Văn hóa Huế | Homepage

Tiếng thinh không

🕔16.Jan 2019

Nhà tôi ở gần chùa Ba La Mật (thôn Tây Thượng, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang). Từ nhỏ, tôi thường lấy tiếng chuông công phu vào lúc 4 giờ sáng của các thầy làm chuông báo thức dậy học bài. Tiếng chuông đi vào tâm thức của tôi nhẹ nhàng, từng ngày một thấm dần như một niềm an yên.

Tôi vào đại học, lập gia đình và cũng rời xa luôn tiếng chuông chùa làng hiền lành lúc 4 giờ sáng lúc nào cũng không hay. Nhưng có một góc bình yên nào đó trong tâm hồn mình mà tôi không tài nào lý giải nổi đã giúp tôi luôn bình tĩnh, nhường  nhịn những tranh đua trong cuộc sống. Cho đến một buổi sớm mai ở thành phố Đà Lạt, tôi bắt gặp tiếng chuông công phu lúc 4 giờ sáng của một ngôi chùa nhỏ gần homestay tôi ở lại. Tôi mừng như gặp lại người bạn tri âm lâu ngày và nhận ra mình đã để thất lạc tiếng thinh không ấy quá lâu.

Đà Lạt đón tôi một sớm mai bình yên như thế, những chộn rộn trong lòng của chuyến đi du lịch một mình cũng dần lắng lại! Tôi nằm im lắng nghe từng hồi chuông, thong thả, bình an. Trời vẫn còn chưa sáng hẳn, tôi muốn tìm hướng của ngôi chùa nên đứng dậy mở của sổ, tôi không chỉ nghe mà như còn nhận thấy tiếng chuông bao trùm lên tất cả những mái nhà chập chùng cao, thấp theo thế núi của Đà Lạt, những hàng cây xa xa. Lần đầu tiên, tôi nhận ra sự “rộng lớn” của tiếng chuông chùa và cảm nhận có sự hiện hữu quanh đây phép mầu nhiệm của sự tỉnh thức, rằng “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”, sống tử tế với những người chung quanh mà không đòi hỏi điều gì.

Cách đây hai năm, tôi cần cảnh phim tiếng chuông Thiên Mụ. Để có hình ảnh tiếng chuông công phu sớm của chùa, chúng tôi khởi hành từ lúc 3 giờ sáng. Hôm đó, ánh trăng chiếu xuống dòng sông tạo vệt dài màu bạc trên mặt nước thẫm đen, lòng sông như rộng ra. Trên tháp chuông cao, một thầy trẻ gióng từng hồi chuông an lạc. Thành phố thật yên tĩnh. Từng tiếng chuông vang xa, tôi như nhìn thấy tiếng chuông đi la đà trên mặt nước rồi lặn vào dòng sông. Tôi đã để tâm mình trôi trong tiếng chuông không nhận ra xung quanh các anh em quay phim cũng đang “thả trôi” như thế. 108 tiếng chuông công phu sớm, đều đặn mỗi ngày… Hơn 400 năm qua, hàng triệu tiếng chuông chùa Thiên Mụ đã âm thầm nhuộm thiền dòng Hương, âm thầm thả vào thinh không sự an lạc và từ tâm, góp phần hình thành nên nét tính cách hiền lành, sâu lắng của người dân Huế.

Trong đời có những thứ hiển nhiên đến mức chúng ta không nhìn ra sự tồn tại của nó như là không khí, như là hơi thở. Tiếng chuông thinh không đã vén ra cho tôi thấy tất cả vẻ đẹp đơn sơ và dịu dàng của đời sống, giúp tôi nhận ra sự mầu nhiệm của thư thái, bao dung và yêu thương. Chúng ta đang sống cùng nhau trên một hành tinh, trong một cuộc tồn tại vĩ đại. Chúng ta gắn kết với nhau bằng tiếng thinh không của trái tim, đó là sự cảm thông và chia sẻ những nỗi đau từ sự mất mát, từ thiên tai, từ chiến tranh; là niềm vui và hạnh phúc khi được cho đi và nhận lại yêu thương.

Xuân An
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose