Nữ sử Đạm Phương, người phụ nữ trí thức yêu nước, nhà hoạt động xã hội tích cực
Cách đây 95 năm, vào ngày 15 tháng 6 năm 1926, tại Huế, tổ chức Nữ Công Học Hội đã được chính thức thành lập. Người đặt nền móng và có công lao sáng lập Nữ Công Học Hội, tổ chức nữ giới đầu tiên trong lịch sử phát triển của phong trào phụ nữ Việt Nam, đó là nữ sử Đạm Phương, người phụ nữ trí thức yêu nước và tiến bộ, một “Nữ văn hóa ái quốc Việt Nam” trong nửa đầu thế kỷ XX.
- Thân thế và sự nghiệp
Nữ sử Đạm Phương tên thật là Công Nữ Đồng Canh, tự là Quý Lương, sinh năm 1881, là con gái thứ hai của Hoằng Hóa Quận Vương Nguyễn Phúc Miên Triện (Hoàng tử thứ 66 của vua Minh Mạng). Công Nữ Đồng Canh sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nước nhà đen tối rối ren, lòng người phân ly, triều đình bạc nhược, trăm họ lầm than trước họng súng xâm lược tham tàn của thực dân Pháp. Năm 1885, lúc vừa lên 4 tuổi, bà đã được thân sinh đưa đi lánh nạn vì kinh thành rơi vào tay giặc. Không còn sống trong cung vàng điện ngọc, bà được Miên Triện cho theo học với Công chúa Quy Đức và sớm tỏ ra là một cô gái thông minh, học giỏi, thành thạo bánh trái, thêu thùa, thông thuộc sử sách thơ văn.
Năm lên 16 tuổi, Đồng Canh xuất giá lấy ông Nghè Nguyễn Khoa Tùng và sinh hạ được 3 trai, 3 gái, trong đó có người con thứ hai là Nguyễn Khoa Văn tức Hải Triều, nhà báo, nhà văn, nhà lý luận mác xít nổi tiếng của nước ta vào thập niên 30.
Từ năm 1918 lấy bút hiệu là Đạm Phương, bà tham gia làng báo và trở thành cây bút nòng cốt cho các báo Nam Phong, Trung Bắc Tân Văn, Hữu Thanh. Tuy rất giỏi Hán văn và Pháp Văn, song bà chỉ viết báo bằng tiếng Việt với ý thức góp phần xây dựng nền quốc văn nước nhà. Trong thời gian năm năm, bà viết hơn 150 bài báo dài ngắn khác nhau với nội dung rất phong phú và thường đề cập đến vấn đề giáo dục gia đình, đạo đức xã hội và phụ nữ, nhi đồng. Sống trong lòng xã hội phong kiến, tứ bề bị vây bọc bởi tư tưởng chuyên chế “trọng nam khinh nữ”, bà hiểu hơn ai hết cái thân phận của người phụ nữ, do đó, vấn đề giải phóng phụ nữ và thực hiện nam nữ bình quyền được bà hằng quan tâm. Trong nhiều bài báo, bà phân tích và lên án chế độ xã hội và gia đình phong kiến đã coi thường phụ nữ, hạn chế sự học hành và ràng buộc chị em trong các tập tục, lễ giáo lạc hậu, lỗi thời. Trong giáo dục, bà coi trọng nhất là chữ Công: “bất kể đàn ông, đàn bà đều phải có nghề nghiệp làm ra tiền của, đó là nghĩa vụ đối với gia đình và xã hội”. Có nghề nghiệp thì người phụ nữ mới mong làm tốt hơn thiên chức và trách nhiệm của mình.
- Nữ công học hội – tổ chức nữ giới đầu tiên trong lịch sử phát triển của phong trào phụ nữ Việt Nam được thành lập
Tháng 4 – 1926 được hai chí sĩ cách mạng lão thành Phan Bội Châu và Huỳnh Thúc Kháng động viên, khuyến khích, bà đứng ra xin phép nhà cầm quyền Pháp thành lập Nữ công học hội do bà làm hội trưởng. Mục đích tôn chỉ của hội là nhằm giáo dục về vai trò, nhiệm vụ, chức năng của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội và được nêu rõ trong câu đối do bà viết đặt trước Hội quán:
Đạo đức sẵn nền xưa, Trung Nam Bắc dìu dắt chị em, xây đắp bồi thêm văn hiến cũ.
Á âu hương hội mới, Công Ngôn Hạnh giữ gìn nền nếp, tập tành mong để lợi quyền chung.
Mục đích của Hội còn được Đạm Phương nữ sử nói rõ trong lần đón tiếp cụ Huỳnh Thúc Kháng đến thăm, đó là: “gây cho bọn quần thoa một cái tinh thần tự lập bằng các nghề nghiệp của mình, trong cái phạm vi đạo đức, tri thức Đông phương và Tây phương hòa hợp với nhau. Sau hết là kết cái dây đoàn thể để bênh vực lợi quyền cho nhau”. Nữ công học hội dung hợp cả hai phái tân cựu, văn hóa học thuật và đạo đức tinh thần. Tuy Hội ở Trung kỳ nhưng Nam kỳ, Bắc kỳ đều có chị em vào Hội và tạo được mối tình liên lạc thân ái trong nữ giới ba kỳ. Đến năm 1929, Hội đã có 87 hội viên, xây được trụ sở rộng rãi, khang trang và mở nhiều lớp nữ công gia chánh, các buổi trao đổi thời sự, văn chương, giáo dục nhi đồng … thu hút đông đảo chị em tham dự. Bề ngoài mở lớp nữ công gia chánh, còn bên trong Hội hoạt động chính trị. Từ Huế, phong trào Hội nữ công lan nhanh ra cả nước và bà đã tổ chức nhiều chuyến đi truyền bá kinh nghiệm và xây dựng cơ sở giáo dục phụ nữ ở trong Nam, ngoài Bắc.
- Người phụ nữ trí thức yêu nước, nhà hoạt động xã hội tích cực
Không chỉ lo công việc cho Hội, bà Đạm Phương còn tham gia tích cực các hoạt động chính trị xã hội khác. Tại buổi lễ truy điệu nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh, bà thay mặt cụ Sao Nam đọc bài điếu văn, ai nghe cũng ngậm ngùi thương tiếc cho cuộc đời hy sinh vì dân, vì nước của cụ Tây Hồ. Tháng 4 năm 1927 khi toàn thể học sinh Huế đồng loạt tổng bãi khóa phản đối chế độ giáo dục nô dịch của thực dân Pháp, bà đã nhiệt tình giúp đõ và ủng hộ học sinh. Những hoạt động yêu nước công khai của bà làm cho Pháp điên đầu, lo sợ và chúng đã bắt giam bà một thời gian. Sau ngày cách mạng Tháng Tám thành công, bà đi theo kháng chiến ở vùng tự do tỉnh Thanh Hóa cùng với nhà văn Hải Triều. Ngày 10 tháng 12 năm 1947, sau một cơn trọng bệnh, bà mất tại làng Lạc Lâm, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, để lại bao nhiêu tiếc thương vô hạn cho mọi giới đồng bào. Năm 1984 ngôi mộ của Đạm Phương và nhà văn Hải Triều đã được gia đình cải táng đưa về Huế an nghỉ tại nghĩa trang Phan Bội Châu.
Trong lễ truy điệu nữ sử Đạm Phương được tổ chức tại Huế, nhà thơ Thảo Am Nguyễn Khoa Vy đã đọc câu đối nói lên khá đầy đủ về công đức và sự nghiệp của bà:
“Văn tài nữ sử, sư phạm nữ công, e khi nữ giới yêu cầu, đi phó hội theo chân bà Trưng Nữ.
Khí phách nam nhi, tinh hoa Nam Việt, nhớ thuở Nam Giao truy điệu, lên diễn đàn thay mặt cụ Sào Nam”.
Đạm Phương nữ sử là người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế, một khuôn mặt lớn trong các nữ tác gia Việt nam, là nhà báo, nhà văn, nhà biên khảo, nhà giáo dục học, phụ nữ học và hoạt động xã hội có nhiều đóng góp tích cực trong lịch sử văn hóa Việt nam. Ngày 24 tháng 5 năm 1999, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra nghị quyết “Về đặt tên một số đường phố ở thành phố Huế”, trong đó có tên đường Đạm Phương tại phường Tây Lộc, thành phố Huế.
ThS. Dương Văn Kính
Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố Huế
Similar Articles
Người “giữ hồn” bánh đúc mật xứ Huế
Bánh đúc mật là thức quà quê hương bình dị gắn liền với tuổi của
Tình chợ
Ngay lối vào cổng chợ, hàng dừa của chị nằm khiêm tốn giữa những gian
200 năm trường thi Thừa Thiên
Danh xưng trường thi Thừa Thiên được vua Minh Mạng đặt vào năm Nhâm Ngọ