Văn hóa Huế | Homepage

Đêm về đi soi nhộng ve

🕔04.Jun 2016
Vùng đất Kim Long (TP Huế) với nhiều cây măng cụt được xem là nơi xuất hiện nhiều ve sầu, hầu như nhà nào có cây măng cụt là nhà ấy có ve sầu. Ve sầu lột vỏ ở các cây mứt, bằng lăng và hút nhựa các cây măng cụt, nhãn.
Ve sầu là một loài côn trùng chỉ xuất hiện nhiều vào mùa hè (cuối tháng 2 đến tháng 5 âm lịch). Ấu trùng ve sầu sống ở dưới đất, hút nhựa rễ cây để sống, đến mùa, vào ban đêm, ấu trùng sẽ chui lên mặt đất, bò lên thân cây cách mặt đất từ 1 – 1 mét rưỡi rồi tiến hành lột xác trở thành nhộng ve (thân mềm, màu xanh lá). Quá trình lên khỏi mặt đất và tiến hành lột xác diễn ra từ 1 đến 2 tiếng. Sau đó, nhộng ve sẽ lớn dần và bay lên sống trên tán cây (ve sầu sống trên cây chỉ từ 1 đến 2 tháng).

Lúc trước, nhiều người hay đi bắt ve sầu lột vỏ (còn gọi là nhộng) trong đêm. Nhộng ve sầu khi chế biến có hương vị thơm thơm như sữa, giòn và không dai so với các món ăn từ những loài côn trùng khác.

Hình ảnh những đứa con trai tối tối soi đèn pin quanh các các thân cây tìm nhộng ve càng lúc càng ít. Thỉnh thoảng mới có một nhóm trẻ con rủ nhau đi bắt nhộng ve, hỏi ra mới biết, lúc trước bài vở ít, càng lớn càng nhiều bài tập, học thêm,… không thể đêm nào cũng đi bắt nhộng ve được.


Vườn cây nhà nào càng rộng thì cơ hội có ve sầu lột vỏ càng ca

Gặp bà Nguyễn Thị Bang (89 tuổi, đường Nguyễn Hoàng – Huế), bà cho biết ngày xưa mình cũng cùng với đám trẻ trong xóm đi soi nhộng ve. “Ngày xưa làm gì có đèn pin, toàn dùng đuốc để soi, một đêm bắt được cả bao gạo. Nhộng ve nhiều vô kể, thậm chí ban ngày cũng đi bắt ve sầu, dùng sào (thanh tre dài) có quẹt mủ mít là bắt được ve dù nó ở trên cành cây cao”, bà Bang chia sẻ.

“Mủ mít được ưa thích hơn cả bởi dễ tìm thấy ở bất cứ nhà vườn nào, mít cám không ăn được nhưng mủ thì dính vô cùng, mủ mít dính vào cánh ve sầu là hết bay đi được. Ngày xưa ngoài cây măng cụt thì cây bồ kết, nhãn cũng rất được ve sầu đậu nhiều. Hình như chỉ có nhựa từ những cây ấy làm chúng thích thú”, bà Bang cho biết thêm.


Cây măng cụt rất được ve sầu ưa thích bởi nhựa cây ngọt

Đang trò chuyện với bà Bang, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Nam Anh (38 tuổi, đường Kim Long – Huế) đang soi đèn pin tìm nhộng ve trong vườn cây bà Bang, chúng tôi được anh chia sẻ: “Cứ hè về là mình lại chuẩn bị đồ nghề (đèn pin, túi ni lông) để đi soi nhộng ve. Tranh thủ ban đêm rảnh rỗi mình đi tìm nhộng ve. Nhộng ve sầu khi chế biến có hương vị thơm thơm như sữa, giòn. Ăn ngon hơn so với khi chúng lột vỏ xong”.

“Kỉ niệm mà mình nhớ nhất là đi soi nhộng ve mà bị nhầm là ăn trộm, sau này rút kinh nghiệm mỗi lần trước khi vào vườn nhà họ thì xin phép chủ nhà rồi mới đi soi. Mình soi nhộng ve không phải để buôn bán mà dành để ăn thôi, nghe nói nhộng ve bổ lắm”, anh hóm hỉnh. Được biết, anh Nam Anh là người quen ở vườn bà Bang mỗi khi hè về. “Lúc trước nhà bà Bang có 7 – 8 cây măng cụt, sau này còn lại 3 cây, may là ve sầu ưa cây này nên còn có mà soi”, anh Nam Anh tâm sự.

Cuộc trò chuyện đang sôi nổi thì giọng anh chùng xuống: “Lúc trước đi thành từng nhóm 5 – 6 đứa, vui lắm. Đã vậy nhộng ve nhiều, trung bình 10 – 15 nhộng ve/ cây. Nhưng giờ thì ít hẳn, vườn cây ít nên soi nhộng ve không được nhiều nữa. Bây giờ một cây măng cụt mà có 3 – 4 nhộng ve là khá lắm rồi.”

Mùa hè về mang theo tiếng ve, trong tâm trí những người xưa thì soi nhộng ve là thú vui gắn với thời thơ ấu. Tuy nhiên, trước thực trạng những chú ve sầu ngày càng ít đi như hiện nay thì cần phải bảo tồn, duy trì để những thế hệ sau biết đến chú ve, biết đến nhộng ve và hào hứng mỗi khi tiếng ve cất lên báo hiệu mùa hè…

Xuân Đạt
(Theo TRT)

Similar Articles

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Là đô thị di dản, "Thành phố xanh quốc gia", cố đô Huế có hệ

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân

Màu tết ở Đông Ba

Màu tết ở Đông Ba

Tết Nguyên đán đã đến gần. Những ngày này, cùng với tiết trời hửng nắng

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose