Văn hóa Huế | Homepage

Từ khúc quành Thiên Mụ

🕔21.Jun 2017

Thức dậy theo âm thanh tiếng ve mùa hạ, đạp xe thong dong trên cầu Bạch Hổ, qua Kim Long rồi tới chùa Thiên Mụ, một vùng ánh sáng mơ hồ tưởng như đã im hơi lộ ra khiến tôi không dối được lòng mình. Rằng, chính từ nơi khúc quành Thiên Mụ ấy, tôi thấy Huế hiện về nguyên vẹn nhan sắc một Cố đô thực sự của Đàng Trong.

Đậm đặc nhất trong khí quyển khúc quành ấy, theo cảm nhận của riêng tôi, không phải chỉ là phong cảnh hữu tình của non sông xứ Huế mà là một vùng không gian tâm linh đượm màu Phật giáo với các nghi thức cổ truyền vốn là những thuộc tính của folklore Huế như Phật đản, Vu lan, Tết… Hẳn nhiên, điểm xuyết khẽ khàng trong màu sắc tôn giáo ấy còn là những tiếng cựa mình của bờ cây bến nước lẫn trong tiếng ghe thuyền khoan nhặt sớm hôm. Đối diện với sông Hương khi mặt trời chưa kịp rạng, thấy từng đàn chim di cư bay về phía Nguyệt Biều, hình hài dung mạo đậm nét gầy mảnh trầm luân.

Có những người chưa từng gặp nhau trên cõi sống nhưng đã đối thoại với nhau trên cõi mộng. Tôi nghĩ vậy khi nhớ tới câu chuyện về chúa Nguyễn Hoàng đã chọn đồi Hà Khê là nơi dựng chùa, trùng phùng với lời truyền tụng của dân gian về bà mụ mặc áo đỏ quần lục tiên đoán về vị minh chủ hàng đêm. Cõi mộng ấy không phải khép lại mà mở ra một triển lãm sinh thái với vô vàn sự run rẩy, động đậy, lo toan của đô thị cổ xưa nhất Đàng Trong. Từ khúc quành Thiên Mụ, Huế như ở trong một trạng thái tĩnh lặng, kiệm lời, mờ ảo như sương.

Huế ngủ trong ký ức của người già về nẻo đường vắng người lui tới lúc sang canh ngày mới. Khi ấy, ta phải chầm chậm từng bước chân để được nhìn thấy bóng áo nâu của vị sư già niệm Phật, nụ cười hiền lành của người già bán khoai sắn nhìn heo hút ra sông, cành hoa giấy bung nở ngơ ngác sau mưa dài ngày thối đất… Dẫu có ở trong lễ nghi đình đám thì vẫn có nhiều phút giây, Huế tìm một chỗ thật vắng vẻ yên tĩnh cho mình.

Huế ngủ trong sương sớm sông Hương. Để từ đó nghe rõ hơn tiếng than thở ở rìa sông của những người nghèo khó. Phía sau, những đứa trẻ dân vạn đò tóc ướt hát vang những giai điệu bình minh châu thổ. Chúng chưa phải lo lắng về bão lụt và sinh nhai.

Huế ngủ trong ngàn lá im sương, những hàng cây rì rầm xuyên bóng tối. Vì ẩn sâu trong khuôn diện ấy là tiếng nước trà trong vắt ngọc tuyền bay hơi vào buổi sáng, khuôn mặt xuân thì pha chút ốt dột của đôi người em gái đang xập xoè mặc áo mới tuổi tròn trăng…

Mỗi khi ngồi ở khúc quành ấy vào một sương sớm ban mai, ngỡ như được dẫn lối vào một cõi mộng màu hoàng hoa, lấp lánh ánh sáng mà ngỡ như quằn quại ánh sáng, im lặng thâm u và không vương một chút tục lụy nào. Im lặng đến nỗi tưởng như nghe được lời của những con sâu rủ nhau đi ăn lá.

Có chiếc lá khô rớt lại trên vũng nước mưa đêm qua. Chú tiểu khua chổi nhẹ hớt lấy chiếc lá để không gây ra tiếng động. Huế sau một đêm êm như ru với trăng mềm sương nõn, sáng sớm chìm trong la đà tiếng cầu kinh nhật tụng của sư tăng. Tôi rón rén bước tới phòng đọc kinh buổi sáng như đứa trẻ nhà quê lén lút đứng hàng rào ngó vào lớp học của thầy đồ, lòng tự hỏi nỗi buồn thực sự của người tu hành là gì. Khi mà người đã hết bàng hoàng, đã hết sân si, giờ chỉ thấy người lặng lẽ. Người sẽ đứng lên khi đã nhạt tuần trà.

Mắt người như một rừng mưa.

Nguyên Hương
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Nạn vẽ bậy lên di tích Kỳ Đài trước Kinh thành Huế đã kéo dài

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose