Văn hóa Huế | Homepage

Ngày xuân về Nam Phổ

🕔01.Feb 2021

Mưa phùn như ngưng hẳn. Bầu trời sáng dần lên. Sương mưa đọng trên những vạt cải non rau thơm ngò gai rau húng. Mùa xuân mang phép màu kỳ lạ. Cả khu vườn ướt át dấy lên màu xanh non mát mắt. Chị bưng rổ tre ngắt ít cụm mùng tơi xanh nõn bên bờ giếng cũ, xoa tay ngồi trước thềm nhà ngoại. Mỗi đầu năm mới như một thông lệ, vợ chồng chị và các con lại về thăm quê, làng Nam Phổ.

152-Mattienchua[1]
Chùa làng Nam Phổ (Nguồn: Internet)

Mẹ chồng chị sinh thời lớn lên từ đây. Làng xưa kề phố đã thành phố. Nhưng những vườn cau, mít mật, dâu da, những bờ rào chè tàu, chè xanh, những bờ tre bao quanh con hói nhỏ vẫn còn đó. Phố mới màu mới. Nhà cao tầng cửa chớp cửa sổ kéo rèm thấp thoáng giữa màu xanh cây lá. Nhưng những khu vườn được xén tỉa chăm sóc vẫn gợi không gian một Nam Phổ xa xưa như lời mạ kể. Chỉ thưa thớt hơn là những hàng cau.

Nhà ngoại có bốn người con gái xinh đẹp. Một vườn cau sây trái nhất vùng. Ở xứ này, nhà nhà trồng cau. Nhưng khách đều tìm tới nhà ông giáo hỏi thăm mua bán rất đông. Cũng bởi ông ngoại là người thông tuệ việc xóm làng và bà có tiếng thật thà bán buôn. Hơn nữa, khách buôn muốn ghé mắt làm quen mấy cô gái dễ thương con gái ông giáo.

Con gái được dạy dỗ phép tắc đoan trang thùy mị ngồi bửa cau vắt ngang tà áo, khi tiếp khách ăn nói giữ phép dịu dàng. “Nhưng con gái cũng giỏi giang tháo vát lắm. Không dễ chỉ bị ai “ăn hiếp” mô”. Mạ tiếp, “con gái Nam Phổ nết na, sáng bửa cau chiều làm đủ loại bánh canh bèo nậm lọc lên phố bán. Trai phố kéo về coi mặt rần rần. Vì ba tụi bây làm ở nhà thương lớn mà hiền lành nên mạ mới để mắt đó. Không có vụ đánh nhau với anh chàng thư sinh mê mạ như điếu đổ, ông ta xô ba bây rớt xuống hói thì ta đã làm vợ ông tỉnh trưởng rồi. Mạ cười cười, ổng vô Nam nhậm chức mà mỗi lần về quê cách chi cũng ghé ngang nhà mệ giả ngó khu vườn rợp bóng cau, hỏi thăm cô con gái mắt bồ câu có dáng đi như quý phi năm nào theo chồng lên phố chừ sống ra sao. Mà ta tiếc chi mô. Có mười một người con với ba bây và sống với nhau hơn sáu chục năm rồi… Mạ cười, nụ cười đẹp của cô gái Nam Phổ hương sắc còn vương.

Ngày xuân về Nam Phổ, nhà nhà thường kéo nhau ra chợ Gia Lạc. Những kỷ niệm tuổi thơ khiến chồng chị bất chợt trở thành hoạt náo. Bấy nhiêu năm, hàng cây bồ đề mùa rụng lá cũng buồn như thế. Lũ trẻ sau những cuộc so tài có thưởng trong chợ đem theo chiến lợi phẩm những tò he, ông trạng cưỡi ngựa, heo đất mập ú kéo nhau về, vườn chùa náo cả lên.

Qua chiếc cầu nhỏ, chợ Gia Lạc bày ra rực rỡ sắc màu và hương vị. Chợ chỉ họp một năm ba ngày tết và bãi chợ cho đến năm sau. Người đi chợ cũng là du xuân và trao đổi chút hàng hoá lấy lộc đầu năm. Chợ Gia Lạc là “thêm vui” nên luận bất thành văn, người đi chợ gặp nhau ai ai cũng nói năng từ tốn vui vẻ, gửi nhau câu chúc lành.

Cũng đã hơn chục năm, ba mạ rời cõi tạm. Bầy con cháu của ông bà không còn giành nhau ông phỗng tò he. Nhưng mùng hai Tết năm nào cũng líu ríu kéo nhau về. Để nhắm mắt tìm mùi hương cau trong vườn ngoại, trống ngực thùm thụp với tay úp bầu cua, cười ré lên khi được phần quà và biết rõ hơn con người ta hạnh phúc biết bao khi có nơi chốn để quay về. Dù chỉ để hái nắm mùng tơi bên bờ giếng hay hít hà hương cau một khuya chờ trăng lặn.

Bạch Diệp
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)

Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Chiều chiều, chay xe lên Kim Long ngắm dòng Hương xinh đẹp, tạt vào quán

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose