Văn hóa Huế | Homepage

Giữ áo dài Nhật Bình cho Huế

🕔29.Mar 2020

Như rất nhiều cô dâu khác, tôi từng một lần khoác lên mình chiếc áo dài Nhật Bình khi vái lạy bàn thờ tổ tiên trong ngày theo chồng, nhưng lại không biết đó là kiểu trang phục có tên rất hay và đậm chất truyền thống. Và theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, cùng với việc đa dạng hóa hoặc khôi phục lại vẻ sang trọng của áo dài truyền thống, Huế phải giữ cho được giá trị riêng có của áo dài Nhật Bình.

Áo Nhật Bình hiện đã được phục dựng nhưng còn nhiều chi tiết chưa đúng hoàn toàn với nguyên mẫu

Theo nghiên cứu của ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin Thừa Thiên Huế, trước năm 1945, phụ nữ Huế còn gắn bó với áo dài Nhật Bình và khăn vành. Đây là trang phục thông thường của các bậc phi tần, công chúa đã lan truyền sang giới mệnh phụ và con gái nhà giàu sang quyền quý. Về sau, được phụ nữ trong dân gian yêu thích, sử dụng trong những dịp cưới hỏi và lễ nghi trang trọng.

Câu chuyện Thừa Thiên Huế cần chủ động, tiên phong gìn giữ bản sắc của áo dài Nhật Bình được nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa tâm huyết trong bối cảnh cả nước Việt Nam nói chung, Huế nói riêng đang nỗ lực bảo tồn và phát giá trị truyền thống của áo dài dân tộc. Một trong những dấu mốc quan trọng của văn hoá trang phục áo dài Huế phải đề cập đến là vào năm 1744, sau khi lên ngôi vương ở Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách và đề cập đến việc sửa đổi y phục. Từ đó, áo dài được ra đời, trở thành trang phục chính của cả đàn ông và phụ nữ ở vùng đất Đàng Trong. Gần 100 năm sau, bộ trang phục áo dài được sản sinh ở kinh thành Phú Xuân – Huế đã từng bước thay thế nhiều dạng trang phục cổ truyền Đàng Ngoài. Trải qua nhiều năm thăng trầm cùng thế cuộc, từ chiếc nôi ở xứ Huế, áo dài Việt Nam trở thành một biểu tượng về bản sắc văn hóa của trang phục Việt, vừa trang trọng, vừa độc đáo, không lẫn vào đâu khi sánh vai cùng các biểu tượng văn hóa trang phục đa dạng của toàn cầu. Với riêng Huế, áo dài còn mang theo một quá khứ vàng son, một kiểu cách rất riêng của vùng đất kinh kỳ.

Áo Nhật Bình hiện đã được phục dựng nhưng còn nhiều chi tiết chưa đúng hoàn toàn với nguyên mẫu

Gần đây, các nhà làm phim Phượng Khấu đã được đánh giá rất cao khi bộ sưu tập trang phục cung đình triều Nguyễn được phỏng dựng gần sát nhất với lịch sử, trong đó nổi bật là những mẫu áo dài Nhật Bình của nội cung. Tương truyền, Nhật Bình có nguyên mẫu là áo Phi Phong thời Minh. Đây là loại là áo xẻ cổ giữa, cổ áo to bản, đăng đối, tạo thành hình chữ Nhật ở trước ngực, có nút cài khoảng giữa ngực, áo rộng, hai vạt bốn thân, vạt trước xẻ giữa, vạt sau nối sống, tay áo rộng và dài phủ tay. Các họa tiết trên áo được thêu thùa trang trí theo các mô-tip cung đình.

Ngay từ năm Gia Long thứ 6 (1807) đã quy định về việc sử dụng áo dài Nhật Bình trong nội cung. Theo sách Khâm định Đại Nam Hội điển Sử lệ thì áo dài Nhật Bình là triều phục dành cho các bậc Nhất giai Phi, Nhị giai Phi, Tam giai Tần, Tứ giai Tần. Tùy theo màu sắc mà phân biệt phẩm trật khác nhau. Với các bậc Hoàng Thái hậu, Hoàng hậu/Hoàng Quý phi và công chúa thì sử dụng phượng bào làm triều phục, còn áo dài Nhật Bình được sử dụng như một loại thường phục. Quy chế mũ mão đi kèm với trang phục áo dài Nhật Bình không cố định, đầu thời Nguyễn sử dụng Kim ước phát, đến thời Thiệu Trị năm 1846 được đổi thành một loại thủ sức gọi là Kim phượng. Đến cuối thời Nguyễn, hình ảnh khá quen thuộc là các bà hoàng thời kỳ này sử dụng áo dài Nhật Bình và đầu vấn khăn vành.

Hiện nay, nhiều nhà may ở các thành phố lớn đã may, bán và cho thuê áo dài Nhật Bình. Đây cũng là mẫu trang phục gần gũi với nhiều cô dâu trong ngày cưới khi hành lễ trước ban thời gia tiên. “Tuy nhiên, trong nỗ lực xây dựng và phát triển thương hiệu áo dài Huế gắn với các giá trị truyền thống của Cố đô, Thừa Thiên Huế phải tiên phong khôi phục quốc phục áo dài Việt Nam, khôi phục áo dài Nhật Bình Huế. Đồng thời, tìm kiếm thị trường để đưa các sản phẩm áo dài Huế, áo dài Nhật Bình Huế, khăn vành Huế ra thị trường ngoại tỉnh. Việc khôi phục áo dài Nhật Bình tại Huế sẽ làm đa dạng hơn, phong phú hơn di sản áo dài truyền thống của Việt Nam. Và khi chúng ta nói Huế là chiếc nôi của áo dài Việt Nam thì áo dài Nhật Bình chính là một trong những yếu tố để thể hiện sự riêng có và đậm chất Huế”, ông Nguyễn Xuân Hoa nói.

Bài: Đồng Văn – Ảnh: Doãn Quang
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Trong những khu vườn truyền thống Huế, cây mít thường có mặt như một điều

Những điệu hò tạo dựng nên tâm hồn của người Huế

Những điệu hò tạo dựng nên tâm hồn của người Huế

Với vị thế địa văn hóa và địa chính trị đặc biệt, xứ Huế không

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Là đô thị di dản, "Thành phố xanh quốc gia", cố đô Huế có hệ

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Huế và hoàng mai

Huế và hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose