Văn hóa Huế | Homepage
Độc đáo lọng, tán Hoàng Ngọc Tuyên

Độc đáo lọng, tán Hoàng Ngọc Tuyên

🕔03.Mar 2014

Hữu duyên qua một đồng nghiệp, tình cờ chúng tôi gặp nghệ nhân Hoàng Ngọc Tuyên, ở số 10, kiệt 289, đường Bùi Thị Xuân, Phường Đúc, TP Huế – người nổi tiếng bậc nhất của đất Cố đô từ thập niên 1980 đến nay về nghề làm lọng, tán, bê, tích.

Theo nghề vì khổ

Góc phố nơi ông Tuyên sinh sống sau ngày tết vẫn rộn ràng, người, xe qua lại đông đúc. Căn phòng khách gia đình ông chỉ chừng 20m2, nhưng đã làm cho người lạ hấp dẫn, ấn tượng bởi những ngôi chùa, ngôi tháp, lọng đèn bằng tre, bằng gỗ đẹp mắt, những sản phẩm ông chế tác đã hoàn thiện để trình diễn vào dịp Festival Huế 2014 sắp đến.

Ông Tuyên giới thiệu các công đoạn làm lọng, tán

Nhấp ly trà nóng đầu xuân, ông Tuyên điềm đạm kể về cái duyên nghiệp đến với nghề làm lọng tán, tranh tre của mình. “Khổ quá nên mới chọn cái nghề này, chứ trước đó tôi có biết chi về đèn, về lọng. Tiếp cận nghề rồi bắt tay nghiên cứu tìm tòi, dần dần rồi đam mê”.

Ông Tuyên sinh ra ở làng rèn Hiền Lương thuộc xã Phong Hiền, Phong Điền, rồi theo bố mẹ vào định cư ở làng đúc đồng, Phường Đúc từ năm 1956. Ông vốn là sinh viên đại học Bách khoa ngành cơ khí. Trước những năm đất nước đổi mới, ông Tuyên làm ở ngành thương nghiệp. Năm 1989, ông về nghỉ theo chế độ 176, cũng là thời gian khiến ông trải qua nhiều gian truân, khó khăn của cuộc đời. Những ngày mới về, ông hẫng hụt, bao dự định, dự tính tương lai của gia đình vụt tắt. Nghèo, khó, cuộc sống gia đình thiếu ăn, buộc ông nhảy đủ các nghề từ đạp xích lô đến bốc vác, đi rừng làm củi, làm mây… chỉ mong kiếm đủ gạo nuôi vợ, con. Trong đoạn trường khốn khó ấy, có người thân ở đường Huỳnh Thúc Kháng – TP Huế chuyên làm nghề tre kéo ông về làm cùng. Những lúc ngang qua phố Phan Đăng Lưu, thấy các cửa hiệu bày bán đèn, lọng, thế là ông bắt đầu tìm tòi nghiên cứu làm theo. Từ mày mò nghiên cứu về kiểu dáng cộng với bàn tay khéo léo, ông đã tỉ mẩn chế tác ra các sản phẩm theo cách riêng của mình. Sản phẩm nào ra đời cũng được khách hàng đón nhận.

Ngôi tháp chùa Linh Mụ bằng tre được ông Tuyên làm gần 3 tháng để trình diễn tại Festival Huế 2014 sắp đến

Ông nói, để hoàn thành một chiếc lọng hay tán, đèn phải trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi tính tỉ mỷ cao, sự kỳ công và cả lòng đam mê. Làm lọng, tán nhìn thì dễ, ai cũng làm được, nhưng để làm đẹp, cân cái, trước sau không sệ, không sụp là điều rất khó. Cái lọng phải nghĩ nó giống hệt như cái dù che mưa nắng nên phải làm sao có bộ khung chắc đều. Khung và thân lọng khi giăng hoặc gập lại phải nhẹ. Tất cả những yếu tố đó phải tính toán về kỹ thuật và khi chọn vật liệu tre, gỗ. Với phương châm như thế nên sản phẩm lọng đèn, tán… tạo chỗ đứng trên thị trường, khách đến đặt mua ngày càng nhiều. Không chỉ chuyên về lọng, tán, ông Tuyên còn chế tác các loại đèn trang trí, những ngôi tháp, ngôi chùa và các mặt hàng lưu niệm bằng tre, gỗ rất tinh xảo, có giá trị cao về nghệ thuật thẩm mỹ. Chính những sản phẩm đó đã được hàng chục cuộc thi, hội thi hàng thủ công mỹ nghệ ở trung ương, địa phương và các tỉnh thành khác đánh giá cao. Ông xứng đáng là một nghệ nhân tài hoa ở xứ Huế.

Còng lưng làm đẹp cho đời

Trong cuộc trò chuyện suốt buổi, chúng tôi tranh thủ hỏi: “Cuộc sống gia đình ông bây giờ thế nào?”. Ông Tuyên lại cười hiền: “Cũng có đồng ra đồng vào, không còn nghèo khó như trước. Điều tôi vui, hạnh phúc là bây giờ, tôi thực sự bình an với nghề làm lọng, tán”. Rồi ông thật thà: “Từ lúc trót mang duyên nợ với nghề làm lọng, tán, tôi nguyện đem tất cả những gì mình biết để làm đẹp cho đời. Tôi xác định nghề làm lọng, tán là nghề truyền thống, mang bản sắc văn hóa dân tộc Việt nên mình muốn lưu giữ, muốn truyền nghề cho những ai có nhu cầu”.

Nói đến chuyện truyền nghề, ông tự hào và yên tâm vì đã có 2 người con đang nối nghiệp. Ông dẫn chúng tôi đi quanh nhà giới thiệu cơ ngơi và đang là “đầu tàu” quản lý thường xuyên 20 lao động (là con cháu và người sống lân cận), có lúc cao điểm lên 23 – 25 người. Ngày trước, các công đoạn để làm lọng, tán đều bằng tay, sản phẩm làm ra không nhiều. Nhưng sau nhiều năm ông nghiên cứu và chế tạo ra một số máy như khoan, dập, bào, tách, đưa vào ứng dụng. Nhờ đó mà năng suất các linh phụ kiện trong sản phẩm tăng cả trăm lần so với trước. Một đôi lọng, tán bây giờ giá bình quân từ 500 đến 600 nghìn đồng; có loại 1 – 2 triệu đồng; cao hơn thì 2 – 3 triệu đồng; nhưng lãi không nhiều, chỉ vài chục nghìn đồng/đôi sau khi trừ các chi phí, lương thợ.

“Lãi ít, nhưng sao ông có thể gắn bó với nghề chừng ấy năm và đến giờ đã 70 tuổi mà vẫn hăng say bám nghề?”- tôi hỏi. Ông Tuyên trầm giọng trả lời: “Mình cạnh tranh thị trường bằng giá thành và chất lượng sản phẩm, lấy công làm lãi thôi”. Mới nhìn thấy sự công phu, tỉ mẩn của những cái lọng, tán, đèn trang trí ai cũng nghĩ đó là việc nhẹ lương cao. Nhưng theo ông Tuyên đó là công việc rất vất vả, còng lưng cả ngày nhưng thu nhập mỗi người chỉ khoảng 130 – 150 nghìn đồng mỗi ngày. Chịu khó mới làm được, còn không thì chào thua. Có nhiều người vừa mới vào làm chưa đến ba ngày lại bỏ vì không chịu nổi chứng ngồi lâu đau lưng.

Điều ít ai ngờ tới là cơ sở sản xuất lọng, tán của ông Tuyên nằm trong con kiệt nhỏ, nhưng lại được đông đảo khách hàng không chỉ ở Huế, mà còn khắp nơi ở trong nước đều biết đến, thậm chí còn được xuất khẩu sang tận Mỹ, Lào, Thái Lan… “Cả nước mình, thậm chí ở nước ngoài không thiếu chi người làm lọng, nhưng mấy chục năm nay, sản phẩm gia đình tui làm không kịp bán. Cứ làm ra để đó, a-lô cái là có người đến lấy sỉ mang đi hết”- ông Tuyên tự hào.

Gắn với nghiệp làm lọng đèn, tán suốt mấy thập kỷ như vậy, nhưng khi được hỏi có kỷ niệm vui buồn trong nghề thì ông Tuyên lại tần ngần: “Mình khác họ… Tui chỉ ở trong nhà là mọi người đến đặt và mua hàng của mình. Ai cần món gì về mỹ nghệ tranh tre, gỗ tui làm y hệt món ấy đúng theo yêu cầu, giá thành vừa phải… Rứa đó thôi mà chưa bao giờ tôi nhận tiếng xì xèo của các đại lý hay khách hàng về sản phẩm và cơ sở cũng chưa bao giờ ngừng tiếng lách cách, đục đẽo tre gỗ”.

Chúng tôi thầm nghĩ, đó là một phần thưởng lớn nhất đối với người làm nghề như ông Tuyên hiện nay.

Minh-Thương

Similar Articles

Người “giữ hồn” bánh đúc mật xứ Huế

Bánh đúc mật là thức quà quê hương bình dị gắn liền với tuổi của

Tình chợ

Ngay lối vào cổng chợ, hàng dừa của chị nằm khiêm tốn giữa những gian

Thương lắm gánh hàng rong xứ Huế

Thương lắm gánh hàng rong xứ Huế

Đến Huế, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh các o, các mệ với

Bóng thiền sư nơi cổ tự

Bóng thiền sư nơi cổ tự

Bên ngoài thất Lắng Nghe, tiếng thông reo vi vút, tiếng chim hót và thi

Trung quân Đô thống Nguyễn Hữu Tiễn – không chỉ là kẻ si tình

Trung quân Đô thống Nguyễn Hữu Tiễn – không chỉ là kẻ si tình

Lâu nay, người ta chỉ biết Phò mã Nguyễn Hữu Tiễn là người đã xây

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose