Văn hóa Huế | Homepage

Nhớ màu lá xanh

🕔12.Jul 2018

1. Sáng nay, chị giúp việc mua lên một gói xôi bắp. Cũng là xôi bắp như mọi khi tôi mua ngoài hẻm, nhưng gói xôi bắp của chị nhìn mộc mạc và đẹp mắt quá chừng bởi nó được gói trong lá chuối xanh.

Giữa màu lá xanh ấy, màu vàng rộm của đậu xanh rải bên trên những hạt bắp trắng bỗng trở nên nổi bật và bắt mắt làm sao. Gói muối vừng và đường ăn kèm cũng nhỏ nhỏ xinh xinh, lạ bởi được buộc bằng dây lá chuối chứ không phải sợi cao su thông thường. Dường như người bán xôi bắp đã bỏ cả tâm tình của mình vào gói xôi bắp nhỏ.

Xôi bắp được gói bằng lá chuối xanh nhìn mộc mạc và đẹp mắt

Nhìn gói xôi bắp lá chuối của chị, tôi bỗng nhớ lại ngày thơ bé, mẹ thường giao cho tôi nhiệm vụ đi mua xôi bắp ăn sáng cho cả nhà. Ở nhà tập thể lại ở tít trên tận tầng 3, muốn mua xôi bắp phải xuống ba tầng lầu rồi đi vòng lui dãy nhà phía sau mới gặp được cô bán xôi bắp nhưng tôi luôn hào hứng nhận “nhiệm vụ” này. Lý do đơn giản là vì tôi thích cảm giác được cầm trong tay và ngắm nhìn những gói xôi bắp nhỏ trong lá chuối xanh.

Không chỉ xôi bắp được gói trong lá chuối, hồi đó, măng chua và nhiều thứ lặt vặt khác ở chợ cũng được gói bằng lá chuối, mộc mạc và thân thiện với môi trường biết nhường nào. Màu lá chuối xanh còn gắn liền với tuổi thơ tôi trong những trò chơi trốn tìm, tán lá chuối xanh nơi góc vườn nhà của các hộ dân sống ở tầng một khu tập thể đã trở thành nơi ẩn nấp lý tưởng của đám trẻ chúng tôi thời bấy giờ.

Giờ đây, thỉnh thoảng nhớ màu lá xanh, tôi lại nhờ chị giúp việc mua giúp vài gói xôi bắp gói bằng lá chuối cho cả nhà.

2. Cuộc sống hiện đại, thay cho màu lá xanh là sự phổ biến của những bì ni lông công nghiệp xanh đỏ đủ màu. Bao bì ni lông tiện lợi đến nỗi chẳng còn mấy người dân giữ thói quen xách giỏ nhựa đi chợ. Để góp phần giảm lượng túi nilon thải ra môi trường, nhiều siêu thị đã khuyến khích người dân sử dụng túi giấy thân thiện với môi trường. Nhưng dù các quầy tính tiền ở siêu thị luôn treo sẵn loại túi giấy này thì cũng chẳng mấy khách hàng bỏ tiền ra mua khi siêu thị vẫn cung cấp túi ni lông miễn phí cho khách hàng.

Chợt nhớ hình ảnh con cá voi hoa tiêu bị mắc kẹt trong một con kênh thuộc một tỉnh ở miền Nam Thái Lan. Chú cá cuối cùng đã không thể sống sót vì nuốt phải hơn 80 túi ni lông đựng rác. Vụ việc chú cá voi chết vì túi ni lông đã gây chấn động trên thế giới và thu hút được sự chú ý nhiều hơn đối với vấn đề rác thải ni lông tại môi trường biển. Một thông tin đáng chú ý đã được một nhà sinh vật học Thái Lan đưa ra ngay sau vụ việc này là, hàng năm ít nhất 300 loài động vật biển, bao gồm cá voi hoa tiêu, rùa biển, cá heo… mất mạng vì túi ni lông.

Một con số đáng báo động khác được tổ chức phi chính phủ Plastic Oceans đưa ra, đó là có đến 300 triệu tấn nhựa dẻo được sản xuất mỗi năm, và có đến một nửa trong số đó là sử dụng một lần. Hàng năm có hơn 8 triệu tấn túi ni lông bị thải ra biển… Như vậy trong tương lai không xa không biết sẽ còn bao nhiêu loài sinh vật biển, sinh vật sống ở sông, hồ,… sẽ tiếp tục mất mạng? Đó là chưa nói đến vấn nạn ô nhiễm túi ni lông đã trở nên vô cùng khủng khiếp trên đất liền.

Nếu lá xanh, túi giấy được sử dụng nhiều hơn và quan trọng là tự mỗi người dân có ý thức trong việc bảo vệ môi trường sống của chính mình và con cháu chúng ta thì cuộc sống này sẽ xanh biết chừng nào…

Đỗ Ngọc
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose