Văn hóa Huế | Homepage

Thủy Ba bắt cọp

🕔27.Jan 2022

Nếu ai vào Cố đô Huế mà đến thăm di tích thật đặc biệt, có một không hai là Hổ Quyền sẽ thấy vàng son một thuở của uy quyền phong kiến khi cho xây dựng đấu trường để hổ đấu với voi, phảng phất đấu trường La Mã cổ đại.

Thủy Ba bắt cọp
Cổng vào làng Thủy Ba Hạ

Nhưng chính Hổ Quyền ở kinh kỳ cuối thời nhà Nguyễn cũng phải nhờ đến tinh thần thượng võ của một làng từng nổi tiếng chế ngự chúa sơn lâm, thậm chí người dân nơi đây xưa kia từng trẩy kinh bắt cọp.

Nói thêm một chi tiết thú vị. Trong kho tàng chuyện trạng Vĩnh Hoàng trứ danh có một nội dung khá nổi tiếng liên quan đến cọp, đó là chuyện “Lỡ một buổi cày”. Mặc cùng trên đất huyện Vĩnh Linh nhưng làng Trạng khá xa làng Thủy Ba nhưng vẫn kể về cọp khá đậm nét. Nội dung như sau: Do đi cày sớm, bắt bò ra đồng, cày từ khi trời còn đêm đến rạng ngày mới phát hiện hóa ra mình bắt nhầm cọp đi cày, vì nó vào chuồng bò lẫn lộn với bò mà khi trời gần sáng thì không thấy. Người cày bèn quất một roi, con cọp đau quá, vọt chạy biệt tăm, vậy là lỡ một buổi cày. Phải là người gan lỳ và hài hước bậc nhất mới sáng tác ra được những câu chuyện dân gian như thế.

Hổ Quyền thu hút du khách

Vùng đất Thủy Ba nay thuộc xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị xưa kia vốn là tổng Thủy Ba. Nếu ở Hải Lăng, phía nam Quảng Trị có đại xã Trường Sanh thì ở phía bắc có đại xã Thủy Ba hình thành từ xa xưa, lúc cha ông ở ngoài kia vào đây khai sơn phá thạch, bốn bề là rừng rậm, phải thắng được thú dữ, đặc biệt là cọp, mới có thể sinh tồn, mới hy vọng dần dà an cư lạc nghiệp. Họ được trui rèn trước thiên nhiên khắc nghiệt để trở thành những con người mưu trí, bền bỉ và gan góc bậc nhất. Làng Thủy Ba nay có ba thôn là Thủy Ba Đông, Thủy Ba Tây và Thủy Ba Hạ là thôn xa nhất về phía tây Vĩnh Thủy.

Rồi một ngày hè đầy nắng vào mấy năm trước, tôi về với Thủy Ba, gặp người dũng sĩ cuối cùng bắt cọp Nguyễn Đăng Hạp của vùng quê này. Ông ngồi kể cho chúng tôi nghe chuyện ngày xưa có thật mà hương vị cứ như là cổ tích. Đúng là miền đất lạ lùng! Có vậy mới kết tinh nên một nghề độc nhất vô nhị trong thiên hạ, ấy là nghề bắt cọp. Sống với thiên nhiên khắc nghiệt, với ác thú dữ dằn thì người Vĩnh Linh mới có thể trui rèn đến vậy và khí chất mới luyện thành sắt thép. Ông hào hứng đọc vè Thủy Ba bắt cọp: “Mồng sáu sắc hạ vua ra/ Chiếu tờ xuống huyện đòi Thủy Ba đi liền/ Đò vô tận ải Thừa Thiên/ Dữ ma độc nước không yên chăng là…/ Thủy Ba đứng dậy cho đều/ Nghe tiếng ta reo hùm vọt dậy…”.

Nhìn cụ già đã bạc cả tóc râu sống qua trăm tuổi, tôi hình dung ra thời tráng niên oanh liệt của những người làm nên huyền thoại chế ngự cả chúa sơn lâm.

Hổ Quyền - Ảnh của tác giả Nguyễn Trung Thành

Theo sử sách cho thấy: Nhà vua “điều động” thợ săn Thủy Ba vào kinh đô bắt hổ để làm gì? Đa số các nhà nghiên cứu đều cho rằng, ở Huế có đấu trường Hổ Quyền được xây dựng rất quy mô ở xã Thủy Biều. Đây là nơi diễn ra các cuộc chiến sinh tử giữa voi chiến triều đình với hổ, cho vua quan và thần dân xem. Một cuộc đấu không chỉ có vài con hổ mà có khi là hàng chục con hổ được nhốt từ trước.

Thợ săn Thủy Ba bắt cọp để phục vụ cho các trận đấu ở Hổ Quyền. Đoàn thợ săn cọp của Thủy Ba gọi là đoàn Vọng Thành. Trong bài viết “Tỉnh Quảng Trị” in trong tập san Đô Thành Hiếu Cổ (B.A.V.H) năm 1921 của đoàn Công sứ Pháp A. Laborde chép rằng: “Tại làng Thủy Ba Thượng ngày nọ, có một con quạ bay ngang và làm rơi một cái xương người. Một đồng cốt cho rằng đó là xương của một vị thần tên Mai Quý Đông. Lập tức người ta lập đền thờ thần, và thần thường nhập vào cốt đồng để dạy cho dân chúng nghề bắt hổ”. Do đó dân Thủy Ba nổi tiếng có tài bắt hổ, và luôn được giao nhiệm vụ bắt hổ để giao đấu với voi triều đình. Đôi khi dân Thủy Ba mang đến Huế luôn cả cái bẫy hổ để dâng cho vua cái vinh dự được tự tay giết con hổ sa bẫy. Trận đấu đầu tiên được tổ chức tại Hổ Quyền năm 1830, dưới thời vua Minh Mạng, còn trận đấu cuối cùng được tổ chức năm 1904 dưới thời vua Thành Thái.

Cách đây mấy tháng chúng tôi lại đến thăm một người quen cũ mà cả vùng đất này hầu như ai cũng biết, đó là ông Nguyễn Đăng Hạp, 105 tuổi, người từng theo dân làng bắt cọp và còn đặt vè Thủy Ba bắt cọp rất hay, được gần xa truyền tụng. Ông vừa mất mới qua 49 ngày, hương khói còn trên bàn thờ tưởng nhớ một nhân vật dân gian độc đáo. Thuở xưa vua quan lệnh về cho dân làng Thủy Ba bắt cọp, trong khi thiên hạ nghe cọp thì nổi sốt tìm mọi cách mà tránh còn dân làng này thì tìm cọp để bắt, đối đầu với muôn vàn khó khăn, nguy hiểm. Hậu duệ ông Nguyễn Đăng Hạp là anh Nguyễn Đăng Hoàn vẫn còn nhớ nhiều điều mà cha ông từng kể.

Rời nhà ông Hạp, chúng tôi tiếp tục tìm đến một nhân vật hiếm hoi còn lại biết chuyện săn cọp xưa kia nay tuổi đã gần 90 là ông Nguyễn Thế Đại. Mặc dù tuổi cao sức yếu, trí nhớ giảm sút nhưng khi nhắc lại chuyện xưa tâm trạng ông phấn chấn hẳn lên. Nhưng phải nói là chuyện bắt cọp làm ông hào hứng nhất và kể rõ ngọn ngành chuyện xưa có thật mà nghe như cổ tích, muộn nhất khi ông còn ở tuổi thiếu niên về một thời gian khổ, nguy nan bậc nhất mà cũng hào hùng bậc nhất. Phải công nhận ông Nguyễn Thế Đại có trí nhớ khá tốt, ông kể say sưa và chi tiết, người nghe như được xem lại một bộ phim sinh động về chuyện bẫy cọp.

Ông Đại kể rằng: “Khi có lệnh của quan trên ban xuống phải bắt được cọp nộp cho triều đình thì cả ba làng Thủy Ba: Thủy Ba Hạ, Thủy Ba Thượng và Thủy Ba Tây phải nhất tề hưởng ứng, trăm người như một, không được làm hỏng việc lớn của triều đình, ai chậm trễ, lười nhác hoặc không nghe theo ắt bị trị tội nặng. Hương lý họp dân ba làng lại, phân công cụ thể như một trận đánh, mỗi bộ phận một việc. Nhóm thì được phân công trực chiến, gồm các tráng đinh khỏe mạnh, can đảm với vũ khí giáo mác sẵn sàng ứng chiến, đi đầu vòng trong để bao vây cọp, vòng ngoài thì những người trung niên, phụ nữ thì làm nhiệm vụ hậu cần. Chỉ huy các nhóm là các “chiến binh” từng trải không chỉ gan dạ mà còn rất bình tĩnh và mưu trí. Hiệu lệnh ban ra nhất hô bá ứng. Quan viên làng xã gồm chánh tổng, lý trưởng túc trực. Phía trên có quan phủ, huyện theo dõi tình hình. Khi các trinh sát thường chọn những dũng sĩ gan góc nhất cho biết cọp đã mắc bẫy ở phía cuối làng thì nhiều nhóm được chia các ngả đường theo dấu vết cọp, tiếng địa phương gọi là “dọi dấu”. Khi biết chắc vị trí cọp mắc bẫy thì các toán người bao vây, lăm lăm giáo mác và giăng lưới làm bằng dây thừng to, chắc, rồi khua chiêng gõ trống, tăng nhuệ khí cho đoàn quân bắt cọp và uy hiếp chúa sơn lâm, khiến “ông ba mươi” hốt hoảng, buộc phải xuất đầu lộ diện. Khi đã xác định cọp bị sa bẫy, hoặc bị thương thì lùa vào lưới, rồi đưa vào cũi sắt, nộp quan trên…”. Nói thì có vẻ không mấy phức tạp nhưng thực tế rất gian nan, nguy hiểm. Bởi xưa nay ai cũng tránh cọp, nay lại tìm cọp mà tới thì muôn phần nguy hiểm. Mặc dù đã chuẩn bị chu đáo, năm nào cũng bắt cọp nhưng sự cố vẫn có khi xảy ra. Chính ông Đại cho biết xóm trên của làng Thủy Ba Hạ có người vì một giây sơ suất đã bị cọp “bả” (tát) một phát trọng thương, máu me lênh láng, may suýt mất mạng.

Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An trận đấu này: “Voi cái bước vào đấu trường có vẻ hiên ngang, đi qua đi lại trước mặt cọp không một chút sợ hãi, vua Thành Thái khen: “Con này can đảm lắm”. Nhưng bỗng chốc, cọp nhảy lên trán voi, voi hất mạnh, cọp rơi xuống. Cọp lại nhảy lên bấu vào chỗ cũ. Voi tức giận, rống lên, vụt chạy đến dùng đầu đẩy mạnh cọp vào thành đấu trường, dùng sức mạnh ngàn cân vừa húc, vừa ép thật sát. Khi voi ngẩng đầu lên, cọp té xuống đất, voi dùng chân chà cọp đến chết…”. Như mọi trận đấu hàng năm, kết thúc bằng chiến thắng của voi, tượng trưng cho sức mạnh tượng binh, một thế mạnh của lục quân xứ Đàng Trong và cả uy quyền của quân vương. Bởi thế trước mỗi trận đấu, cọp bị nhổ răng và cắt hết nanh vuốt. Dù vậy các trận đấu diễn ra vẫn ác liệt và hấp dẫn giữa kỳ phùng địch thủ.

Câu chuyện làng bắt cọp nổi danh theo thời gian rồi từ từ lùi vào dĩ vãng. Nhưng tinh thần quật cường, bất khuất và trí tuệ thông minh của người dân nơi đây sẽ chảy mãi trong huyết quản mỗi người làm nên hào khí đất đai và phẩm giá riêng biệt của người Thủy Ba đã từng khuất phục cả chúa sơn lâm.

Phạm Xuân Dũng
(Theo Tạp chí Sông Hương)

Similar Articles

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Chiều chiều, chay xe lên Kim Long ngắm dòng Hương xinh đẹp, tạt vào quán

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Theo ghi chép cửa Leopold Cadiere, đường đến lăng mộ Gia Long buộc phải đi

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose