Văn hóa Huế | Homepage

Rảo bước cùng Huế

🕔07.Oct 2018

Hãy xem Huế là một không gian du lịch và ở đó có rất nhiều những không gian nhỏ và những điểm đến du lịch cụ thể. Đó là cách để chúng ta xây dựng các tour du lịch dành riêng cho các không gian du lịch nhỏ, kiểu như Gia Hội.

Nhằm đa dạng hóa các hoạt động, một tour du lịch đã được đưa vào khai thác với tên gọi “Rảo bước cùng Huế”. Phương tiện chính của tour này là bằng đường đi bộ, với lộ trình 2 giờ, khởi hành từ Khách sạn Century, với chương trình tham quan: Đại học Sư phạm, cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế… giúp du khách trải nghiệm những điều thú vị, những vẻ đẹp của vùng đất và con người Huế, cũng như quá trình phát triển của thành phố Huế nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.

Chưa bàn tới những điểm đến trong tour du lịch này ra sao, đã đặc biệt và hấp dẫn chưa, nhưng tôi đã thực sự bị thu hút bởi 2 chữ “rảo bước”, có vẻ như nó đã chạm được vào nét riêng có của du lịch văn hóa Huế. Theo cách giải thích thông thường của từ điển Việt, “rảo bước” là đi bộ nhưng đi bằng những bước nhanh, gấp và liền một mạch, theo kiểu “nói xong, liền rảo gót quay đi”. Xưa đâu có xe cộ nhiều, đi lại chủ yếu bằng đôi chân và người Huế mình thường có thói quen “rảo bước”.

091027IMG_0721[1]
Nguồn: Internet

Cách nay 40 năm, tôi ở quê lên Huế học ở nội trú tại một cơ sở trên đường phố Chi Lăng. Buổi sáng đến trường, buổi chiều tự học và nghỉ ngơi. Tôi và anh bạn thân quê ở Quảng Điền thường rủ nhau đi bộ lang thang, gọi đùa là khám phá Huế. Hành trình của chúng tôi bắt đầu từ phố Gia Hội, nơi mình đang ở. Thì ra, đó là vùng đất thiêng với bao điểm đến hấp dẫn, như cách nói của những người làm du lịch. Sau này có dịp đàm đạo cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, nghe ông “điểm danh”  các di tích ở Gia Hội mà giật mình, ừ hí mình đã đến đó cách nay mấy chục năm rồi.

Thử tính theo ông Xuân nơi Gia Hội sẽ thấy có một loạt dinh thự của các ông hoàng, bà chúa, các quan chức cao cấp trong triều đình Huế, từ Phủ thờ Thượng thư Nguyễn Đình Hòe, Phủ gia Hưng Vương, Phủ bà Chúa Nhất, đến Phủ Vĩnh Tường Quận vương, Ngọc Sơn Công chúa… Ở đây có chùa Diệu Đế, được vua Thiệu Trị liệt hạng là một trong “hai mươi thắng cảnh của đất thần kinh”; chùa Trường Xuân được xây dựng dưới thời các chúa Nguyễn; nhà thờ tổ Thanh Bình của ngành hát bội được công nhận di tích văn hóa cấp quốc gia… Khu phố cổ còn có một kiến trúc nhà ở của người Ấn Độ duy nhất còn sót lại ở Huế. Mật độ dày đặc như thế, chẳng hay ho chi chuyện xe cộ đưa đón rình rang, tốt nhất là dăm ba anh em mình túc tắc rảo bước, ghé qua từng nơi thăm thú!

Còn liền kề với Gia Hội là Thành Nội, nơi có cung vua, phủ đệ và rất nhiều di tích văn hóa lịch sử rất thích hợp cho ai đó muốn khám phá bằng đôi chân. Có thể dành một buổi hay trọn một ngày để rảo bước, lang thang và nghỉ trưa ở một ăn nào đó, khiêm tốn thôi nhưng rất đặc sắc và có rất nhiều ở nơi đây. Tôi từng đi du lịch nhiều nơi ở Trung Quốc. Nhìn chung, du lịch ở nhiều thành phố của đất nước này giống Huế là có nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh thắng. Nó cũng đặc biệt ở chỗ phải đi bộ và “rảo bước” nhiều. Thăm Cố cung Trung Hoa hay Vạn Lý Trường Thành không có cách nào hơn là đi bộ để toát mồ hôi và mỏi nhừ. Một phần xe cộ không thể phục vụ du khách được nhưng đáng nói hơn là chỗ mô cũng đáng xem mà lại cứ dày đặc và liên hoàn.

Hãy xem Huế là một không gian du lịch và ở đó có rất nhiều những không gian nhỏ và những điểm đến du lịch cụ thể. Đó là cách để chúng ta xây dựng các tour du lịch dành riêng cho các không gian du lịch nhỏ, kiểu như Gia Hội. Ở đó, với khoảng cách di chuyển không quá xa giữa các điểm đến, là cơ sở để hình thành nên nhưng tour đi bộ với số lượng du khách vừa phải, chừng dăm ba người có thể rảo bước. Còn nữa, quan sát kỹ thấy Huế giờ chưa thật phát triển nhưng đã ồn ào và chật chội lắm rồi. Trong bối cảnh đó, đi bộ cũng là cách tổ chức hoạt động du lịch nhẹ nhàng, không tốn kém và gây phiền phà, đặc biệt góp phần giữ gìn môi trường trong lành của vùng đất Hương Ngự.

Đan Duy
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Nạn vẽ bậy lên di tích Kỳ Đài trước Kinh thành Huế đã kéo dài

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose