Văn hóa Huế | Homepage

Nhớ “Ngự tứ ân khoa”

🕔05.Dec 2019

Ngự tứ ân khoa là tên khoa thi Hội cuối cùng trong lịch sử khoa cử Nho học Việt Nam, diễn ra dưới thời vua Khải Định, năm 1919. Khoa thi này triều đình lấy đỗ tổng cộng 23 người, trong đó có 7 người đỗ tiến sĩ, 16 người đỗ phó bảng.

Hội đồng giám khảo khoa thi Hương năm 1897

“Trẫm thương những người cựu học”

Sử liệu “Khải Định chính yếu sơ tập” (Quốc sử quán triều Nguyễn) ghi: Bấy giờ Bộ Học đệ phiến trình về thể thức kỳ thi Hội năm nay tâu lên đợi chỉ, Vua phê rằng: “Lần này khoa thi Hội cuối cùng của triều đình, nên trẫm muốn gia ân cho sinh viên sĩ tử khoa mục trong cả nước, hễ ai thông thạo cả hai thứ chữ Nho và Pháp thì trình qua Bộ Học để xin vào ứng thí, lấy tên khoa này là Ngự tứ ân khoa để sau này lập ra Hội Hàn lâm”.

Khi Viện Cơ mật tâu xin rằng tại các tỉnh Trung kỳ, mỗi tỉnh xét cử hai ba người là tú sĩ tại quê quán có thực tài đồng thời tinh thông cả chữ Nho và chữ Pháp, đưa lên để Hoàng thượng chọn, Vua phê: “Đường khoa cử kén chọn nhân tài của nhà nước nay đã bắt đầu thực hiện cải lương. Trẫm cảm nghĩ đối với lớp cựu hiền thi đã hết đường tiến mà tân học lại chưa được thuần, hoài bão ôm ấp mãi mà không gặp thời. Khoa cử gần đây cũng có nhiều thiên tư, có người vì nghèo khó bức bách mà không được tới trường, hoặc có tới được trường thì lại không trúng ý quan. Lại có trường hợp tài học của quan lại không bằng được sinh viên, từ đó dẫn tới nhiều người suốt ngày ôm hận, mà nhà nước muốn giăng lưới tuyển tài như ngày xưa cũng không được. Nên cần để cho những người hiền bị bỏ sót trong dân dã hiểu được ý trẫm, nhưng ý kiến bàn thêm đã nhất trí nên chuẩn y cho”.

Năm ấy, tháng tư mùa hạ, kỳ thi Hội tiến hành xong xuôi, quan trường thi xin gia ân lấy thêm 3 quyển thi bị thiếu điểm. Bộ Học tâu trình lên, Vua phê: Kỳ thi năm nay là khoa thi cuối cùng, đường khoa cử từ đây dứt hẳn. Trẫm nghĩ rằng quy chế cựu học đã không còn đáp ứng được điều mong muốn, trong khi con đường tương lai của tân học đang thênh thang mở rộng trước mặt. Lần này, đặc cách gia ân cho sĩ tử được vào thi Hội là bởi trẫm thương những người cựu học khổ công đèn sách, những mong được tuyển chọn ra làm quan. Nay quan trường thi tuân theo phép tắc mà chỉ hạn chế tuyển chọn số người như thế là đúng, nhưng lòng trẫm vẫn thấy thương xót người hiền mãi không thôi. Căn cứ vào thỉnh cầu của quan Bộ Học xin gia ân lấy thêm 3 quyển thi là rất hợp, nhưng trẫm nghe nói vẫn còn 2 quyển nữa mà điểm số về văn về lý cũng không thấp hơn 3 quyển kia, vậy mà không được dự lấy thêm, như thế là chưa công minh. Vậy truyền lấy thêm cả 2 quyển này vào, cộng làm 5 quyền dâng lên ngự lãm, đợi sẽ có chỉ gia ân riêng”.

Vọng cổ nhân

Trong “Huế – chuyện mới, tích xưa”, tác giả Thể Quang gọi sự kiện kỳ thi Hội cuối cùng thời vua Khải Định “gần như là một biến cố về nền giáo dục của nước nhà gặp phải vận nước đen tối”. Tuy vậy, khi xét hai mặt của “một cuộc đổi thay táo bạo”, bên cạnh “cái mất” của vận nước lúc ấy là “mất nước, mất chủ quyền, mất dần chữ viết, tiếng nói, ngôn ngữ…”, ông vẫn thấy có những “cái được”.

Cụ thể là chữ Quốc ngữ mới, không hẳn thay thế chữ Nôm, nhưng lại có phần đóng góp nhanh trong việc truyền bá văn hóa, cổ súy nhanh tư tưởng tiến bộ, những phát minh về các lĩnh vực nông nghiệp, kỹ thuật, y học, giao thông, bưu chính viễn thông… Chữ Quốc ngữ mới dần dà phát triển theo dịp của đà tiến dân tộc, đủ khả năng diễn đạt các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, mỹ thuật, công kỹ nghệ và kể cả tư tưởng triết học Đông – Tây kim cổ… Chữ Quốc ngữ mỗi ngày mỗi đủ lông đủ cánh để đưa người Việt tiếp cận nhanh với văn minh, văn hóa tiến bộ, nhất là làm vực dậy nhanh chóng vốn truyền thống uyên nhân, quốc hồn, quốc túy mà chữ Hán, chữ Nôm đã một thời gắn kết với đời sống văn hóa của dân Việt.

Kế thừa và tôn trọng sự học của người xưa, Thừa Thiên Huế đang tích cực tìm nguồn kinh phí để chỉnh trang, bảo quản tốt hơn các điểm di tích liên quan đến khoa cử triều Nguyễn, như: Văn Thánh, Võ Thánh, Quốc Tử Giám… Đồng thời, tìm giải pháp hiệu quả để kết nối và biến những di tích này trở thành những điểm đến thiêng liêng, có ý nghĩa thúc đẩy tinh thần hiếu học của mọi thế hệ trên đất Cố đô. Nhớ kỳ thi Hội cuối cùng, cuối tháng 12/2019, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (Lê Trực, TP. Huế) dự kiến tổ chức một trưng bày các hiện vật điển hình, liên quan đến khoa cử Nho học một thời dưới các triều vua Nguyễn. Du khách và công chúng có thể dành thời gian để thưởng lãm và nghe các hiện vật kể chuyện của cha ông trong một giai đoạn lịch sử chưa quá xa.

Đồng Văn
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Phủ Tuy An Quận công, nơi lưu giữ ký ức đô thị di sản Huế

Phủ Tuy An Quận công, nơi lưu giữ ký ức đô thị di sản Huế

Toàn cảnh phủ Tuy An Quận công Bộ đồ trà sứ ký kiểu thời Nguyễn vẽ

Huế: Thế tiến thoái lưỡng nan của một kinh thành

Huế: Thế tiến thoái lưỡng nan của một kinh thành

Nếu bạn là chúa Nguyễn Phúc Ánh, người vừa thống nhất Việt Nam năm 1802,

Biểu tượng mùa xuân trên cổ vật của triều Nguyễn

Mùa xuân luôn là một đề tài quen thuộc của các loại hình nghệ thuật

Chuyện thêm về ông hoàng Bảo Đại

Chuyện thêm về ông hoàng Bảo Đại

Cựu hoàng Bảo Đại. Ảnh tư liệu Bái vọng Gia Miêu Sử cùng nhiều tài liệu còn

Du thuyền triều Nguyễn qua vài tư liệu xưa

Du thuyền triều Nguyễn qua vài tư liệu xưa

Vua Thiệu Trị từng có bài thơ “Sông Hương”, tả cảnh một buổi sáng dạo

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose