Văn hóa Huế | Homepage

Tam Khanh – Những vần thơ từ trong khuê các

🕔06.Apr 2020
Tam Khanh – Nhung van tho tu trong khue cac
Vẻ đẹp của nữ sỹ ngày xưa

Trong xã hội Nho giáo ngày trước, nếu ở nhà bình dân, thì chỉ có nam nhân được theo đòi việc bút nghiên. Nhưng ở hàng quý tộc, vương giả, con cháu cả nam lẫn nữ đều phải học hành, cầm kỳ thi họa đầy đủ, nữ công gia chánh vẹn toàn.

Bởi thế, từ trong khuê các đó, đã hiện ra nhiều bậc nữ lưu kỳ bút, khiến ngay cả các bậc đại bút nam nhân cũng cúi đầu kính phục, và dường như cả vầng trăng xưa cũng day dứt khi trôi trên kinh thành, thường để lại cả một trời sương sáng, không nỡ lặn về Tây…

Tam Khanh – Nhung van tho tu trong khue cac
Vẻ đẹp khuê các xưa

Hoàng triều Nguyễn Phước, hoàng đế Minh Mệnh cùng bà Thục Tần Nguyễn Thị Bửu sinh bốn người con, bốn người đều trở thành thi sỹ danh tiếng của đất Thần Kinh, bốn nhà thơ lớn của dân tộc.

Người anh trai Tùng Thiện Vương, cùng với các hoàng tử Tuy Lý Vương, Tương An Quận Vương, là ba nhà thơ lớn, thường được gọi là Tam Đường triều Nguyễn, trụ cột của Mạc Vân thi xã danh tiếng.

Nhưng đặc biệt hơn, đồng từ với ông có ba em gái, mà biểu tự của họ: Trọng Khanh, Thúc Khanh và Quý Khanh, thường được gọi là Tam Khanh, là các bậc nữ lưu kỳ bút, đài hương khuê các.

Tam Khanh – Nhung van tho tu trong khue cac
Vương phủ Tùng Thiện, nơi ba Hoàng nữ thi sỹ lớn lên

Lớn nhất trong ba chị em là Hoàng Nữ Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh, biểu tự Trọng Khanh, hiệu là Nguyệt Đình. Ngày còn nhỏ, bà cùng hai em được lớn lên trong Đoan Chính viện, Tử Cấm thành. Sau, bà cùng mẹ và các em về sống tại Tiêu Viên, trong phủ của anh trai Tùng Thiện Vương.

Cùng với hai em, bà đi học tại Tôn Học Đường, do chính anh trai mình phụ trách, nên được anh hướng dẫn, làu thông kinh sử, nghiêm cẩn lễ nghi.

Bà hạ giá kết hôn cùng ngài Phạm Đăng Thuật, con trai của đại thần Đức quốc công Phạm Đăng Hưng. Hai vợ chồng tâm đầu ý hợp, xướng họa tương đắc. Nhưng than ôi… Bà chỉ sinh được một con gái, tên Uyển La. Tiểu thư yểu mệnh vắn số. Mấy năm sau, chồng bà vào Nam kỳ xét việc, cũng mất. Bà thủ tiết, xin vua Tự Đức cho dựng từ đường ngay trước mộ chồng.

Cuộc đời nữ sỹ quý tộc của Trọng Khanh Nguyệt Đình quả buồn như tên bà, Nguyệt Đình, nghĩa là lầu thưởng trăng. Đến hôm nay, ta chỉ còn biết bà có để lại một tập thơ Nguyệt Đình thi thảo. Anh trai khác mẹ của bà, Ngài Tuy Lý Vương, một trong ba nhà thơ lớn Tam Đường triều Nguyễn, từng khen ngợi:

‘’Nay việc làm của em, nhất nhất đều ngay chính. Như thế dù không có thơ cũng đã đủ để lưu truyền rồi, huống chi còn có thơ nữa, thì những người thu thập về sau mà ta biết thế nào cũng có, ắt chẳng đáng chép đi in lại vài lần sao’’

Nhưng than ôi… Khi còn sống, trong cuộc đời vui vắn sầu trường của mình, bà đã không kịp in tập Nguyệt Đình thi thảo. Từ ngày mất đến nay, tập thơ cũng thất lạc không thấy đâu nữa. Đến như trăng kia, đi qua trời còn để lại bóng mình dưới hồ nước trong… mà sao định mệnh lại nghiệt ngã với bậc nữ lưu thi tài đến vậy… Thôi đành mượn câu thơ người em gái thứ hai, Mai Am Thúc Khanh viết, để tưởng nhớ về bà:

Gió đông chẳng  biết cầm xuân lại
Còn thổi hoa bay tiễn khách đi
(Mộ xuân tống biệt – Mai Am Thúc Khanh)

Tam Khanh – Nhung van tho tu trong khue cac
Tác phẩm của Mai Am và Huệ Phố

Vị thứ hai trong Tam Khanh là Nguyễn Phúc Trinh Thận, biểu tự Thúc Khanh, hiệu là Mai Am, nghĩa là lều tranh thưởng mai. Cũng như chị em gái, bà cũng được học hành cẩn thận, dưới sự hướng dẫn của người anh trai thi sỹ danh tiếng Tùng Thiện Vương. Vì ở ngay trong vương phủ, nên bà thường xuyên tiếp xúc với thơ ca của Tùng Thiện thi xã, nên sớm bộc lộ tài năng thi phú.

So trong ba chị em, thì bà được đánh giá là tài năng và sâu sắc nhất. Bà sáng lập ra Thỉnh Nguyệt Đình, nơi bà chủ trì nhiều đêm thơ, với sự tham gia của nhiều danh sỹ đất Kinh kỳ.

Cuộc đời riêng của bà cũng buồn như cuộc đời của chị bà, là Trọng Khanh Nguyệt Đình. Bà hạ giá kết hôn cùng Hiệu úy Thân Trọng Di, cháu nội quan đại thần Thân Văn Quyền.

Vợ chồng bà sinh một con trai, nhưng cũng mất sớm khi mới lên năm. Tháng 7 năm 1885, chồng bà theo vua Hàm Nghi xuất bôn, kháng Pháp. Quân của Hiệu úy Thân Trọng Di thua trận, ông mất tích. Nữ sỹ phải lập mộ giả để thờ chồng.

Bà để lại tập Diệu Liên thi tập. Khi con chết, vị công tử hiền ngoan chăm học, bà đã viết mười lăm bài khóc con: Khốc nhi thi – thập ngũ thủ.

Vạch cát học theo người lớn viết
Bút cùn tay chẳng buổi nào lơi
Lâm chung còn nói con thèm học
Con trẻ tìm đâu giữa các trời
(Khốc nhi thi – thập ngũ thủ – Mai Am Thúc Khanh)

Nhưng nhắc tới Mai Am, không thể không nhắc tới kiệt tác này:

Mộng

Lâm đường tạc dạ sóc phong xuy,
Tiểu các thanh hàn độc toạ trì.
Địch lý quan san sầu cựu khúc,
Thuỷ biên ly lạc nhận tiền kỳ.
Hương nam tuyết bắc vô hương tấn,
Nguyệt địa vân giai hữu mộng tư.
Dục hả tân từ viễn tương tặng,
Mỹ nhân uyển tại thuỷ chi mi.

Dịch ý thơ:

Gió bấc đêm qua thổi khắp vườn
Đìu hiu gác nhỏ lạnh lùng nương
Quan san tiếng sáo buồn khúc cũ
Dậu biếc ven hồ lưu nhớ thương
Tuyết Bắc hương Nam tin chẳng tới
Thềm mây trăng ngỏ mộng còn vương
Gửi trao thơ mới cách xa tặng
Người đẹp bên dòng thấp thoáng hương.

Ngài Tuy Lý Vương đã không ngớt lời ngợi khen Diệu Liên thi tập:

‘’…cứ xem nước Nam ta hàng trăm ngàn năm trở lại đây, thơ văn của những bậc khuê các trước có Phạm Lam Anh, sau đến Hồ Xuân Hương, ngoài hai người ra tuyệt nhiên chẳng nghe nói có ai nữa. Nay Thương Sơn (ý chỉ Tùng Thiện Vương) đã là một nhà thơ lão luyện trong nước, quý chúa Mai Am tài thơ cũng chẳng thua kém…

Thực là khí thiêng sông núi chung đúc tinh anh, chẳng hiềm phái quần thoa…”

Tam Khanh – Nhung van tho tu trong khue cac
Khu mộ của Thục Khanh Mai Am ở Huế

Vị thứ ba trong Tam Khanh, là hoàng nữ út Nguyễn Phúc Tĩnh Hòa, biểu tự Quý Khanh, hiệu Huệ Phố. Bà cũng được học cùng các chị trong phủ của Vương huynh, và sớm bộc lộ tài năng thi phú và âm nhạc.

Hoàng nữ Tĩnh Hòa có cuộc hôn nhân may mắn hơn hai chị. Lấy được người chồng cùng xướng họa thi thư. Nhưng cuộc sống trong cung vua phủ chúa nhiều biến động. Một người con trai của bà bị kết án tử hình. Tâm hồn nhạy cảm của bậc nữ lưu quý tộc đã lưu dấu ấn buồn rầu trong nhiều bài thơ. Những bài thơ ấy, gồm 216 bài, in thành Huệ Phố thi tập.

Chúng ta cùng chia sẻ vẻ đẹp trong sự buồn rầu khuê các ấy qua bài thơ:

Bệnh trung cảm tác

Hoa chiếu trì đường nguyệt chiếu môn
Xuân lai dục khứ dị tiêu hồn.
Tương phùng tha nhật vô tu thuyết
Khan thủ la sam cựu lệ ngân.

Tạm dịch:

Cảm xúc làm ra khi ốm

Cửa ngõ trăng soi, ao ánh hoa.
Xuân về sắp hết chạnh lòng ta.
Gặp nhau ngày nọ xin đừng nhắc,
Nhìn vết châu hoen vạt áo là.
(Huệ Phố thi tập – Huệ Phố Quý Khanh)

Vâng. Thời gian đã trôi qua. Vàng son giờ đây cũng chỗ nong chỗ tróc. Các bậc nữ lưu từ trong khuê các đã tiên cảm điều đó. Nhưng như Huệ Phố Quý Khanh đã viết: Tương phùng tha nhật vô tu thuyết/Khan thủ la sam cựu lệ ngân…

Giọt lệ xưa là buồn. Nhưng giọt lệ ấy hoen ra trên vạt áo, đó là đẹp. Cái đẹp bất tử, bởi nó buồn.

Hàn Thủy Giang
(Theo Báo Đất Việt)

Similar Articles

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Huế và hoàng mai

Huế và hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Nhẹ nhàng và tỉ mỉ, Trần Thị Thanh Tuyền, cô gái đam mê Calligraphy (thư

Đặc sản của Huế

Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức

Phủ Tuy An Quận công, nơi lưu giữ ký ức đô thị di sản Huế

Phủ Tuy An Quận công, nơi lưu giữ ký ức đô thị di sản Huế

Toàn cảnh phủ Tuy An Quận công Bộ đồ trà sứ ký kiểu thời Nguyễn vẽ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose