Văn hóa Huế | Homepage

Mặc để giữ lại áo dài

🕔09.Aug 2020

Chỉ một ngày ngay sau Hội thảo khoa học “Huế – Kinh đô Áo dài Việt Nam”, giữa tuần qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc, Hệ 9 Tiền biên tổ chức húy kỵ lần thứ 255 và tri ân Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1765 – 2020) tại lăng Trường Thái và Triệu Tổ Miếu. Không bao lâu nữa, Ngày hội Áo dài Huế là điểm nhấn độc đáo tại Festival Huế 2020. Và tôi nghĩ, 2020 này sẽ có ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong lịch sử của chiếc áo dài Việt nói chung và áo dài Huế nói riêng.

Đã thấy thấp thoáng hình ảnh áo dài thướt tha, mỏng manh như cánh bướm trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, Hòa Bình… cách nay 3.000 năm trước. Thế nhưng, sẽ không bất ngờ khi lịch sử áo dài chỉ chính thức được xác định vào năm 1774 khi Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát ban hành sắc dụ về ăn mặc cho xứ Đàng Trong. Đó là lần đầu tiên, chiếc áo dài (áo ngũ thân) được định hình: “Thường phục thì đàn ông, đàn bà dùng áo lập lĩnh ngắn tay, cửa ống tay rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền, không được xẻ mở. Duy đàn ông không muốn mặc áo cổ tròn ống tay hẹp cho tiện khi làm việc thì được phép…” (Đại Nam Thực lục tiền biên). Rồi phải hơn 50 năm sau đó, vua Minh Mạng quyết liệt thay đổi trang phục và áo dài được dùng rộng rãi trong cả nước.

Mỗi dân tộc trên thế giới đều có một loại trang phục truyền thống mà chỉ cần nhìn cách phục sức của họ, chúng ta có thể nhận biết họ thuộc quốc gia nào. Nếu người Nhật Bản có Kimono, người Hàn Quốc có Hanbok, người Trung Quốc có sườn xám… thì người Việt Nam lại hãnh diện khi mang trên mình chiếc áo dài. Hơn 2 thế kỷ rưỡi qua, áo dài Việt đã đi qua một hành trình dài. Vậy nên, việc tổ chức lễ tri ân Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát là cách tưởng nhớ công lao của một người đã có công định chế và cũng là cách nhận diện Huế với tư cách chiếc nôi đã sinh sản, nuôi dưỡng chiếc áo dài Việt Nam.

Trong niềm phấn khích, người ta nói nhiều đến việc cần làm để xây dựng giá trị thương hiệu. Và tôi đã nhớ tới nhà thiết kế Sĩ Hoàng khi anh khi cho rằng, áo dài là văn hóa mặc của người Việt Nam, muốn giữ được văn hóa đó bạn phải mặc. Mặc áo dài không chỉ để đẹp, mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân. Văn hóa chỉ được bảo tồn chắc chắn, phát huy được giá trị khi được sống trong lòng đời sống hằng ngày. Văn hóa của mình mà mình không tự giữ lấy thì chẳng ai giữ cho mình!

Tôi nghĩ, người Huế đã hiểu rõ điều này khi đã và đang tích cực hưởng ứng thư ngỏ của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ vận động cán bộ công sở, giáo viên, học sinh, sinh viên trên toàn tỉnh cùng mặc áo dài ít nhất 2 ngày/tuần. Người ta đã bắt đầu nhìn thấy ông Thọ cùng nhiều vị quan chức lãnh đạo tỉnh trang trọng, tự nhiên và gần gũi trong bộ khăn đóng áo dài dự lễ tri ân Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát, tiếp khách quốc tế và nhiều lễ hội lớn nơi đất Thần kinh.

Đan Duy
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Là đô thị di dản, "Thành phố xanh quốc gia", cố đô Huế có hệ

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Huế và hoàng mai

Huế và hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu

Đặc sản của Huế

Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Ngay từ những ngày đầu tìm đất lập làng, người Việt nói chung, người Việt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose