Văn hóa Huế | Homepage

Trăm năm sân vận động Huế và khát vọng thể thao Cố đô

🕔24.Dec 2020

Trước nay, nhiều người thường nói Huế buồn do trời đất man mát, khí hậu mưa nắng thất thường, nhất là sự đè nặng của điển chương lễ giáo, của phong tục lễ nghi… Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận tính hai mặt của sự tác động đó, bởi trong khắc khổ cũng tạo nên tố chất khéo léo, dẻo dai và bền bỉ, sức chịu đựng của con người. Đó là thế mạnh đặc trưng, mang lại cho xứ Huế nhiều thành tựu, những trang vàng trong khát vọng thể thao cháy bỏng, đặc biệt là dấu ấn Âu hóa nền thể thao Huế đầu thế kỷ XX.

Ảnh tư liệu về sân vận động Huế đầu thế kỷ XX (Morin-Husson, 1936). Ảnh: AAVH

Từ những năm 1910, xe đạp, xe hơi xuất hiện khá phổ biến tại Huế và năm 1912, Nhà nước đã có nghị định về việc quy định thủ tục vận hành, thuế má đối với các loại phương tiện hiện đại này (Công báo Trung kỳ, số 8/1912, tr.232). Đến năm 1936, Câu lạc bộ xe đạp Huế – Association Vélo Club à Hué đã có nhiều bước phát triển vượt bậc, thu hút nhiều tay đua tham gia (Công báo Trung kỳ, số 8/1936, tr. 1411).

Gắn liền với xu hướng Âu hóa ngày càng rộng khắp, phong trào thể thao hiện đại cũng lớn mạnh không ngừng, nhất là sự kiện xây dựng Sân Vận động Huế – Stade Olympique de Hue. Năm 1935, thành phố Huế được phép ký hợp đồng, với tỷ lệ không vượt quá 6% mỗi năm, một khoản vay 30.000 đồng bạc Đông Dương để xây dựng sân vận động này (Công báo Trung kỳ, số 24/1935, tr. 1800).

Công việc được tiến hành khẩn trương, do kỹ sư Raoul Desmarets điều hành và năm sau thì hoàn thành, trên diện tích 70.000m2, với đường đua xi măng lộ trình 500m và xung quanh khu vực này là cả tổ hợp sân điền kinh, sân bóng đá, sân quần vợt và một đường chạy, vượt hẳn sân vận động Sài Gòn. Đặc biệt là nghi lễ khánh thành sân vận động Stade Olympique được tổ chức trang nghiêm cùng với nhiều cuộc tranh đấu thể thao.

Theo lịch trình, lễ khánh thành phải được tổ chức vào chiều chủ nhật 1/3/1936, nhưng do trời mưa lớn nên phải hoãn đến ngày thứ ba, ngày 3/3/1936, vào lúc 3h chiều. Ban tổ chức các cuộc thao diễn, theo ý kiến của vua Bảo Đại, cho chung kết giải Bảo Đại Đông Dương ngày 3/3 rồi ngay sau đó, tổ chức lễ khánh thành. Sân vận động thu hút rất đông khán giả, ước chừng 14.000 người, đông hơn nhiều hôm tranh đấu giải bóng tròn chánh phủ Nam triều trước đây. Đúng 3h, Hoàng đế, Hoàng hậu và quan Khâm sứ cùng các quan hai phía Việt – Pháp đến dự đông đủ.

Mở đầu chương trình là cuộc thi chạy 100 thước, rồi đến tranh đấu bóng rổ giữa phe áo xanh da trời và phe áo xanh lá cây, cuộc thi chạy tiếp sức và trận bóng chuyền giữa đội người Pháp và đội lính khố xanh. Cuộc thi nhảy xa ít cao thủ tham dự, cuộc đua xe đạp chạy một vòng 450 thước, thu hút nhiều tay đua khắp cả nước. Đáng chú ý là tiết mục công diễn thể thao của 1.000 học trò xứ Huế diễn ra rất đẹp mắt, rồi đến các nữ học sinh dưới 10 tuổi, do cô nữ tư học Nguyễn Thị Kim Quỳ điều hành. Kết thúc các cuộc thao diễn là cuộc thi xe đạp 10km, chia làm 4 chặng nước rút, mỗi kỳ có ba đại biểu và chung cuộc, tay đua Bổng của miền Bắc chiến thắng. Ông chủ tiệm đồ cổ Vạn Hóa ở đường Gia Long đã tặng một coupe bạc rất đẹp, theo đúng tinh thần “xã hội hóa”. Sau cuộc đua này là kết thúc lễ khánh thành, đúng 6h, đạo ngự hồi cung (Tuần lễ thể thao ở Huế -Khánh thành Sân vận động Huế, Tràng An báo, số 103/1936).

Chính không khí sôi động của các cuộc thi đấu thể thao quy tụ nhân tài khắp Đông Dương như vậy góp phần từng bước thay đổi Huế bởi tận tâm tưởng, người ta vẫn như chỉ chú trọng văn chương mà ít chăm chút đến việc luyện tập thân thể, lấy cái sự yếu ớt, yểu điệu nhẹ nhàng làm nền tảng cốt cách chuẩn mực đối với bậc nho gia, hay nữ lưu khuê các.

Từ ảnh hưởng của tân học, thể thao hiện đại bắt đầu bén rễ, tạo nên những thói quen mới, phong trào luyện tập thể thao mới, kích thích mọi người trong xã hội cùng tham gia. Không chỉ ở các đô thị lớn mà ở các tỉnh lỵ đều lập nên những sân bóng, sân đánh quần vợt, thu hút mọi giai tầng xã hội mạnh dạn, bình đẳng tham gia. Phong trào thể dục thể thao mới được chính thức đưa vào giảng dạy ở trường học nam nữ các cấp. Thể thao là trường dạy cho người ta được mạnh bạo, quả quyết, hăng hái, biết phục tùng kỷ luật, mạnh dạn liên lạc bạn bè, vui vẻ hành động, giúp con người lạc quan hơn. Đó là ý nghĩa sâu xa của việc đầu tư xây dựng nên Sân vận động Huế (Bùi Huy Tín, Khai trương sân vận động Huế, Tràng An báo, số 106/1936).

Từ đó về sau, Huế là một trung tâm thể thao, thường xuyên tổ chức các đại hội thể thao quy mô quốc gia và khu vực, như giải đua xe đạp Tourane – Huế năm 1936, đón đoàn du lịch quanh Đông Dương bằng xe đạp sắp đến Huế cuối năm 1937, Ủy ban Xe đạp quốc gia tổ chức cuộc đua chặng Lăng Cô – Huế tháng 9/1941, đón đoàn đua xe đạp Hà Nội – Sài Gòn và giải đua xe đạp Huế – Tourane tháng 10/1941, cuộc đua xe đạp vòng quanh Đông Dương dài trên 4.100 cây số tháng 9/1942, đại hội thể thao thanh niên Đông Dương tại kinh đô Huế từ 12-19/12/1943 (Tràng An báo).

Chỉ hai năm sau, phong trào cổ động và hưởng ứng các hoạt động thể thao tại Kinh đô Huế có sự phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo các giai tầng xã hội tham gia, đưa đến sự ra đời của Hội cổ động viên sân vận động Olympique Huế vào ngày 12/4/1938 (Công báo Trung kỳ, số 7/1938, tr. 597).

Xuất phát từ nhu cầu thể thao và văn hóa cấp thiết trong xã hội mà tại Kinh đô Huế đã sớm đặt ra việc thành lập một hội văn chương, mỹ thuật và thể thao từ năm 1933, do hoàng thân Vĩnh Cẩn, ông Lê Quang Thiết, Lê Thanh Cảnh… khởi xướng. Do gặp nhiều khó khăn nên đến ngày 8/5/1935, Hội Văn chương, Mỹ thuật và Thể thao ở Huế mới chính thức được lập nên tại nhà Di Luân, thống nhất tên gọi Hội Mỹ Hòa (Cercle Artistique, Littéraire et Sportif Annamite – CALSA), với ban văn chương, mỹ thuật và thể thao, xin sử dụng tạm Hội quán ở trong tòa Thương bạc (Tràng An báo, số 22, 14/5/1935, tr.1). Kỳ họp hội đồng đã bầu nên Ban trị sự lâm thời do ông Hoàng Yến làm Hội trưởng, ông Nguyễn Khoa Toàn làm Phó Hội trưởng, Nguyễn Khoa Phong làm tổng thư ký… cùng ba vị cố vấn là Lê Nhữ Lâm, Ưng Bình và Trần Trinh Soạn; ban hành Chương trình Hội Mỹ Hòa với 32 điều khoản chi tiết.

Sân vận động Huế ra đời gần trăm năm trước, đã mang lại luồng sinh khí thể thao mới trong văn hóa Huế, viết nên những trang vàng trong khát vọng thể thao Huế với những thế mạnh đặc trưng của vùng kinh đô – Cố đô. Truyền thống đó là nguồn lực quan trọng để thể thao Huế chuyển mình, tiếp tục đạt được thành tựu đỉnh cao từ những thế mạnh sở trường độc đáo.

Trần Đình Hằng
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Huế và hoàng mai

Huế và hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose