Chuyện Thái hậu Từ Dũ dạy vua Tự Đức
Thái hậu Từ Dũ (hay Từ Dụ) tên thật là Phạm Thị Hằng, sinh năm 1810 tại giồng Sơn Qui, nay thuộc xã Long Thuận, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Bà là ái nữ của Thượng thư Bộ lễ Phạm Đăng Hưng. Năm 14 tuổi bà được vợ vua Gia Long là Thuận Thiên Cao hoàng hậu tuyển vào cung làm vợ vua Thiệu Trị, sau đó bà sinh ra Nguyễn Phúc Hồng Nhậm- tức vua Tự Đức sau này.
Ngoài nổi tiếng xinh đẹp, thông minh, đức hạnh và hết mực yêu thương nhân dân, Thái hậu Từ Dũ còn được biết đến là người mẹ rất giỏi nuôi dạy con cái. Chính nhờ đức tính đó của bà mà vua Tự Đức trở thành một trong những vị vua hiếu học, hay chữ và biết yêu thương bá tánh bậc nhất dưới thời phong kiến ở nước ta.
Lịch sử ghi lại rằng, trong cuộc sống hàng ngày, Thái hậu Từ Dũ có tính tình đoan chính, cử chỉ lễ độ, khiêm nhường. Là người rất nghiêm khắc với tệ nạn xa hoa lãng phí, tham ô nên bà thường răn dạy vua Tự Đức và triều thần tránh xa những điều này.
Tượng Thái hậu Từ Dũ và phác họa chân dung vua Tự Đức. Ảnh: T.L
Thái hậu Từ Dũ quan niệm rằng, của bất nghĩa được vài đời đã khánh tận, về sau con cháu sẽ cùng khổ, thiên hạ chê cười, con người phải làm điều nhân nghĩa, lưu truyền phước trạch lâu dài. Mỗi lần vua Tự Đức vào hầu, bà thường khuyên dạy con và nhà vua ghi lại những lời dạy bảo của mẹ vào một cuốn sách có tên là Từ huấn lục. Bà nói với vua Tự Đức: “Người trong dòng họ chớ lo việc không được làm quan, phải chuyên cần học hỏi, thi đậu vẻ vang gia tộc, chỉ lo là bất tài mà thôi. Ngoài ra, kẻ làm điều trái phép, Hoàng đế nên triệu về kinh, nghiêm trị để làm gương cho người ta biết”.
Đối với những vị quan gương mẫu như Nguyễn Tri Phương, Vũ Trọng Bình, Phạm Phú Thứ…, bà khuyên con “phải biết chọn dùng được người như thế. Dùng người tốt mới làm lợi cho đất nước”. Chuyện kể rằng, có lần vua Tự Đức ham chơi mà lơ là triều chính, quan Phạm Phú Thứ dâng biểu can gián thì bị vua tức giận cách chức đày làm lính. Chuyện đến tai Từ Dũ, bà liền bảo với vua rằng quan Phạm Phú Thứ dâng sớ như vậy là vì thương vua, muốn vua làm việc tốt nên vua cần nghĩ lại. Sau đó, vua nghe lời mẹ mà phục chức cho quan Phạm Phú Thứ.
Theo sách Liệt truyện triều Nguyễn, Từ Dũ luôn ý thức sâu sắc về tình cảm và đạo lý của dân tộc. Có lần vua cho đội tuồng diễn cho mẹ xem tích Phàn Lê Huê giết anh, giết cha theo đúng nguyên bản Trung Quốc, xem xong bà rất bất bình bảo với vua và đoàn tuồng rằng không nên diễn trò thất đức như vậy. “Con giết cha, em giết anh thì còn đạo lý gì nữa? Nước mình khác, nước người khác. Không được bắt chước mà làm như vậy”.
Năm 1874, khi nghe tin Pháp xâm chiếm toàn cõi Nam Kỳ và buộc triều đình Huế ký hòa ước nhượng địa, Thái hậu Từ Dũ buồn đau đến bỏ cả ăn uống nhiều ngày. Ngày kinh thành Huế thất thủ bà theo vua Hàm Nghi trốn ra ngoài đi Quảng Trị, nhưng rồi vì tuổi cao sức yếu bà phải cùng tam cung trở lại Huế.
Thái hậu Từ Dũ qua đời năm 1902, thọ 92 tuổi. Trong lịch sử nước nhà, bà là tấm gương sáng đã để lại nhiều bài học quý trong việc dạy dỗ con nên người. Chính vì vậy, ngay nay trong dân gian và lịch sử còn lưu truyền những giai thoại dạy con của bà. Và cũng bởi những đức tính tốt đẹp của bà mà người ta đã chọn tên bà để đặt tên cho Bệnh viện Từ Dũ ở TP. Hồ Chí Minh.
An Sơn
(Theo Dân Việt)
Similar Articles
Phủ Tuy An Quận công, nơi lưu giữ ký ức đô thị di sản Huế
Toàn cảnh phủ Tuy An Quận công Bộ đồ trà sứ ký kiểu thời Nguyễn vẽ
Huế: Thế tiến thoái lưỡng nan của một kinh thành
Nếu bạn là chúa Nguyễn Phúc Ánh, người vừa thống nhất Việt Nam năm 1802,
Biểu tượng mùa xuân trên cổ vật của triều Nguyễn
Mùa xuân luôn là một đề tài quen thuộc của các loại hình nghệ thuật
Chuyện thêm về ông hoàng Bảo Đại
Cựu hoàng Bảo Đại. Ảnh tư liệu Bái vọng Gia Miêu Sử cùng nhiều tài liệu còn
Du thuyền triều Nguyễn qua vài tư liệu xưa
Vua Thiệu Trị từng có bài thơ “Sông Hương”, tả cảnh một buổi sáng dạo