Văn hóa Huế | Homepage

Bất ngờ dưới cơn mưa Huế

🕔17.Dec 2014

Suốt những ngày chúng tôi ở Huế, không ngày nào trời không mưa. Tôi thầm cảm ơn những cơn mưa Huế đã khiến tôi thay đổi lịch trình đã định, để tự khám phá những điều thú vị ở Huế và gặp được những con người Huế thật đặc biệt…


Cầu Trường Tiền nhìn từ cầu Phú Xuân

Người ta nói mưa ở Huế rất buồn. Những cơn mưa dễ làm người ta biếng nhác, chôn chân trong những quán cà phê ấm áp nào đó chờ cho tạnh cơn mưa. Nhưng không phải. Mưa Huế khiến người ta muốn bùng thoát khỏi sự yên ả. Chúng tôi mặc áo mưa, hào hứng bước trên những con đường mộng mơ, khám phá một Huế hiền dịu trong mưa…

Những phố dài loang loáng nước mưa

Cơn mưa Huế không ào ào xối xả, không nhanh tạnh, ráo hoảnh như mưa ở Sài Gòn. Mưa Huế nhẹ sương, mỏng như bụi, mát lạnh. Nếu không đi đường dài, bạn có thể chẳng cần phải mặc áo mưa. Mưa không khiến Huế tối sầm, mà lại phủ môt lớp màng màu bàng bạc, bảng lãng lên khắp cố đô. Trong cơn mưa Huế, có chút se lạnh. Và khi một cơn gió thổi qua, dễ khiến người ta rùng mình tưởng rét nàng Bân. Nói chung, mưa như một “đặc sản” thú vị của Huế, dịu nhẹ, mát lành.

 Cầu Trường Tiền trong mưa chiều

Những cơn mưa Huế không đủ lớn để gây ướt át, nhưng vừa đủ thơ mộng khiến người ta thấy phấn chấn, thấy yên ả, thấy hào hứng và cả muốn ngóng chờ nắng vàng tinh khiết. Suốt những ngày ở Huế, vì mưa, chúng tôi chẳng thể đón bình minh trên Đồi Vọng Cảnh, ngắm hoàng hôn buông trên Phá Tam Giang và biết bao nhiêu điều hấp dẫn đã được đọc về Huế. Nhưng những cơn mưa lại khiến người ta có lý do để khám phá Huế theo một lịch trình bất định, ngẫu hứng và đầy bất ngờ.

Không chỉ có đền đài lăng tẩm uy nghi, Huế còn hấp dẫn chúng tôi bằng con đường với những hàng cây hun hút. Chỉ là những con đường với những hàng cây, nhưng trong không gian trầm mặc, trong làn mưa bụi mờ ảo, lại có sức hút kỳ lạ.

   Một góc đường Bạch Đằng ở Huế

Men theo đường Bạch Đằng với những hàng cây tán lớn như cổ thụ, chúng tôi “lạc” vào chùa Diệu Đế. So với Đại Nội, chùa Diệu Đế mang vẻ đẹp khiêm nhường, nhỏ bé hơn rất nhiều. Nhưng bù lại, ở chùa Diệu Đế có sự yên bình đến kỳ lạ.

Chùa Diệu Đế nằm cạnh sông Gia Hội (còn gọi là sông Đông Ba) nguyên là phủ của vua Thiệu Trị trước khi lên ngôi và được sắc phong thành Quốc Tự năm 1844.

Phía sau chùa có một vườn lan rộng bát ngát, đủ loại khoe sắc, một hồ cá róc rách nước chảy với vô vàn loài cá đủ màu sắc quẫy đuôi thanh bình. Khi chúng tôi đến, trời vừa mưa xong, đang hửng lên chút ánh sáng ban trưa.

Cảnh sắc nên thơ phía sau chùa Diệu Đế trên đường Bạch Đằng

Chúng tôi ngồi trước cửa chùa rất lâu, chỉ để ngắm nhìn trời vừa tạnh mưa, chỉ để nghe sự yên tĩnh đang phủ bọc lấy mình, suy nghĩ về những điều xa xôi. Dường như đây là điểm đứt gãy của thời gian, nơi mọi sự yên bình ngưng đọng lại, nơi mọi xô bồ của cuộc sống không thể chạm đến được.

Từ chợ Đông Ba, đi thẳng gần hết đường Trần Hưng Đạo, cạnh công viên Thương Bạc, chúng tôi thích thú trước một đoạn đường dài bày biện các loại đồ gốm sứ, đồ cổ, hết sức ngay ngắn. Ngắm nhìn một lúc mà chẳng thấy ai, chúng tôi qua đường mua nước uống thì thấy một cụ già chạy theo mời lại xem đồ. Sự nhiệt tình của ông khiến chúng tôi khó từ chối.

Từ phía đường vào trong là những hàng gốm được sắp xếp theo từng đời vua nhà Nguyễn, từ vua Bảo Đại, đến đời vua Minh Mạng. Hỏi ra mới biết, ông là nhà sưu tập đồ cổ Nguyễn Văn Hoài Phương có tiếng ở Huế. Ông sưu tập đồ cổ hơn 40 năm và bắt đầu bán đồ cổ cho du khách đã được 39 năm.

Nhà sưu tập đồ cổ Nguyễn Văn Hoài Phương bên chiếc bát cổ trị giá hơn 10 triệu đồng của mình

Theo lời ông kể, có bảo tàng trả ông rất cao cho bộ sưu tập đồ cổ của các triều đại nhà Nguyễn, nhưng ông không bán. Mà hằng ngày, ông lại bày bán chúng bên vệ đường cho khách du lịch, với giá từ 80.000 – 100.000 đồng với các loại đồ gốm cổ thông thường. Vì với ông, bộ sưu tập là vô giá và việc gặp gỡ, giới thiệu những món đồ cổ cho khách du lịch cũng là những trải nghiệm vô giá. Thế nên, dù trời mưa hay nắng, ngày ngày ông vẫn bày bán đồ cổ bên vệ đường, đến tận khuya…

Tôi mua một chiếc đĩa cổ hình long phụng thời vua Tự Đức với giá 80.000 đồng sau khi được ông giảng giải chi tiết về nguồn gốc, ý nghĩa hoa văn. Ông lau thật sạch chiếc đĩa ướt mưa vào áo khoác của mình, gói cẩn thận và trang trọng trao nó cho tôi. Nhận chiếc đĩa từ tay ông,  tôi thầm cảm ơn những cơn mưa Huế đã khiến tôi thay đổi lịch trình, để tự khám phá những điều thú vị và may mắn gặp được những con người Huế thật đặc biệt…

Thanh Thủy
(Theo iHay)

Similar Articles

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose