Văn hóa Huế | Homepage

Dã Viên xanh

🕔17.Feb 2021

Cồn Dã Viên nhìn từ trên cao (Ảnh: Tuấn Kiệt)

Đảo thiêng

Giữa sông Hương ngay trước Kinh thành Huế có 2 cồn đất được nhiều người nghe tiếng, đó là cồn Dã Viên và cồn Hến. Nổi tiếng bởi theo thuật phong thuỷ, đó là 2 linh vật Thanh Long – Bạch Hổ trấn giữ đất kinh đô. Thanh Long (Rồng xanh) ứng với cồn Hến nằm bên trái (tả Thanh Long). Bạch Hổ (Cọp trắng) ứng với cồn Dã Viên nằm về bên phải (hữu Bạch Hổ).

Nói là cồn, nhưng đó như 2 hòn đảo nhỏ giữa lòng thành phố Huế. Cồn Hến thuộc địa phận phường Vỹ Dạ, rộng gần 25 ha, là nơi cư ngụ lâu đời của cộng đồng gần nửa vạn dân, có trường học, có chùa, nhà thờ… Cồn Dã Viên thì nhỏ hơn, diện tích chỉ chừng chục ha, dân cư tính đến nay chỉ 21 hộ với vài mươi khẩu. Từ lâu, Thừa Thiên Huế đã chủ trương kêu gọi đầu tư đối với 2 hòn đảo này, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy có chuyển động nào đáng kể. Cồn Hến thì vướng víu không ít, bởi công trình, nhà cửa dày đặc, muốn đầu tư, riêng chuyện sắp xếp, giải tỏa, di dân là cả vấn đề.

Riêng với Dã Viên, năm 2016, đã có doanh nghiệp lập báo cáo nghiên cứu xin đầu tư nơi đây thành một khu du lịch 5 sao hàng đầu Việt Nam. Tuy nhiên, vì cồn Dã Viên gắn với những yếu tố phong thủy của Kinh thành Huế, có nhiều di chỉ, di tích thời Nguyễn… nên dự án đã gần như lập tức gặp phải nhiều ý kiến phản đối.

Năm 2020, Cồn Dã Viên được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư xã hội hóa, nhưng không chấp nhận đầu tư lưu trú. Danh mục kêu gọi đầu tư phê duyệt, công bố từ đầu năm 2020, nhưng đến nay dường như vẫn chưa có nhà đầu tư nào tiếp cận. Khoảng giữa năm 2020, Trung tâm Công viên cây xanh Huế đã cho dọn dẹp lau lách, cỏ dại… Sơ sơ vậy thôi, cũng đã khiến cả cồn đất như sáng lên, đầy hấp lực.

Ngự viên của vua Tự Đức

Có lẽ cũng phải cần nói thêm, cho đến bây giờ hình như vẫn chưa nhiều người biết rằng cồn Dã Viên xưa kia từng là vườn ngự của vua Tự Đức. Cái tên Dã Viên cũng do vị vua giỏi thơ hay chữ này khởi đặt. Bài ký “Dữ Dã Viên” của vua Tự Đức ghi rõ: “Chẳng biết cồn đất này nổi lên từ lúc nào, ở giữa nhô lên, bốn phía thấp xuống, trông như cái gò. Nước trong mà sâu, cát trắng mà mịn, đất phì nhiêu mà thuần chất. Phía trước có vườn nhà của dân ở tản mác, gồm tất cả bảy cái… Ngoài ra trên đất còn lại dâu gai, đậu lúa, dưa mướp trồng hỗn độn. Ở đây chưa thành thôn ấp gì cả, thật xơ xác bùn lầy, chẳng có gì đáng ngắm. Ta (nhà vua) vốn có tật trầm uất và thường khổ vì bị thấp nhiệt, há không có được một cung quán riêng biệt để tránh nắng và hóng mát sao? Nếu chính sự cần có việc cần xét hỏi thì đâu có thể rời đi xa được? Nếu kiên nhẫn chịu dựng mãi, sợ bệnh tất quá khó chữa mà cứ gắng sức thì e là không thành thực. Vì thế, sắc cho quan Kinh doãn tìm khắp nơi thì có được chỗ này. Sau khi cho dò hỏi kỹ càng những người sống ở đó và bồi thường hậu hĩ cho họ để họ vĩnh viễn với chỗ đất ấy…”

“Đền bù giải tỏa” xong, cồn Dã Viên được nhà vua cho “sắp đặt” lại, chỗ thấp hẳm thì bù, chỗ cao thì san, cây tạp thì bỏ, đưa những cây có ích vào trồng. Gặp đất màu mỡ, chẳng mấy chốc cao lớn sum xuê thành rừng. Chính giữa cho đắp nền dựng lầu đặt tên Quan Phong, để ngắm cảnh và tỏ ý muốn được gần gũi lắng nghe trăm họ. Hai bên lầu có hành lang thông xuống bến đỗ thuyền buông câu. Lại còn cho lập trường bắn và xạ quán để vua ôn luyện võ nghệ…

Vườn ngự nhưng không trồng hoa, chỉ trồng dâu, gai, dưa, lúa… Tại sao thì bài ký của vua nói rõ: Nơi đây không thích hợp cho bông hoa. Trên bùn dưới cát, chỉ thích hợp chẳng dâu thì gai, chẳng nếp thì lúa, chẳng rau thì dưa, không thứ gì là không trồng. Mà trồng như thế còn để nghiệm thời tiết trong năm có điều hòa không. Nếu như thời vụ chưa đến thì cũng có thể suy nghiệm được.

Trong khoảng 15 năm cuối đời, Dã Viên được xem là “ngôi nhà chí thiết” của ông vua mà trong giai đoạn trị vì đã vấp phải rất nhiều biến động. Năm 1883, sau khi vua Tự Đức băng hà , Dã Viên thiếu vắng sự chăm sóc, dần dần trở về hoang tàn như cũ…

Gợi mở từ đảo quýt

Việc đầu tư chỉnh trang, xây dựng công viên Dã Viên ở bờ nam, xây cầu đường bộ với các vọng lâu hài hòa với không gian cổ kính của cố đô, phát dọn và trồng thêm cây cối… Cả cụm không gian công viên- cầu đường bộ, đường sắt – cồn Dã Viên đã gắn kết với nhau tạo nên một điểm xanh ấn tượng ở khu vực phía thượng lưu sông Hương. Gần đây các loại chim chóc, cò vạc kéo nhau về kiếm ăn, cư ngụ càng làm tăng thêm sự độc đáo và thanh bình nơi hòn đảo xanh quý hiếm của Cố đô Huế. Nhiều lần đi thể dục buổi sáng, tôi tha thẩn dạo bước lên đảo ngự viên một thuở để hít thở bầu không khí trong lành, để ngắm các chồi non đang vươn mình đón nắng. Những lần như thế, có khi bắt gặp vài người dân thành phố hay những du khách tranh thủ vừa thể dục vừa khám phá Cố đô. Họ khen hòn đảo đẹp, nhưng tiếc là hơi hoang phế. Bắt chuyện và nghe tôi “thuyết minh” đôi chút về Dã Viên, mắt ai cũng ngời lên đầy thú vị.

Bất chợt xem tivi, thấy chiếu về đảo quýt ở Hồ Nam (Trung Quốc). Đảo cũng chỉ là một cồn đất nổi giữa sông Tương, nằm ở trung tâm tỉnh lỵ Hồ Nam. Ở đây người ta chỉ trồng toàn các loại quýt, cam, bưởi, bên cạnh là một vài loại hình vui chơi giải trí và di tích lịch sử. “Mặc dù chỉ là trái cây phổ biến, nhưng đảo quýt ở Hồ Nam vẫn là một trong những điểm đến độc đáo, thu hút hàng chục ngàn du khách dịp cuối tuần. Thực tế ấy cho thấy, những công viên sinh thái vẫn ăn nên làm ra từ du lịch mà không cần phải có thắng cảnh độc đáo hay phải đầu tư mạnh cho những loại hình giải trí khủng.”- Chương trình khẳng định.

Dã Viên cũng là một cồn đất nổi, điều kiện thổ nhưỡng màu mỡ. Bia đá “Dữ Dã Viên”, miếu thờ, nền lầu Quan Phong…- dấu tích vườn ngự của vua Tự Đức vẫn còn đó; lại nằm ngay giữa lòng thành phố hội tụ cùng lúc 5 Di sản thế giới. Hãy cứ bưởi, thanh trà đặc sản của Huế mà thử; hay rau dưa, mướp, đậu… như thời vua Tự Đức mà trồng. Trồng cho đẹp, vừa kinh tế, vừa nghệ thuật. Song song đó là thau dọn sắp đặt lại chút cho ngăn nắp, đầu tư vài môn vui chơi giải trí nhẹ nhàng phù hợp như chèo thuyền SUP; tạo bến để làm chỗ tắm sông, câu cá… Thêm một số quầy hàng lưu niệm cho tinh túy. Chừng ấy thôi cũng đủ để có thêm một điểm đến, một sản phẩm du lịch sang trọng, phù hợp với xu thế sinh thái, với mục tiêu bảo tồn di sản và xanh mà Huế đã và đang hướng đến.

Diên Thống
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Chiều chiều, chay xe lên Kim Long ngắm dòng Hương xinh đẹp, tạt vào quán

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Theo ghi chép cửa Leopold Cadiere, đường đến lăng mộ Gia Long buộc phải đi

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose