Văn hóa Huế | Homepage
Đường thành Huế tôi qua…

Đường thành Huế tôi qua…

🕔18.Feb 2014
Tôi được sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo bên bờ phá Tam Giang. Từ làng tôi đến thành phố Huế phải mất 40km và được ngăn cách bởi con phá khá rộng. Trước khi cây cầu Tam Giang được xây dựng (người dân địa phương vẫn quen gọi là cầu Ca Cút) thì mọi người phải qua phá bằng đò ngang ở bến đò Cồn Tộc hay bến đò Dừa hoặc đến Huế bằng đò dọc mà mỗi xã có một bến đò riêng như đò Điền Lộc, đò Chợ Mới (Điền Hải), đò Chợ Biện (Điền Hoà), đò Chợ Chiều (Quảng Ngạn), đò Vĩnh Tu… Những buổi chiều hè trong ký ức chúng tôi là những buổi chiều háo hức đợi chờ chuyến đò dọc cập bến với đủ loại quà bánh, trái cây được buôn từ thành phố về. Lúc ấy là lúc rộn rã nhất, người mua người bán tấp nập cả một khúc sông. Và còn vui hơn khi người nhà, người thân của mình “đi Huế” về. Tiếng địa phương gọi sự ngóng đợi những chuyến đò cập bến là “ngừa đò”.


Ngừa đò… (Ảnh: Internet)

Cũng bởi vì sự ngăn cách về địa lý ấy cùng với sự khó khăn về kinh tế của những con người vùng xa nên những đứa trẻ chưa vào đại học hiếm khi được đến thành phố. Vậy nên chúng tôi sống với các ý nghĩ đẹp về thành phố Huế qua các lời kể người lớn, qua sách báo, qua tivi, chứ đâu có tận mắt nhìn thấy lăng tẩm, chùa chiền, cầu Trường Tiền, hay Phu Văn Lâu… Có lẽ vì thế nên đứa nào cũng cố gắng học, cạnh tranh nhau từng giải học sinh giỏi trường, giỏi huyện để được đi thi tỉnh – để đến thành phố “tím mộng mơ”. Lần đến Huế đầu tiên là lúc tôi học lớp 9, tôi được nằm trong danh sách đi thi học sinh giỏi môn Sử năm đó, tôi không được giải trong kì thi ấy, nhưng, tôi đã được đặt chân đến Huế.

Đại Nội Huế nhìn từ đường 23/8 (Ảnh: Internet).

Chúng tôi được thầy dẫn đi tham quan nhiều nơi sau khi kỳ thi gay cấn kết thúc, thế nhưng không hiểu sao tôi lại có ấn tượng đẹp nhất với chuyến đi tham quan Kinh thành Huế. Khi xe xích lô vừa đạp qua Cửa Ngăn để vào Thành, cảm giác tôi lúc đó thật hào hứng, thật ngạc nhiên bởi vẻ đẹp của Thành nội, bởi con đường rợp bóng cây với một sự nên thơ đằm thắm. Tôi lạ lẫm, tò mò nhìn Cửu vị thần công, nhìn những chiếc xe tăng oai nghiêm hùng dũng, và lá cờ bay phấp phới ở Quảng trường Ngọ Môn đầy kiêu hãnh…Cảm xúc lúc đó vẫn còn in dấu.

Thời gian cứ thế trôi qua với bao kỷ niệm, tôi lớn lên và thi đỗ vào Đại học Huế. Cô gái bên bờ Phá Tam Giang đến thành phố nhập học với bao bỡ ngỡ, âu lo. Nhưng tôi cũng không hiểu từ lúc nào tôi đã yêu Huế bằng chính trái tim mình. Tôi thuê trọ ở trong Thành nội, trong khi trường tôi học ở tận đường Hồ Đắc Di (An Cựu). Đạp xe qua đấy cũng 30 phút đi đường, mọi người cứ thắc mắc, tôi chỉ cười. Đâu ai biết, sau cái lần đầu tiên đến Huế, tôi đã khắc dấu trong tim mình hình ảnh hùng vĩ của Kỳ Đài, tráng lệ của Ngọ Môn, oai nghiêm, lặng lẽ của Bảo tàng Lịch sử cách mạng, của con đường thơm mùi hoa sữa…Mỗi khi tôi đạp xe qua con đường ấy vào sáng sớm hay lúc trời về khuya, khi chỉ còn lác đác vài người trên phố, tôi luôn nói trong tim mình: “Đẹp lắm, Huế ơi”. Tôi đã từng nói với một cô bạn cùng lớp rằng “Không hiểu sao mình nhớ Huế ngay cả khi đang ở trong lòng Huế”. Và chỉ mình tôi biết, tôi yêu con đường ấy. Con đường của những buổi sớm mai tấp nập người đi thể dục, đá bóng, đánh cầu lông với không khí trong lành mát mẻ. Con đường của những buổi chiều đầy gió nâng cánh diều bay cao và bay xa. Con đường tuổi thơ của những ai lớn lên ở Huế với bắp rang, cóc, ổi, xoài. Con đường của các cô hướng dẫn viên du lịch trong bộ áo dài thướt tha. Và còn gần gũi hơn, con đường của những buổi chiều hè nước mía tám chuyện với bạn bè cùng lớp. Con đường của mối tình đầu anh nắm tay tôi. Con đường mang tên một thời điểm của lịch sử – con đường 23 tháng 8.

Đa số tên các con đường ở Huế thường được đặt tên bởi một cái tên của vị lãnh tụ, vị quan, người hi sinh vì đất nước hay của một danh nhân nào đấy. Đường 23 tháng 8 là một ngoại lệ. Sao con đường này lại mang tên kì lạ như thế?

Đường 23/8 nhuốm màu lịch sử 

Đường này hình thành từ đầu thế kỷ XIX, cùng với thời gian xây dựng Kinh thành, là con đường chiếm vị trí cực kỳ quan trọng của Hoàng thành và có tên gọi rất sớm. Từ 1945 trở về trước là đường Ngọ Môn; trước 1976 là đường Độc Lập. Tháng 1 năm 1977, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định đặt lại tên là đường Hai Mươi Ba Tháng Tám. Dân gian vẫn quen gọi là đường Ngọ Môn. 

Hai Mươi Ba Tháng Tám là tên ghi ngày tháng của năm 1945 (23/8/1945), ngày tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám nổi lên giành chính quyền thắng lợi ở Kinh đô Huế, đánh dấu sự cáo chung vĩnh viễn của chế độ quân chủ Việt Nam tồn tại suốt ngàn năm. Để chuẩn bị cho ngày 30 tháng 8 năm1945, lễ thoái vị của vua Bảo Đại tại Ngọ Môn, nhà vua trao ấn kiếm biểu tượng vương quyền của nhà Nguyễn cho đại diện Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa từ Hà Nội vào, gồm ông Trần Huy Liệu, ông Nguyễn Lương Bằng, ông Cù Huy Cận. Tại buổi lễ ấy, Bảo Đại nói: “Thà làm dân một nước độc lập, còn hơn làm vua một nước nô lệ”. Ngày 23 tháng 8 năm 1945 đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc. Chính quyền địa phương đã lấy ngày này đặt tên cho một đường phố Huế chạy ngang qua đúng cái nơi đã diễn ra lễ thoái vị của vua Bảo Đại.

Không biết rằng có một ai khác có cảm giác giống tôi không, đó là cảm giác sảng khoái, mát mẻ, thoải mái khi đạp xe qua Cửa Ngăn để đi vào Thành nội. Con đường kể từ cầu Phú Xuân về phía bờ Nam sông Hương rất ít bóng cây. Vào mùa hè, khi phía bờ Nam vừa nóng, vừa bụi thì phía Thành nội lại rất thanh nhàn với hàng cây hai bên đường, đường 23 tháng 8, “Phượng Bay”, Đặng Thái Thân, Lê Huân, Nguyễn Trãi…Những con đường quen thuộc ấy đã đi vào tâm thức tôi một cách nhẹ nhàng, đằm thắm như cô gái Huế vậy. 

Ngày tháng sinh viên cứ thế trôi qua với biết bao khó khăn nhưng cũng ngập tràn kỷ niệm. Tôi vẫn ở trong lòng Thành Nội, lòng yêu Huế nồng nàn vẫn thế.                                                                                                               

Thiều Trúc
(Theo Huế Tourist Việt Nam)

Similar Articles

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose