Văn hóa Huế | Homepage

Tri ân chim trời

🕔09.Jun 2020

Đây là câu chuyện mà lần đầu tôi được nghe: “Ở vùng nông thôn Israel, mỗi khi đến mùa thu hoạch, người dân luôn chừa lại hoa màu ở 4 góc ruộng mà không thu hoạch. Hoa màu được để lại đó, bất kỳ ai cũng có thể mang về. Động vật trong vùng, đa số là chim có thể kiếm ăn. Họ quan niệm, dành lại một phần là để tỏ lòng biết ơn vì bình thường chim đã giúp nông dân hạn chế châu chấu, sâu bọ…”.

Câu chuyện ở Israel cũng lặp lại ở Hàn Quốc mỗi mùa thu hoạch trái hồng. Họ không thu hoạch hết mà cũng để lại một ít cho loài chim hỷ thước.

Theo những ghi nhận lịch sử, Hồ Tây (Hà Nội) trước đây là nơi đón nhận một loài chim gọi là sâm cầm di cư từ phương bắc về trú ngụ trong những ngày đông giá rét, hoặc là một nơi “trung chuyển” trên đường di cư về phương nam. Nhưng thời cuộc, cảnh vật, môi trường đổi thay… và không loại trừ cả nạn săn bắt, nên sâm cầm và nhiều loài chim di cư không chọn hồ Tây làm nơi “trung chuyển” nữa?

Nhưng có một điều chắc chắn, các loài chim di cư đều có đặc tính – không thể ở yên một chỗ, mùa di cư vừa để tránh rét vừa tìm kiếm thức ăn. Ở vùng Đồng Tháp Mười có sếu đầu đỏ cũng là một loài chim di cư, nhưng không phải năm nào sếu cũng về để ăn củ năng…

Sâm cầm đã dệt nên một bức tranh tuyệt đẹp Hồ Tây, cả trong thơ ca nhạc họa. Giờ bức tranh ấy không còn.

Cách đây chừng mười năm, sâm cầm cũng từng được ghi nhận về phá Tam Giang, giờ không nghe ai nhắc đến nữa.

Việt Nam là một số ít nước ở vùng Đông Nam Á giờ còn tục “săn bắt hái lượm” vào đầu bảng trên thế giới. Mấy năm trước qua bên Lào, thấy ở chợ họ cũng bán một số loài thú hoang dã mà nhiều nhất là loài sóc bay. Ở Việt Nam, trong đó có Thừa Thiên Huế, do những quy định ngặt nghèo của luật cấm săn bắt động vật hoang dã nên việc này không công khai, nhưng điều đó không có nghĩa các loài động vật hoang dã không ngừng được người ta tìm kiếm.

Xã hội có phát triển, có văn minh hơn lên rất nhiều nhưng thói quen sử dụng động vật hoang dã chưa bỏ được. Không buôn bán công khai thì họ bán lén lút. Cho nên, lâu lâu chúng ta thấy lực lượng kiểm lâm bắt được vụ này vụ kia. Rồi những tin tức như, năm nay lực lượng kiểm lâm kiểm tra và thu được bao nhiêu trăm, ngàn bẫy động vật hoang dã…

Có lẽ, động vật hoang dã không còn bao nhiêu nữa để mà bắt. Nó hiếm như thể đi tìm trầm.

Trước đây, người dân “săn bắt hái lượm” là vì cái ăn. Tức là tìm kiếm dinh dưỡng cần thiết cho sự sống. Nay, việc sử dụng động vật hoang dã đã được “nâng cấp” lên tầm thưởng thức. Nói như thế có lẽ chẳng sai, vì phần lớn các loại động vật hoang dã bây giờ có giá rất đắt. Giá đắt như thế thì chỉ có người có tiền mới ăn được, tức là họ không phải vì dinh dưỡng mà vì lạ, vì khoái khẩu, và nhiều cái vì khác trong đó không loại trừ khả năng “thể hiện đẳng cấp”.

Tại sao luật lệ có mức độ răn đe cao như vậy; đi tìm kiếm được con thú rừng, con chim trời khổ cực đến vậy mà người ta vẫn cứ theo đuổi hết năm này sang năm khác? Nó nằm ở giá cả. Một lực đẩy rất lớn để người ta vào rừng.

Nhu cầu còn cần thịt thú rừng, chim trời… thế cho nên nó khó sinh ra cái văn hóa “mỗi khi đến mùa thu hoạch, người dân luôn chừa lại hoa màu ở 4 góc ruộng. Hoa màu được để lại đó, bất kỳ ai cũng có thể mang về. Động vật trong vùng, đa số là chim có thể kiếm ăn”.

Theo các chuyên gia phân tích, nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất cao, tức là sự hội nhập với thế giới sâu rộng. Về văn hóa, chúng ta cũng chứng tỏ với thế giới được rằng, Việt Nam có một nền văn hóa đầy bản sắc, phong phú, đa dạng… Thế nhưng, riêng việc ứng xử với thiên nhiên, chúng ta xem ra còn thua các nước phát triển, văn minh nhiều lắm. Câu hỏi này luôn luôn được đặt ra một cách thường trực trong cộng đồng mới mong may ra, chúng ta sẽ tìm thấy được một sự chuyển biến nào đó.

Lê Phương
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Trong những khu vườn truyền thống Huế, cây mít thường có mặt như một điều

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Là đô thị di dản, "Thành phố xanh quốc gia", cố đô Huế có hệ

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose