Văn hóa Huế | Homepage

Bức cảnh dựng trên bàn thờ gia tiên vùng Huế

🕔15.Feb 2023

Theo truyền thống, cảnh dựng là một trong những vật phẩm thờ cúng quan trọng trên bàn thờ gia tiên của nhà riêng hay nhà thờ họ vùng Huế. Bức cảnh dựng chính là tên gọi khác, hay đúng hơn, là mang ý nghĩa như giá gương, thường được biết đến qua câu ca dao: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Tranh kiếng xuất hiện nhiều trong các di tích ở Huế. Ảnh: Tư liệu

Trong quan niệm thờ cúng của người Việt, giá gương chính là biểu tượng cho các đời tổ tiên. Với mô hình gia đình phụ quyền, trọng nam và trọng trưởng, chỉ con trai trưởng dòng đích mới chính thức được thờ bài vị tổ tiên gắn với ngai thờ. Con thứ, dòng thứ chỉ thờ vọng và giá gương chính là vật thờ cúng thay thế cho ngai thờ.

Cũng như giá gương, bức cảnh dựng ở vùng Huế có hình chữ nhật đứng, kích thước lớn hay bé phụ thuộc vào không gian của ban thờ, được đặt trên một khung (gỗ) có hai chân đứng, để trơn hoặc chạm nổi, khảm xà cừ hay chạm lộng. Cầu kỳ hơn, hai chân đứng có thể được chạm khắc hình kinh thú. Tạo hình chính của các bức cảnh dựng là những chủ đề quen thuộc, như: chữ Phúc, tùng lộc, long ngư, mai điểu – biểu trưng cho Phúc, Lộc, Thọ, đại cát, sự hòa hợp, bền vững, may mắn… Hình ảnh các món đồ thờ (lư hương, bát nhang, quả bồng, bình hoa…) đặt trên cao đê kỷ (món đồ gỗ dưới dạng hồi văn) cũng thường được thể hiện. Ngoài ra, còn có các hoa văn đường diềm dưới dạng hồi văn; hồi văn kết hợp hình dơi, chữ thọ, hoa lá, quả tua…

Nếu như giá gương miền Bắc hay bức cảnh dựng cùng Huế tượng trưng cho tổ tiên bên nội thì bức tranh chữ Cửu Huyền Thất Tổ (九玄七祖) đặt trên bàn thờ của gia đình Nam bộ, nhất là những gia đình theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, lại dành cho cả bên nội lẫn bên ngoại. Đặc biệt, vùng đất này còn nổi tiếng với loại hình tranh kiếng thờ cúng tổ tiên. Đây là bộ tranh gồm nhiều tấm ghép lại (thường là 3 tấm, chia thành 9 tròng/ô học), trong đó tấm chính giữa lớn nhất, thường vẽ chữ Phước cách điệu hay cảnh sơn thủy – biểu thị các ý nghĩa như: “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”; “Cây có cội” “nước có nguồn” hay “tre tàn măng mọc”…

Nghệ thuật vẽ tranh kiếng cũng đồng thời theo chân những “thầy Tàu” (người Minh Hương) du nhập đến Huế vào cuối thế kỷ XIX, dưới tên gọi là tranh gương. Bên cạnh tranh phong cảnh, tranh chúc tụng, thợ vẽ tranh gương Huế (chủ yếu tập trung ở phố cổ Bao Vinh, Gia Hội) cũng đã sáng tạo nên những bức tranh cảnh dựng tinh tế trên cơ sở kết hợp giữa nghệ thuật vẽ ngược trên gương với nghệ thuật cẩn xà cừ với nhiều công đoạn tỉ mỉ: phóng, tách nét, vô màu, lộng nền, cẩn xà cừ, phất giấy…

Không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng cho sự tưởng nhớ, thờ phụng tổ tiên và ước nguyện cho con cháu gặp may mắn, phúc lành, những bức cảnh dựng trên bàn thờ Huế hay giá gương miền Bắc, tranh sơn thủy thờ cúng tổ tiên miền Nam còn là những tác phẩm nghệ thuật giàu bản sắc, thể hiện tài hoa của người thợ thủ công khắp mọi miền đất nước. Giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, đôi lúc, chỉ cần bắt đầu từ những vật phẩm nhỏ có mặt trong đời sống, phong tục của người dân. Thông qua những vật thờ cúng này, người ta có thể nhìn thấy thông điệp về chữ Hiếu, đạo thờ cúng tổ tiên, quan niệm thẩm mỹ của cha ông, và cả cơ sở cho sự bảo tồn, sáng tạo, phát triển các nghề thủ công truyền thống, như chạm khắc, nghề cẩn xà cừ, vẽ tranh trên kính…

Trở lại câu ca dao: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Nhiễu điều (tấm vải đỏ) là vật biểu trưng cho sự tôn trọng, trân quý. Một số tôn giáo nội sinh ở miền Nam gọi “nhiễu điều” là “trần điều” và họ xem là vật thờ cúng biểu trưng cho từ bi, bác ái, yêu mến đồng bào, nhân loại. Từ “nhiễu điều”, “giá gương” đến “người trong một nước” trong câu ca trên, theo đó, không chỉ mang thông điệp về tình đoàn kết mà còn là mối gắn bó sâu bền của mỗi con người với tổ tiên, cội nguồn trong quá khứ; với gia đình, rộng hơn là quốc gia, xã hội trong hiện tại và tương lai.

Nguyên Ninh
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Đệ Ngọc Lâm công chúa và những câu chuyện lịch sử

Đệ Ngọc Lâm công chúa và những câu chuyện lịch sử

Cổng và bình phong đệ Ngọc Lâm công chúa 1. Mở đầu Hệ thống phủ đệ xưa

Tìm thấy lời giải cho bức tranh thứ sáu trên tường cung An Định

Tìm thấy lời giải cho bức tranh thứ sáu trên tường cung An Định

âu chuyện bí ẩn của bộ tranh tường trong cung An Định vẫn bỏ ngỏ

Nghiên cứu Tái thiết Điện Cần Chánh, Hoàng Thành Huế – Phần 1: Lịch sử Quần thể Di tích Cố đô Huế và Hành trình Di sản

Nghiên cứu Tái thiết Điện Cần Chánh, Hoàng Thành Huế – Phần 1: Lịch sử Quần thể Di tích Cố đô Huế và Hành trình Di sản

Quần thể Di tích Cố đô Huế là Di sản Văn hoá đầu tiên của

Con ngựa trong các khu lăng mộ vua Nguyễn biểu tượng cho điều gì?

Con ngựa trong các khu lăng mộ vua Nguyễn biểu tượng cho điều gì?

Vào tham quan lăng mộ các vua nhà Nguyễn ở Huế, du khách thường bắt

Minh Khiêm đường một nhà hát độc đáo ở lăng Tự Đức

Minh Khiêm đường một nhà hát độc đáo ở lăng Tự Đức

Nhà hát cổ Minh Khiêm Đường - Ảnh: internet Một điều gây ngạc nhiên và thú

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose