Văn hóa Huế | Homepage
Trên đỉnh Hải Vân

Trên đỉnh Hải Vân

🕔03.Dec 2013

Đèo ta rộng thênh thang…

Huế đi Đà Nẵng rồi Đà Nẵng về Huế, khoảng cách chừng trăm cây số, bao giờ tôi cũng ưu tiên chọn phương tiện xe máy. Cứ túc tắc mà chạy. Thích đâu dừng đó. Đi lúc nào về lúc nào quyền mình. Thoải mái nhìn trời ngắm đất. Còn gì thú bằng…
Khách du lịch quốc tế lên thăm Hải Vân quan
Rời thành phố Đà Nẵng lúc 3 giờ chiều. Loáng cái đã tới chân đèo Hải Vân. Nhiều người cám cảnh cho cái sự đìu hiu của ngọn đèo nổi tiếng này sau khi hầm đường bộ Hải Vân mở cửa. Nhưng tôi lại nghĩ khác. Chính cái sự vắng lặng – vắng lặng thôi chứ không phải là đìu hiu – lại khiến cho Hải Vân có một vẻ đẹp kỳ lạ, hùng vĩ, hoang sơ như “bản lai diện mục” vốn có của vũ trụ đất trời. Và cũng chính vẻ đẹp đó đã hớp hồn khách du lịch; được khách du lịch rỉ tai nhau để tìm đến đây mỗi ngày. Không còn cái sự ồn ào, bận rộn và đầy hiểm nguy rình rập của dòng xe đủ chủng loại tấp nập ngược xuôi lên xuống ngày nào. Tôi cho xe “đăng sơn” đầy thoải mái và tự tin với tâm thế thong dong “đèo ta rộng thênh thang …”. Cũng như tôi, chốc chốc, phía đối diện lại có những chiếc xe máy của những bạn trẻ không muốn gò mình trong ô tô chui núi. Nhưng nhiều nhất là những chiếc xe du lịch. Khách nội địa có, khách ngoại quốc có. Chắc ai trong họ cũng háo hức được một lần cho biết Thiên hạ đệ nhất hùng quan.
Lên tới đỉnh đèo, cái nắng rực ở phía Nam bỗng chốc nhường chỗ cho mây mù và gió núi. Hầu hết đều dừng xe nghỉ ngơi, rời đường lộ lên thăm Hải Vân quan cách chỗ xe dừng một quãng. Thời gian đang còn thong thả. Tôi tranh thủ đáo lại một vòng thăm tích cũ dấu xưa.
Dấu xưa
Hải Vân quan được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (Bính Tuất -1826) ngay trên đỉnh đèo. Đại Nam thực lục chính biên ghi: “Phía trước, phía sau đều đặt một cửa quan (Ngạch trước viết ba chữ “Hải Vân quan”, ngạch sau viết 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”). Cửa trước cao và dài đều 15 thước, ngang 17 thước 5 tấc, cửa sau cao 15 thước dài 11 thước, ngang 18 thước 1 tấc, cửa tò vò đều cao 10 thước 8 tấc, ngang 8 thước 1 tấc. Phía tả hữu cửa quan xếp đá làm tường, trước sau tiếp nhau. Phái biền binh 4 đội Hữu sai và 2 đội Ứng sai chở súng ống đến để đấy (súng quá sơn bằng đồng 5 cỗ, ống phun lửa 200 ống, pháo thăng thiên 100 cây và thuốc đạn theo súng). Chuẩn định từ Hải Vân trở ra Bắc thuộc quản hạt Thừa Thiên, từ ngoài Hải Vân trở vào Nam thuộc quản hạt Quảng Nam”. Chạy dọc phía trái của mỗi tấm biển đá đề “Hải Vân quan” và “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” là dòng lạc khoản, chữ nhỏ. Tuy hơi xa, nhưng với vốn chữ Hán lõm bõm của mình tôi cũng có thể đọc được mấy chữ “Minh Mạng… niên cát nhật tạo” . Cả hai tấm biển đến nay vẫn còn nguyên. Chữ khắc vẫn còn rõ ràng, sắc nét. Cái tên “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” được tương truyền là do vua Lê Thánh Tông cách đây hơn 500 năm, trong một lần chinh nam đã dừng chân trên đỉnh Hải Vân và cảm khái mà đặt.
Ngày xưa, Hải Vân Quan được xác định là một vị trí chiến lược xung yếu của Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế về quân sự cũng như giao thông bằng đường bộ; là cửa ngõ phía nam của vùng đất này. Thời chiến tranh về sau, tuy “đường thiên lý” (Quốc lộ IA) được nắn tuyến không còn xuyên qua Hải Vân Quan nữa, nhưng cả người Pháp và người Mỹ đều nhận rõ vị trí quan yếu của cao điểm này. Do vậy, họ đã cho thiết lập tại đây hệ thống lô cốt, công sự liên hoàn kiên cố để án ngự, kiểm soát tuyến giao thông huyết mạch. Dấu tích của những trận giao tranh quyết liệt vẫn còn hiện hữu trên từng mảng tường, ô gạch nơi đây. Tấm bia “Di tích chiến thắng Đồn Nhất” đã được thành phố Đà Nẵng dựng lên bên cạnh Hải Vân quan ghi lại chiến công của quân ta:
“Đồn Nhất vốn là một vị trí quan trọng được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng. Cuối năm 1946, khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta đã cải tạo Đồn Nhất thành một cứ điểm với nhiều công sự vững chắc… án ngữ giữa đỉnh đèo Hải Vân hiểm trở do hai trung đội lính Âu-Phi chiếm giữ.
 Trong chiến dịch Hè thu năm 1952, vào lúc rạng sáng ngày 25-9 (ngày 7-8 năm Nhâm Thìn), Đồn Nhất đã bị đại đội 6 tăng cường của Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 803 chủ lực cơ động Liên khu 5 tiến công tiêu diệt và bắt sống một số tên. Trong đó có tên quan hai Pháp đồn trưởng, thu giữ toàn bộ vũ khí quân trang và quân dụng.
Tinh thần dũng cảm, mưu trí sáng tạo và tấm gương anh dũng hy sinh của Tiểu đội trưởng Nguyễn Bá Dương và các liệt sỹ sống mãi trong lòng nhân dân và đồng đội”
Bâng khuâng tiếc…
Khi tôi đến, có một vài vị khách Âu đang phăm phăm “thám thính” mọi ngóc ngách của Hải Vân quan. Tôi cũng phăm phăm bước theo họ. Không hướng dẫn viên, không một tấm biển giới thiệu. Chỉ có… dây leo và hoang phế. Cửa quan phía bắc, bậc cấp bị xói lở, tôi phải cẩn thận và ráng sức mới leo vào được. Nhưng, bên trong trống hoắc, bừa bộn gạch đá. Thậm chí ở một góc, có ai đó xếp gạch để (xin lỗi và nói… tội trời) làm nơi phóng uế (!). Mấy vị khách Âu thất vọng trở ra. Tôi cũng buồn lòng rút lẹ. Thêm một chiếc xe du lịch dừng lại. Một đoàn khách Trung Quốc hay Hàn Quốc gì đó lại hăm hở leo lên thăm di tích.
Cảnh sắc và không gian thật tuyệt vời, không khí cũng trong lành đến vi diệu. Nhưng di tích thì lại thiếu sự chăm sóc, thiếu sự phát huy đến não lòng. Trong lúc đó du khách thì hầu như chưa ngày nào vắng bóng. Bằng chứng là tại khu vực đỉnh đèo vẫn ngày càng nhiều thêm những hàng quán mở ra để làm ăn sinh sống, chủ yếu là hàng giải khát, đặc sản địa phương, đồ lưu niệm phục vụ khách du lịch… Và đại thể đều có điểm chung nữa là tạm bợ và hơi nhếch nhác.
Tôi ngồi bệt xuống nóc một cái lô cốt, tận hưởng cái mát lạnh của khí trời ở lưng chừng trời đất và thả đầu óc mông lung về vùng đất Malacca của xứ sở Mã Lai láng giềng. Một vịnh biển và một phần còn lại của pháo đài xưa cũ, một ngôi nhà thờ đã bị đạn bom phá huỷ. Nhưng bạn đã sắp xếp để thành một khu du lịch sang trọng, ý nghĩa, và đầy ấn tượng. Hải Vân quan hoàn toàn có thể biến thành một điểm nhấn trên “đường thiên lý bắc nam”, một điểm dừng chân thư giãn quá thú vị, quá ấn tượng và đầy ý nghĩa cho du khách từ Huế đi Đà Nẵng-Hội An hay ngược lại. Vậy mà, tiếc ơi…
Diên Thống

Similar Articles

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Nạn vẽ bậy lên di tích Kỳ Đài trước Kinh thành Huế đã kéo dài

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose