Văn hóa Huế | Homepage

Nhà thờ chính tòa Phủ Cam: Điểm đến không thể bỏ qua khi tới Huế

🕔06.Dec 2017

Đến Huế, du khách nghĩ ngay tới các địa danh nổi tiếng như: Đại Nội – Kinh thành Huế, chùa Thiên Mụ, sông Hương, cầu Trường Tiền, lăng tẩm của các vị vua… Nhưng đến Huế, mà chưa tới Nhà thờ chính toà Phủ Cam, ra về hẳn còn chút gì thiếu vắng…

Cuốn kinh thánh mở rộng

Nhà thờ Phủ Cam là nhà thờ chính tòa của Tổng Giáo phận Huế, tọa lạc trên đồi Phước Quả, thuộc địa phận phường Phước Vĩnh, thành phố Huế. Đây là một trong những nhà thờ lớn, nổi tiếng và lâu đời nhất tại Huế. Ngôi nhà thờ ngày nay được xây theo lối kiến trúc hiện đại, do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế.

Nhà thờ Phủ Cam năm 1930. (Ảnh: Internet)

Nhà thờ Phủ Cam năm 1930. (Ảnh: Internet)

Do tác động của hoàn cảnh lịch sử, phải qua ba đời Giám mục – từ Tổng Giám mục Ngô Đình Thục đến Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền và Tổng Giám mục Nguyễn Như Thể với gần 40 năm xây dựng, nhà thờ chính tòa Phủ Cam mới hoàn thành với diện mạo như hiện nay.

Nhà thờ chính tòa Phủ Cam là một công trình giàu tính biểu đạt, mặt đứng như một cuốn kinh thánh mở rộng, mặt bằng xây dựng mang dạng một Thánh giá: đầu Thánh giá hướng về phía nam, chân Thánh giá hướng về phía bắc và ở gần đầu hơn, hai bên vươn ra hai cánh Thánh giá. Nhìn tổng thể các đường nét, nhà thờ như hình tượng một con rồng vươn thẳng lên trời, vừa mạnh mẽ nhưng cũng rất thanh thoát nhẹ nhàng, mang đầy tính nghệ thuật và tôn giáo.

Bên trong nhà thờ. (Ảnh: huetourism.vn)

Bên trong nhà thờ. (Ảnh: huetourism.vn)

Lòng nhà thờ rộng, có thể chứa được 2500 người đến dự lễ. Có hai dãy cửa gương màu nằm ở phần trên bên trong lòng nhà thờ cung cấp ánh sáng cho nội thất. Nhà thờ được kết cấu theo kỹ thuật xây dựng hiện đại, nhưng trang trí thì phần lớn vẫn theo nghệ thuật cổ điển Tây phương. Các trụ đỡ mái được đúc sát vào hai chân tường trong của nhà thờ, uốn dần ra phía trước khi vươn cao lên, rồi nối lại với nhau từng cặp bằng một đường cong trên đỉnh, mềm mại như những bàn tay đang chắp lại để cầu nguyện.

Không khí giáng sinh ở nhà thờ Phủ Cam. (Ảnh: dantri.com.vn)

Không khí giáng sinh ở nhà thờ Phủ Cam. (Ảnh: dantri.com.vn)

Đặc biệt là ở phần Cung thánh, từ mỗi một trong 4 góc, đều có 3 trụ đỡ vươn dần ra, như những bàn tay muốn nắm lấy nhau, tạo thành một không gian đủ rộng để ôm kín bàn thờ. Cung thánh là một hình tròn có các cấp đi lên, trên cung là một hình tròn nhưng nhỏ hơn với bàn thờ. Bàn thờ bằng đá cẩm thạch nguyên khối lấy từ Non Nước – Đà Nẵng, đặt trên một viên đàn (hình tròn) có ba cấp tượng trưng cho tam tài: Thiên – Địa – Nhân, một yếu tố trong kiến trúc Phương Đông, là nơi đặt bục giảng của các linh mục… và các ghế ngồi cho những người hành lễ.

Điểm tô cho thành phố Huế cổ kính

Đến với mảnh đất cố đô, du khách được đắm mình trong không gian của đền đài, lăng tẩm với vẻ cổ kính, thâm trầm. Bên cạnh đó, bạn sẽ thực sự ngạc nhiên với một địa chỉ có vẻ như lạc lõng ở nơi này nhưng lại khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng vì vẻ đẹp của công trình nổi bật ngay giữa lòng thành phố – nhà thờ chính tòa Phủ Cam. Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, vẻ đẹp trong lối kiến trúc của nhà thờ này vẫn luôn hiện hữu và thách thức với thời gian.

Nhà thờ Phủ Cam góp phần tô điểm cho thành phố Huế cổ kính thêm hiện đại và độc đáo.

Nhà thờ Phủ Cam góp phần tô điểm cho thành phố Huế cổ kính thêm hiện đại và độc đáo.

Là nhà thờ chính tòa của Tổng Giáo phận Huế, nhà thờ Phủ Cam cũng là một trong những địa điểm nổi tiếng hàng đầu ở Huế mỗi mùa Noel. Không chỉ có những tín đồ của Thiên chúa giáo, du khách khắp nơi đến đây đều muốn một lần ghé thăm nhà thờ. Theo thống kê, mỗi năm có đến hàng vạn du khách đến tham quan công trình kiến trúc độc đáo này.

Nhà thờ chính tòa Phủ Cam là điểm đến quen thuộc không chỉ cho những người theo đạo Thiên Chúa mà cho cả những du khách khi đến tham quan xứ Huế. Một vẻ đẹp riêng, vừa uy nghiêm, vừa thanh thoát đã góp phần tô điểm cho thành phố Huế cổ kính thêm hiện đại và độc đáo.

Nguyên Hà
(Theo Cinet.vn)

Similar Articles

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Nạn vẽ bậy lên di tích Kỳ Đài trước Kinh thành Huế đã kéo dài

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose