Văn hóa Huế | Homepage

Lục đục thương ơi…!

🕔19.Feb 2021

Trời trở về khuya. Giờ này, chỉ chực nghe rõ tiếng ễnh ương bập bẹ nơi hố nước dưới sân. Lâu lâu, có vài tiếng rồ ga dài tít tắp để xe nhanh đưa người về nhà.

Ngô đồng Đại Nội Huế (Ảnh: Hạ An)

Tết gần chạm ngõ mà ra đường vẫn nghe gió và đầy những lạnh. Trong miên man đêm muộn khi vùi người vào chăn ấm, có lúc nghe có vài tiếng va chạm nhỏ, làm đêm yên tĩnh bỗng đầy chật niềm thương.

Nhà tôi là thế, cứ đến đêm lại lục đục xao động. Hôm thì ba qua giấc đầu tiên, ngày là mẹ tỉnh giấc giữa chừng vì khát nước, nhưng phần nhiều vẫn là những âm thanh vẳng lên từ căn phòng nhỏ ở tầng dưới, hay tiếng rà tay trên thành cầu thang cứ lên cao dần. Tôi biết đó là ngoại. Là nhiều lần ngoại tỉnh giấc bởi những cơn đau âm ỉ nào đó, hay đơn giản là ngoại đã đi qua quá xa cái tuổi để dễ có những giấc ngủ sâu rồi chẳng hạn. Có lẽ năm tháng đã lấy đi quá nhiều minh mẫn, nên ngoại cứ thường xuyên theo bước chầm chậm lên phòng hỏi con cháu chìa khóa ở đâu, cửa đã khóa chưa, cả nhà đã về cả chưa dù trước đó, mọi người vừa túm tụm bàn chuyện tết.

Người già là vậy, hay quên và hay lo nên sự tìm kiếm lại càng nhiều. Nếu không thắc mắc về những thành viên trong gia đình, thì sẽ là tìm kiếm một thứ gì đó vốn đã luôn trong tầm mắt, nhưng nép mình trong các hộp quà, bánh cũ tận dụng lại.

Là thế hệ sau, nên kỳ thực là tôi chẳng rõ văn hóa vun vén, tiết kiệm để sử dụng lại bắt đầu từ khi nào, nhưng cứ là người châu Á, đặc biệt là gia đình Việt Nam thì sẽ dễ mà luôn gặp cảnh “bao bì và nội dung” chẳng ăn khớp gì cứ ở đâu mà rải rác, như thể các đồ vật sinh ra chỉ đợi đến ngày được bên nhau một cách cọc cạch. Như kệ bếp sẽ toàn bình đựng sữa nhưng ruột mắm, muối, dưa, cà; kim, chỉ, nút, thước đo dù mua theo bộ nhưng đã được dồn lại ở nơi vốn ngày trước là lon sắt tiết kiệm…

Tôi đã lớn lên với nhiều lần ngờ vực, rằng ngoại làm gì mà cất giữ bánh kẹo mải miết. Lớn hơn chút mới nhận ra, là ừ, sẽ chẳng có viên kẹo hay cái bánh nào trong những hộp rỗng ấy cả. Những thứ thấy được sẽ chỉ là thuốc men, giấy tờ, chìa khóa, bật lửa, hóa đơn… và rất, rất nhiều thứ khác nữa.

Hồi suy nghĩ còn xanh, tôi cứ nghĩ đây là cách nhiều người phụ nữ lựa chọn để thu vén cho không gian của gia đình, những chiếc hộp chỉ là nơi tập hợp những gì đang thời thừa thãi. Mãi đến sau này, khi có dịp ngồi với ngoại lâu hơn, tôi mới rõ có những thứ quan trọng hơn, cũng đang được gom góp kỹ hơn trong chính những không gian nhỏ hẹp ấy thì phải.

Những ngày giáp tết, mọi người dường như cũng thêm phần hối hả, ngóng ngày đoàn viên với người thân và bè bạn. Bạn bè thì tôi không chắc, nhưng rõ ngoại cũng có một gia đình lớn ở nhà và nguyên vẹn một gia đình nhỏ trong tim nên sáng vẫn dọn dẹp với đôi tay gầy, chiều lại trầm ngâm đóng, mở thứ gì bí mật rồi vuốt thẳng những góc ảnh đã quăn của mấy tờ film cũ có ông ngoại với nụ cười hiền, người đã mấy chục năm “chuyển lên nhà trên” ở tầng cao nhất. Lúc này tôi mới biết, với “tấm lưng gầy của cả nhà”, ngoài mấy hộp thuốc ôm gọn ở đầu giường là tập album cất kỹ trong hộp sâm tróc sơn, được bọc gọn gàng trong khăn, bao, bì và nằm im dưới mấy lớp áo quần xếp chồng trong ngăn tủ.

Tôi không cố ý để tìm kiếm thật sâu và khi thấy rồi cũng không nghĩ nhiều dữ vậy. Chỉ biết có những người tưởng đã đi xa, nhưng cứ ở lại mãi, ở những nơi an toàn và sâu thẳm mãi. Ngày thấy ngoại mở cuốn album cũ mèm ấy ra rồi lặng im đôi phút, tôi thấy lòng chùng xuống và thương chi thương lạ. Lác đác trong vài trang, là hình ảnh của ngoại khi đang rong ruổi trên chặng nào đó thật xa và thật quen để về “nhà”, cháu bà như đọc được nỗi khắc khoải về quê hương của ngoại. Đó hẳn là lần đầu tiên tôi nhận ra, những cái hộp kia đã ôm trong mình cả một trời ký ức. Những gì mà nó cất giữ chắc chắn nhiều hơn, thương hơn so với nhiệm vụ mà chúng vốn được phân định.

Tôi kỳ thực không biết ngoại đã cất bao nhiêu cái hộp trong cuộc đời, rồi bao nhiêu hộp là cho bản thân, cho một phần đã xa và cho con cháu, khi cứ gần đến đầu năm là nhiều lần ngoại thỏ thẻ: “Ngoại cất cái ni lâu rồi chừ mới lấy ra. Cho con để mai mốt cưới, lỡ như ngoại không còn nữa”. Tuy không chắc về “ngày mai” của hai bà cháu liệu có giống nhau, song cháu ngoại vẫn thường tếu táo vài câu để xua đi cái “ngày mai” xa xôi trong lòng ngoại.

Ngày mai tỉnh giấc “để đoàn viên”, sẽ có những hộp quà mới được mở ra rồi lại tiếp tục cuộc hành trình ôm lấy những món đồ cọc cạch. Tết với ngoại, là dăm hộp thiếc tặng cháu tặng con, là dăm hộp thiếc theo tiếng lục đục và mùi nhang khói cứ thế vẳng lên để gửi lời thương đến ông, mẹ con dì và đến cậu. Tôi lặng nghe thời gian lục đục đi qua mấy ngón tay gầy của ngoại, vốn chẳng nghĩ được nhiều, mà thương quá …

Hạ An
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose