Văn hóa Huế | Homepage
Bùi Giáng bình thơ – Phần 3: Thơ Xuân Diệu

Bùi Giáng bình thơ – Phần 3: Thơ Xuân Diệu

🕔22.Sep 2013

Xuân Diệu 

Dường như thuở bấy giờ ông linh cảm rằng ngày mai chỉ còn đau khổ và tan nát trên mặt đất quê hương, nên trong tiếng thơ thanh xuân của ông, ông đã dốc hết ra một lần tất cả niềm vui và nỗi buồn của thời đại.

Gửi hương cho gió 

Biết bao hoa đẹp trong rừng thẳm
Đem gửi hương cho gió phụ phàng
Mất một đời thơm trong kẽ núi
Không người du tử đến nhằm hang

Hoa ngỡ đem hương gửi gió kiều
Là truyền tin thắm gọi tình yêu
Song le hoa đợi càng thêm tủi
Gió mặc hồn hương nhạt với chiều

Tản mác phương ngàn lạc gió câm
Dưới rừng hương đẹp chẳng tri âm
Trên rừng hoa đẹp rơi trên đá
Lặng lẽ hoàng hôn phủ bước thầm

Tình yêu muôn thuở vẫn là hương
Biết mấy lòng thơm mở giữa đường
Đã mất tình yêu trong gió rủi
Không người thấu rõ đến nguồn thương

Thiên hạ vô tình nhận ước mơ
Nhận rồi không hiểu mộng và thơ
Người si muôn kiếp là hoa núi
Uổng nhụy lòng tươi tặng khách hờ.
(Xuân Diệu)

Xuân Diệu có chỗ đặc biệt là: ông nói tới niềm bi đát tồn sinh, ông nói rốt ráo cùng cực, mà vẫn ẩn ẩn một chút mỉm cười mát mẻ. Những hình tượng ông vẽ ra bay múa rộn ràng khiến cho thảm kịch trở thành một ân huệ mưa móc. Nỗi đời gay cấn biến làm màu sắc phiêu du. Đoạn trường trở thành mùi hương rớt hột.

Người thi sĩ vốn tiềm tàng một chứa chất một tư lự hoằng viễn của những linh hồn thượng đạt, nên ngôn ngữ quay cuồng đủ hướng vẫn qui về thể thái phiêu nhiên niêm hoa vi tiếu của Khổng Tử điềm đạm trang nghiêm; niêm hoa vi tiếu của Như Lai heo hút man mác; niêm hoa vi tiếu của Long Thọ Bồ Tát và Heidegger đi bước nghiêm mật trừu tượng trong ngôn ngữ quẩn quẩn quanh quanh thoáng hiện thoáng ẩn: niêm hoa vi tiếu của Huy Cận suốt bình sinh thốt tiếng ngậm ngùi; niêm hoa vi tiếu của Trang Tử “mộ tứ nhi triêu tam, triêu tứ nhi mộ tam”. Niêm hoa vi tiếu của Xuân Diệu “lòng tôi đó một vườn hoa cháy nắng, xin lòng người mở cửa ngó lòng tôi”…

Biết bao hoa đẹp trong rừng thẳm
Đem gửi hương cho gió phũ phàng
Mất một đời thơm trong kẽ núi
Không người du tử đến nhằm hang

Trong kẽ núi? Là nơi chốn của những hang hốc ngổn ngang um tùm cỏ mọc. Hương hoa mất cả một đời thơm trong kẽ núi. Nghĩa là gió phũ phàng không đem hương hoa về đồng nội thôn làng thôn ổ, cho nhân gian tiếp đón. Gió phụ phàng đẩy hương vào trong kẽ núi tối om om, lạnh căm căm, chịu đọa đày trong quạnh hiu tù ngục. Một đời thơm mất đi trong kẽ núi đá đờ đẫn ra như thế, thì kể cũng đà thiểu não lắm thay. Còn khốn đốn hơn tình cảnh Thuý Kiều lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh. Bởi vì lênh đênh là trôi dạt. Trôi dạt thì còn dịp được tấp vào bờ. Hoặc còn mong lưu ly thì được gặp bàn tay tế độ của Thúc, của Từ… Mà cho dẫu không gặp bàn tay nào cả, thì riêng cái việc được lưu ly cũng là thơ mộng. Có chìm, có nổi, có dìu dặt, có nhấp nhô.

Còn như? Còn như cái sự tình mất một đời thơm trong kẽ núi, là cái sự tình ngột ngạt, không khác chi bị vùi chôn trong nấm mồ, chẳng khác chi cái nhà mồ Siêu Hình Học Âu Châu đã chôn vùi sấp ngửa Nerval Hölderlin.

Bị vùi chôn ngột thở, hy vọng có người du tử nào ngẫu nhiên đi nhằm hang trúng hố, mà cứu ra? Nhưng núi non thì trùng trùng điệp điệp, hang hố thì hàng triệu ngổn ngang, nằm ù lỳ trong tịch mịch.

Hy vọng được cứu thoát là hy vọng của tuyệt vô hy vọng.

Biết bao hoa đẹp trong rừng thẳm
Đem gửi hương cho gió phụ phàng

Biết bao hoa đẹp? Hoa đẹp của rừng thẳm rừng thiêng? Loại hoa đó không giống loại hoa của phồn hoa son phấn. Loại hoa đó u nùng như rừng thẳm âm u. Loại hoa đó mọc từ uyên nguyên vũ trụ. Từ giữa lòng tịch hạp của càn khôn.

Nó tin cậy đem ký thác tinh thể nó cho gió. Thấy gió phiêu bồng chịu chơi, nó hân hoan gửi hương cho gió. Thì đùng một cái, vừa gửi đi, thoắt thấy mình chết đắm. Tại sao gió không mang nó đi tỏa ra man mác bốn chân trời chân mây tứ hải. Gió lại chơi khăm đưa nó vào trong kẽ núi bịt bùng. Cái tiếng phụ phàng chọi lại đem gửi. Chọi một cách kịch liệt. Đem gửi? Đem ra mà gửi? Là tin cậy mới đem ra. Gửi đi là kỳ vọng.

Bốn câu tiếp chậm rãi nói ra sự tình trớ trêu cắc cớ:

Hoa ngỡ đem hương gửi gió kiều
Lá truyền tin thắm gọi tình yêu
Song le hoa đợi càng thêm tủi
Gió mặc hồn hương nhạt với chiều…

Mọi tiếng không một tiếng nào không nói ra cớ sự ảo não. Hoa bản chất vốn là phù du. Đợi nhiều như thế thì còn gì tinh thể của hoa:

Gió mặc hồn hương nhạt với chiều

Chiều là hoàng hôn. Hoàng hôn là đêm tối. Đêm tối là dặm khuya ngất tạnh mù khơi. Ngất tạnh mù khơi là câm nín. Không một âm thanh tương ứng vọng lại suốt rừng cao, lũng thấp, cồn bãi lè tè.

Tản mác phương ngàn lạc gió câm
Dưới rừng hương đẹp chẳng tri âm
Trên rừng hoa đẹp rơi trên đá
Lặng lẽ hoàng hôn phủ bước thầm

Gió câm? Gió sao lại câm? Nó câm bởi vì nó điếc. Nó không nghe cái lời. Nếu nó có nghe cái lời thì ắt nó không điếc. Nó không điếc thì ắt nó không câm. Nó không câm ắt nó thốt lời đáp.

Nhưng sự tình trái hẳn. Dưới rừng cũng như trên rừng, hai ngả đều lạnh giá câm nín cả hai.

Dưới rừng hương đẹp chẳng tri âm
Trên rừng hoa đẹp rơi trên đá

Nếu rơi trên đất còn khả dĩ gọi là. Mà nếu rơi được trên giòng khe thì càng may mắn hơn nữa. Nhưng hoa đẹp rơi trên đá? Rơi trên đá thì còn ra cái thể thống gì?
Thì cũng tỷ như cô Marceline rơi rụng cái hồng nhan mình trên cái hình hài anh chàng Michel (L’Immoraliste).

Hoặc cái chú Jan chạm phải cái phũ phàng cứng rắn của cô em gái Martha. Hoặc cái cứng nuồng Caesonia Seiphion vấp phải cái khối Caligula sa mạc.

Sa mạc phát tiết anh hoa ra ngoài một phen thì sự tình đi tới chỗ trầm trọng bất khả vãn hồi.

Jésus Christ phải lên Calvaire, song song với hai tên trộm cướp…

Tình yêu muôn thuở vẫn là hương
Biết mấy lòng thơm mở giữa đường
Đã mất tình yêu trong gió rủi…

Cái trận gió rủi kia đã đem tai họa đến cho gia đình Nguyễn Trãi. Đã xô Nguyễn Du về giữa triều đình Gia Long. Đó là nơi chốn phát tiết tiếng thơ xưa kia :

Kim cổ vô cùng giang mạc mạc.

Và:

Chắc chi thiên hạ đời nay
Mà đem non nước làm rầy chiêm bao

Và:

Người đâu tá? Quê nhà chưa tỏ
Tuổi bao nhiêu? tên họ là chi?
Đã sinh cùng nước cùng thì
Cùng ta không biệt mà ly bao giờ?

Không biệt mà ly có nghĩa là: mất hết mọi tương ứng thông cảm. Xô bồ chém giết nhau đủ lối. Thì như thế cõi đời không còn là cõi sống của con người ta. Lúc Jésus Christ nói với Ponce Pilate: “Vương quốc ta không phải là cõi đời này” thì ý Ngài muốn nói gì như thế?

Nói xong câu đó, thì Ngài im lặng. Ponce Pilate hỏi: “Bọn chúng lên án Ngài lan tràn như thế, Ngài nghĩ sao?” Jésus Christ vẫn im lặng.

Ấy bởi vì câu nói trên của Ngài đã là lời đáp cho mọi câu hỏi rồi. Ngài không phải là con dân của non nước này, thì luật lệ của non nước này sao có thể lên án Ngài. Ngài chỉ ghé lại viếng chơi giây lát, ôn tồn tâm sự phút giây, rồi phiêu nhiên nhi khứ, như đã phiêu nhiên như lai…

Mọi oan nghiệt trần gian thế là được gột rửa sạch sẽ vệ sinh.

Trong trận lặng lẽ kia của Ngài, chẳng còn ai giết ai, chẳng còn ai anh hùng hữu hận…

Ngài đã đóng xong vai trò của thân thể ở trong cuộc hý trường hư vô kim cổ vô cùng giang mạc mạc.

Bài thơ của Xuân Diệu không có nói ra như thế. Lời thơ Nguyễn Trãi cũng không. Nhưng nó đã bao hàm tất cả những gì chuẩn bị cho linh hồn con người ta thể hội sự tình kia, trong cái thể điệu thi ca hiu hiu hắt hắt. Nó nói chuyện hoa rừng mà không phải chuyện hoa rừng. Nó nói chuyện người thơ, mà không hẳn là chuyện người thơ. Nó nói một đường để người ta nghe một ngả. Nó nói chuyện bà la mật để người ta thấy bỉ ngạn là thử biên. Mà thử biên cũng có thể là vô biên vô tế. Vô biên vô tế cũng có thể là hư vô mà cũng có thể là không phải là hư vô. Non nước ta không phải ở cõi đời này nhưng vì sao ta lại về đây và gieo Phúc Âm vào cho non nước? Gieo vào cho non nước, mà vẫn biết trước rằng non nước chẳng nghe ra. Non nước chẳng nghe ra thì công gieo là công uổng. Công uổng là luống công lao. Thế tại sao lại bận lòng gieo rắc? Bận lòng gieo rắc mà lòng dạ vẫn chẳng bận tâm. Chẳng bận tâm sao có sự đoạn trường. Sao có sự vụ đoạn trường tân thanh? Đã có đoạn trường tân thanh sao còn gọi là góp nhặt lời quê mua vui một vài trống canh cũng được? Mua vui chơi một cuộc sao còn thở than “bất tri tam bách dư niên hậu?”.

Nêu câu hỏi lai rai ráo riết như thế rốt cuộc ta chạm phải cái gì? Ấy là lời thơ hắt hiu đồng Bương Cấn:

Bao giờ ta gặp em lần nữa
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa
Đã hết sắc màu chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?

Triệt ngộ cái lẽ ẩn mật trong nếp gấp thi ca, từ đó về sau chẳng bao giờ ta còn dám trách chúa Jésus mâu thuẫn. Tại sao lúc Ngài bảo là non nước này chẳng phai non nước của Ngài, rồi lúc lâm biệt, ngài lại thở than: “Hỡi Thượng Đế ! Vì sao Người bỏ rơi con !”. (Xem Trăng Châu Thổ).

Bùi Giáng – Đi vào cõi thơ

Similar Articles

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Nhẹ nhàng và tỉ mỉ, Trần Thị Thanh Tuyền, cô gái đam mê Calligraphy (thư

Hội Hòa Lạc ở Huế

Hội Hòa Lạc ở Huế

Trong xu thế tác động ảnh hưởng của văn minh phương Tây hồi đầu thế

Đại thi hào Nguyễn Du với Huế

Đại thi hào Nguyễn Du với Huế

1. Không phải đến tận năm 1805, ở tuổi 41, được triều đình nhà Nguyễn

Tam Khanh – Những vần thơ từ trong khuê các

Tam Khanh – Những vần thơ từ trong khuê các

Vẻ đẹp của nữ sỹ ngày xưa Trong xã hội Nho giáo ngày trước, nếu ở

Tết về nhớ bài tới

Tết về nhớ bài tới

Nhìn bài tới là nhớ tết quê. Bởi những tết năm cũ ở quê tôi

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose