Văn hóa Huế | Homepage

Tháng giêng – nhìn từ Huế

🕔12.Mar 2018

Sau tết, một nhóm du khách từ Hà Nội vào chơi Huế. Khi vào thăm chùa, họ nhờ hướng dẫn viên mua giúp cho một mâm lễ vật để cúng Phật. Hướng dẫn viên mua một bó hoa và ít trái cây. Nhóm khách bảo sao không mua mâm lễ vật có vàng mã và tiền lẻ. Hướng dẫn viên nói ở Huế không có mâm lễ vật như vậy. Đến trước cổng chùa, họ mới tin điều hướng dẫn viên nói. Đến khi bày trái cây cúng Phật, nhóm khách liền mở ví lấy ra một số tiền bỏ vào mâm cúng. Hướng dẫn viên liền bảo họ đừng làm vậy, nếu có lòng thành cúng dường thì cứ bỏ vào thùng công đức. Các vị khách lại trố mắt ngạc nhiên. Vào điện lễ Phật rồi tham quan chùa, khách lại đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, sao cũng là chùa mà chùa Huế khác hẳn chùa ngoài Bắc Bộ vậy. Họ ngạc nhiên là vì chùa Huế không có vàng mã, không có tiền lẻ, người dân niệm Phật thì trong lặng lẽ, cảnh chùa thanh tịnh ngay giữa tháng Giêng – tháng lễ hội.

Bà con phật tử nghe giảng pháp & sinh hoạt nhân Lễ Vu lan tại Tổ đình Ba La Mật

Đại đức Thích Không Nhiên – Phó chủ biên kiêm Thư ký tạp chí Liễu Quán, đã đưa ra lý giải về việc chùa Huế không vàng mã, không tiền lẻ, và không “nhuốm mùi tục lụy” như nhiều nơi hiện nay. Theo nhà sư, Huế là vùng đất đã từng tồn tại một triều đại quân chủ gần nhất nên văn hóa cung đình vẫn còn sâu đậm. Văn hóa cung đình đã chuẩn hóa nhiều ngôi quốc tự ở Huế, nơi mà các vị cao tăng trú trì, và các vị cao tăng ấy lại là Tổ sư sáng lập của nhiều ngôi Tổ đình lớn ở Huế. Từ đó, chùa chiền, tăng ni, phật sự ở Huế được đặt trong một quy chuẩn chặt chẽ. Đặc biệt, chính công cuộc chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ 20, với chủ trương và quyết tâm chuẩn hóa Phật giáo của Hội An Nam Phật học (tại Huế) đã mang lại những kết quả vượt bậc, và kết quả đó là sâu bền nhất cho đến tận hôm nay.

Ngoài nguyên nhân như thầy Không Nhiên lý giải, theo chúng tôi còn do cái gốc văn hóa truyền thống của Huế; đó là tính cách hiền lành, từ tốn của người Huế, là nề nếp gia phong, họ tộc và tôn ti trật tự theo phép tắc Nho giáo vẫn còn duy trì ở đất này… Vì vậy, người Huế lên chùa với tâm lương thiện, lòng chân thành, ngay cả kẻ thực dụng, phô trương cũng rì rầm “cầu xin đức Phật” trong miệng chứ không dám nói to. Lễ hội ở Huế không có cảnh cướp lộc, tranh ấn, không có cảnh dẫm đạp nhau, ăn chực nằm chờ vật vờ ở các đền miếu để cầu xin Phật, xin thần linh tài lộc, sức khỏe.

Xứ Huế – đất thần kinh, tức là “kinh đô của thần thánh” – cho đến nay vẫn là vùng đất còn duy trì nhiều lễ nghi thờ tự, cúng bái, nhưng lại ít thấy hình ảnh mê tín đến mù quáng, thậm chí kỳ dị như vàng mã “chân dài”, tiền lẻ nhét vào tay Phật…

Đó chính là vẻ đẹp vốn dĩ của Huế, vì gốc rễ sâu bền nên khó phai tàn. Là nghệ thuật sống của người Huế, trọng tinh thần hơn vật chất, chăm lo di dưỡng tâm hồn hơn là thể xác. Đó là lý do mà khách thập phương quý trọng người Huế và cũng chính là sức hấp dẫn để thu hút du khách bốn phương…

Thành kính, trang nghiêm trước giờ hành lễ mừng Phật đản tại chùa Từ Đàm (Huế)

Tất nhiên, đó là cái nhìn về số đông. Vẫn có một bộ phận người Huế hôm nay không mang vẻ đẹp đó. Và nhớ rằng, vẻ đẹp đó “khó phai tàn”, chứ không phải là “không phai tàn”, nếu người dân Huế, chính quyền Huế không đồng lòng và nỗ lực gìn giữ.

Hình ảnh hàng ngàn người dân cúi đầu xì xụp cùng với những chai nước Aquafina cắm nhang khói nghi ngút dưới tượng đài Quan Âm trên núi Tứ Tượng (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy) để cầu xin Phật bà phù hộ thành “nước cam lồ” trong những ngày đầu tháng Giêng vừa qua, khiến ngay cả các nhà sư cũng lắc đầu. Sau khi cầu xin, vỏ chai “nước cam lồ” vứt lăn lóc như một bãi rác.

Hình ảnh đám đông kéo nhau đến chùa Ba Đồn (Huế) trong ngày đầu năm để xin xăm, khiến cho những phật tử thuần thành không khỏi xót xa. Và không chỉ chùa Ba Đồn, mà còn một số chùa chiền, đền miếu, am điện… khác ở Huế cũng tấp nập người đến bói toán trong suốt tháng Giêng. Sau bói toán là lo âu, và cúng bái suốt năm. Ngày rằm tháng Giêng, vẫn có chùa bày mâm cúng dâng sao, giải hạn.

Nạn mê tín dị đoan ở Huế không ồn ào, phô trương như nhiều nơi khác. Nó kín đáo và âm ỉ, như tính cách của Huế. Vì vậy, xin đừng chủ quan với “căn bệnh mạn tính” mà triệu chứng đã không còn bày ra dữ dội. Ranh giới giữa tín ngưỡng dân gian với mê tín dị đoan rất mơ hồ, nên sẽ rất khó cho nhà nước trong việc quản lý. Nhưng phải kiểm soát được diễn biến này thì mới có thể giữ được không gian trong lành, thanh tịnh cho ngôi chùa Huế, cho tín ngưỡng dân gian đậm đà bản sắc văn hóa xứ Huế trong dòng chảy xô bồ của thời cuộc hôm nay.

Bài: Diên Thống – Ảnh: Minh Đăng
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Đặc sản của Huế

Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân

Màu tết ở Đông Ba

Màu tết ở Đông Ba

Tết Nguyên đán đã đến gần. Những ngày này, cùng với tiết trời hửng nắng

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Ngay từ những ngày đầu tìm đất lập làng, người Việt nói chung, người Việt

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Trả lời cho câu hỏi này của tôi, nhiều chủ vườn có nhãn ở Kim

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose