hữu Dực Lâu là lầu trống không có vách.

Sân sau Lầu Ngũ Phụng nhìn về Điện Thái Hòa phía trong Hoàng Thành.

Chi tiết trang trí trên mái Lầu Ngũ Phụng.

Lan can trên Lầu Ngũ Phụng, sử dụng gạch gốm và khảm sành sứ.

Hà Thành
(Theo Người đô thị)

Similar Articles

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Nạn vẽ bậy lên di tích Kỳ Đài trước Kinh thành Huế đã kéo dài

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose