Văn hóa Huế | Homepage

Làng lạ miền Trung: Quý phái An Truyền, dân dã làng Chuồn

🕔29.May 2023

Không chỉ nổi danh với gạo dẻo, nếp thơm, cá tôm ngon béo, làng An Truyền (với cái tên dân dã làng Chuồn) xứ Huế còn được người xưa biết đến là nơi sinh ra bao thế hệ anh tài, hào kiệt.

ĐỊA LINH NHÂN KIỆT

Làng An Truyền (thuộc xã Phú An, H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) sở dĩ có tên gọi dân dã là làng Chuồn bởi nằm cạnh đầm Chuồn, một đầm lớn trong hệ đầm phá Tam Giang.Ai từng đến làng Chuồn mà chưa biết đến các món ngon nức tiếng từ gạo dẻo, nếp thơm nơi ruộng đồng, cá tôm ngon béo nơi đầm phá quả là một điều thiếu sót. Nhưng không chỉ giàu có về sản vật, nơi đây còn lưu giữ hồn quê yên bình, lắng đọng của vùng đất “địa linh, nhân kiệt” với ngôi đình làng hơn 500 tuổi. Đình làng An Truyền còn khá nguyên vẹn, tiêu biểu của mẫu kiến trúc độc đáo đình làng thời nhà Nguyễn. Ông Hồ Văn Lạp (78 tuổi, Trưởng làng An Truyền) tự hào: “Các nhà nghiên cứu đánh giá và công nhận đây là một trong những ngôi đình cổ có kiến trúc mẫu mực nhất”. Nội điện bố trí 7 bàn thờ sát tường hậu, thờ 7 vị thủy tổ của 7 dòng họ làng An Truyền. Trước mỗi bàn thờ có sập gỗ, hương án, hòm chứa sắc phong vua ban và câu đối chạm nổi. Khám thờ sơn son thếp vàng, đồ thờ tự bằng đồng, sành sứ, gỗ xưa xứ Huế… Tại nhà đại bái này còn có 2 án thờ tiền án và trung án chạm lộng mặt hổ phù, kỳ lân, chim phượng hoàng, hoa chanh… Đình làng An Truyền được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1994.

Làng lạ miền Trung: Quý phái An Truyền, dân dã làng Chuồn - Ảnh 1.

 Cổng làng An Truyền

Theo TS Hán – Nôm Đoàn Trung Hữu, một người con của làng An Truyền, nhiều người tài của làng có công phò vua, dựng nước, mở mang bờ cõi, giúp dân… nên nhận được nhiều sắc phong của triều đình. Cụ thể, làng có 28 sắc phong cho các bậc thiên thần (thần linh theo tín ngưỡng) và 11 sắc phong cho các bậc nhân thần (gồm các ngài thủy tổ khai canh dưới thời vua nhà Nguyễn như Thiệu Trị, Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định…). Ngoài ra, một số người có công trạng đặc biệt, như Đoàn Thị Tiên Nương Thục dược nữ thần (tương truyền là người làm thuốc, chữa bệnh cho vua) cũng được phong thần.

Theo tài liệu lưu trữ, làng còn có nhiều người đỗ đạt cao, được bổ làm quan trong triều ngoài trấn. Gần cuối thế kỷ 19 có cụ Hồ Đắc Tuấn, người đầu tiên của làng đỗ cử nhân, làm quan tri phủ ở Ninh Giang (Hải Dương). Nối tiếp là cụ Hồ Đắc Trung, người làm đến chức Thượng thư bộ Học, Thượng thư bộ Lễ kiêm bộ Công…

Làng An Truyền còn nổi tiếng qua cuộc khởi nghĩa bất thành của Đoàn Hữu Trưng vào ngày 19.9.1866, dưới triều vua Tự Đức. Đoàn Hữu Trưng là người họ Đoàn của làng An Truyền, con rể của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (con trai thứ 10 của vua Minh Mạng). Thời điểm này, chế độ phong kiến dưới triều vua Tự Đức ngày càng lệ thuộc Pháp, triều đình kiệt quệ và cuộc sống của người dân vốn chịu nhiều tai ách. Thiên tai, dịch bệnh xảy ra, loạn lạc nhiều nơi, thực dân Pháp đang lấn chiếm, nội bộ hoàng tộc phân hóa trầm trọng… Trước tình cảnh đó, mượn cớ bức xúc của dân phu và binh lính, Đoàn Hữu Trưng phát động khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa dấy binh đêm 19.9.1866, tiến vào đến hoàng cung đại nội, uy hiếp điện Cần Chánh nhưng gặp phải sự kháng cự quyết liệt của quân triều đình. Cuối cùng, 3 anh em Đoàn Hữu Trưng, Đoàn Tư Trực, Đoàn Quý đều bị bắt. Cuộc khởi nghĩa thất bại, và từ cuộc chính biến này, nhiều họ tộc ở làng An Truyền cũng chịu hệ lụy liên đới.

Tiếp nối truyền thống hiếu học của các vị tiền nhân, sau này làng còn có nhiều người thành danh trên các lĩnh vực như tiến sĩ dược khoa Hồ Đắc Ân, GS-TS-BS Hồ Đắc Di, TS luật khoa Hồ Đắc Điềm, sư bà Thích Nữ Diệu Không…

Làng lạ miền Trung: Quý phái An Truyền, dân dã làng Chuồn - Ảnh 2.

 Phía bên trong tiền đường

 

ĐẶC SẢN Ở LÀNG DÂN DÃ
Rượu làng Chuồn, bánh chưng, bánh tét và đặc biệt nhất là món bánh khoái cá kình mà bất cứ ai khi đến làng An Truyền đều không thể bỏ qua. Theo lời giới thiệu của ông Lạp, xưa kia làng Chuồn vắng lắm, bởi người dân làm nghề đánh bắt trên đầm nước lợ, ban ngày họ chở cá tôm đi bán khắp nơi. Nhờ tính cách chăm chỉ, cần cù, nhiều người trong làng còn “học lỏm” nhiều nghề độc đáo rồi mang về làng, như nghề làm bánh bao. Bây giờ người bán bánh bao dạo khắp cả nước đa phần đều là người làng Chuồn. Nhờ cần cù làm ăn, nhiều gia đình khá giả, xây nhà lầu, mua xe hơi. “Giờ đây, bất cứ đi đâu, cứ thấy người bán banh bao thì 70% đó là dân làng Chuồn rồi. Họ đi khắp nơi để bán, nói là bán bánh bao dạo thôi chứ đều là đại gia cả. Làm ăn vài năm, họ về làng xây nhà cao, cửa rộng. Đó đó, mấy căn nhà to to trước xóm cửa đóng then cài toàn của mấy người làng làm nghề bánh bao”, ông Lạp chỉ tay về phía trước, nói.

Giờ đây, làng An Truyền còn có thêm nguồn thu nhập từ “nghề tay trái” làm du lịch. Mỗi ngày, làng Chuồn đón hàng chục du khách, có thời điểm lên đến hàng trăm, đến tham quan và thưởng thức đặc sản. “Chợ Chuồn xưa kia chỉ mở cửa sáng sớm phục vụ việc giao thương trong làng. Mấy năm gần đây, du khách về làng đông, họ vui chơi, thưởng thức đặc sản… nhờ rứa mà dân làng có việc làm quanh năm, khấm khá”, ông Lạp nói. Vị trưởng làng mong sau này, dù có phát triển đến mấy, con dân trong làng vẫn sẽ giữ đức thuần túy điềm đạm, chịu thương, chịu khó.

Bùi Ngọc Long – Lê Hoài Nhân
(Theo Báo Thanh niên)

Similar Articles

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Nạn vẽ bậy lên di tích Kỳ Đài trước Kinh thành Huế đã kéo dài

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose